Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật 2001
Tên thật là Nguyễn Như Huân. Quê huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông học khóa 18 Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, chỉ được hơn một năm thì trường buộc phải giải thể do Nhật đảo chính Pháp.
Người gốc Bắc nhưng ông hoạt động – sáng tác hoàn toàn ở Trung Bộ, nhất là Nam Bộ và chia thành hai thời kỳ.
1945-1954 (thời kỳ thứ nhất): Tổng khởi nghĩa, ông xung phong vào Vệ quốc quân, “Nam tiến” ngay và tháng 11 (1945) đã vào tới Nha Trang. Từng chỉ huy một đại đội đánh giặc, vẽ ký họa trên các chiến trường Khu 5, từ Pleiku-Kontum đến đèo Hải Vân, đèo Cả. Từ 1951, phụ trách Phòng hội họa quân đội Khu 5. Tại triển lãm đầu tiên ở Quảng Ngãi (1953), ông được “Giải thưởng Phạm Văn Đồng”.
1960-1962, sau khi trở ra Bắc một thời gian, ông là trưởng phòng thiết kế mỹ thuật Xưởng phim truyện Việt Nam.
1963-1974 (thời kỳ thứ ha): ông lại vượt Trường Sơn, công tác tại Trung ương Cục miền Nam, phụ trách Phòng hội họa Giải phóng B2. 1964, đi vẽ ở Củ Chi. 1965, ở Bến Tre. 1966, ở Trà Vinh và Cần Thơ. 1967, thực tế ở Cà Mau, mở một lớp đào tạo hội họa cho Tây Nam Bộ. Cũng trong thời gian này, ông tổ chức hàng trăm cuộc triển lãm “ký họa” lưu động phục vụ bộ đội, xã ấp, sang tận Phnôm-Pênh rồi chuyển ra Hà Nội.
Từng là Cục trưởng Cục Mỹ thuật Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Hội viên sáng lập Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa 1 (1957-1983, danh sách bổ sung 1980).
Ông chuyên tranh sơn khắc và là một trong số ít họa sĩ có sản lượng lớn ở chất liệu này. Sau ông phối hợp cả mài và khắc, gọi là “sơn mài khắc”. Trong sơn khắc, ông đi vào một khuynh hướng hiện thực riêng: hình mảng to rộng và theo luật xa gần châu Âu. Qua tài nghệ khắc của ông, thiên nhiên – cuộc sống – con người miền Nam hiện lên với những nét đặc trưng “một đi không bao giờ trở lại” của thời kỳ chiến tranh gian khổ mà hào hùng: Trước giờ xuất kích (1979), Binh công xưởng trong rừng U Minh (1972, BTMTVN, có lúc ghi sai thành Rừng đước Cà Mau), Làng trong rừng đước Cà Mau (1982, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh)…
Ông cũng có một số tác phẩm về “Tây Nguyên anh hùng, bao la hùng vĩ”.
Quang Việt
Trích “Từ điển họa sĩ Việt Nam”,
Quang Việt, NXB Mỹ thuật 2008