BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG * Số 31-CT/TW |
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2019 |
CHỈ THỊ
CỦA BAN BÍ THƯ
về đại hội các hội văn học, nghệ thuật
và Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam
Trong 5 năm qua, các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam đã bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng về văn hóa, văn nghệ; phát huy vai trò của tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, thực hiện tốt nhiệm vụ tập hợp, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sáng tạo đi vào chiều sâu, coi trọng sáng tác gắn liền với quảng bá tác phẩm. Công tác đối ngoại nhân dân và giao lưu quốc tế về văn học, nghệ thuật được đẩy mạnh. Công tác nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chuyển biến tích cực. Công tác đấu tranh phản bác các khuynh hướng, hành vi cực đoan, các quan điểm, luận điệu xuyên tạc, sai trái trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật được coi trọng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng các tài năng trẻ, văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số được quan tâm. Quyền tự do sáng tạo của người nghệ sĩ được tôn trọng, không khí dân chủ được mở rộng.
Tuy nhiên, lĩnh vực văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ nước ta còn một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Chưa có nhiều tác phẩm phản ánh sinh động, sâu sắc, xứng tầm với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước. Hoạt động lý luận, phê bình còn thụ động, thiếu tính chiến đấu, tính định hướng. Công tác quản lý văn hóa, văn học, nghệ thuật chưa theo kịp sự phát triển. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ ở các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương còn có những bất cập, hạn chế. Một bộ phận văn nghệ sĩ chưa nêu cao trách nhiệm công dân, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp.
Trong những năm tới, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng. Sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, sự giao lưu văn hóa, nghệ thuật giữa các quốc gia sẽ tác động không nhỏ đến sự phát triển của văn học, nghệ thuật nước ta. Năm 2019 và năm 2020, các hội văn học, nghệ thuật và Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam sẽ tiến hành đại hội nhiệm kỳ. Đại hội lần này được tiến hành trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; đất nước ta tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, thống nhất, chủ quyền, lãnh thổ quốc gia và giữ gìn môi trường, hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Với tinh thần “Đoàn kết – Dân chủ – Đổi mới – Trách nhiệm”, việc chuẩn bị và tổ chức đại hội các hội văn học, nghệ thuật và Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam (sau đây gọi tắt là các hội, liên hiệp hội) cần làm tốt một số nhiệm vụ sau đây:
- Đại hội phải thực sự là đợt sinh hoạt chính trị, văn hoá và nghề nghiệp quan trọng của đội ngũ cán bộ, hội viên và đông đảo văn nghệ sĩ. Đây là dịp để tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của nghệ thuật trong việc xây dựng nền tảng đạo đức, văn hóa, tinh thần của xã hội và vai trò, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của đội ngũ văn nghệ sĩ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đại hội cần tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về văn hóa, văn nghệ; đánh giá đúng tình hình hoạt động của các hội, liên hiệp hội trong nhiệm kỳ vừa qua, rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác chỉ đạo, quản lý và hoạt động của các hội, liên hiệp hội. Đại hội cần phát huy, tập trung trí tuệ, trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ trong việc xây dựng phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp để các hội, liên hiệp hội phát triển vững mạnh, nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả hoạt động chuyên môn; góp phần đào tạo, hỗ trợ, chăm lo đời sống, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị; nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động hội và tư duy sáng tạo của văn nghệ sĩ; khắc phục hạn chế, yếu kém trong hoạt động nghề nghiệp, công tác tổ chức hội, chất lượng hội viên; ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, tư tưởng lệch lạc, sai trái trong lĩnh vực văn hóa, trước hết là trong văn học, nghệ thuật.
Đại hội cần kiểm điểm, đánh giá sâu sắc việc thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; tiếp tục cổ vũ, động viên, khích lệ văn nghệ sĩ sáng tác về đất nước, con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về công cuộc đổi mới, về sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
- Ban Chấp hành các hội cần chuẩn bị tốt các văn kiện trình Đại hội: Báo cáo của Ban Chấp hành, Báo cáo sửa đổi Điều lệ, Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành nhiệm kỳ vừa qua.
Cần đặc biệt quan tâm làm tốt công tác nhân sự và tổ chức bầu cử theo đúng quy định. Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành khóa mới cần trên cơ sở kế thừa và phát triển theo hướng trẻ hóa cán bộ; bảo đảm tiêu chuẩn, kết hợp với cơ cấu vùng miền, giới tính, dân tộc, các ngành chuyên môn. Ban Chấp hành có số lượng hợp lý, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của các hội, liên hiệp hội trong những năm tới. Đại hội cần bầu đủ số lượng Ban Chấp hành gồm những người thực sự tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, có đủ sức khỏe, có uy tín, có khả năng đoàn kết, tập hợp văn nghệ sĩ.
Đại hội các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương nhiệm kỳ này được tiến hành theo hai cấp: Đại hội cơ sở và đại hội toàn quốc. Đại hội cơ sở là đại hội toàn thể, đại hội toàn quốc là đại hội đại biểu. Các đại biểu được bầu dự đại hội cấp trên phải là những văn nghệ sĩ tiêu biểu về chấp hành đường lối, quan điểm văn hóa, văn nghệ của Đảng, hoạt động chuyên môn, gương mẫu chấp hành Điều lệ Hội.
- Đảng đoàn Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam và Ban Chấp hành các hội cần chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương chỉ đạo chặt chẽ công tác chuẩn bị nội dung, chương trình đại hội và công tác nhân sự của các hội. Tổ chức đại hội theo tinh thần đổi mới, bảo đảm đúng quy định, trang trọng, thiết thực, hiệu quả và đúng tiến độ.
- Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương có liên quan phối hợp chỉ đạo, tạo điều kiện, hỗ trợ các hội văn học, nghệ thuật địa phương, các chi hội chuyên ngành Trung ương hoạt động tại địa phương chuẩn bị và tổ chức tốt đại hội theo quy định của điều lệ các hội.
- Các hội văn học, nghệ thuật và Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam và các tỉnh, thành phố lập dự toán kinh phí tổ chức đại hội trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, bảo đảm thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm.
- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban cán sự đảng các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nội vụ, Tài chính và các cơ quan liên quan chỉ đạo hướng dẫn để thực hiện tốt Chỉ thị.
Nơi nhận: – Các tỉnh ủy, thành ủy, – Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, – Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương; – Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, – Lưu Văn phòng Trung ương Đảng. |
T/M BAN BÍ THƯ Trần Quốc Vượng (đã ký và đóng dấu) |