Trong lần khai mạc cuộc triển lãm tranh minh họa sách báo và tranh cỡ nhỏ của Bùi Xuân Phái, ông Kim Sang Ug – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội đã trò chuyện với tôi qua cô phiên dịch duyên dáng và nhiệt tình. Ông Lim Hong Jae nói: “Tôi ấn tượng với Bùi Xuân Phái nghệ sĩ, Bùi Xuân Phái giảng viên và cả Bùi Xuân Phái nhân văn. Đặc biệt là những bức tranh vẽ chân dung của ông, thể hiện sự quan tâm đặc biệt, cũng như sự thấu hiểu mà họa sĩ dành cho con người. Rất nhiều tác phẩm hội hoạ của ông dường như được vẽ lên với một nụ cười”.
Khi xem đến mảng minh họa sách báo, người xem sành điệu đều hiểu là một nghề tay chiêu của Bùi Xuân Phái để mưu sinh trong những giai đoạn khốn khó.Thời đó, nghề vẽ minh họa được xem là một nguồn thu nhập đáng kể cho họa sĩ và cũng phải được các báo tín nhiệm và đông đảo bạn đọc báo yêu thích mới được đặt vẽ. Chính nhờ vào những bức minh họa được đăng thường ngày trên các báo mà tên tuổi của Bùi Xuân Phái đã được công chúng rộng rãi biết đến từ rất xa xưa chứ không phải là những tác phẩm hội họa tầm cỡ.
Giải thưởng quốc tế lớn nhất mà ông đã dành được là giải Vàng cho đồ họa (Leipzig, CHDC Đức, giải thưởng dành cho hạng mục đồ họa, bộ tranh minh họa cuốn sách “Hề Chèo” vào năm 1982). Do đó có thể nói, mình họa của Bùi Xuân Phái đã chiếm một mảng không nhỏ trong sự nghiệp của ông. Và đó cũng chính là lối ra của Bùi Xuân Phái đến với công chúng… Lúc sinh thời, hầu như tuần nào ông cũng vẽ ít nhất là 2 đến 3 bức minh họa trên các báo, nếu tính từ năm 1952-1988, số lượng minh họa trên báo chí của Bùi Xuân Phái là vô cùng lớn.
Cũng có những nguyên do mà Bùi Xuân Phái ưa thích và có thói quen vẽ những tranh cỡ nhỏ. Ngày nay nhiều người tỏ ra thích thú với những bức tranh cỡ nhỏ “mini-painture” của Bùi Xuân Phải, nhưng có lẽ không nhiều người biết về nguyên nhân vì sao họa sĩ lại vẽ ra chúng. Thời của Bùi Xuân Phái, không riêng người nghệ sĩ nghèo mà cả những người mến mộ nghệ thuật có khi còn nghèo khổ hơn ông. Nhưng hội họa của Bùi Xuân Phái lại có sức quyến rũ mọi người, thế nên những bức tranh nhỏ xíu đó đã trở thành giải pháp để đáp ứng lại những tấm thịnh tình mà người mộ điệu đã dành cho nghệ thuật của ông. Cũng dễ hiểu vì tranh nhỏ khi thực hiện sẽ tốn rất ít sơn, vẽ lại nhanh và họa sĩ có điều kiện để tiếp tục vẽ nữa được. Ngay từ thời đó, mảng tranh khổ nhỏ này cũng được gọi vui là: “Cửa thoát hiểm của Bùi Xuân Phái”.
Khách đến chơi, thường ngỏ ý xin bức tranh nhỏ, nằm gọn trong lòng bàn tay ấy làm kỷ niệm. Bùi Xuân Phái bèn lấy bút và màu ra đưa vài nét là xong, không khó khăn gì. Lối vẽ của ông, những người am hiểu đã nhận định rằng: ông vẽ càng nhanh càng đẹp, càng vẽ nhanh càng “bạt tê, và đặc biệt những bức gây xúc động nhất lại là những bức ông vẽ nhanh và có vẻ đã… quá chén. Ông cũng nói: “Khi lao mình vào vẽ, mình cần có chất “cay” vừa để mồi, vừa giúp cho mình tự tin hơn và ‘liều’ hơn”. Ngày nay, giới chuyên gia về tranh Phái, nhìn vào từng bức tranh của ông, cũng có thể đưa ra ý kiến rằng, bức này, bức kia, lượng cồn mà ông đã uống là nhiều hay là ít.
Nói thêm về những bức “mini-painture” được vẽ trên vỏ bao thuốc lá, vỏ bao diêm và trên những miếng bìa nhỏ. Bùi Xuân Phái vì chiều bạn, phần vì đó cũng là thú vui và tốn ít thời gian, vật liệu. Ngày đó khách hâm mộ tranh Phái rất thích thú mỗi khi được ông tặng một vài bức “mini-painture”. Và họ cũng trân trọng lao động nghệ thuật của ông. Thường chẳng ai nhận không quà tặng của họa sĩ cả, đáp lại họ thường biếu ông chai rượu trắng, gói trà hoặc phong thuốc lào. Riêng ông Bổng Hàng Buồm,vì vốn là nhà sưu tập nên Bùi Xuân Phái cho Bổng Hàng Buồm càng nhiều càng ít, sau Bùi Xuân Phải thấy thế là đủ rồi nên không cho nữa. Ông Bổng Hàng Buồm liển nghĩ ra sáng kiến gọi mỗi bức mini-painture đó là “ticket” (vé để đi ăn phở). Cứ mỗi tối, ông Bổng lại sang chơi Bùi Xuân Phái, hễ nhìn thấy cái mini-painture nào đẹp, lại kêu lên: “ticket đây rồi” bèn cầm lấy bức tranh đó cho ngay vào túi và kéo Bùi Xuân Phái đứng dậy, mời họa sĩ đi ăn phở về khuya.
Tôi nhớ họa sĩ Quang Thọ là người bạn thường hay đến chơi với Bùi Xuân Phái, thường chứng kiến cảnh ông ngồi vẽ và khách ngồi chờ để xin bức họa đó. Họa sĩ Quang Thọ đã nói vui và ví ông như một người ngồi quạt bánh đa mà khách hàng thì ngồi bên cạnh để chờ, cứ hễ cái bánh đa nào chín tới là đưa cho khách rồi lại tiếp tục quạt tiếp cái bánh đa khác, và lại một ông khách khác đến ngồi chờ để lấy. Lần đó mọi người nghe vậy bèn cười tán thưởng và và Bùi Xuân Phái cũng biết Quang Thọ có ý trêu đùa mình, ông chỉ nhoẻn cười hiền lành.
Đặc tiệt những bức khoả thân mini của ông vẽ trên vỏ bao thuốc lá đã làm kinh ngạc mọi người. Các tư thế mà ông vẽ bằng nhập tâm đã trở thành những dáng đặc biệt Phái và rất đặc trưng đàn bà Việt Nam: những cái lưng khom, quấn tụt xuống dưới mông trong lúc chuẩn bị tắm, những cô nàng của thơ Hồ Xuân Hương với các dáng nằm khiến “quân tử dùng dằng đi chẳng dứt…”. Ông nói vui: “Những khỏa thân của mình chỉ là ý niệm đã qua của một thời đã mất”.
Ngày nay nhiều người vẫn còn những tác phẩm vẽ trên bao thuốc lá của Bùi Xuân Phái nhưng cũng nhiều người đã vì lý do kinh tế, họ không có lựa chọn nào khác là phải bán đi những bức “mini-painture” của Bùi Xuân Phái cho các đại gia sưu tập ngoại quốc. Tôi đã nghe những câu chuyện rất cảm động khi gặp vài người bạn hữu của Bùi Xuân Phái kể lại chuyện họ phải chia tay với những tác phẩm của nhà danh họa như thế nào, một người bạn của họa sĩ là ông Sanh Thí đã nói với tôi trong nước mắt: “Tôi không thể ngờ được là ông Phái đã nuôi tôi trong những năm tháng cuối cuộc đời của tôi”.
Những bức tranh cỡ nhỏ ấy được nhà văn Nguyễn Tuân thường gọi bằng tiếng Pháp là “mini-painture”. Thỉnh thoảng nhà văn Nguyễn Tuân đến gặp Bùi Xuân Phái và nói: “Ông chọn cho tôi mấy cái “mini-painture” để tôi tặng mấy vị khách quốc tế sắp đến Hà Nội và đã hẹn gặp tôi.
Sự xuất hiện những bức “mini-painture” của Bùi Xuân Phái gây ấn tượng lớn cho người ngoại quốc. Họ rất yêu thích những bức tranh nhỏ của ông và gọi đó là “bijou” (đồ nữ trang) như muốn nói những bức tranh nhỏ nhưng lại có giá trị lớn. Theo bà Đôn Thư, người phụ trách Gallery số 7 Hàng Khay (từ thập niên 1980) cho hay: Chỉ riêng ngài Blanche Maison, cựu Đại sứ Pháp đã từng mua tới 200 bức “mini- painture” của Bùi Xuân Phái.
Cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời, những bức tranh “mini-painture”. Bùi Xuân Phái vẫn đam mê và gắn bó với những tranh “mini-painture”. Chiếc bút đã tuột rơi khỏi tay ông là trong lúc ông đang vẽ dở dang bức tranh nhỏ “Phố Hàng Phèn”. Khi tất cả chúng tôi phải đối diện với một thực tế đau lòng: Ông mất. Tôi lại gần giường ông nằm và cầm lên cuốn sổ tay của ông, trong cuốn sổ tay đó có tới hơn chục bức “mini-painture” mà ông đã vẽ trên giường bệnh. Tôi đọc thấy dòng chữ “NGUY ĐẾN NƠI” được ông viết nguệch ngoạc bên bức vẽ mini tự họa vào lúc ông lâm chung. Tôi không bao giờ quên được khoảnh khắc ấy, vì tôi biết tôi đang được chứng kiến một tình yêu không bao giờ chết.
Bùi Thanh Phương