TẾT NÀY CÓ CHUYỆN VẼ SEN

 

Ai cũng biết, 2020 là một năm đặc biệt kỳ lạ, không phải chỉ ở ta, mà cả thế giới đảo lộn vì đại dịch Covid, liên miên thiên tai và đủ chuyện khó khăn khác. Mà chắc ai cũng thấy rất may mắn là người Việt, sống ở quê nhà, đồng lòng chung tay vượt qua mọi tai ương, có được một ốc đảo bình an cho đến giờ, vẫn cứ đón Tết với lòng tin hồ hởi ở tương lai.

Nhìn lại năm 2020 này như một bức tranh, giữa một bố cục rất nhiều tương phản sáng tối gay gắt, chắc ai cũng vẫn thấy mình có những mảng đường nét nhẹ nhàng màu sắc trong sáng đẹp đẽ đầy cảm xúc tốt lành. Với tôi, đó là cuộc gặp lại mùa sen Hồ Tây sau hơn 30 năm xa cách, mà tôi đã có duyên may ghi lại trong những bức tranh của mình. Những bức tranh này đã lọt vào mắt xanh của Hoàng Anh, nên chị đã rất hồ hởi khi tôi nhận góp lời mừng Tết cùng độc giả Tạp chí Mỹ thuật bằng cách trưng bày một vài bức tranh sen ấy, cùng đôi lời bộc bạch về chúng với bạn đọc.
Hoa sen đến với tôi từ thủa nhỏ, khi được quanh quẩn lúc mẹ tôi vẽ những bó sen nằm trên lá, vẫn còn bó chặt hoặc mới cởi lạt buộc, mê mẩn thấy giọt nước đọng trên lá sen long lanh như đang muốn nói điều gì. Tôi hỏi: “Sao mẹ không cắm bình rồi hãy vẽ”, mẹ tôi chỉ mỉm cười im lặng. Sang tuổi năm mươi tôi mới hiểu tại sao.

Rồi đến những mùa sen chen bão lụt, khi bố tôi ở “Lều vịt Hồ Tây”, nhiều lần ra vào phải chống thuyền thúng len qua sen, thấy những bông sống sót nở thầm lặng giữa cảnh tơi bời đổ gẫy của đầm sen quanh đó. Bố có vẽ mấy bông sen sống sót ấy, như một thoáng hiện hữu hiếm hoi được ghi lại trên vuông giấy nhỏ bồi vải màn lót dầu lanh. Nhưng mãi đến vừa rồi, sau bao nhiêu mùa sen vắng nhà, tôi mới vẽ những bức tranh sen đầu tiên trong đời; ngạc nhiên thấy như được gặp lại bố mẹ mình, tuổi thơ và tuổi trẻ của mình, phát hoảng thấy mình đã thất thập cổ lai hy. Cũng dễ hiểu tại sao tôi chỉ mê mải ghi chép những cảm xúc ấy, muốn chuyện trò lặng lẽ với sen.

Sen trắng lôi cuốn tôi vào những cảm xúc huyền bí mà thanh cao, nhất là khi mới về với mình, còn nằm trên tàu lá đang chuyển mình từ mướt mát ngỡ ngàng sang khô héo nhẫn chịu, với những vết thủng xước thật phong trần. Rồi khi gặp nước cắm bình, nở bung, vẫn với dáng thanh cao ấy, chúng như đang hết mình rạng rỡ với kiếp nghiệp phù du muôn đời tạo hóa đã ban cho, với những nét viền thật tinh tế, những bung nở thật tự tin và đầy ân hưởng. Mà khi tàn héo, chúng thật nồng nàn với những gam màu ấm kín đáo âm thầm, như muốn nhắc rằng chúng chỉ đang bắt đầu vào một cuộc viễn du mới, như đã từng từ muôn vạn kiếp mà thôi.

Sen hồng luôn có vẻ hờn dỗi khó hiểu. Chắc chúng biết mọi người ưa thích chúng hơn vì màu sắc gắn liền với hứa hẹn phúc lộc của chúng. Chúng có vẻ ganh nhau về tài sắc. Bó lại với nhau lúc chưa nở thì không sao. Nhưng khi cùng nở với nhau trên bình cắm thì chúng có vẻ dễ buồn hơn vì thấy mình cũng chả hơn người bên cạnh là mấy. Và hình như màu sen hồng bây giờ cũng khác với hồi tôi còn bé. Chúng có vẻ sặc sỡ phô trương hơn, không kín đáo nhẹ nhàng như xưa. Và đứa nào cũng như đứa nào. Chắc vì bây giờ sen mọc tự nhiên không còn mấy. Người trồng sen can thiệp để đáp ứng thị hiếu hậu hiện đại chăng? Với những cảm nghĩ ấy, tôi đã cho chúng đứng xen kẽ với mấy đứa sen trắng, và thấy chúng đỡ làm bộ hơn hẳn. Mà hôm ấy cũng là ngày cuối cùng của mùa sen vừa rồi.
Tôi tin rằng anh linh của những bông sen ấy vẫn dõi nhìn những bức tôi vẽ chúng, nay đã tản mác nhiều nơi, thành một nét điểm xuyết trong cuộc sống của nhiều người yêu sen, yêu cái đẹp chân thực giản dị. Tôi đã không nỡ lấy sen làm motif, làm cái cớ, để vẽ những riêng tư phần lớn là những khao khát hoặc thắc mắc của mình. Tôi vẽ sen chỉ để ghi lại tình yêu sen đã có từ thủa bé nhờ những bức tranh của mẹ, của cha. Và để tự nhủ rằng cuộc đời luôn đẹp đẽ an lạc nếu mình nhìn ra chúng.
Xin có lời cảm ơn Tạp chí Mỹ thuật đã cho tôi được chia sẻ tình yêu ấy, như một lời “Cung Chúc Tân Xuân” gửi đến bạn đọc xa gần.

 

 

 

 

 

 

 

Trịnh Lữ
* Bộ Tranh sen trong bài  của họa sĩ Trịnh Lữ sáng tác năm 2020

Tin cùng chuyên mục

Một kỷ niệm với Trần Duy

Một kỷ niệm Huế, những ngày tháng Tám… Tôi quen Trần Duy từ thuở ấy. Hai đứa gặp nhau ở Sở Tuyên truyền Trung bộ mới thành lập. Bấy giờ, anh Nguyễn Duy Trinh là Ủy trưởng Tuyên truyền Trung...

Chuyện ông Ba Đông

Với chiếc xe đạp mini mua từ năm nảo năm nào, thoắt cái ông ở chỗ này chỗ nọ. Trong nhà ông, tranh lụa, tranh sơn dầu, sơn mài… chật cả phòng khách. Còn ở phòng vẽ thì ngổn ngang những tranh...

Con trâu là đầu cơ nghiệp… nay đâu?

Năm 2004, tôi được mời sang Bordeaux tham gia một dự án Nghệ thuật. Một ngày cuối tuần đi dạo ven dòng sông Ga-Rôn cùng giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Dominik Lobera, tôi bắt gặp 17 cụm tượng thép...

35 năm chặng đường thăng trầm của Nhà xuất bản Mỹ thuật

  Đầu năm 2009 tôi về công tác ở Tạp chí Mỹ thuật (TCMT ), khi đó TCMT đã hơn 30 tuổi và Nhà xuất bản Mỹ thuật (NXBMT) hơn 20 tuổi. Ban đầu tôi nhận nhiệm vụ làm Phó Tổng Biên tập TCMT,...

BÁN TRANH

  Cô Minh, con gái họa sĩ Trần Lưu Hậu, từng đứng bán tranh ở gallery số 7 Hàng Khay năm xưa…trong một lần trò chuyện với tôi, cô bảo: “Không có tranh đẹp hay tranh xấu chú ạ, chỉ có...

Có thể bạn quan tâm

VIẾT VỀ CHA TÔI

  Nhân dịp Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Lễ Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cha tôi – họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908 – 20.6.1993), tôi xin có mấy lời cảm tưởng như sau. Tôi chưa được về...

TRÒ CHUYỆN CÙNG HỌA SĨ TRỊNH LỮ: NHÌN VÀ THẤY TỪ NHỮNG TÁC PHẨM CÒN LẠI

  “Một ngày nắng đầu hè 1968, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, đã gần 60 tuổi, đang cùng một con trai nhặt nhạnh gỗ lạt và sắt thép còn có thể tận dụng được trong khu nhà đổ nát do trúng bom...

CÂY CỌ NHÍ XÈO CHU: TIẾP LỬA HỘI HỌA BẰNG TRÁI TIM ẤM ÁP

  Sinh ra trong gia đình có mẹ làm chủ phòng tranh, có thể nói Xèo Chu (sinh 8/2007) là “con nhà nòi một nửa”, vì từ nhỏ đã thấy tranh và tranh ở quanh mình. Vào năm 4 tuổi, khi lần đầu theo 2 anh...

MỘT NGƯỜI SÀI GÒN LÀM GỐM RAKU

  Cách nay gần 20 năm, khu vực hồ Con Rùa buổi tối còn buồn tẻ, chỉ có một góc đông vui sáng đèn với hai quán mì Vịt tiềm chuyên bán cho giới nghệ sĩ và dân đi chơi đêm ở đường Trần Cao...

HOA VĂN THỦY BA LÝ TRẦN VÀ NHỮNG BIẾN ĐỔI TRÊN ĐIÊU KHẮC TƯỢNG ĐÀI ĐƯƠNG ĐẠI

  Tập cổ là thuật ngữ chỉ cách sử dụng những thành quả của thế hệ đi trước để ứng dụng vào một số lĩnh vực đương đại mà không làm mất đi bản chất vốn có của nó, bên cạnh...