TRÒ CHUYỆN CÙNG HỌA SĨ, NHÀ ĐIÊU KHẮC TRẦN TUY: KHI NHÀ ĐIÊU KHẮC LÀM BÁO

 

 

Tháng 7 năm 1996, tôi (Hoàng Anh) bắt đầu làm việc ở Tạp chí. Hồi ấy, Ban biên tập đông hơn bây giờ nhiều, toàn “cây đa, cây đề, cây cổ thụ”. Này nhé, nhà điêu khắc Trần Tuy là Tổng biên tập (TBT) họa sĩ Trương Hạnh (đang làm giám đốc Nhà xuất bản Mỹ thuật – NXBMT) – kiêm Phó Tổng biên tập; nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hùng  – Trưởng ban Biên tập. Các biên tập viên lần lượt có anh Hoàng Hoa Cương (con trai họa sĩ Hoàng Công Luận – TBT Tạp chí từ 1990 -1993); anh Dân Hùng, con trai của họa sĩ Dân Quốc, và tôi. Sau đó có thêm chị Đỗ Thị Thắm, con gái của họa sĩ Đỗ Đức; sau chị Thắm thôi lại thêm chị Nguyễn Thu Thủy – tác giả của “Con đường gốm sứ” cũng chỉ làm một thời gian ngắn. Sau đó, họ lại lần lượt chuyển các cơ quan khác. Hiện nay Tạp chí còn mỗi mình tôi là người gắn bó lâu năm nhất.

Nhân kỷ niệm 40 năm, ái chà chà… gần nửa thế kỷ cơ đấy. Song song với việc tổ chức chương trình kỷ niệm sao cho thật hay, rồi làm nội dung số Tạp chí đặc biệt với các bài viết ngắn gọn, súc tích cùng những bài thật “nóng hổi”, gắn liền với các sự kiện mỹ thuật đương đại đang diễn ra (mà chúng tôi vẫn đùa là bài “câu like”), rồi lại phải “ngâm cứu” thêm mấy bài dịch từ các tác giả nước ngoài cho phong phú với mục đích bạn đọc sẽ có những góc nhìn đa chiều, tích cực về “sự quan trọng của phê bình trong mỹ thuật”… để nâng tầm vai trò của nghiên cứu lý luận mỹ thuật cho đúng với “vị thế của Phê bình”.

Bắt đầu từ năm 2015 (số 265&266 /tháng 1-2/2015), chuyên mục “Trò chuyện trong tháng”  trở thành chuyên mục chính thức. Nay đã bước sang năm thứ  ba với 14 số liên tiếp. Tạp chí đã phỏng vấn rất nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng trong giới, từ họa sĩ, nhà phê bình đến các nhà sưu tập: họa sĩ có Nguyễn Tư Nghiêm, Phan Kế An, Lê Lam, Mai Long, Trần Lưu Hậu, Trịnh Lữ, Phạm An Hải;  nhà phê bình có Phan Cẩm Thượng, Quang Việt; nhà sưu tập có cụ Nguyễn Bá Đạm, Nguyễn Minh, Tira Vanichtheeranon…

Lần trò chuyện thứ 15 này, tôi trân trọng dành tặng một nhân vật đặc biệt của Tạp chí Mỹ thuật: Nhà điêu khắc Trần Tuy, nguyên Tổng Biên tập thứ tám của Tạp chí Mỹ thuật, từ năm 1993 – 2002. Đến nay, ông là người giữ chức Tổng Biên tập lâu nhất của Tạp chí. Và ông cũng là người tổ chức thêm một số đầu báo xuất bản cùng một lúc cho Tạp chí: Mỹ thuật đời sống, Mỹ thuật Cười.

Dấu ấn của ông với các nhân viên trẻ như tôi hồi đó là một khung cảnh làm việc  thoải mái, dễ chịu, hài hước. Trong mắt tôi, sếp Trần Tuy là “một siêu nhân đa hệ”. Bản thân ông là một nhà điêu khắc, nhưng vẽ ký họa chân dung rất cừ (đã ra tới ba đầu sách về ký họa), viết báo rất hay, hóm hỉnh làm kinh tế cũng rất tốt…

Ngoài những việc đa hệ trên, sếp Tuy còn có tài riêng rất giỏi về “kinh dịch, bấm độn, bấm quẻ”. Ở Tòa soạn, mỗi khi rảnh rỗi chút thời gian thì lũ nhân viên lại xúm vào “đòi” chứ không phải “xin” sếp xem quẻ. Có chuyện buồn cười tôi nhớ mãi là hồi đó bạn Minh Hà, biên tập viên của Tạp chí muốn nhờ sếp xem giúp ngày “hoàng đạo” để vợ chồng bạn ấy có thể “tạo một em bé”. Sếp bấm bấm ngày giờ, rồi nói to (với cả Ban biên tập): “Ngày ấy, giờ ấy đẹp và rất tốt… hẹn đúng giờ gọi chồng về nhà ngay nhé, đảm bảo được luôn…” làm cho cả bọn được một trận cười đau cả ruột. Rồi có hôm thấy anh Hoàng Hoa Cương bận rộn thu xếp tài liệu, ôm lấy một đống và vác đi… trước khi đi nói giọng thì thầm ra vẻ rất “nguy hiểm” với cả Ban: “Hôm nay ngày không tốt, sếp ở nhà làm việc, mang tài liệu giúp sếp để sếp làm cho kịp” (Tạp chí ngày đó chưa có internet). Lũ nhân viên tha hồ náo loạn Tòa soạn vì sếp nghỉ…

Hồi ấy, Ban biên tập có một thông lệ riêng, cứ mỗi khi số Tạp chí ra đời suôn sẻ, đẹp đẽ là mấy chú cháu đi ra quán bia ở Phan Chu Trinh ăn mừng. Anh Quang Việt đèo chú Nguyễn Hùng cưỡi cái xe Honda CD5 vè vè ra trước. Bọn tôi lóc cóc đi ra sau. Tới nơi bao giờ cũng thấy hai vị đã ngâm nga đồ uống có cồn trước. Riêng chú Trần Tuy, ngồi vào bàn, dõng dạc gọi: “Xin một lon bò húc…”

Tôi ghé thăm sếp cũ một ngày mát mẻ hiếm hoi giữa tháng năm. Đón tôi (và tất cả mọi khách khác) vẫn luôn là cô Lộc (vợ của sếp). Một người phụ nữ có nụ cười tươi rói và khuôn mặt lúc nào cũng vui vẻ, thân thiện. Bao năm qua cô vẫn vậy, kể cả lúc chú Trần Tuy còn khỏe đến lúc chú yếu cô vẫn chu đáo, ân cần chăm sóc chú và gia đình. Cô là người nhân hậu và cực kỳ nhanh nhẹn. Nói về cô tôi chỉ có hai từ gói gọn tặng cô: Tuyệt vời!

Căn phòng riêng chưa tới 20m2 của chú kể từ khi bị bệnh, vừa làm phòng ngủ, phòng làm việc, phòng tiếp khách, phòng dạy vẽ, phòng chơi đùa của mấy đứa cháu nội ngoại luôn, mới “đa năng” chứ. Thú thực, căn phòng lúc cũng bừa bộn, lộn xộn một cách đáng yêu rất riêng. Về độ tiện lợi có lẽ là số một. Tranh treo khắp nơi trên tường, xếp  chồng chất. Trên bàn làm việc của chú la liệt đồ ăn vặt (mà theo như cô Lộc kể là để cho chú thi thoảng ăn cho đỡ buồn, rồi khách khứa, học sinh đến chơi thăm nom tiện có cái ăn luôn). Không những thế, bàn luôn có gia đình nhà kiến lượn lờ, nghênh ngang như chốn không người… mà tuyệt nhiên chú không có động thái đuổi. Chú bảo chúng cũng là những sinh thể sống, cứ để tự nhiên thôi. Mong được sống yên ổn với những người “anh cả” – con người trên địa cầu này nên phải tôn trọng chúng.

TRẦN TUY – Hùng khí Thăng Long – Giải thưởng Thăng Long (5 năm một lần). 2000. Composite. 180x85cm

 

Nhà báo Hoàng Anh (NB H.A): Tạp chí đã có ba loại khác nhau – kể cả khuôn khổ, măng-sét, số lượng phát hành. Từ Mỹ thuật đến Mỹ thuật thời nay, rồi thêm cả Mỹ thuật đời sống, Mỹ thuật cười và nay chỉ còn Tạp chí Mỹ thuật. Đặc biệt trong chín năm chú làm TBT, tạp chí đã ra tới ba đầu báo cũng một lúc ở cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Chú có thể kể cho bạn đọc Tạp chí về việc này không ạ. Những thuận lợi, khó khăn cũng như thách thức mà hồi đó với tư cách là TBT chú đã phải đối mặt…

Nhà điêu khắc Trần Tuy (NĐK Tr.Tuy): Cháu gái (tên Thi) 19 tuổi, đến tôi học vẽ để có thêm một khả năng (cháu biết hai ngoại ngữ, sử dụng ba nhạc cụ) trước khi đi du học ở Đức. “Ông năm nay bao nhiêu tuổi ạ?” Tôi gườm gườm hơi buồn và lí nhí trả lời theo kiểu Nguyễn Công Trứ: “Bác ngũ thập niên tiền nhị thập…ngũ” (nguyên câu là tam). Cháu có vẻ không hiểu. May quá, người già ngại nói thật đến tuổi tác của mình.

Khi cuộc kháng chiến lần một kết thúc, “Ờ đã chín năm rồi đấy nhỉ”. Mới có chín năm mà nhà thơ Tố Hữu đã cảm thán như thế. Nay Hoàng Anh tổng kết Tạp chí đã bốn mươi năm trôi qua làm sao tôi không khỏi chạnh lòng khi nghĩ lần lượt qua mười hai đời TBT thì hai phần ba các anh đã trở thành cát bụi không có mặt trong ngày vui hôm nay nữa.

Thôi đã nhắc lại quá khứ thì tôi cũng cố nhớ lại vài ba câu chuyện vui buồn của hơn hai mươi năm trước, dù nó hơi vụn vặt và lẫn lộn do sự nhớ và độ minh mẫn của tuổi già đã sa sút.

Năm 1993, tôi đang nghỉ ba tháng để về hưu non sau hai mươi ba năm làm việc ở Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam (hiện nay) – họa sĩ Trần Khánh Chương biết chuyện nên gợi ý tôi về Hội làm báo Mỹ thuật, nhân lúc TBT Hoàng Công Luận đến tuổi nghỉ hưu. Anh Luận cũng đồng ý với đề xuất này. Tôi liều đưa chân (vào…tròng). Về TCMT gặp toàn “ma cũ”.  Nhưng chả ai “bắt nạt”  tôi, trừ một ông tỏ vẻ không muốn nên khụng khiệng, cao ngạo, gần như bất hợp tác. Do đó mọi việc tôi tự làm lấy hết, từ đặt bài, viết bài, đọc duyệt, trình bày mỹ thuật, sửa bản in, theo dõi in, kể cả khi báo ra tôi còn đem theo phiếu nhận tiền cho các tác giả hy vọng gặp họ khi họ đến xem các cuộc triển lãm v.v…

Từ trái sang phải: họa sĩ Dương Viên, họa sĩ Trần Khánh Chương, nhà điêu khắc Trần Tuy, họa sĩ Trương Hạnh trong Lễ đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba nhân kỷ niệm 20 năm thành lập của Tạp chí Mỹ thuật – 10 năm thành lập Nhà xuất bản Mỹ thuật năm 1997 tại Hội trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Liệu được sức mình và tin vào lực lượng cộng tác viên (CTV) nên tôi liều mạng xin Hội ra mười hai số/ năm – thay vì  bốn hoặc sáu số (trước đây) để tạp chí gắn với các hoạt động của anh em thường xuyên hơn. Về  nội dung tôi mở thêm mục Mỹ thuật truyền thống, vì sau bảy năm ở Bảo tàng Mỹ thuật, tôi được tiếp cận nhiều với các tác phẩm dân tộc rất đẹp mà sao ít được giới thiệu trên các tạp chí cũ trước đó. Tôi cũng mở mục Trao đổi để anh em gặp gỡ, giới thiệu, trao đổi các ý kiến về chuyện bếp núc nghệ thuật. Việc này, về sau Hoàng Anh và Quang Việt làm rất hay. Văn phong các bạn ngắn gọn, hiện đại, chứa nhiều thông tin chứ không như tôi, chuyện bé bằng con kiến mà cứ leo ra, leo vào hết cành đa lại qua cành đào, cành cụt mà nói vẫn không hết ý. Tôi cũng mời các tác giả có thể giới thiệu tác giả tác phẩm trên 1/3, 1/2 hay cả trang nhưng vì nghèo…nên động viên các tác giả đóng góp một ít tiền cho chi phí ấn loát các trang đó.

Vẫn biết rằng tác phẩm đẹp xấu tùy theo trình độ và gu thẩm mỹ của người thưởng ngoạn nhưng dù sao vẫn có điểm chung, nên tôi gửi thư đến 50 họa sĩ bất kỳ để xin họ cho biết 10 tác phẩm đương đại đẹp nhất.

Tôi không nhớ cụ thể 10 tác phẩm được chọn (đã đăng trong một số tạp chí) nhưng chỉ nhớ tác phẩm đứng số một là “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của Nguyễn Sáng (tháng 12/2013 tác phẩm này được công nhận là Bảo vật Quốc gia). Điều thú vị là một số phiếu đưa một tác phẩm của tôi vào trong hàng chục danh sách đề cử. Tôi nghĩ họ “chiều” và đối xử lịch sự với tôi thôi. Chả nhẽ người đề ra chủ trương lại chẳng…được phiếu nào?

Tôi luôn cẩn thận trong biên tập để tránh Cục báo chí “sờ gáy”. Thế mà có lần vẫn bị Thanh tra để mắt phạt thẻ đỏ. Số là, Tạp chí Cười có in một bức biếm họa. Trong tranh có một tủ kính nhỏ, trong tủ có một số chai (có thể họ nghĩ là chai rượu) mà chẳng chai nào đọc rõ các nhãn dán ở chai là chai gì. Thế nhưng vẫn bị quy tội quảng cáo…rượu. Còn ở số khác, khi tạp chí ở miền Nam gửi ra, thoáng nhìn tôi toát mồ hôi vì tranh bìa số này kết hợp cả vẽ và hình chụp đả kích các cô gái làng chơi, dưới đất tung tóe la liệt các tờ đô-la và tiền đồng V.N; mà tất nhiên tờ nào cũng có in rõ hình Chủ tịch nước. May quá chả ông thanh tra nào nhìn ra, chứ cái này mà phạt thì chỉ có “khóc” chứ sao Cười được nữa.

Tờ Mỹ thuật đời sống (gọi tắt là M) được giao cho người đẹp Sài thành – Thái Lê Ngọc Diệp cùng Francis Trung Huỳnh đảm nhiệm. Anh Trung vừa có ngoại ngữ, vừa chụp ảnh với kỹ thuật cao, rất thích hợp để làm tờ này. Có người bảo tờ M không khác gì một tạp chí đẹp nước ngoài. Hàng năm tờ M đóng góp cho tạp chí chắc là một số tiền kha khá (về Tạp chí tôi chỉ làm chuyên môn nên không để ý đến lợi nhuận).

Bên cạnh đó, tờ Mỹ thuật Thời nay khổ nhỏ giao cho nhà thơ Phù Hư gánh vác. Mới đầu tờ này phát hành hàng vạn. Sau giảm dần vì bị các tờ khác như “Kiến thức ngày nay”,  “Thế giới mới” cạnh tranh. Nội dung của các tờ này đa chiều chứ không phụ thuộc vào một chuyên ngành nào nên có nhiều bạn đọc hơn Mỹ thuật làm cho Phù Hư vật lộn khá vất vả  (ai bảo không đặt nghệ danh Phù Thịnh mà lại là…Phù Hư).  Tờ Mỹ thuật khổ nhỏ đã hai lần đổi người phụ trách – là hai nhà thơ (Bùi Tấn Tiến và Phạm Mạnh Hiên) mà vẫn ít người mua đọc (dễ hiểu thôi vì ngay như các triển lãm mỹ thuật toàn quốc đẹp như thế, người xem vào cửa miễn phí chứ không phải xếp hàng mua vé như Bảo tàng Louvre hay Ermitage, thế mà còn…chùa Bà Đanh nữa là).

TRẦN TUY – Chân dung họa sĩ Trần Văn Cẩn. 1993. Ký họa

Chỉ khổ cho tôi phải đọc kỹ bài vở in ở trong Nam này vì nếu có sơ sảy gì lớn (về chính trị chẳng hạn) là có thể ngồi “bóc lịch” một cách rất…nhàn nhã rồi.

Tôi cũng nghĩ phải có đất cho các họa sĩ vẽ biếm họa  tung hoành, dùng nét vẽ để động viên hoặc phê phán các hiện tượng tốt xấu trong xã hội nên tôi mạnh dạn lập tờ Mỹ thuật Cười và gửi giấy mời anh em tham gia.

Thời gian trôi cũng khá lâu,  tôi chỉ mang máng nhớ đâu như có Phạm Tấn Phú, Lê Văn Hiệp, Lê Dĩ Hạ, Chu Đức Tiến và nhiều người khác tham gia.

Sau Bộ và Cục báo chí chủ trương “cắt” một số đầu báo ở cơ quan nào ra nhiều loại. Và Mỹ thuật Cười không “cười được nữa” mà “mặt nhăn như mếu, khóc thương cho cái kiếp vắn số của mình”…

NB H.A: Lật giở lại từng số tạp chí thời đó, đã thấy một quá khứ tưng bừng và nhộn nhịp. Chú cho cháu hỏi, sức lực và ý tưởng ở đâu ra mà chú có thể làm ngần ấy công việc được ạ. Nào là Chủ tịch Hội đồng chuyên ngành điêu khắc, có công ty riêng chuyên làm các công trình tượng đài, rồi còn phụ trách một lúc mấy đầu báo của Tạp chí Mỹ thuật… mà chú vẫn còn có thời gian gặp gỡ các đối tác để làm bài quảng cáo. Hồi đó các gallery góp mặt tương đối nhiều trên báo. Các họa sĩ cũng PR mạnh. Chú đã tổ chức sắp xếp công việc như thế nào?

NĐK Tr.T:  Có gì mà phải hỏi. Cái số nó vất vả và đều do mình cả. Nó hiển thị rõ trong tử vi, trong tướng mạo, thậm chí trong cả số lượng hoa tay nhiều ít, trái phải nữa.

Tôi làm việc hành chính (báo), cho Hội Mỹ thuật (ngành điêu khắc), cho sáng tác (tranh, tượng), cho gia đình (kiếm tiền nuôi cả nhà) nên chả có thì giờ ngồi quán, lê la chuyện này, chuyện nọ.

Làm báo thời bao cấp nghèo nàn, hay thời kinh tế thị trường đều khó khăn như con thuyền trong bão tố ngoài biển cả, không lật đã là may rồi.

Dù sao cũng không kêu ca, lấy chuyện vui, bông đùa (tất nhiên là không ác ý và có văn hóa) để giải tỏa, để hoàn thành nhiệm vụ.

Mà thôi Hoàng Anh à. Lại phải quay lại cái cốt lõi: Số phận! Đâu phải muốn hay không muốn mà được. Cái gì đến nó sẽ đến. Nó đến rồi nó lại đi…

TRẦN TUY – Hoa bên Người – Giải Nhì (không có giải Nhất) – Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 1981. 1981. Tranh xé giấy. 62x77cm

NB H.A: Ngoài những khó khăn do cơ chế, do kinh phí, do số lượng cộng tác viên không nhiều… còn những thuận lợi mà Tạp chí đã có, thưa chú?

NĐK Tr.T: Hầu như chả có thuận lợi khách quan nào đáng ghi nhớ. Mọi thuận lợi là do mình khắc phục khó khăn mà có. Đáng quí là dù nhuận bút ít ỏi chỉ tính bằng hàng chục nhưng vì sự nghiệp các cộng tác viên vẫn đến chơi tòa soạn và gửi bài đều đặn. Không có họ, báo đã quỵ rồi.

Người TBT – giống như người chủ gia đình, phải biết mình có bao nhiêu tiền để liệu chi tiêu, có những ai giúp đỡ. Giai đoạn đó, cái sai của tôi là không cần biết đến kinh phí được cấp cho Tạp chí là bao nhiêu, nên lúc nào cũng như người sống nhờ, ăn bám vào người khác, ngại không dám chi tiêu vì sợ ảnh hưởng, làm khó cho người “chủ tài khoản” (NXB Mỹ thuật) nên nhiều khi chịu thiệt thòi, bỏ tiền túi mà thực hiện mọi việc.

Chẳng hạn, theo thông lệ hàng năm, dịp Tết, các báo họp mặt cộng tác viên và có làm tiệc trà nhỏ cùng phong bì, trong có 50 ngàn hay 100 ngàn trở lên. Có lẽ năm đó “mất mùa” nên “Chủ tài khoản” có vẻ ngần ngại chi. Sau  đó, họa sĩ Cồ Thanh Đam – một người hiền lành, thẳng thắn nói họp cuối năm dứt khoát phải có phong bì. Nếu không thì họ bảo TBT là quê, là ky bo và không biết đối xử. Sau đó, buổi họp cũng có phong bì 50 ngàn…

Mỗi khi có triển lãm cá nhân, các họa sĩ hay mời TBT đến dự khai mạc. Tôi thường lấy tiền túi mua hoa để tặng. Có nhà điêu khắc còn gọi điện mời nhưng không quên tếu táo:  “Phải có vòng, à quên, lẵng hoa đấy nhé”. Chả nhẽ đã nói cụ thể đến thế mà lại đến tay không à.

Có hai lần cho đến nay cứ nghĩ đến lại vừa buồn, bực lại vừa buồn cười, chán ngán.

Là thế này, trong một lời đầu năm chúc Tết độc gia tạp chí M, tôi dẫn câu đối: “Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ/ Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường” thế mà người đánh máy (hay biên tập viên) đổi chữ đường thành chữ tường! Người biết Hán Nôm sẽ cho tôi là…dốt, đã dẫn câu đối lại còn sai.

Lần khác, khi tôi đã hưu, viết một bài cảm tác dịp Xuân về, gửi cho tạp chí ta. Tôi dẫn hai câu thơ của Nguyễn Bính: “Đã thấy Xuân về với giá đông/ Với em màu má gái chưa chồng”, chắc là người biên tập cho rằng Nguyễn Bính đời nào lại viết hai lần chữ “với”  trong hai câu, nên đã chữa chữ “với” lần hai thành (chắc là) chữ… “lướt”! Liều chưa, dám chữa thơ của nhà thơ mà chỉ theo suy luận, sau đó đoán mò một chữ mới (sai cơ bản nguyên tắc của người biên tập).

Chưa hết, cuối bài, tôi viết: “Trong thế giới ta bà khốn khổ này” thì biên tập viên “thông thái” có lẽ chưa bao giờ đọc hai chữ “ta bà” nên (có lẽ) đoán là: trong thế giới “ta”, (phẩy) “và” khốn khổ này!.

Lúc đó, quả thật tôi (tác giả) mới là người…khốn khổ!

Thuận lợi riêng đối với tôi là tôi hoàn toàn tự do hành nghề báo chí mà không bị ai sát sao chi phối, không ai gây áp lực, không phải lo chuyện hành chính vì đã có ông Giám đốc NXBMT Trương Hạnh lo liệu.

Một cái cần nữa là TBT “phải và nên có uy, có quyền lực” như ông Donald Trump vừa rồi, thay hàng loạt người của lãnh đạo cũ không theo mình bằng người của mình, chứ không…như tôi, không theo thì mình làm nốt phần việc của họ vậy.

Nhà báo Hoàng Anh – Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật (hiện nay) trò chuyện với nhà điêu khắc Trần Tuy (nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật, 1993 – 2002) tại nhà riêng của ông, tháng 5/2017.

NB H.A:  Nhìn lại quãng thời gian ấy, chú hài long nhất với việc gì. Và những việc gì làm chú vẫn phải suy nghĩ, thưa chú?

NĐK Tr.T: Điều tôi hài lòng là làm việc với nhau chín năm nhưng tôi và họa sĩ Trương Hạnh không một lần phải chau mày, tôn trọng nhau, làm đúng chức năng, không lấn lướt, chèn ép.

Tôi biết ơn Trương Hạnh vì khi tôi – với tư cách là “đầy tớ” của ngành điêu khắc, ngỏ ý muốn in một cuốn sách giới thiệu các tác phẩm mới của giới điêu khắc toàn quốc, anh đã đồng ý ngay. Và năm 2002,  kỷ niệm 25 năm thành lập TCMT và NXBMT,  anh cho in các hình ký họa chân dung do tôi vẽ (cuốn Quà tặng những người cùng thời) để làm tặng phẩm cho ngày lễ kỷ niệm.

Tôi cũng hài lòng vì lần đầu tiên đã làm cuộc thăm dò (bằng phiếu) để chọn ra bức tranh được công nhận là đẹp nhất trong mỹ thuật đương đại Việt Nam.

Tôi hài lòng vì sau 30 năm làm báo (ở hai đơn vị), cùng với sáng tác tranh tượng, tuy không có thành tích nào lớn nhưng cũng không có sai phạm nào đáng trách. Đến tuổi về hưu, hạ cánh an toàn…

 

NB H.A: Nếu để có điều gì nói với thế hệ các phóng viên, biên tập viên kế tiếp sau này của Tạp chí, chú sẽ nhắn nhủ gì thưa chú? Còn với bạn đọc Tạp chí, xin chú vài lời chia sẻ?

NĐK Tr.Tuy:  Cả đời vất vả nhưng vẫn luôn vui vẻ bởi tôi đã biết giải tỏa (cả về biện pháp lẫn tâm lý), xong việc, tôi cười bởi lòng hiếu thắng. Một ai đó đã nói “Làm người không nên có cái dáng khinh ngạo, nhưng không thể không có cái cốt cách khinh ngạo”. Khinh ngạo có khi bị người này người nọ ghen ghét, nhưng làm cho ta sống đàng hoàng biết coi thường những cái gì xấu, những kẻ xấu chơi đến với mình.

Nhân đây, tôi cảm ơn các bạn trẻ Hoàng Hoa Cương, Dân Hùng, Hằng Nga, Đỗ Thắm, Thu Nga, Thu Thủy, Mai Nga đã từng có thời gắn bó với nơi này! Cảm ơn Minh Chi, Vũ Hương, Trí Dũng, Thanh Mai,  Bích Hạnh, Minh Hà, Xuân Thành đã góp phần cho bộ máy hồi đó hoạt động trôi chảy.

Tôi cũng đặc biệt cảm ơn những cộng tác viên đã ủng hộ, viết bài cho Tạp chí trong bốn mươi năm và đặc biệt trong gần mười năm tôi đảm nhiệm điều hành. Nhiều lắm không nhớ hết nhưng nổi bật và gần gũi là các anh chị: Quang Phòng, Lê Thanh Đức, Trần Duy, Lê Quốc Bảo, Thái Hanh, Hải Yến, Đặng Ngọc Trân, Bùi Như Hương, Thái Bá Vân, Nguyễn Văn Chiến… Nay mong các bạn và thêm nhiều bạn mới ủng hộ, cộng tác với Hoàng Anh – một TBT năng nổ, sắc sảo và tài năng.

Đến giờ, tôi không phải lo gì nữa. Ban ngày thì vẽ tranh, nặn tượng, đêm thì mở Ipad đọc tin chiến sự ở Syria, Iraq, Triều Tiên, Biển Đông và đặc biệt xem nhiều các clip do camera vô tình quay được các hình bóng của… “ma” – thế giới âm để củng cố cho các hiểu biết về một cuộc sống khác đang tồn tại bên cạnh cuộc sống này. Ta càng tin vào luân hồi, luật nhân quả… để khởi tâm tình thương, sống tốt, sống tử tế, nhân hậu cho muôn loài nói chung và cho mọi Con người!

 

H.A: Khi quyết định thực hiện cuộc trò chuyện này với chú, cháu cũng không lường hết được những khó khăn, phức tạp trong “bếp núc”, muôn chuyện của một người “đứng mũi chịu sào” mà hồi đó chú đã trải qua. Cảm ơn chú đã chia sẻ với bạn đọc những câu chuyện cũ. Điều này càng làm cho cháu và các thế hệ tiếp nối thêm trân trọng và ghi nhớ công ơn của các bậc tiền bối.

P/s: Bốn mươi năm đã trôi qua, Tạp chí Mỹ thuật đang dần viết tiếp câu chuyện lịch sử của riêng mình. Trong đó, các cộng tác viên, các bạn đọc yêu quý, các đối tác  của Tạp chí Mỹ thuật luôn là những người bạn đồng hành thân thiết nhất, luôn ủng hộ cho chúng tôi về mọi mặt. Các thế hệ cán bộ, nhân viên công tác trong tòa soạn cũng như những Tổng biên tập đã từng làm việc và gắn bó với Tạp chí đã cùng với mỹ thuật Việt Nam ghi nhận và đăng tải dấu ấn lịch sử qua những trang viết.

Thay mặt Ban biên tập Tạp chí Mỹ thuật, với tư cách Tổng biên tập đương nhiệm của Tạp chí,  tôi xin gửi lời tri ân đến các tất cả quý bạn đọc và các cộng tác viên yêu quý của chúng tôi. Xin trân trọng cảm ơn…!

Hoàng Anh 

 (*) Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Mỹ thuật số 291 & 292 tháng 3 – 4 năm 2017

Tin cùng chuyên mục

Những dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của kiến trúc sư Ernest Hesbrard

Ernest Hébrard (1875 – 1933) sinh ngày 11/9/1875 tại Paris. Ngày 15/10/1891, khi 16 tuổi ông đã bắt đầu theo học tại xưởng vẽ của Trường Đại học Mỹ Thuật Paris (Ecole nationale et spéciale des Beaux Arts de...

Thành phố sáng tạo và nghĩa cử tri ân sự sáng tạo

Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, với danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình đang tiến về phía trước với mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo hàng đầu trong khu vực. Trải qua nhiều cuộc chiến...

Biến chuyển cảnh quan truyền thống – hiện đại từ phù thế họa (ukiyo-e) đến phim của Ozu Yasujiro

Tranh khắc gỗ (Ukiyo-e, Phù thế hội) là thể loại độc đáo riêng có của hội họa Nhật Bản, thể hiện một cách đầy thi vị và đa diện về cõi phù thế của những thị dân Edo. Ukiyo-e cũng đã...

Đấu xảo hoàn vũ Paris năm 1867 – Hội chợ triển lãm quốc tế đầu tiên có người Việt tham gia

Hoàn cảnh và lý do người Việt có mặt tại Đấu xảo Hoàn vũ ở Paris năm 1867 Sau Hòa ước Nhâm Tuất (05-06-1862), thực dân Pháp được quyền chiếm đóng và quản lý ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vào...

Đào tạo sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật trong đại học đa ngành

Các trường đại học đa ngành cùng tư duy liên ngành được kỳ vọng có thể đóng góp vào cách tiếp cận mới trong đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật (VHNT). Ðó...

Tin cùng chuyên mục

TRÒ CHUYỆN CÙNG HỌA SĨ MỘNG BÍCH: NGƯỜI PHỤ NỮ VẼ LỤA ĐI GIỮA HAI THẾ KỶ

Đúng hẹn, tôi cùng Hoàng Anh-Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật, đến thôn Na, xã Hiên Vân (Tiên Du, Bắc Ninh) vào 8 giờ sáng ngày 29/12/2020. Nắng đẹp, gió thổi mát rượi, chưa có dấu hiệu gì của...

TRÒ CHUYỆN CÙNG CHARLOTTE AGUTTES- REYNIER: HỘI HỌA VIỆT NAM NHỮNG CÂU CHUYỆN

Giới thiệu từ trang web chính thức: Aguttes là nhà đấu giá thứ tư của Pháp và là nhà đấu giá độc lập đầu tiên, không có cổ đông bên ngoài. Aguttes được thành lập vào năm 1974 bởi Claude Aguttes...

NGUYỄN KHẮC CHINH – HẠNH PHÚC KHI LÀ CHÍNH MÌNH

  Nguyễn Khắc Chinh: sinh năm 1984. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật hà nội (2006). Hiện sống và sáng tác tại Hà Nội. Tạp chí Mỹ thuật (TCMT): Nghệ thuật Việt Nam nhìn chung biến chuyển như thế...

ĐỖ HIỆP – NGHỆ SĨ LÀ TẤM HÌNH PHẢN CHIẾU TỪ XÃ HỘI

  Đỗ Hiệp: sinh năm 1984. tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật hà nội (2007). Cao học Đại học Mỹ thuật Việt Nam (2012). Hiện đang sống và hoạt động nghệ thuật tại Hà Nội. Chủ nhiệm...

Tia- Thủy Nguyễn – Nghệ sĩ độc lập và tự chủ về tài chính dễ sáng tác và tự do hơn

  Tia-Thủy Nguyễn: sinh năm 1981, lớn lên ở Hà Nội, hiện ở TP. Hồ Chí minh. Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2006. học bổng du học tại Học viện Nghệ thuật và Kiến trúc...

Có thể bạn quan tâm

Mạn đàm về sáng tác mỹ thuật đề tài “Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng”, đánh giá và giải pháp

Có thể khẳng định rằng tranh – tượng về đề tài Lực lượng vũ trang & Chiến tranh Cách mạng (LLVT & CTCM) đã hiện diện trong đời sống và lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam trước...

Thông báo lịch tổ chức Đại hội cơ sở 9 Chi hội Mỹ thuật Việt Nam Thành phố Hà Nội lần thứ IX (nhiệm kỳ 2019-2014)

 ...

LÊ THY – HÒA ÂM

  Tranh sơn mài của Lê Thy thực ra cũng thiên về “kiểu sức” (maniérisme), cường điệu và phi thực. Nó va đập vào con mắt người xem, gây ngạc nhiên từ những cái tưởng như bình thường, nhưng...

MỘT SỐ TƯ LIỆU VỀ BÙI XUÂN PHÁI

                                     ...

Bìa Tạp chí Mỹ thuật số 327&328 tháng 3-4/2020

...