TRÒ CHUYỆN ĐẦU XUÂN CÙNG NHÀ GIÁO – NHÀ SƯU TẬP NGUYỄN BÁ ĐẠM: NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ, HỒN Ở ĐÂU BÂY GIỜ ?

 

“Người muôn năm cũ” ở đây mà tôi muốn nhắc đến chính  là cụ Nguyễn Bá Đạm – nhà giáo – nhà sưu tập tranh, được mọi người mặc nhiên coi là người bạn tri kỷ nhất của họa sĩ Bùi Xuân Phái nói riêng và là bạn chơi tâm giao của ba danh họa khác trong bộ tứ huyền thoại Sáng, Nghiêm, Liên, Phái và nhà văn Nguyễn Tuân…

Nếu xem lại các bút tích ngày trước, có thể thấy các nghệ sĩ đã gọi Nguyễn Bá Đạm là Cụ, một cái tên gọi vừa thân mật vừa tỏ lòng tôn trọng một  nhà giáo nho nhã có tình yêu sâu sắc với hội họa.

Tôi đến thăm cụ Đạm tại Giáp Nhất, Thanh Xuân vào một trong những ngày nắng đẹp nhất tháng 11/2016. Tôi cũng không ngờ là có một ngày mình lại được gặp một nhân vật tưởng như chỉ còn trong các câu chuyện kể thời xa xưa. Sau buổi trò chuyện…nghe tôi kể đến nhà chơi với cụ thì rất nhiều người đã ngạc nhiên vì tưởng cụ đã mất lâu rồi. Tất cả đều thốt lên “trời ơi, quý quá, cụ là một kho tư liệu sống về các họa sĩ ngày xưa đấy”. Nhóm bạn ngày xưa ấy bây giờ chỉ còn mỗi cụ. Năm 1988 là năm đau buồn với nền mỹ thuật Việt Nam khi  Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng đều ra đi…và gần đây nhất là họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm cũng đã sang thế giới bên kia.

Từ trái sang: Văn Hòe (người thứ hai đeo kính), Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng (hai người ngồi), Việt Chiến (người đứng thứ năm), Nguyễn Bá Đạm (đội mũ), Đức Minh (ngoài cùng)

Trong suy nghĩ của tôi, cụ Nguyễn Bá Đạm gần như là một truyền thuyết. Cụ sinh năm 1922, kém họa sĩ Bùi Xuân Phái hai tuổi. Lưng đã còng rạp, nhưng nếu xét theo khổ người thì hồi trẻ cụ hẳn là người đàn ông cao lớn, nay đã 95 tuổi mà đôi mắt vẫn rất sáng, mũi gồ cao, khuôn mặt vuông vức, quắc thước, trí nhớ vẫn còn rất minh mẫn. Nhưng ẩn sau vẻ ngoài ấy lại là một giọng nói nhẹ nhàng, rủ rỉ, từ tốn và một sự thông tuệ đến tuyệt vời khi nói chuyện.

Cụ và cháu ngồi trò chuyện với nhau trong căn nhà to, rộng, chắc chắn, được xây từ năm 1997. Phòng khách thật giản dị với bộ bàn ghế gỗ giữa nhà. Quan trọng nhất, nổi bật nhất và đáng giá nhất có lẽ là bức bình phong đặc biệt có từ thời Hoàng Cao Khải, xung quanh dưới chân tường đặt   những chiếc bình vôi cổ, trong tủ kính là mấy chồng đĩa gốm quý. Trên tường chỉ có duy nhất một bức chân dung do Bùi Xuân Phái vẽ cụ Đạm năm 1967… trái ngược hẳn với lớp lớp tranh treo ở nhà riêng của các nhà sưu có thâm niên khác.

 

Nhà báo Hoàng Anh: Mối lương duyên của cụ với nghệ thuật bắt nguồn từ khi nào, thưa cụ?

Cụ Nguyễn Bá Đạm: Thực ra, đó là sự ham thích.  Ngay từ hồi nhỏ tôi đã rất thích và chú ý đến những thứ như tranh ảnh, bưu thiếp, tem thư, tiền giấy hoặc các đồng tiền kim loại. Hồi tôi tám tuổi, có một lần được ông anh dẫn đi chơi ở Bảo tàng Louis Finot thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ (Pháp) vừa mới khánh thành (nay là bảo tàng Lịch sử). Khi tới gian giới thiệu trưng bày tiền cổ, tôi say sưa ngắm nhìn. Tiền đồng cổ được để trên các giá tủ kính, từng ngăn, từng ngăn sáng lấp lánh. Tôi chợt thấy loáng thoáng một vài mẫu tiền đồng  giống như “bộ sưu tập cỏn con” mình đã có, cảm thấy một thoáng tự hào quá đỗi trẻ con  là mình có “tí đồ cổ”. Ý nghĩ sưu tập nung nấu hình thành ngay từ đó.

Hồi ấy, báo Tết lại hay có phụ bản. Ông anh tôi thấy rẻ, mua về treo khắp nhà. Tôi thì quá thích rồi nên vừa treo, vừa ngắm, vừa lưu giữ cẩn thận chứ không bỏ đi sau dịp Tết như người khác. Nhà thì nghèo, nhà tranh vách nứa thôi nhưng cứ sáng bừng lên vì những bức phụ bản báo ấy. Tranh in thì đẹp lắm, có tranh Trần Bình Lộc vẽ cảnh chùa, vẽ người thiếu phụ mặc áo dài dắt tay em bé đi chơi Tết… về  cứ thế treo thành bức tranh luôn. Hiện tại nhà ông Nguyễn Văn Trường (con họa sĩ Nguyễn Dung) vẫn còn lưu một vài bản tương tự như thế đấy.

Tôi thì thích bất cứ cái gì cổ cổ nên sưu tập nhiều thứ: tiền cổ, gốm cổ, gạch cổ, ngói cổ, đồ đồng cổ…đặc biệt là bộ sưu tập tiềng đồng cổ của tôi được đánh giá cao và tôi đã được gọi vui là “ông trùm tiền cổ đất Hà Thành”.

Bút tích của nhà văn Nguyễn Tuân

 

Bút tích của họa sĩ Lê Quốc Lộc

 

Bút tích của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung

 

Bút tích của họa sĩ Công Văn Trung

 

Bút tích của họa sĩ Nguyễn Sáng

 

Thư của họa sĩ Bùi Xuân Phái hồi âm cho cụ Đạm sau khi hai ông trao đổi thư từ qua lại vào thời gian Bùi Xuân Phái vào miền Nam chơi

 

Bút tích của họa sĩ Đinh Minh

HA: Cái vụ tiền cổ này thì cháu đã đọc trên báo rồi ạ. Như vậy là cụ sưu tập rất đa dạng, miễn nó là đồ về nghệ thuật đúng không ạ? Còn tranh thì thế nào? Họa sĩ nào cụ quen đầu tiên? Bức tranh nào mà cụ sưu tầm đầu tiên, thưa cụ …?

Cụ NBĐ: Họa sĩ Nguyễn Dung chính là người đầu tiên tôi quen biết. Khoảng  từ năm 1959, tôi và ông Dung cùng công tác ở Trường Sư phạm 10+3. Ông Nguyễn Dung dạy họa, còn tôi thì làm giáo vụ ở đó.  Nhiệm vụ chính là chuyên sắp xếp giờ, thời khóa biểu cho các giáo viên lên lớp, thời gian rỗi rãi cũng khá nhiều vì thế tôi hay  đến nhà ông Dung chơi. Bùi Xuân Phái,  Dương Bích Liên là tôi quen ở đó, khoảng năm 1963 gì đó. Buổi gặp gỡ đầu tiên là ông Phái cầm sổ tay ký họa tôi luôn. Bức tranh đầu tiên tôi sở hữu là bức ký họa của Bùi Xuân Phái tặng. Còn tác phẩm  đầu tiên tôi mua cũng chính là tranh của ông Phái với giá 20 đồng, lương của công nhân hồi đó khoảng 45đ/tháng. Chi tiết bức tranh thế nào tôi không nhớ rõ nữa nhưng chắc chắn  nó là một bức tĩnh vật. Sau này, tổng số tranh tôi mua của ông Phái vào khoảng 70, 80 bức. Giá tiền một bức tranh khoảng 20đ hoặc hơn (thời giá năm 1962).

HA: Giá như vậy là “oách” rồi cụ nhỉ. Sau đó cụ lần lượt  mua tranh của những họa sĩ nào nữa ạ?

Cụ NBĐ: Bức tranh thứ hai tôi mua cũng là từ ông Phái nhưng không phải tranh ông ấy vẽ. Đó là tranh của họa sĩ Tạ Tỵ.  Nguyên nhân là do hai ông trao đổi tranh cho nhau. Đấy là bức tranh khỏa thân vẽ hai thiếu nữ theo trường phái Lập thể hay Trừu tượng gì đó. Tôi trả cho ông Phái 30 đồng vì biết là bạn khó khăn lắm mới phải bán. Tiếp sau đó tôi lần lượt mua tranh của các họa sĩ như: Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm… Tôi cũng chỉ có ngần ấy tên trong bộ sưu tập, suýt soát 100 bức với nhiều chất liệu khác nhau. Tranh Nguyễn Tư Nghiêm thì là bộ đĩa bằng sơn mài vẽ gà và mèo. Bộ sưu tập của tôi hồi đó được người trong giới đánh giá cao vì tôi mua bằng tiền chứ không phải nhặt nhạnh  những bức thải đi nên chọn được những tác phẩm tôi ưng ý. Cũng có một vài nhà sưu tập đồ cổ thấy tôi mua tranh cũng hỏi han này khác, tôi cũng khuyên rất chân thành là nên mua của những người này, người này…Có người chơi thân thì tôi khuyên ông ấy nên tập trung vào tranh Phái. Nhưng trình độ ông ấy không có, nói không nghe, hoặc có khi lại “ngại” bỏ tiền nên cứ nhặt nhạnh những cái vớ vẩn. Thực ra cũng phải thôi, vì muốn hiểu được tranh thì phải có tư duy thẩm mỹ, có con mắt nhìn. Tranh hay, tranh dở ở chỗ nào, bố cục màu sắc ra sao, hình có đẹp không. Có khi trong những cái “bôi bác nguệch ngoạc lại ăn tiền” thì làm sao mà nhìn ra nếu không có con mắt tinh tường.  Tóm lại là thường “mua tranh vớ vẩn” (vì rẻ), hoặc  đổi chác bằng rượu, hoặc xin thì  tranh không thể chất lượng được. Tranh đẹp cũng phải có tầm giá như thế nào thì họa sĩ mới bán được chứ. Có phải bức nào cũng xuất sắc đâu. Vì thế, rất nhiều tranh đẹp hồi ấy chỉ có Đức Minh mua được. Ông ấy mua bằng tiền mặt. Ông ấy là người duy nhất tôi nể phục về tranh. Đức Minh xứng đáng là “Nhà sưu tập số một”. Một  tay sưu tầm kỳ cựu, giỏi và am hiểu về tất cả các lĩnh vực như: tranh, gốm. Ông ấy thật sự rất giỏi. Tới bây giờ vẫn chưa có ai vượt qua được…

Có một điều tôi tiếc mãi cho Phái bạn tôi vì tranh của ông ấy bây giờ không thể bán giá cao được do bị làm giả quá nhiều. Tôi rất buồn vì điều ấy. Tôi buồn cho bạn tôi. Vì “tầm đẳng cấp” của ông ấy phải cao hơn giá trị đang định bây giờ rất nhiều.

HA: Đúng như vậy đấy ạ. Bức “Chèo” được cho là tranh giả của Bùi Xuân Phái mức giá khởi điểm từ bốn đến năm nghìn đô-la Singapore, nhưng sau đó chỉ bán được hơn 4 nghìn (4392 usd) tương đương hơn ba nghìn đô-la Mỹ tại Nhà đấu giá Larasatti  Hongkong năm 2015. Với giá tiền ấy thì không thể nào mua được một bức tranh thật cùng đề tài. Vậy, ngoài ông Đức Minh thì ông Bổng, ông Lâm cà-phê, ông Tô Ninh, ông Việt Chiến được xếp vai như thế nào thưa cụ?

Cụ NBĐ: Hồi đó ít nhà sưu tập lắm. Có mấy người thôi. Tôi tự đánh giá theo chủ quan nhé. Đứng đầu là ông Đức Minh, sau đó là tôi rồi ông Lâm cà-phê, ông Bổng Hàng Buồm… chứ ông Tô Ninh, Việt Chiến, là những người sưu tập tầm tầm. Ông Tô Ninh hồi đó nhờ vợ có nghề tay trái làm thêm ở phố Hàng Thiếc nên cũng “bon chen” mua tranh. Nhưng do cũng không có “khiếu” lắm, mà lại là “nhà giàu mới nổi”, muốn mua nhiều, mua nhanh nên tranh cũng bình thường, không đẹp…

Cụ Nguyễn Bá Đạm và bức ký họa chân dung do họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ tặng vào năm 1963 để kỷ niệm một năm ngày đầu gặp gỡ Sáng – Nghiêm – Liên – Dung – Phái – Đam

 

Bức biếm họa vui mà Bùi Xuân Phái vẽ trực tiếp ngay khi nhìn thấy cụ Đạm trên tivi trong chương trình phim “Phố Tràng Tiền” tối ngày 28/11/1977

 

BÙI XUÂN PHÁI – Ký họa chân dung Nguyễn Bá Đạm. 1963

 

Tác phẩm (cỡ bao diêm) của họa sĩ Bùi Xuân Phái là bức tranh duy nhất (ngoài bức chân dung treo tường) mà cụ Đạm còn lưu giữ được đến bây giờ

HA: Tại sao cụ  không mua tranh của họa sĩ khác mà chỉ có của bộ tứ Sáng – Nghiêm – Liên – Phái hoặc Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Tiến Chung thưa cụ?

Cụ NBĐ: Không, tôi không thích, có biếu tôi cũng không lấy chứ đừng nói gì là mua. Các họa sĩ khác so với những họa sĩ mà tôi đã mua thì nó kiểu như “trung ương với địa phương ấy”, không thể đứng ngang hàng được, không thể xếp ngang hàng được…

HA: Thế còn tranh của họa sĩ Lê Phổ thì sao thưa cụ, tranh Lê Phổ bây giờ giá cao ngất ngưởng?

Cụ NBĐ: Tranh ông Phổ hồi ấy đã đắt rồi, đắt lắm ấy, tôi làm sao đủ tiền mua. Ông Đức Minh đã từng phải mua tranh Lê Phổ với giá 20 vạn đồng đấy!

HA: Quả thực là đắt quá cụ nhỉ. Cụ có thể kể cho bạn đọc Tạp chí Mỹ thuật một vài kỷ niệm đáng nhớ với các họa sĩ?

Cụ NBĐ: Kỷ niệm đáng nhớ nhất, đặc biệt nhất của tôi lại chính là lúc đau buồn nhất cuộc đời của Bùi Xuân Phái, đó là vào ngày Kỳ Anh mất. Chuyện Tết mà kể nó cũng hơi buồn.

Tôi và Phái do tình thân thương quý nên thi thoảng lại đi ăn sủi cảo với nhau (hồi ấy hiếm mà) hoặc có đồ ăn ngon lại biếu nhau. Hồi tôi đi sơ tán ở làng của người công giáo, làng Chuông (Thanh Oai, Hà Tây) chỗ sông Đáy ấy. Họ quý tôi nên sau này (khi tôi từ chỗ sơ tán trở về nhà), mỗi khi họ đánh được con cá tươi ngon  họ đều đem ra biếu tôi. Hôm ấy, họ đem lên biếu mấy con cá sông to. Cá được xâu vào lạt và vẫn còn đang tươi lắm. Hồi ấy cá với thịt cũng là một trong những vấn đề “quan trọng”. Thấy cá tươi ngon tôi nghĩ ngay đến Phái. Thế là ngay lập tức tôi liền treo mấy con cá lên ghi đông xe và vội vàng đạp nhanh (kẻo cá mất tươi sẽ không ngon) từ nhà tôi ở Ngọc Hà lên phố Thuốc Bắc mang  biếu  bạn. Đến nơi lạ quá…nhà cửa vắng tanh, không thấy bà Sính đon đả ra đón tôi như mọi khi. Bình thường mỗi khi tôi đến thì hầu như bà Sính bao giờ cũng là người đầu tiên nhìn thấy, chạy ra đón và nói to vọng vào trong nhà cho ông Phái nghe thấy: “Ông ơi, ông Phờ-rô-tít (bởi protein cũng có nghĩa là Đạm, bà Phái gọi tôi theo cả ‘nghĩa đen’ lẫn ‘nghĩa bóng’) đến chơi này…”. Tôi chợt thấy ông Phái đang ngồi thẫn thờ bên chỗ gần cầu thang. Hỏi gì cũng không trả lời, cứ như ai đã bắt mất hồn. Hỏi quanh hàng  xóm tôi mới biết là bà Sính chạy vào trong bệnh viện… lo hậu sự cho Kỳ Anh vừa mới mất vì tai nạn giao thông. Trời ơi!  tôi thương bạn quá, không biết nói gì trước nỗi đau quá lớn này. Bạn tôi đau buồn, không để ý bất cứ một thứ gì nữa. Có lẽ lúc ấy có động đất hay bom nổ ông ấy cũng không chạy. Tôi nhìn bạn, rồi lại nhìn con cá trên ghi đông xe, thấy sao chúng “vô duyên không thể tả được”. Tôi bỏ mấy con cá lăn lóc chỗ chân cầu thang, chạnh lòng nghĩ đến lúc mình hồ hởi, phấn chấn đạp xe thật nhanh ra nhà bạn để mang chút niềm vui nho nhỏ cho bạn, nghĩ bạn sẽ có bữa tươi… mà lại gặp cảnh trớ trêu thế này. Thương bạn quá mà không biết phải làm sao…!

HA: Câu chuyện buồn quá cụ ạ. Cụ cháu mình chuyển sang câu chuyện khác nhé. Ngoài ông Phái và các họa sĩ khác thì cụ còn chơi với nhà văn Nguyễn Tuân phải không ạ?

Cụ NBĐ: Có, tôi chơi với ông Tuân cũng từ ông Phái đấy. Chuyện thì nhiều lắm nhưng câu chuyện về bức chân dung mà Nguyễn Tuân được ông Phái vẽ tặng là tôi thích nhất vì tranh quá đẹp, tình bạn chân thành và cảm động của họ còn đẹp hơn. Chúng tôi chơi thân với nhau lắm, yêu quý nhau vô cùng nên đi đâu chơi cũng rất hay đi cùng nhau. Một lần, Phái dẫn tôi đến nhà Nguyễn Tuân chơi. Thấy Phái đến Nguyễn Tuân hào hứng, sung sướng ra đón. Vì yêu quý Phái, thấy tôi đi cùng Phái nên Nguyễn Tuân cũng yêu quý và trân trọng luôn (Nguyễn Tuân thì vốn kỹ tính mà). Chúng tôi ngồi xuống, Nguyễn Tuân mở la liệt những “của quý hiếm” thời đó như rượu Cognac, rượu Martell, thuốc lá ba con năm (555) do tờ báo L’HumaniTé (thường được gọi là báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp) biếu vì ông Tuân viết bài cho họ. Ông Tuân rất nhiệt tình, còn ký tặng sách cho tôi nữa. Lại nói chuyện chữ ký, hồi đó chúng tôi thân nhau quá nên thấy cũng cứ thấy bình thường, không phải xoắn xuýt lấy chữ ký này nọ…có những bức ký họa Phái vẽ xong đưa tôi cũng chẳng ký cọt gì. Bức chân dung Phái vẽ Nguyễn Tuân là bức tranh tôi mua đắt nhất trong những bức tôi đã mua của ông Phái và đó cũng là bức tôi thích nhất. Cũng chính vì tôi thích bức ấy mà ông Phái đã nợ Nguyễn Tuân một bức tranh…câu chuyện này cũng buồn!

BÙI XUÂN PHÁI – Ký họa chân dung nhà văn Nguyễn Tuân. 1972

 

DƯƠNG BÍCH LIÊN – Ký họa chân dung họa sĩ Bùi Xuân Phái. 1973

 

Đây là bức chân dung nhà giáo Nguyễn Bá Đạm duy nhất do họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ năm 1967 được treo trang trọng trong phòng khách gia đình cụ Đạm hiện nay

 

Di bút của nhà thơ Vũ Đình Liên được Bùi Xuân Phái trình bày và minh họa

 

Nhà báo Hoàng Anh và cụ Nguyễn Bá Đạm chụp ảnh tại nhà riêng trong buổi trò chuyện tháng 11/2016

HA: Lại một câu chuyện buồn nữa ạ. Nhưng mà sao cháu vẫn muốn nghe quá…!

Cụ NBĐ: Khi Phái được Nguyễn Tuân tặng lại bức “Phố Hàng Thiếc” (1952) để bày triển lãm cá nhân năm 1984 thì Phái mừng lắm. Mừng mà vẫn đang băn khoăn không dám bày, vì năm 1952 Thủ Đô chưa giải phóng thì sự xuất hiện của ông Phái ở Hà Nội sẽ bị đặt câu hỏi (do sức khỏe kém và vợ sắp sinh con nên ông đã rời kháng chiến trở về). Nguyễn Tuân thì muốn cho người yêu tranh Phái có cơ hội được thưởng thức một Phố Phái thời kỳ đầu và cũng mong muốn được Phái vẽ tặng cho một bức chân dung. Phái vui vẻ vẽ ngay và bức chân dung đó được hoàn thành trong một buổi chiều. Ông Tuân rất thích nhưng chưa thể mang tranh về được vì sơn còn ướt nên đành để lại. Mấy hôm sau, tôi lại có việc qua nhà Phái chơi. Tôi thích quá, ngắm không rời mắt, muốn lấy và đã trả ông Phái một cái giá rất cao tới 40đ. Phái bối rối quá vì đấy là tranh của Nguyễn Tuân và bảo tôi cần phải xem ý của ông Tuân thế nào. Hôm ông Tuân đến lấy tranh về, thấy Phái kể lại thì ông Tuân lại vui vẻ bảo: “Thôi bán cho lui (lúy) ông ạ. Đây là dịp tốt giúp ông có thể mua thêm được nhiều họa phẩm để tiếp tục sáng tác. Cứ thong thả, hôm nào tôi lại đến làm mẫu cho ông vẽ bức chân dung khác” . Thế nhưng nhà văn Nguyễn Tuân không bao giờ có dịp trở lại xưởng vẽ của Phái để làm mẫu nữa. Nguyễn Tuân mắc bệnh nặng và mất vào năm 1987. Ngày tiễn biệt bạn, Bùi Xuân Phái buồn bã, than thở: “Thế là mình mang mãi món nợ với Nguyễn Tuân” (đoạn này có tham khảo thêm tư liệu từ bài viết của họa sĩ Bùi Thanh Phương – người viết).

 

HA: Quả thực là buồn cụ ạ. Buồn nhưng câu chuyện thấm đẫm tình người, tình bạn bè yêu thương và hiểu nhau. Thế bây giờ bức tranh ấy ở đâu rồi thưa cụ, cháu có thể xem ảnh chụp được không ạ?

Cụ NBĐ: (Buồn buồn im lặng một hồi không nói gì, sau đó cụ nói mấy câu bâng quơ không hẳn hàm ý trả lời tôi) Trong cuộc đời, thật là nhiều chuyện xảy ra cứ mơ mơ hồ hồ khó đoán định. Cũng chẳng phải thiếu thốn gì để mà bán tranh đi… lấy tiền để sắm sửa này khác. Chuyện của tôi nó cũng giống như câu chuyện của một anh chàng có đôi giầy mới và quý. Thoạt đầu, anh ấy giữ gìn ghê gớm lắm, đi đường sợ bụi bẩn, đi chỗ lội thì cởi giầy ra cắp vào nách…nhưng sau đó vô ý một lần anh ta làm cho giầy bị bẩn một ít; thế là những lần sau, khi giầy bị bẩn thêm anh ta lại tặc lưỡi nghĩ “đã bẩn rồi cho bẩn thêm tí nữa có làm sao”…thế là chẳng mấy chốc đã tan nát đôi giầy…

Và nữa, khi người ta được săn đón quá mức, được biếu xén những món quà, được yêu quý, được chiều thì sẽ dần xiêu lòng và…đến lúc chẳng còn lại gì quý giá thì đã muộn quá rồi…

(Có nhiều lý do nhưng có lẽ do mê mải với tiền cổ mà cụ Đạm đã làm mất dần bộ sưu tập tranh của mình – và chắc chắn cụ là người tiếc nuối nhất – người viết)

 

HA: Cháu hiểu ý của cụ muốn nói gì rồi ạ. Cuộc đời đôi khi vẫn phải thế mà cụ. Coi như những tác phẩm ấy đã hết duyên ở lại với mình. Bây giờ cụ kể cho cháu và bạn đọc Tạp chí nghe vài mẩu  chuyện vui  nhé…

Cụ NBĐ: Chuyện vui hay buồn của tôi thì cũng đều liên quan đến các ông ấy cả. Nguyễn Sáng rượu vào thì coi trời đất chả ra gì, nói năng lung tung, lại hay văng bậy nữa, vợ con không có, rượu nhiều nên ngất nga ngất ngưởng, tốn thời gian để say nên không còn nhiều thời gian để vẽ. Hồi ấy Nguyễn Tư Nghiêm và Nguyễn Sáng có mâu thuẫn một thời gian dài nữa đấy. Nhà số 65 Nguyễn Thái Học thì toàn văn nghệ sĩ tụ tập suốt. Phan Chánh ở trên cao tít. Mai Văn Hiến ở ngay góc dưới gần đường. Hồi ấy, tôi có mua một vài bức sơn mài của Sáng. Có lúc Sáng lại bảo tôi: “Ông để lại cho tôi rồi tôi vẽ cho ông bức khác”. Sáng thì tốt lắm nhưng tranh ông ấy hay làm theo cảm hứng ngoài lúc say vì thế tôi bảo: “Không được, ông cứ như thế này thì biết đến bao giờ ông mới vẽ tranh trả cho tôi”. Dương Bích Liên cũng vẽ cho tôi một bức chân dung sơn dầu nhưng trông nó “thật” quá, tôi không thích lắm. Tôi thích phải cách điệu cơ. Bức này sau đó tôi đổi cho tay Bổng Hàng Buồm lấy mấy viên gạch cổ; sau này tay Bằng ở Cầu Giấy (ông Bằng là chủ quán cafe ở ô Cầu Giấy) lại lấy lại (hiện nay nhà ông Bằng giữ, vì người viết bài này cũng đã có dịp đến chơi nhà ông Bằng). Tay Bổng thì khôn, cứ lúc nào vui chuyện lại gạ đổi, dần dần đổi của tôi hơn 50 bức ký họa ông Phái vẽ mà tôi chỉ được đổi lại nhõn mấy viên gạch và vài chiếc đĩa cổ (ông cười rất hóm).

Tôi yêu và quý Phái nhất ở hai điểm. Thứ nhất: ông ấy vẽ không bao giờ phụ thuộc vào mẫu mấy. Ông ấy luôn vẽ theo cái cảm. Thứ hai: Phái là con người chỉ trọng tình cảm, không bao giờ màng đến tiền nong, kinh tế. Nguyễn Sáng có những cái mạnh tay về tạo hình, hắn vẽ nhiều thứ mà người khác nghĩ không ra. Ông Liên thì dựa vào mẫu nhiều. Ông Nguyễn Đỗ Cung thẳng tính, ít nói, rất thích sách.  Tôi nhớ có một lần vào ngày 30 Tết, ông Cung đến nhà chơi tôi vào lúc ba giờ chiều, tôi thì bận quá cũng không tiếp cho chu đáo được. Nhà có nhiều sách nên lấy tạm mấy cuốn sách cho ông ấy đọc. Ai ngờ ông ấy đọc một lèo đến tám giờ tối mới đứng dậy…chả nghĩ gì đến Tết nhất cả. Ông Nguyễn Tiến Chung thì nhà có cây roi rất to ở góc vườn, mỗi khi tôi đến ông ấy lại lấy gậy chọc chọc vài quả rồi hai người nhấm nháp nói chuyện. Ông ấy còn hay cho lá tía tô vào trà uống nên có vị rất lạ…

Tết đến thì tôi chẳng mấy khi đến nhà từng họa sĩ chơi vì tôi cũng như mấy ông khác, muốn gặp nhau thì cứ đến nhà ông Phái là gặp hết. Ở đấy như cái nhà hội họp của nghệ sĩ…vui vô cùng!

 

HA: Cháu hỏi cụ một câu hỏi cuối và vui nhé. Thế sau khi bán bộ sưu tập quý giá của mình đi, sao cụ không dành một phần để mua tranh nữa ạ?

Cụ NBĐ: Những bức đẹp của các ông ấy thì tôi mua hết rồi. Bây giờ toàn tranh kém hơn tranh tôi đã từng có, tranh rởm lại nhiều, giá lại cao thì tôi mua làm sao được. Các họa sĩ trẻ thì tôi không biết. Và điều quan trọng nhất là tôi đã dành tình yêu của tôi với ông Phái và những người bạn cùng thời mất rồi. Khó có thể yêu thêm lần nữa…(ông trầm ngâm).

 

HA: Cháu nghĩ đấy là những tình cảm rất đáng trân trọng giữa những người bạn. Cảm ơn cụ đã cho bạn đọc như được sống trong những câu chuyện xưa của các nghệ sĩ yêu quý của chúng ta. Nhân dịp Xuân Đinh Dậu 2017, thay mặt Ban biên tập Tạp chí Mỹ thuật, thay mặt cho bạn đọc gần xa cháu xin chúc cụ Năm mới dồi dào sức khỏe, nhiều niềm vui bên con cháu và hưởng hạnh phúc của tuổi già…!     

                          Hoàng Anh

(*) Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Mỹ thuật số 289 & 290 tháng 1 – 2 năm 2017

 

 

Tin cùng chuyên mục

Những dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của kiến trúc sư Ernest Hesbrard

Ernest Hébrard (1875 – 1933) sinh ngày 11/9/1875 tại Paris. Ngày 15/10/1891, khi 16 tuổi ông đã bắt đầu theo học tại xưởng vẽ của Trường Đại học Mỹ Thuật Paris (Ecole nationale et spéciale des Beaux Arts de...

Thành phố sáng tạo và nghĩa cử tri ân sự sáng tạo

Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, với danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình đang tiến về phía trước với mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo hàng đầu trong khu vực. Trải qua nhiều cuộc chiến...

Biến chuyển cảnh quan truyền thống – hiện đại từ phù thế họa (ukiyo-e) đến phim của Ozu Yasujiro

Tranh khắc gỗ (Ukiyo-e, Phù thế hội) là thể loại độc đáo riêng có của hội họa Nhật Bản, thể hiện một cách đầy thi vị và đa diện về cõi phù thế của những thị dân Edo. Ukiyo-e cũng đã...

Đấu xảo hoàn vũ Paris năm 1867 – Hội chợ triển lãm quốc tế đầu tiên có người Việt tham gia

Hoàn cảnh và lý do người Việt có mặt tại Đấu xảo Hoàn vũ ở Paris năm 1867 Sau Hòa ước Nhâm Tuất (05-06-1862), thực dân Pháp được quyền chiếm đóng và quản lý ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vào...

Đào tạo sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật trong đại học đa ngành

Các trường đại học đa ngành cùng tư duy liên ngành được kỳ vọng có thể đóng góp vào cách tiếp cận mới trong đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật (VHNT). Ðó...

Tin cùng chuyên mục

TRÒ CHUYỆN CÙNG HỌA SĨ MỘNG BÍCH: NGƯỜI PHỤ NỮ VẼ LỤA ĐI GIỮA HAI THẾ KỶ

Đúng hẹn, tôi cùng Hoàng Anh-Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật, đến thôn Na, xã Hiên Vân (Tiên Du, Bắc Ninh) vào 8 giờ sáng ngày 29/12/2020. Nắng đẹp, gió thổi mát rượi, chưa có dấu hiệu gì của...

TRÒ CHUYỆN CÙNG CHARLOTTE AGUTTES- REYNIER: HỘI HỌA VIỆT NAM NHỮNG CÂU CHUYỆN

Giới thiệu từ trang web chính thức: Aguttes là nhà đấu giá thứ tư của Pháp và là nhà đấu giá độc lập đầu tiên, không có cổ đông bên ngoài. Aguttes được thành lập vào năm 1974 bởi Claude Aguttes...

NGUYỄN KHẮC CHINH – HẠNH PHÚC KHI LÀ CHÍNH MÌNH

  Nguyễn Khắc Chinh: sinh năm 1984. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật hà nội (2006). Hiện sống và sáng tác tại Hà Nội. Tạp chí Mỹ thuật (TCMT): Nghệ thuật Việt Nam nhìn chung biến chuyển như thế...

ĐỖ HIỆP – NGHỆ SĨ LÀ TẤM HÌNH PHẢN CHIẾU TỪ XÃ HỘI

  Đỗ Hiệp: sinh năm 1984. tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật hà nội (2007). Cao học Đại học Mỹ thuật Việt Nam (2012). Hiện đang sống và hoạt động nghệ thuật tại Hà Nội. Chủ nhiệm...

Tia- Thủy Nguyễn – Nghệ sĩ độc lập và tự chủ về tài chính dễ sáng tác và tự do hơn

  Tia-Thủy Nguyễn: sinh năm 1981, lớn lên ở Hà Nội, hiện ở TP. Hồ Chí minh. Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2006. học bổng du học tại Học viện Nghệ thuật và Kiến trúc...

Có thể bạn quan tâm

Lê Anh Vân – Một hành trình hiện đại cổ điển và trữ tình

Năm 1984, Lê Anh Vân quả thực đã đi trước một bước vào hội họa thời kỳ Đổi mới (một thời kỳ sẽ chỉ chính thức bắt đầu kể từ 1986), bằng một tác phẩm hội họa sơn dầu bố cục lớn...

Triển lãm mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024

Ngày 1.2, tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã khai mạc triển lãm “Mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024” do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Sự kiện nhằm chào đón Xuân Giáp...

Đấu xảo hoàn vũ Paris năm 1867 – Hội chợ triển lãm quốc tế đầu tiên có người Việt tham gia

Hoàn cảnh và lý do người Việt có mặt tại Đấu xảo Hoàn vũ ở Paris năm 1867 Sau Hòa ước Nhâm Tuất (05-06-1862), thực dân Pháp được quyền chiếm đóng và quản lý ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vào...

HỒ HỮU THỦ – XUÂN XANH

  Hồ Hữu Thủ sinh năm 1942 tại Bình Dương. Ông tốt nghiệp Trường Mỹ nghệ Bình Dương năm 1960. Tốt nghiệp Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn khóa 1961 – 1964 cùng với Đỗ Trọng...

Di sản văn hóa nào sẽ là biểu tượng Thanh Hóa

  Thanh Hóa là miền đất rộng, người đông, có bề dày lịch sử cách mạng lâu đời trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đất xứ Thanh linh thiêng đã sinh ra nhiều...