Bố tôi, họa sĩ Quang Phòng, là một người có sở thích lưu trữ và sưu tập. Có những tài liệu ông gìn giữ từ thời trai trẻ, cho dù đã trải qua bao xáo động cuộc đời, đến giờ vẫn không hề mất. Nhưng lạ thay, ông hoàn toàn không phải là một người tỉ mỉ, ngăn nắp. “Nó chỉ ở đâu đấy thôi” – bố tôi thường hay nói như vậy khi có ai nhờ ông tìm giúp một cái gì đấy. Và ông nói cũng chỉ để nói, bởi chỉ khi nào ông tình cờ tìm thấy thì ông mới chịu đáp ứng cho những người nhờ ông.
Tờ giấy giới thiệu này (ồ, đã 45 năm rồi!) là do tôi nhặt được trong một cuốn sách của bố tôi (tất nhiên, cũng là do tình cờ). Và tôi cũng không biết từ bao giờ nó đã được bố tôi kẹp trong cuốn sách ấy. Điều chắc chắn là ông không nỡ bỏ nó đi, mặc dầu với nó chắc ông cũng không hề lưu luyến.
Chỉ sau khi bố tôi mất ít lâu (ông mất đầu năm 2013), tôi mới “chính thức” coi tờ giấy giới thiệu kể trên là một tư liệu cần lưu trữ.
Tờ giấy giới thiệu có khổ 19,5x13cm, đã vàng úa, một màu vàng vừa do thời gian, vừa điển hình cho các loại giấy vàng vàng ngày xưa của thời bao cấp. Qua nội dung của tờ giấy, ta có thể thu được nhiều thông tin thú vị như sau:
- Mẫu giấy giới thiệu này đã được in từ những năm 60 của thế kỷ trước. Vậy mà đến tận năm 1973 vẫn còn có để tiếp tục sử dụng. Chứng tỏ ngày ấy người ta sử dụng giấy rất có tiên lượng kế hoạch và tiết kiệm, chứ không phung phí như ngày nay.
- Giấy giới thiệu do “Đảng Lao động Việt Nam – Ban chấp hành Đảng bộ Hà-Nội” cấp, có ghi “Số 33 GT/ĐB”, gửi “Các cấp ủy Đảng, các ngành trong thành phố”, giới thiệu “Đồng chí Quang Phòng, là họa sĩ, có công tác đi thâm nhập thực tế ở cơ sở để sáng tác về Hà-nội chiến thắng những ngày cuối 12/1972”. Chứng tỏ các hoạt động văn hóa nghệ thuật khi ấy đều được coi là những hoạt động mang tính chính trị trực tiếp, và trực tiếp do Đảng phát động, chỉ đạo và trực tiếp tham gia điều hành theo “nguyên tắc tập trung” đang được siết chặt trong tình trạng chiến tranh.
- Ngày cấp: 15 tháng 1 năm 1973, tức là chỉ sau khi “Trận Điện Biên Phủ trên không” kết thúc đúng nửa tháng và trước ngày ký Hiệp định Paris đúng 12 ngày. Hạn cấp cũng chỉ trong đúng một tháng, có giá trị đến ngày 15 tháng 2 năm 1973. Chứng tỏ các hoạt động văn hóa nghệ thuật khi ấy rất khẩn trương, bám sát thực tế, theo đúng phương châm “cần phục vụ ngay”, và đã được thực hiện đúng theo nguyên tắc “bảo mật, phòng gian” thời chiến.
Kết quả: Vậy họa sĩ Quang Phòng đã làm được gì qua những ngày “đi thâm nhập thực tế” ấy?
Quả thực, bố tôi đã có một số ghi chép tại những hiện trường nơi có máy bay B52 Mỹ bị bắn rơi, mà bức nghiên cứu tại hồ làng Ngọc Hà giới thiệu ở đây chính là một trong những ghi chép ấy.
Sau, theo đặt hàng của Nhà nước, bố tôi có chuyển bản ghi chép này thành tranh sơn dầu để trưng bày tại phòng khách của Sân bay Gia Lâm, Hà Nội.
Năm 1973 cũng là năm nước ta bắt đầu có quan hệ ngoại giao rộng rãi với nhiều nước “ngoài phe XHCN”, hay nói chính xác hơn, là với các nước tư bản chủ nghĩa. Hàng không quốc tế hẳn đã trở nên rất quan trọng, các sân bay quốc tế chính là nơi đầu tiên, cửa ngõ, để các bạn bè đến với chúng ta. Tôi chợt nghĩ: Việc trưng bày một bức tranh vẽ “xác máy bay”, cho dù là xác máy bay của đế quốc Mỹ xâm lược, ở ngay một sân bay quốc tế như vậy, có thể được xem như một ý tưởng rất “kỳ” và “lạ” của một thời, hay không?!
Bức tranh ấy bây giờ ở đâu, tôi cũng không được biết nữa.
Quang Việt
(*) Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Mỹ thuật số 305 – 306 tháng 5-6 năm 2018