Lòng mình vẫn ở đó, có đi đâu đâu nhưng thỉnh thoảng bỗng có cảm giác lòng mình trở về, về với mình. Hơn tháng nữa mới Tết nhưng hiểu theo một nghĩa nào đó thì Đông Chí là Tết rồi, Đông Chí là quẻ Địa Lôi Phục, là ngũ âm ở trên, nhất dương ở dưới, là ngũ âm át nhất dương nhưng là đạo quân tử trưởng, tiểu nhân tiêu. Là mùa xuân đã bắt đầu, bắt đầu về sau những ngày đông buốt giá cho dù chồi non mới chỉ bằng đầu sợi tóc. Đó cũng là lòng của trời đất. Lệ xưa, ngày Đông Chí thì đóng cửa, không đi ra ngoài, ở nhà xem lại lòng mình, dọn dẹp lại lòng mình. Nhưng việc đó đâu dễ gì thôi thì dọn… nhà vậy. Chợt nhớ một câu thơ của nhà thơ Trần Dần: Phải sửa sang cái vỏ con tàu/đây đó ít nhiều hoen gỉ?
Cứ cái cữ nắng hanh này lại nhớ bà nội, bà hay mua củ cải về thái, tôi giúp bà xếp từng miếng khít nhau trên cái nia rồi bê lên sân thượng phơi. Bà luôn ngâm mấy lọ củ cải với nước mắm để ăn bún thang, cuối năm ăn thang, đầu năm ăn cuốn đã là cái lệ. Gần Tết thì lũ trẻ con bao giờ cũng ngoan hơn vì nếu hư sẽ bị phạt mà hình phạt ấy của ông nội không phải đòn roi, không đau nhưng rất sợ. Thường là trước Tết ông Công ông Táo, bà mua túm bồ kết, đun lên, lấy nước, để cho nguội, dùng vải màn, lau mấy món đồ sơn son thếp vàng. Đứa nào hư sẽ bị phạt lau câu đối, hoành phi. Ông tôi quý nhất bức hoành phi có 2 chữ Vinh hoa. Cổ nhân thật thâm thúy, Vinh hoa là đủ, ai lại bàn Phú quý làm gì. Cổ nhân đề cao những giá trị tinh thần, điều đó mới khó, vật chất đâu có nghĩa, thậm chí là vô nghĩa. Bức hoành phi này hình một cái lá sen, trên đó trang trí tôm, cua, ốc, ếch, vịt trời và mấy bông sen, có cả sen tàn. Tóm lại rất bình dị, vu vơ, tự nhiên, phù du. Ngay cả vinh hoa cũng phù du. Thậm chí phù phiếm thôi.
Hoành phi, câu đối, cửa võng, y môn, cuốn thư toàn lời hay ý đẹp, khuyên con người hướng thiện, mà lại sơn son thếp vàng nữa thế nhưng với thời gian những chữ, những nghĩa đó cũng phai bạc đi ít nhiều. Chả nhẽ cứ để bụi thời gian che lấp, những món đồ cũ đó vẫn cần phải lau chùi cho sạch, cho mới hơn để… đón năm mới.
Có lần tôi đã bị phạt lau cả ngày không xong một cái tủ gỗ, khảm trai, có hàng chấn song con tiện bằng sừng và những cái lèo họa tiết mai lan cúc trúc chạm lộng, li ti lau rất khó. Cái tủ này đặc biệt vì 4 cánh khắc 4 chữ, thực ra chỉ có 2 chữ Phúc và 2 chữ Thọ. Hay là bởi Phúc vẫn là gốc, có phúc sẽ có tất cả. Chả cứ với mỗi người, việc nước cũng vậy, Phúc là văn hóa, không nên vội vàng chuyện giàu nghèo thọ yểu, phải có văn hóa đã. Văn hóa chính là Phúc của một quốc gia. Thọ mà vô dụng thì thọ làm gì. Lộc nhiều, nhà lầu xe 4 bánh đời mới đắt tiền vài ba chiếc, ăn thì cao lương mỹ vị, uống thì toàn rượu cao tuổi, chơi thì golf nọ golf kia nhưng vô phúc thì họa đến, nhục đến lúc nào không biết. Nhưng Phúc cũng chưa hẳn là ga cuối, thoát khỏi sinh tử luân hồi mới thực là rốt ráo.
Ông tôi có một bộ ấm chén trà vẽ tích “Đạp tuyết tầm mai”, thỉnh thoảng được hầu trà cho ông, ông thường dặn: “Khi rót trà không được nghiêng ấm quá, nhìn thấy trôn ấm sẽ không đẹp mắt. Cũng không được đề vòi ấm xa miệng chén, vì như vậy khi rót sẽ thành tiếng, nghe không đẹp tai”.
Tìm trong kho bộ bàn ghế cổ, mang ra kê giữa phòng khách. Cổ nhưng mới vì lâu lắm chẳng dùng. Bộ bàn ghế chân cẳng hươu nhỏ xíu có những họa tiết rất Á đông, nào là con tiện, nào là chạy triện ở mép, nào là chữ Thọ, chữ Vạn cách điệu, nào là lê, na, đào, lựu, nào là tứ quý Thông, Mai, Cúc, Trúc… Thật lạ, văn minh phương Tây hòa nhập, hòa quyện, nhòe lẫn trong văn minh Á đông ngọt ngào đến thế. Đồ gỗ kiểu Louis 14 đã là chuẩn mực mà đến đây gặp tinh thần Việt – Á đông thì sẵn sàng nhập gia tùy tục, bớt mình đi, thêm cái hay của người vào để đẹp hơn, chuẩn mực hơn, giao lưu cũng là một cách làm mới mình.
Trước Tết mươi hôm, bà tôi đi ra phố Hàng Hòm mua phẩm hồng để nhuộm lạt buộc cặp bánh chưng cúng, trên đường về bà rẽ vào chợ Hàng Bè đặt dưa hành muối của một nhà quen, bạn của bà. Nhà mặt tiền 4m chỉ chuyên bán dưa cà. Có lẽ với người phố cổ thì dưa cà cũng là một món chính. Để muối dưa cà ngon cũng khó. Tuần trước tôi có việc ngang qua chợ Hàng Bè, nhà bạn của bà vẫn bán dưa cà, có thêm su hào và bắp cải muối. Bà cụ mất rồi, con cháu bà bán. Muối dưa cà cũng là một nghề, cũng phải gia truyền mới ngon được.
Cái sự chu toàn, kỹ lưỡng, nề nếp, từ chuyện dưa cà, chuyện lạt hồng, chuyện rót trà cho đến chuyện những bức hoành phi câu đối tưởng là cầu kỳ nhưng không phải, đó chính là nề nếp, nó gói trong đó chuyện văn hóa. Đó cũng là nếp nhà, nếp người, nếp phố, nếp Tết. Nếp sống nề nếp của những người ở “36 phố”, dọn nhà, dọn mình để đón Tết.
Lê Thiết Cương