Ở nước ta, có nhiều nhạc sĩ vẽ, nhưng dường như chỉ có ba nhạc sĩ coi vẽ như nghề-nghiệp thứ hai của mình: Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc và Nguyễn Đức Toàn. Họ thực sự là những họa sĩ.
Nói về một họa sĩ-nhạc sĩ có lẽ vừa dễ hơn mà cũng vừa khó hơn nói về một họa sĩ hay một nhạc sĩ.
Dễ hơn là bởi vì các họa sĩ-nhạc sĩ có lợi thế hơn trong việc học hỏi, nhận biết cách sử dụng lẫn nhau các phương tiện riêng của cả hội họa và âm nhạc theo những “nguyên tắc như nhau”, và như vậy ta có đồng thời hai khả năng tốt hơn cho trải nghiệm và phân tích nghệ thuật. Nhưng cái khó tương ứng kèm theo là để chỉ ra được chính xác cách mà người họa sĩ-nhạc sĩ đã sử dụng thích đáng những phương tiện ấy, lại đòi hỏi một trình độ hiểu biết chuyên môn nhất định cả về hội họa lẫn âm nhạc.
Hoặc dễ hơn là bởi vì ranh giới phân chia “trông thấy” giữa hội họa và âm nhạc thường mang đến sự so sánh giữa chúng với nhau trong quá trình tìm kiếm từ “nội tâm”, mà điều này thì lại thường rõ ràng hơn ở các họa sĩ-nhạc sĩ. Thế nhưng, cái tâm thế thôi thúc sáng tác bằng hội họa hay bằng âm nhạc ở cùng một người nghệ sĩ lại thường không hoàn toàn giống nhau. Nguyễn Đức Toàn đã từng viết: “Khi náo động nhất, có khi ta bỗng lắng lại để tìm một thi hứng âm nhạc. Và khi ngồi một mình suy ngẫm về thế sự, bỗng nhiên ta lại muốn bộc lộ ta bằng những mảng, khối, đường nét của nghệ thuật tạo hình”. Đây cũng là một trong những khó khăn thử thách sự phân tích về các họa sĩ-nhạc sĩ và nghệ thuật của họ. Vân vân và vân vân.
Riêng Trịnh Công Sơn sáng tác âm nhạc- nói theo Nguyễn Thiện Đạo- tựa như một nhà thơ. Và Trịnh Công Sơn cũng sáng tác hội họa như một nhà thơ. Khuynh hướng chung của nghệ thuật Trịnh Công Sơn, có thể nói, là khuynh hướng “ấn tượng duy thức” (impressionnisme intellectualiste) của một nhà thơ, hài hòa giữa tâm và vật.
* * *
Trên thực tế, Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Đức Toàn đều đã tham dự các lớp dự bị hoặc các lớp bàng thính tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào những năm 1940-1945. Bản thân Nguyễn Đức Toàn còn được thừa hưởng dòng máu tạo hình ở người cha- cụ Nguyễn Đức Thục, một nhà điêu khắc nổi tiếng nửa đầu thế kỷ 20.
Nếu Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc đã có tác phẩm hội họa từ trước Cách mạng Tháng Tám, thì ngay trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đức Toàn, trẻ hơn nhiều, cũng đã được xem như một họa sĩ.
… Từ những năm 1980, Nguyễn Đức Toàn (tác giả của các ca khúc nổi tiếng như “Quê em”, “Biết ơn Võ Thị Sáu”, “Chiều trên bến cảng”) hầu như chỉ chuyên tâm vào vẽ, vừa để thỏa lòng say mê, những ước vọng về hội họa ấp ủ đã lâu, mà cũng vừa để “sống” trong thời kỳ bao cấp quá khó khăn của đất nước khi đó. Ông vẽ rất nhiều, rất nhiều và vẽ bằng đủ các chất liệu, từ khắc gỗ, bột màu, mực nho, lụa cho đến sơn dầu, sơn mài (vẽ sơn mài thiếu vóc, ông tự làm lấy vóc). Trong các họa sĩ- nhạc sĩ, ông là người sử dụng nhiều loại chất liệu nhất. Và hội họa của ông rất được hâm mộ.
Dưới đây là một đoạn viết của Nguyễn Đức Toàn, khá cụ thể và tỉ mỉ, đọc cũng nhanh thôi:
“… Nhớ một chuyến đi đặc biệt, chúng tôi (có nhà thơ Cù Huy Cận) được Bộ tư lệnh Hải quân mời tham quan một cuộc diễn tập của bộ đội ngoài khơi. Trong cuộc diễn tập này có phóng ngư lôi và bắn đạn thật. Chúng tôi xuống tàu lúc trời đã xế bóng, ra đến khơi, hạm đội cắm neo, đúng vào lúc trăng lên đến đỉnh đầu. Biển lặng như tờ, mặt nước như không có sóng, mặt trăng tròn, sáng, nhìn chẳng rõ trăng ở mặt nước hay ở trên trời. Cảnh vật quá đẹp và còn đẹp hơn khi anh Cù Huy Cận kéo tôi ra sát mạn tàu, anh chỉ vào mặt nước bảo tôi:
– Cậu có bao giờ thấy nước biển có màu xanh như thế này chưa?
Tôi như bị sốc bởi cái màu xanh kỳ lạ quá. Không thể tả bằng văn chương, nếu pha màu để vẽ thì cũng không ai tin được là sao màu xanh đẹp đến như thế. Cái màu xanh của biển dưới ánh trăng tạo ra một chiều sâu trong suốt, thăm thẳm. Sau này, mỗi khi viết một bài ca nào về biển, tôi lại từ cái màu xanh huyền thoại của biển ấy mà ‘khấn’, sao cho hồn biển nhập vào tôi.
… Tôi cứ nghiệm ra rằng: cái gì mà nó cứ ám ảnh mình hoài, thì rồi có lúc mình sẽ viết được một cái gì đấy. Nhiều lần đi biển, biển cứ ám ảnh tôi, hầu như gần hết cả cuộc đời, nên tôi tin rằng mình sẽ viết được ít ra cũng là một bài để đời, về đề tài biển.
Cách tiếp nhận trong mỗi chuyến đi thực tế của nhạc sĩ, chẳng hề giống nhà văn, nhà báo. Cứ hỏi han, ghi chép. Còn nhạc sĩ chúng tôi thì như đang ‘thiền’. Không hỏi han, không ghi chép mà cứ mở ra, phanh tất cả ra cho gió, cho hương, cho mọi thứ nhập vào mình, ám ảnh mình. Chờ đến một lúc nào đấy, một bài hát ra đời”.
Các bức tranh của Nguyễn Đức Toàn có lẽ cũng đã ra đời, là kết quả của một quá trình trải nghiệm trong lĩnh vực cảm xúc như thế.
Nếu ông hay bắt đầu một bài hát với một câu văn thật giản dị như một câu nói thường ngày, kiểu như: “Một chiều mùa hè, gặp nhau trên bến cảng. Ta chia tay nhau, trong lòng bao lưu luyến”- thì ông cũng hay bắt đầu một bức tranh với một cấu tứ giản dị tưởng như đã quen thuộc lắm, quen tới mức sáo cũ, chẳng hạn: những con đường làng- những gốc đa- những cái cổng; những mảng ruộng- những ngôi nhà- những đống rơm; mái chùa cổ- mặt trăng; hoặc thiếu nữ- hoa- lá- cây…
Rồi sau đó, là sự thăng hoa lấp lánh của mộng tưởng và liên tưởng: “Anh đi ra khơi theo luồng cá biển. Em đi lên rừng theo tiếng sáo nai”- để rồi chùng một quãng, giai điệu nhạc bỗng vút lên cao như cánh diều: “Ôi, đất nước đang gọi mình đi. Những cánh chim của đồng quê. Hỡi em yêu, ta lại hẹn, đến ngày về.”
Trong âm nhạc cũng như trong hội họa, Nguyễn Đức Toàn dường như không cầu kỳ ở giai điệu hay tiết tấu, mà ông rất chú trọng đến thủ pháp luôn luôn nhắc lại và biến hóa “âm hình” chủ đạo, ví dụ: Rề, Rề, Rề (như tạo một gạch ngang), fa, sol, sol, la, rề, La, La, La (một gạch ngang), đô, la, đô, đô, rế… Rê, Rế, Rế, rê, đô, rê, mi, là, Si, Si, Sol, si, đô, rê, la – rồi bùng lên, rồi đi xuống và kết thúc ở nốt thấp (rề), “nghe nó ấm, dễ xúc động”- như ông nói.
Âm nhạc không chỉ tạo cho hội họa Nguyễn Đức Toàn những khoảng cách cần thiết với sự thật, với thực tại, cũng như khoảng cách giữa thực nghiệm và đề tài (hay nói khác đi, âm nhạc đã giúp ông tiếp cận được với “hiện thực nhiệm màu của họa sĩ”) – mà âm nhạc còn tạo cho ông một năng lực “nghe” hình-màu mà không phải họa sĩ nào cũng có. Tranh của ông có rất nhiều “giọng” (voix) lạ, đôi khi chỉ khác bình thường một chút là đã đủ trở nên đặc sắc. Ông vẽ phong cảnh, tĩnh vật bằng sơn dầu, bột màu như sáng tác các Cantate, khi một bè, khi nhiều bè, với các tầng nhạc đệm phong phú. Ông vẽ phong cảnh bằng sơn mài, tranh thiếu nữ trên nền lụa như sáng tác các Prélude, với những nốt nhạc du dương, huyền ảo, lắm khi chỉ như bản vẽ phác mà vẫn gây hiệu quả hoàn thiện; vẽ các bố cục trừu tượng hoặc bán trừu tượng, các bố cục ứng tấu (improvisation) tựa như sáng tác các bản Fuga, đầy những mảng màu, đường nét chuyển động “thoát- đuổi” vô cùng linh động… Vả lại, kỹ năng nghề nghiệp khá vững chắc về hội họa ở Nguyễn Đức Toàn cũng xứng tầm để ông thể hiện tất cả những gì ông muốn.
Tâm hồn Nguyễn Đức Toàn là tâm hồn của một nghệ sĩ yêu nước, yêu quê hương, chiến đấu vì tự do và cái đẹp. Ông cũng rất thích khai thác vốn cổ dân tộc, tìm về quá khứ cha ông, cả trong âm nhạc lẫn hội họa. Cái chất lính trong con người ông có thể “tộc tuệch”, “xuề xòa”, “bất cần” ở ngoài đời, nhưng bao giờ cũng đầy khí phách, tráng kiện trong nghệ thuật.
* * *
“… Bởi trí tuệ và tài năng quá khiêm tốn, lại trong một môi trường văn hóa còn chưa phát triển, đặc biệt là âm nhạc, thì dẫu rằng có sống trăm tuổi, cũng chỉ có thể là một nhạc sĩ viết ca khúc với một số bài hát được yêu thích. Thế là đủ!”. Về mình, Nguyễn Đức Toàn đã viết như vậy. Nhưng rốt cuộc, ông vẫn là một trong số vô cùng ít những nghệ sĩ đã liên kết được sức mạnh của cả âm nhạc và hội họa. Bên cạnh một Văn Cao họa sĩ “lập thể”, một Nguyễn Đình Phúc họa sĩ “biểu hiện”- Nguyễn Đức Toàn là một họa sĩ “trữ tình” như có cả hai cái đó và… Thế mới là đủ!
Quang Việt