TƯỞNG NIỆM 30 NĂM NGÀY MẤT CỦA NGUYỄN SÁNG (16/12/1988 – 16/12/2018): TÌM NGƯỜI EM CỦA NGUYỄN SÁNG QUA TRANH NGUYỄN SÁNG

 

Có thể nói, Nguyễn Sáng là một họa sĩ vẽ chân dung tài năng bậc nhất, không chỉ ở nước ta mà còn có thể sánh ngang với các bậc thầy vẽ chân dung trên thế giới.

Mỗi bức chân dung do Nguyễn Sáng vẽ, nếu được tìm hiểu, thì chắc chắn chúng ta đều có thể viết nên một câu chuyện hết sức thú vị.

Câu chuyện dưới đây là câu chuyện về bức tranh “Em tôi” của Nguyễn Sáng.

***

Bức tranh “Em tôi” của Nguyễn Sáng thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, không biết từ bao giờ, chỉ biết tôi đã được xem nó trực tiếp tại Bảo tàng từ năm 1995 hay 1996 gì đó.

Nguyễn Sáng có một người anh tên là Nguyễn Văn Nên, còn nhân vật trong bức “Em tôi” là người em trai, tên là Nguyễn Văn Hoa. Tên đầy đủ của Nguyễn Sáng là Nguyễn Văn Sáng. Tuy rằng sinh ba con trai, “tam nam”, nhưng gia đình Nguyễn Sáng không nghèo, vẫn thuộc hàng trung lưu, ba làm nghề dạy học, má buôn bán nhỏ.

Sau, thỉnh thoảng tôi có được gặp lại “ông Nguyễn Văn Hoa”, trong một số cuốn sách có in tranh của Nguyễn Sáng. Ồ! Cũng chỉ là những “cuộc gặp” thoáng qua mà thôi.

NGUYỄN SÁNG (1923 – 1988) – Mẹ tôi. 1959. Sơn dầu. Đã bị thất lạc.

 

Chữ ký và đát tranh của Nguyễn Sáng trên bức tranh “Em tôi”.

… Chỉ đến mấy năm gần đây, khi tôi bắt tay vào nghiên cứu sâu về Nguyễn Sáng để viết cuốn sách “Nguyễn Sáng” (đã xuất bản cuối năm 2017) – thì bức tranh “Em tôi” vẽ ông Nguyễn Văn Hoa ấy của Nguyễn Sáng – mới “nảy sinh” vấn đề và “sinh sự”.

Số là, không biết vì đâu, bằng cách nào, và từ bao giờ, câu chuyện Nguyễn Sáng sống một mình ở miền Bắc, không người thân – dường như đã trở thành một “sự thật” hiển nhiên? Và cái truyền thuyết về sự cô đơn của Nguyễn Sáng trên đất Bắc dường như cũng đã tô đậm thêm bản anh hùng ca sử thi về cuộc đời Nguyễn Sáng?

Nhưng, cũng có một sự thật hiển nhiên khác, mà có thể ít người để ý, lại có vẻ trái ngược với “sự thật” hiển nhiên kể trên.

Trên bức tranh “Em tôi”, Nguyễn Sáng đã ghi “đát” hết sức rõ ràng: “6-1967”, tức là ông đã hoàn thành bức chân dung vẽ người em ruột của mình, ông Nguyễn Văn Hoa, ở Hà Nội ( tất nhiên phải là như vậy), vào tháng 6 năm 1967, trong thời kỳ chiến tranh.

NGUYỄN SÁNG (1923 – 1988) – Em tôi. 6-1967. Sơn dầu. 80x60cm. Bảo tàng Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh

Mặc dù vẫn biết, không phải không có những trường hợp, người họa sĩ ghi đát tranh không đúng theo thực tế (tức là bức tranh có thể đã được hoàn thành sớm hơn hoặc muộn hơn so với thời điểm được hiển thị trên đát), nhưng riêng ở trường hợp bức tranh “Em tôi”, có ít nhất ba lý do để cho thấy “đát” của bức tranh này là hoàn toàn chính xác, với đầy đủ thông tin và ý nghĩa gắn với cách ra đời cũng như hoàn cảnh ra đời của nó.

Thứ nhất: Về mặt kỹ thuật, bức tranh “Em tôi” đã  được Nguyễn Sáng vẽ trên vải bao tải, với những lớp sơn mỏng khô kiệt, điển hình cho những bức tranh đã được sáng tác trong tình trạng cực kỳ khan hiếm vật liệu do chiến tranh đang “leo thang” đến đỉnh điểm trên phạm vi cả nước.

Thứ hai: Năm 1967 (đát của bức tranh) là năm Nguyễn Sáng 44 tuổi, cũng có nghĩa vào năm ấy, ông Nguyễn Văn Hoa, người em của Nguyễn Sáng, khoảng trên dưới 40 tuổi – một độ tuổi rất tương ứng với độ tuổi của nhân vật được vẽ trong tranh (ngày ấy cuộc sống thời chiến kham khổ, vất vả, con người già nhanh hơn so với bây giờ). Vả lại, trang phục mùa hè của nhân vật cũng rất tương ứng với thời điểm “tháng 6” được ghi trên đát tranh (thêm một điểm cộng cho tính xác thực).

Thứ ba: Nếu so sánh bức “Em tôi” với bức “Mẹ tôi” Nguyễn Sáng vẽ năm 1959 – thì có một sự khác biệt rõ rệt. Ở bức “Mẹ tôi”, Nguyễn Sáng vẽ theo phong cách “biểu tượng”, bởi vậy, ông có thể vẽ hoàn toàn theo trí nhớ, theo trí tưởng tượng, hoặc có thể vẽ dựa theo một tấm ảnh cũ nào đấy, không cần người mẫu. Còn ở bức “Em tôi”, Nguyễn Sáng vẽ theo phong cách “hiện thực”, thậm chí là “hiện thực hơi khắc khổ”, mà người xem có thể cảm nhận được rất rõ ràng, giữa người vẽ và người được vẽ hẳn phải có một mối liên hệ “trực tiếp” trong không gian thực và thời gian thực, hay nói đơn giản hơn, người được vẽ có “làm mẫu thực” cho người vẽ, chỉ ít hay nhiều mà thôi…

Cuối cùng, từ ba lý do ấy, tôi đã khẳng định: Ông Nguyễn Văn Hoa, người em ruột của Nguyễn Sáng, chắc chắn có mặt ở Hà Nội, ít nhất vào tháng 6 năm 1967.

***

Để củng cố niềm tin của mình, tôi gọi cho anh Lê Chấn (một người bạn vong niên khá thân thiết của Nguyễn Sáng), nhưng không có tín hiệu. Nghe nói anh Chấn đã chuyển nhà và đang phải điều trị một căn bệnh nào đó.

Anh Hoàng Đình Tài (một người bạn vong niên khác của Nguyễn Sáng) đã hẹn tôi để nói chuyện về Nguyễn Sáng, nhưng khi tôi gọi cho anh thì được biết anh đang ở Đức, rồi chỉ ít lâu sau anh mất ở Hà Nội.

Một lần, tình cờ gặp anh Lê Cường (con trai cụ Lê Vượng, người mà Nguyễn Sáng đã từng coi như một người anh), nghe tôi hỏi về Nguyễn Sáng, anh lắc đầu, nói: “Tớ chịu! Nhớ mang máng thì Nguyễn Sáng không có anh em nào ở ngoài Bắc. Nhiều hôm chú Sáng bị đói, chú tạt vào giục mẹ tôi nấu cơm cho chú ăn: Nhanh, nhanh, nhanh lên chị ơi”.

Tôi bèn tìm đến anh Nguyễn Hưng, em vợ của Nguyễn Sáng, hiện đang sống tại căn phòng cũ của Nguyễn Sáng trên tầng ba ngôi nhà số 65 phố Nguyễn Thái Học. Anh Hưng hiện cũng là người duy nhất trực tiếp lo hương khói cho vợ chồng Nguyễn Sáng.

Gặp anh Hưng, tôi hỏi ngay: “Nguyễn Sáng có người thân nào ở ngoài Bắc không?” Anh cũng trả lời ngay: “Không, hình như không. Chỉ nhớ ông Hoa có một bà vợ người Bắc…” Hôm ấy, tôi và anh Hưng hàn huyên rất lâu, nhưng chủ đề đầu tiên không nhắc lại nữa.

Về ông Nguyễn Văn Hoa, trong các “văn bản” tư liệu về Nguyễn Sáng, chỉ có mấy câu: “theo nghề cha, dạy Anh ngữ ở Sài Gòn”, hoặc “dạy Anh ngữ ở Trường Đại học Ngoại thương  – những thông tin hoàn toàn không xác định về mặt thời gian???

Vậy là, sự thật mà tôi phát hiện rốt cuộc cũng chỉ là một sự thật tìm trong nghệ thuật. Tôi tin là tôi đúng, nhưng vẫn không dám liều…

Bản tốc ký của tác giả Quang Việt ghi lời kể của anh Nguyễn Hưng, em vợ của Nguyễn Sáng.

Trong bản thảo phần viết về bức tranh “Em tôi” của Nguyễn Sáng, tôi  đã viết:

“Nguyễn Sáng ra Bắc năm 1940, và kể từ đó ông sống xa nhà suốt mấy chục năm trời. Ba má ông đều đã mất trong thời kỳ chiến tranh. Trong hai người anh em trai của ông , chỉ có người em, ông Nguyễn Văn Hoa, là có đôi chút thông tin. Ông Hoa theo nghề cha, làm giáo viên, dạy Anh ngữ ở Sài Gòn, sau giải phóng hình như có thêm một đời vợ người Bắc. Ông Hoa đã mất trước Nguyễn Sáng chỉ ít lâu.

Bức chân dung này Nguyễn Sáng vẽ năm 1967. Trước đó, năm 1959, ông cũng đã vẽ bức chân dung ‘Mẹ tôi’. Có thể cả hai đều được vẽ dựa trên trí nhớ hoặc theo những tư liệu nào đấy”…

Vài giờ đồng hồ trước khi cuốn sách “Nguyễn Sáng” được đưa đi nhà in, tôi có nhờ anh Hoàng Minh Chính ở Tạp chí Mỹ thuật gọi điện cho cô Nguyễn Hải Yến (một người rất am hiểu và đã từng quen thân Nguyễn Sáng), để hỏi đúng một câu hỏi “tối hậu”: Nguyễn Sáng có người thân nào sống ở Hà Nội hay không?

Gọi xong, anh Chính nói với tôi: “Cô Nguyễn Hải Yến bảo không có. Nguyễn Sáng không có người thân nào ở Hà Nội”.

Như có người đã nói: Lịch sử đáng tin nhất là lịch sử ở trong nghệ thuật. Tôi lập tức sang phòng chế bản của cơ quan, nói với anh Cồ Thanh Tuấn đặt thêm vào cuối câu “… dựa trên trí nhớ hoặc theo những tư liệu nào đấy” – một dấu chấm hỏi trong ngoặc đơn. Một sự kháng cự cuối cùng của “lý thuyết” trước “cây đời mãi mãi xanh tươi”!!!

***

Sau khi sách “Nguyễn Sáng” in xong, tôi đem một trong những cuốn đầu tiên đến thắp hương trên bàn thờ Nguyễn Sáng ở 65 Nguyễn Thái Học. Cùng cuốn sách, tôi sang ngõ Yên Thế mua thêm một chai rượu Lúa mới, một bao thuốc Vina, hoa và chút quả. Cậu bạn đi với tôi giễu: “Sao anh không mua cho Nguyễn Sáng chai rượu Tây?” Tôi bảo: “Nguyễn Sáng quen uống rượu ta. Mua rượu Tây nhỡ cụ không đọc được thì chết tao à”. Hahaha.

Thắp hương xong, tôi lại ngồi trò chuyện với anh Hưng, em vợ Nguyễn Sáng.

Hình như, đến tận hôm ấy, hôm đã có quyển sách, anh Hưng mới thực sự cảm thấy những lời kể của anh về Nguyễn Sáng có ý nghĩa rất quan trọng đối với tôi, nên anh rất chú tâm.

Sau mấy câu dạo đầu, tôi lại lân la hỏi:

– Hình như ông Hoa có ở ngoài Bắc cùng với  Nguyễn Sáng?

Anh Hưng nhíu mày, lẩm nhẩm từng chữ một:

– Để tôi nhớ lại xem… ông Hoa… ở ngoài Bắc… có vợ Bắc… dạy học…

Rồi nét mặt anh bỗng vụt sáng, lời nói của anh rất rành rọt:

–  Đúng. Ông Hoa có đi tập kết. Vợ Bắc tên là Nga. Nhà ở phố Mã Mây. Có hai con, một trai, một gái… Ông Hoa đi tập kết vì gia đình có anh Sáng theo kháng chiến… Trước ông Hoa đã có vợ Nam, bà Hội. Bà Hội sau lấy “ngụy”, có ba con, anh Quốc, anh Nhân, chị Hồng. Chị Hồng đã sang Bỉ theo diện HO. Chị có mang theo bức tranh anh Sáng vẽ ông Hoa đeeẹp lắm.

Câu này của anh Nguyễn Hưng, em vợ của Nguyễn Sáng, đã được tôi tốc ký trên một tờ giấy. Xin gửi tới bạn đọc để làm tin.

Hà Nội, ngày 3 – 12 – 2018.

Quang Việt

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Những dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của kiến trúc sư Ernest Hesbrard

Ernest Hébrard (1875 – 1933) sinh ngày 11/9/1875 tại Paris. Ngày 15/10/1891, khi 16 tuổi ông đã bắt đầu theo học tại xưởng vẽ của Trường Đại học Mỹ Thuật Paris (Ecole nationale et spéciale des Beaux Arts de...

Thành phố sáng tạo và nghĩa cử tri ân sự sáng tạo

Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, với danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình đang tiến về phía trước với mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo hàng đầu trong khu vực. Trải qua nhiều cuộc chiến...

Biến chuyển cảnh quan truyền thống – hiện đại từ phù thế họa (ukiyo-e) đến phim của Ozu Yasujiro

Tranh khắc gỗ (Ukiyo-e, Phù thế hội) là thể loại độc đáo riêng có của hội họa Nhật Bản, thể hiện một cách đầy thi vị và đa diện về cõi phù thế của những thị dân Edo. Ukiyo-e cũng đã...

Đấu xảo hoàn vũ Paris năm 1867 – Hội chợ triển lãm quốc tế đầu tiên có người Việt tham gia

Hoàn cảnh và lý do người Việt có mặt tại Đấu xảo Hoàn vũ ở Paris năm 1867 Sau Hòa ước Nhâm Tuất (05-06-1862), thực dân Pháp được quyền chiếm đóng và quản lý ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vào...

Đào tạo sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật trong đại học đa ngành

Các trường đại học đa ngành cùng tư duy liên ngành được kỳ vọng có thể đóng góp vào cách tiếp cận mới trong đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật (VHNT). Ðó...

Có thể bạn quan tâm

BỨC TRANH CỦA TÔ NGỌC VÂN VÀ CUỘC TRAO TRẢ MỸ MÃN

  Chuyện các họa sĩ chơi, sưu tập, lưu giữ tranh của nhau vốn là chuyện bình thường. Tôi không biết do đâu và từ bao giờ ông Trần Văn Cẩn lại có bức tranh ấy (xem minh họa). Bức  tranh vẽ...

Thông báo về Triển lãm Mỹ thuật Khu vực I (Hà Nội) lần thứ 24 năm 2019

HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM                                  CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM            Số: 117/19/BTV                                             ...

ĐỘC ĐÁO HÌNH TƯỢNG CON VOI TRÊN GỐM CỔ

  Từ xa xưa, voi đã là loại động vật quen thuộc với người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới ở châu Phi, châu Á… Lịch sử và truyền thuyết của Việt Nam không thể thiếu hình tượng...

GIẢI THƯỞNG TRIỂN LÃM MỸ THUẬT KHU VỰC I – HÀ NỘI CHUYÊN NGÀNH ĐỒ HỌA, ĐIÊU KHẮC, MỸ THUẬT ỨNG DỤNG LẦN THỨ 23 NĂM 2018

  Từ ngày 06/08 đến ngày 16/08/2018, tại nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội đã diễn ra triển lãm Mỹ thuật khu vực I – Hà Nội ngành Đồ họa, Điêu khắc và Mỹ thuật Ứng dụng...

Hội thảo mỹ thuật Đông Nam Bộ lần thứ I năm 2023

BTNO – Sáng 6.12, tại Tây Ninh, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo mỹ thuật Đông Nam bộ lần thứ I năm 2023. Tham dự có Nghệ sĩ nhân dân Vương Duy Biên- Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội...