BÚP BÊ VĂN HÓA Ở SÀI GÒN HƠN NỬA THẾ KỶ TRƯỚC

 

Đầu thập niên 1960, khách nước ngoài đến Sài Gòn được giới thiệu một loại búp bê rất đẹp bằng vải lụa tinh tế và mềm mại, chế tác rất đẹp, không thua loại búp bê Geisha, búp bê Hina của Nhật Bản thường bày bán ở cố đô Kyoto. Tuy không có trang phục lộng lẫy như búp bê Nhật, loại búp bê này thể hiện dáng vóc của thiếu nữ Việt Nam, mảnh dẻ và thon thả trong những tà áo dài lụa, gấm và áo tứ thân. Nét mặt của các cô búp bê khá biểu cảm, tay chân uyển chuyển và dáng đứng mềm mại. Khách quốc tế thường mua nhiều búp bê loại này mang về làm quà.

“Búp bê văn hóa”, đó là tên gọi của loại búp bê nói trên, với hàm ý đây sẽ là loại búp bê dùng để giao lưu văn hóa, để người mua hiểu thêm về đời sống tinh thần của người Việt qua trang phục và dáng vóc của thiếu nữ Việt từng thời kỳ khác nhau. Tác giả của loại búp bê này là bà Trùng Quang, một phụ nữ từng nổi tiếng ở Hà Nội thập niên 1940 vì thường xuyên làm công tác xã hội và sáng lập trường nội trợ Việt Nữ tại Hà Nội với mục đích đào tạo người phụ nữ tòan diện. Trường có dạy ngoại ngữ, âm nhạc, làm bánh, nấu ăn, thêu may.

Chân dung bà Trùng Quang 

 

Học viên đang hoàn thiện búp bê

 

Tiếp tục hoàn thiện

 

Mẫu búp bê truyền thống của bà Trùng Quang

Năm 1955, bà Trùng Quang vào Sài Gòn sinh sống. Bà lại lập ra Trường Nữ công Phương Chính dạy nghề và dạy chữ cho phụ nữ tại Sài Gòn. Năm 1956, muốn học hỏi Nhật Bản là một nước châu Á đang phát triển mạnh mẽ, bà tự túc sang Nhật quan sát đời sống phụ nữ Nhật, học nghề in offset màu và học ngoại ngữ. Bà còn học cắm hoa và nhất là học chuyên sâu nghề làm búp bê. Sau ba năm học, bà về nước và bắt đầu bắt tay vào việc sản xuất búp bê từ năm 1959. Kỹ thuật bà học từ người Nhật, vốn kỹ lưỡng và tinh tế trong sản xuất, chế tạo. Nhưng búp bê của bà là búp bê Việt Nam, với dáng hình thiếu nữ Việt mang vẻ đẹp đằm thắm dịu dàng mà bà luôn tự hào. Bà muốn loại búp bê này phải thể hiện cho được vẻ đẹp đó.

Xưởng búp bê của bà Trùng Quang sản xuất có hai loại: búp bê bằng nhựa để bán với giá bình dân và loại búp bê bằng vải lụa chú trọng tính mỹ thuật, công phu và khéo léo hơn. Để sản xuất, xưởng có máy móc, các khuôn rập để làm ra khuôn mặt và hình dáng, tơ để làm tóc, lụa để làm mặt, vải lụa để may y phục, sơn để làm đế, thuốc vẽ… Là giám đốc và cũng là làm chuyên viên chính về kỹ thuật, bà đảm nhận vẽ khuôn mặt búp bê, các khâu khác giao các chuyên viên do bà đào tạo. Kiểu dáng búp bê xưởng Trùng Quang sản xuất đa dạng, từ loại búp bê mặc trang phục cổ với hình dạng cô gái quê bận áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ, đến búp bê tiểu thư đài các mang khăn vành dây, áo thụng hài thêu. Có cả búp bê mang dáng vóc thiếu nữ hiện đại đi giày cao gót, tóc uốn quăn, áo ny-lông, quần sa tanh trắng, cầm ví tay. Mỗi búp bê là một tác phẩm mỹ thuật có sắc thái riêng, dáng điệu riêng nhưng đều mang vẻ đẹp kín đáo, nhu mì, thuần hậu của cô gái Việt.

Mẫu búp bê hiện đại của bà Trùng Quang.

 

Cô Nguyễn Thị Hảo, một học viên của lớp học làm búp bê tại Hội Việt Mỹ Sài Gòn với những con búp bê do cô và các bạn đồng học của cô tự tay làm lấy sau khóa học, trưng bày trong cuộc triển lãm Nghệ thuật do Hội Việt Mỹ tổ chức

 

Hình ảnh búp bê trưng bày tại buổi triển lãm tại Hội Việt Mỹ.

Búp bê Trùng Quang khi vừa xuất xưởng đã được dư luận đánh giá rất tốt vì tính tỉ mỉ công phu trong chế tác, mẫu mã lại đẹp nên rất được ưa chuộng ở thị trường Sài Gòn và miền Nam suốt thập niên 1960. Loại sản phẩm này được trưng bày thường xuyên tại gian hàng Công nghệ Việt Nam tại đường Tự Do (nay là Đồng Khởi), tham dự triển lãm Hội hoa mùa xuân 1960 tại Phòng Thông tin Đô thành, Triển lãm văn hoá Việt Nam tại hội trường Diên Hồng. Nhiều quốc gia Âu châu ưa chuộng đã đặt hàng và chính phủ miền Nam cũng đặt mua để dự các cuộc triển lãm tại Nhật, Thái Lan, Malaysia, Hoa Kỳ… Việc sản xuất dần ổn định và bà Trùng Quang mong sản xuất búp bê trở thành một kỹ nghệ lớn, giữ vai trò giới thiệu văn hóa, phát triển kinh tế của nước nhà. Báo chí Sài Gòn thời đó đánh giá “Búp bê văn hóa” của bà Trùng Quang đạt đỉnh cao về mỹ thuật và kỹ thuật.

Hình ảnh búp bê trưng bày tại buổi triển lãm tại Hội Việt Mỹ.

 

Một bộ búp bê Việt

 

Búp bê trưng bày tại một cuộc triển lãm. Ảnh: tư liệu

Đến đầu thập niên 1970, có một cuộc triển lãm nghệ thuật do hội Việt Mỹ Sài Gòn ở số 55 đường Mạc Đĩnh Chi tổ chức trưng bày thành quả của các lớp Hội hoạ, làm búp bê và làm bông vải, bông giấy của hội. Trong đó, phần triển lãm búp bê là các tác phẩm của cô Nguyễn Thị Hảo, học viên lớp làm búp bê tại hội Việt Mỹ cùng với những con búp bê do cô và các bạn đồng học của cô làm. Lớp dạy làm búp bê này do cô Bích Hạnh phụ trách, mỗi khoá hai tháng rưỡi và dạy được bốn lớp, mỗi lớp độ 25 học viên. Tại triển lãm này, các cô học viên đã trưng bày hơn 500 con búp bê tự làm lấy, từ hình dáng, kiểu và y phục của búp bê ngoại trừ những mặt nạ của búp bê làm bằng vải in khuôn sẵn kèm theo lọn tóc. Các học viên phần đông là các nữ sinh viên đại học các ngành Văn Khoa, Dược Khoa, Sinh Ngữ, học làm búp bê để giải trí, nên các tác phẩm trưng bày nhằm mục đích thể hiện thành quả của các khoá học, để khách tới thưởng lãm, chớ không bán.

Nửa thế kỷ trước, ở Sài Gòn đã cố gắng phát triển sản phẩm búp bê thủ công. Tuy nhiên, đến thập niên 1980 đã bị mai một. Gần đây, có những cố gắng phục hồi mặt hàng búp bê Việt bận áo dài để phục vụ nhu cầu mua hàng lưu niệm của khách du lịch dù tính mỹ thuật và nét đặc trưng Việt chưa thật sự cuốn hút.

Phạm Công Luận 

 

Tin cùng chuyên mục

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Sưu tập tranh kháng chiến nhân xem bộ sưu tập của Nguyễn Phi Hùng

Người chơi tranh, sưu tập tranh ở nước ta xưa nay thường có một trình tự sưu tập, cho dù chỉ là một trình tự mang tính tương đối, nhưng ít khi bị đảo ngược-như sau: Đầu tiên: Tranh hoa, tranh...

Có thể bạn quan tâm

BỨC TRANH LỤA “SƠN NỮ” CỦA LÊ THỊ LỰU Ở BẢO TÀNG MỸ THUẬT VIỆT NAM

  Cuối năm ngoái (2018), khi có thông tin gia đình họa sĩ Lê Thị Lựu sẽ tặng một số tranh của bà cho Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, đã có người hỏi tôi: “Tại sao họ lại tặng...

NHỮNG NGÔI NHÀ CÓ QUỶ

  Từ Đông sang Tây, trang trí kiến trúc luôn xuất hiện những khuôn mặt hung dữ, gớm ghiếc, nhe nanh, trợn mắt của quỷ dữ, của ác thần. Những khuôn mặt đó xuất hiện từ rất sớm trong các...

TẠO HÌNH CON TRÂU TRONG CÁC NỀN VĂN HÓA

  Trâu là động vật sinh sống phổ biến ở châu Phi, châu Á, nhưng hiếm gặp ở châu Âu, Trung Đông và châu Mỹ. Chính vì vậy, hình tượng trâu trong mỹ thuật và văn hóa chủ yếu xuất hiện ở Ai...

MỘT SỐ TƯ LIỆU VỀ BÙI XUÂN PHÁI

                                     ...

“Vầng trăng cổ tích” qua nét vẽ của thiếu nhi

TTH.VN – Hơn 30 học sinh tiểu học trên địa bàn TP. Huế vừa được tham gia cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Vầng trăng cổ tích” nhân dịp Tết Trung thu do Bảo tàng Mỹ thuật Huế phối hợp...