MẤY CÂU CHUYỆN VỀ CÁC NGHỆ SĨ THỜI BAO CẤP Ở HÀ NAM NINH

 

Năm 1976 tỉnh Ninh Bình sáp nhập vào Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh. Đã hơn 45 năm qua, tôi cũng như bè bạn hoạt động trong giới văn học nghệ thuật tỉnh nhà vẫn còn lưu giữ những hồi niệm về cuộc sống đời thường của một thời kinh tế bao cấp. Những lát cắt trong những năm tháng ấy được sắp xếp như một cuốn sử biên niên, như những dòng nhật ký lưu lại trong mỗi cá nhân và bạn nghề…

 

Mừng hụt
Mọi người dân thời bao cấp, trong đó có các họa sĩ công tác tại Sở Văn hoá và các cơ quan trên địa bàn tỉnh tùy theo công việc để được cấp phát lượng lương thực theo quy định. Tụi tôi hồi đó được cấp 13kg gạo một tháng. Với tuổi trẻ, hoạt động sung mãn, 13kg gạo đó làm sao đáp ứng được lượng ca-lo đủ cho làm việc. Vì nhẽ đó mà nhiều cơ quan có sáng kiến: Cử cán bộ công đoàn vào Nam ra Bắc mua thêm sắn khoai để tăng thêm vào khẩu phần ăn hàng ngày. Cứ đầu tháng tôi phải lên văn phòng Sở Văn hoá (phố Nguyễn Du) để lĩnh gạo tiêu chuẩn, và đặc biệt tôi còn được hưởng thêm chế độ sáng tác của văn nghệ sĩ là hàng tháng được lĩnh một tút thuốc lá Tam Đảo và hai gói chè Hồng Đào. Việc lĩnh gạo và tiêu chuẩn trên do chị Thanh Hương, chị Lụa và cô Cúc ở văn phòng hành chính cân đo đong đếm từng lai, từng lạng cẩn trọng. Một lần đi lĩnh gạo và tiêu chuẩn sáng tác, tôi dùng chiếc xe đạp mi-ni (thời đó không ai dám mơ xe máy) để chở về nhà tôi trong khu tập thể cơ quan triển lãm (cạnh cột cờ). Suốt đoạn đường về trong lòng phấn chấn, còn huýt sáo “chưa có hôm nào đẹp như hôm nay” vì biết rằng cả nhà đang ngóng chờ. Khi về đến nhà, thì ôi thôi, ngoảnh lại phía sau xe không còn thấy bao gạo 13kg đâu nữa mà chỉ còn tút thuốc lá Tam Đảo và hai gói chè chổng chơ trước rọ xe. Cả nhà tiu nghỉu và trưa hôm đó, cả nhà lại diễn lại “bài ca sắn độn gạo”. Để chuộc lỗi, ăn trưa xong, trong trang phục “Ninja” (để không bị “Nghĩa Lộ”), tôi len lén đem tút thuốc và hai gói chè chạy ra đầu phố Hà Huy Tập “cho đi ở” luôn các tiêu chuẩn ấy và nhẩm tính quy ra gạo cho cả nhà trong một tháng. Thật là một kỷ niệm nhớ đời về tinh lớ ngớ của một anh tỉnh lẻ mới ra thành phố.

PHẠM QUYỀN – Tan ca. 2019. Lụa. 88x148cm

Một cuộc họp cơ quan… lưu động
Hồi đó nói đến cải thiện chất tươi là một điều xa xỉ. Phố Nguyễn Chánh bên cạnh chợ Rồng có một quán “cha-lo-ti-ca” (cháo lòng tiết canh). Quán này ngon nổi tiếng, dẫu quán ở sâu trong hẻm và không có biển quảng cáo nhưng khách nườm nượp vào ra. Chỉ duy nhất có một quy định là ngoài cửa sổ trên tầng hai của quán treo một cái mẹt đường kính khoảng 70 phân. Nếu khách thấy mẹt quay vào là hết hàng, đừng vào, còn nếu chiếc mẹt kia quay ra là còn hàng, một ám hiệu rất có hiệu quả. Hồi đó vợ con tôi vẫn còn ở Ninh Bình chưa có dịp ra Nam Định. Một lần, cơ quan, đầu tháng lĩnh lương lại rơi đúng vào ngày mùng một âm lịch. Sau khi điểm danh, người nào vào việc ấy, mấy phút sau từ thủ trưởng Quang Văn (hội viên Hội nhiếp ảnh quốc tế với tước hiệu A.FIAP, người nổi tiếng thế giới với tác phẩm ảnh “một sự trừng phạt đích đáng”) cáo lỗi về nhà có khách. Thấy “anh cả” ra về, cánh họa sĩ, phóng viên, biên tập viên đều tìm lý do chính đáng để rời cơ quan bằng mọi ngả. Tôi cũng có lý do là ra bưu điện mua tờ nhật trình rồi nhanh chân bước qua sân quảng trường đi thẳng đến phố Nguyễn Chánh. Nhìn lên gác quán “cha-lo-ti-ca” thấy bên cửa sổ chiếc mẹt quay ra, mừng quá… Bước vào quán đã thấy “anh cả” đang ngồi nhâm nhi cùng với khách.Sau cái chào ngượng nghịu, bất đắc dĩ tôi chọn một chỗ khuất, một lúc sau thấy họa sĩ Thanh Vấn xuất hiện, ít phút sau nữa lại thấy biên tập viên Hoàng Gia, họa sĩ Tân Hân, rồi lần lượt, nghệ nhân-phó mộc Đình Đàn, và người khóa đuôi sau chót là trưởng phòng hành chính Trần Ngọc Thịnh. Một cuộc hội ngộ không hẹn mà nên, mọi người cứ ớ ra và sau đó là “zui dẻ” bên ly rượu quốc lủi và bát tiết canh với lá thơm húng quế. Chuyện đời chuyện nghề râm ran cả một góc quán. Ra về ai cũng tủm tỉm, chân dung đỏ gay, rồi tan cuộc họp cơ quan “đột xuất ấy”…

LÊ ĐỨC BIẾT – Một thời chưa xa. Acrylic. 70x40cm

Sơn số ghế sân vận động Chùa Cuối
Hồi đó sân vận động Chùa Cuối là một trong những sân vận động hiện đại bậc nhất miền Bắc, sau sân Hàng Đẫy (Hà Nội), sân Lạch Tray (Hải Phòng). Gọi là “hiện đại” cho oai chứ bậc xi măng dành cho khán giả ở sân Chùa Cuối đã có số má gì đâu. Nhằm chuẩn bị cho giải bóng đá ESKADA (giải quân đội 12 nước xã hội chủ nghĩa),Ty Thể dục Thể thao cho chỉnh trang lại các khán đài và đánh số các bậc ngồi, đường pít, vạch vôi… cho hiện đại. Anh Nguyễn Đình Nam phụ trách kế toán của cơ quan tôi, một tay bóng bàn có hạng của tỉnh, do quen thân bên Ty Thể thao đã nhận lời viết các số ngồi trên bậc xi măng, với ngót 2 vạn số từ khán đài A đến B, C, D. Tôi và anh Thịnh, anh Nam gò mình viết các số trên bậc xi măng giữa nắng hè, vào chủ nhật (có hôm còn trộm giờ hành chính lên sân vận động để đánh số). Cứ tưởng tượng, giữa khoảng không mênh mông với sức chứa khổng lồ trên, dưới ánh nắng chói chang của mùa hè, sức nóng hầm hập từ các bậc xi măng phả lên, bầu trời không gợn mây, xanh ngăn ngắt, cả ba chúng tôi phải gồng lên để hoàn thành một bản hợp đồng quá bèo bọt, mệt nhưng mà vui, và tự hài lòng với thành quả lao động của mình. Cuối đợt cả ba tay “đánh thuê” chúng tôi biến thành“dân Ca-mơ-run” châu Phi, về cơ quan có người còn không nhận ra vì đen do nắng. Cả ba tự thưởng cho mình một bữa “thi-cho-va” (thịt chó vàng) bên kia sông Đào.

LÊ ĐỨC BIẾT – Mặt trời mới. 2017. Acrylic. 90x120cm

Nhận hàng phân phối và món quà sau 40 năm cống hiến
Kinh tế khó khăn, nhu yếu phẩm thật khan hiếm, mỗi lần có lệnh của Sở xuống là lên Sở nhận hàng để phân phối cho cán bộ trong cơ quan, chủ tịch công đoàn Trần Ngọc Thịnh lại tất bật với việc nhận hàng và việc phân phối công tâm, công bằng số hàng ấy: từ cuộn chỉ, kim khâu, đến cuốn sổ tay, áo may-ô, xà-phòng, xoong nồi, bao diêm đến mét vải màn…đều được phân chia theo cách bốc thăm. Tên các cán bộ trong cơ quan được viết lên nền nhà, còn trên các lá thăm viết tên các mặt hàng phân phối. Chủ tịch công đoàn xoa tay, trịnh trọng bốc từng lá thăm dán kín, sau đó bỏ vào tên từng người trên nền nhà. Được lệnh, của ai người đó nhận. Nhiều lá thăm may mắn, nhưng những lá thăm chưa may mắn cũng có. Ví dụ: nhiếp ảnh gia lão thành Trần Hồng bốc phải lá thăm khi mở ra là được 1m vải màn, một nữ cán bộ trong cơ quan bốc phải lá thăm một chiếc quần đùi nam to tướng. Cơ quan được một trận cười ra nước mắt. Cũng vào dịp đó một đặc ân cho bác phó mộc Đình Đàn, sau hơn 40 năm cống hiến, được nhận quyết định “hạ cánh an toàn”, được cơ quan bình xét tặng cho bác về quê với quà tặng chiếc quạt con cóc và hai bao diêm do Việt Nam sản xuất. Chiếc quạt con cóc thời đó cũng là một tài sản có giá trị kinh tế.

LÊ ĐỨC BIẾT – Khai bút Giáp Ngọ. 2014. Acrlic. 50x80cm

Rừng nào hổ ấy
Hồi đó những người có tay nghề cao, được đào tạo bài bản qua các trường của nhà nước, có bằng cấp, xin vào biên chế các cơ quan là rất hiếm. Bởi lẽ vì miếng cơm manh áo, cơm áo gạo tiền mà mức lương lại quá ư là thấp nên cái danh là cán bộ nhà nước chẳng mấy ai mặn mà. Tốt nghiệp xong, sinh viên sẵn sàng “đào ngũ” ngay sau khi nhận bằng tốt nghiệp, từ chối sự phân công của trên đi công tác miền núi xa xôi, xa gia đình, xa nơi phố thị với trăm ngàn lý do rất lâm ly. Với mức lương hẻo hồi đó nhiều cán bộ phải gồng mình hết công suất lao động kiếm sống, tự tăng “lương” để trang trải cho bản thân và cho cả “đoàn tàu há mồm” đi theo sau. Lao động của các họa sĩ không nằm ngoài quỹ đạo đó. Hà Nam Ninh có một đội ngũ họa sĩ được đào tạo bài bản và cũng có những họa sĩ tay nghề khá lão luyện “tốt nghiệptrường đời”. Tuy cùng cơ quan nhưng ngoài đời mỗi người mỗi vẻ, mỗi người một “vương quốc riêng”, vùng nào cũng có lãnh chúa riêng. Họa sĩ Phạm Quyền có nhiều thập niên uy tín về vẽ phóng lớn các loại tem cho bưu điện tỉnh và các huyện thị thì lập các lò luyện thi mỹ thuật, nhiều sinh viên về sau thành danh tại các trường nghệ thuật quốc gia là do ông luyện thi. Họa sĩ Thanh Vấn thì độc quyền việc tuyên truyền cho Nhà máy Tơ bằng các cụm tranh cổ động.

LÊ ĐỨC BIẾT – Còn mãi với thời gian II. 2019. Acrylic. 120x90cm

 

LÊ ĐỨC BIẾT – Tĩnh vật mèo và hoa. Acrylic. 60x80cm

Họa sĩ Tân Hân có duyên với công việc trang trí nội ngoại thất các gian hàng y tế, dược phẩm. Đặc biệt họa sĩ Dương Đức Điện, người được mệnh danh là “sư tử ngủ”, có tay nghề uy tín với khách hàng và đồng nghiệp về đồ họa. Ông bao trọn toàn bộ và “xưng vương” một vùng rộng lớn ở thành phố Nam Định, là tác giả của các dàn pa-nô cao ngất ngưởng ở các đầu ô vào thành phố, với các chất liệu ghép gốm, in phun. Thời chiến tranh, ông đã cùng các cộng sự kẻ khẩu hiệu “quyết tâm đánh thắng…” lên tháp nước cao 30m trước quảng trường. Ngoài ra, ông còn đứng ra dàn dựng các nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ cho các huyện, dàn dựng nội thất phòng khánh tiết Ủy ban Nhân dân tỉnh và Tỉnh ủy Nam Định. Các họa sĩ Phan Thăng, Trần Trung Kỳ, Lê Đức Biết, Lê Minh Châu thì mở lò luyện thi cho học sinh hết cấp ba có nguyện vọng thi vào các trường chuyên: Mỹ thuật Yết Kiêu, Kiến trúc, Mỹ thuật Công nghiệp… Các họa sĩ Bùi Ngọc Tư, Trọng Trường có mảng trời riêng trang trí nhà truyền thống cho các cơ quan, các huyện. Họa sĩ Vũ Minh độc quyền trang trí nội thất nhà truyền thống Nhà máy Dệt và các cụm cổ động trong khuôn viên nhà máy, các tranh bảo hộ lao động…

ĐỖ KÍCH – Khúc ca xuân tình. 2017. Sơn dầu. 100x200cm

Khu tập thể
Khu tập thể triển lãm tỉnh là nơi được cơ quan bố trí tạm thời cho một số cán bộ, phóng viên, họa sĩ trong cơ quan và ngành văn hóa ở tạm. Thời kỳ đó mặt tiền phía trước được quét vôi sáng sủa, song nếu để ý phía sau khu nhà đó thì đủ các loại chuồng, nào gà, nào vịt, nào chó, có cả lợn nặng tới hàng tạ. Vào những buổi xế chiều nếu chậm cho chúng ăn thì có đủ loại âm thanh: lợn kêu eng éc, gà vịt quang quác, gà mái mơ cục ta cục tác…
Ngoài khu tập thể trên, tỉnh làm một dãy nhà tạm lợp giấy dầu tại trước cổng khu B dành cho các văn nghệ sĩ, họa sĩ ở tạm, vì sau chiến tranh chưa có điều kiện thu xếp nhà ở kiên cố cho họ. Phía sau giáp tường rào Nhà máy Tơ là khu hậu cần đủ các thau, chậu, bể nước ngâm sắn được công đoàn chia để làm thức ăn độn. Sân thể thao thì được quy hoạch toàn bộ để chia đất cho các hộ trồng rau. Có một giai thoại là họa sĩ Đinh Phụng được chia một khoảnh đất nhỏ, sau khi trồng su hào, ông cẩn thận vẽ lại chi tiết miếng đất, đông giáp đâu, bắc giáp đâu… và trồng cây su hào nào thì ông đánh dấu thật cẩn thận và khi thu hoạch ông lại mang sơ đồ ra gạch chéo những chỗ vừa nhổ lên. Đến mùa vụ công đoàn liên hệ với đơn vị kết nghĩa là Hợp tác xã Nông nghiệp Cốc Thành (Vụ Bản) để được sử dụng 2ha đất ruộng để trồng lúa, hoặc ra bờ sông Hồng trồng khoai lang. Trong khốn khó nảy sinh biết bao sáng kiến nhằm cải thiện cuộc sống: nào là làm bánh bao nhân mộc nhĩ giả thịt, bánh sắn nhân hành, nào là ngô xay độn giả trứng. Tờ mờ sáng có nhà phải phi xe đạp ra chợ đặt vội viên gạch xếp hàng để mua 2 lạng thịt lợn hoặc mấy bìa đậu phụ theo tiêu chuẩn, nếu chậm chân ra muộn, cửa hàng chỉ còn đuôi lợn hoặc tai lợn… Khi đi phong trào trong tỉnh, họa sĩ nào được phân công đi các huyện mở lớp vẽ, dàn dựng các cụm tranh cổ động, dàn dựng triển lãm, nếu được đi Hải Hậu, Kim Sơn, hay Nghĩa Hưng, Nam Ninh thì là một đặc ân vì kinh tế ở các huyện đó khá vững, đời sống khấm khá; còn họa sĩ nào được phân công đi Nho Quan, Kim Bảng… coi như bị đi Xi-bê-ri (bên trời Nga) vì những nơi này kinh tế lương thực chỉ trông chờ vào sắn khoai.

Lời giới thiệu đặc biệt của họa sĩ Lê Trí Dũng dành cho họa sĩ Lê Đức Biết.

      
Tết nhất là phải tính toán trước đó vài tháng để dành dụm từng lai mỳ chính, từng cân gạo nếp, toàn bộ tem phiếu thực phẩm của cả năm phải để dành cho ba ngày Tết. Thịt lợn phải trông chờ vào sự năng động của công đoàn cơ quan khi đi phong trào xuống huyện hoặc xã, gặp các ban chủ nhiệm ở đó để có sự “tài trợ” cung cấp lợn. Đổi lại, các họa sĩ phải gò lưng phóng tranh cổ động, kẻ khẩu hiệu lên các tường nhà, không lấy công. Sáng 30 Tết không khí cơ quan sôi động khi họ “Trư” lên giàn và thịt được chia theo định suất cho công đoàn viên. Thời đó cả khu tập thể chỉ có duy nhất một nhà có tivi đen trắng và cứ tối đến, các nhà vội vàng cơm nước rồi tập trung sang xem chương trình “Bông hoa nhỏ”. Trong khốn khó tình người sao mà quý đến vậy. Đúng như câu: “bán anh em xa…”

***

Cuộc sống vẫn như dòng chảy bất tận, biết bao kỷ niệm ùa về trong tôi, những năm tháng thăng trầm của cuộc sống đọng lại như những kỷ vật vô giá, về một miền quê, về những người bạn nghề tâm giao.
Cảm ơn mảnh đất Hà Nam Ninh, mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi nuôi dưỡng, ươm mầm, che chở và là bệ phóng cho những ước mơ để không chỉ là mơ ước mà đã trở thành hiện thực của các họa sĩ quê nhà, nơi trưởng thành qua sự trui rèn trong cuộc sống, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và bảo vệ quê hương.

Hà Nội, đêm trở gió mùa, đầu năm 2022
Lê Đức Biết

 

Tin cùng chuyên mục

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Có thể bạn quan tâm

TÌM LẠI TÁC GIẢ PHÙ ĐIÊU CHỢ BẾN THÀNH

  Trường Mỹ nghệ Biên Hòa nổi tiếng với dòng gốm mỹ nghệ, một thời làm đẹp cho đời qua những sản phẩm gốm trang trí. Bên cạnh đó, trường cũng thực hiện nhiều công trình lớn, phù...

Chính thức ra mắt Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (ĐHQGHN)

(Chinhphu.vn) – Việc chuyển đổi thành Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật với các chức năng và nhiệm vụ chính là tổ chức và triển khai các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học...

Bộ sưu tập Collection Tạp chí Mỹ thuật tháng 3-4 năm 2020

  Nguyễn Gia Trí (1908 – 1993) Tác phẩm: Bố cục Năm sáng tác: Khoảng 1960-1970 Chất liệu: Mực nho, màu nước, phấn màu Thuộc Bộ sưu tập Nghệ thuật Quang Phúc, Hà Nội   Nguyễn Gia Trí bắt...

Giới thiệu tác phẩm của họa sĩ Mai Trung Thứ trong phiên đấu giá tháng 11 của Nhà đấu giá Aguttes

...

Bùi Trang Chước – Một bậc thầy của nghệ thuật tranh sơn khắc và đồ họa ứng dụng

Năm 2022, họa sĩ Bùi Trang Chước đã vinh dự được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Giải thưởng dành cho các mẫu thiết kế: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh,...