ĐIÊU KHẮC HIỆN ĐẠI CỦA VIỆT NAM: AI Ở ĐÂU, BAO GIỜ THẾ NÀO ? QUA CÁCH NHÌN CỦA ĐÀO CHÂU HẢI

 

Quang Việt (QV): Nếu nói về điêu khắc hiện đại Việt Nam, hay chặt chẽ hơn, điêu khắc hiện đại “của Việt Nam”, anh có thể bắt đầu như thế nào?

Đào Châu Hải (ĐCH): Đúng đấy. Ở đây chúng ta cần có sự chặt chẽ về ngôn từ. Bây giờ, người ta hay dùng chữ “đương đại” (contemporary). Tôi thì muốn dùng chữ “hiện đại” (modern), vì tôi muốn nhấn mạnh vào tính hệ thống của nghệ thuật nói chung, và của điêu khắc Việt Nam nói riêng. Tôi cũng không muốn dùng chữ Việt Nam như một tính từ. Dùng chữ “của Việt Nam” có lẽ rộng rãi hơn, nó tương ứng hơn với tinh thần hiện đại.

 

QV: Như vậy cũng có nghĩa, chẳng hạn như – một tác phẩm điêu khắc của anh, Đào Châu Hải, người Việt Nam – không nhất thiết phải được nhận diện bằng một tính chất Việt Nam riêng nào đó?

ĐCH: Cái tôi cần là qua tác phẩm, người ta nhận ra một cá nhân, cùng với giá trị “độc lập” của cá nhân ấy.

 

QV: Ồ! Một cá nhân mang tính quốc tế?

ĐCH (nhún vai): Cũng có thể cho là như vậy.

 

QV: Không phải là “có thể”, mà ý của anh chắc chắn là như vậy. Nếu không như vậy thì chúng tôi hỏi chuyện anh làm gì.

Mà anh Hải này, theo anh, điêu khắc hiện đại Việt Nam, à không, của Việt Nam, bắt đầu từ bao giờ nhỉ?

ĐCH: Điêu khắc của Việt Nam đang xác định được vị trí của mình trên diễn đàn điêu khắc của thế giới nói chung. Chỉ khoảng 10 năm nay, điêu khắc hiện đại, thật sự hiện đại – của Việt Nam, mới đi được vào con đường phát triển, được nhận diện và được nêu danh… Chúng ta có thể đang song hành với thế giới về mặt thời gian, về phát triển, nhưng không có nghĩa đang thật sự song hành với thế giới về mức độ phát triển.

Trước đó là mò mẫm.

Có thể nói, Nguyễn Hải, Lê Công Thành là hai bậc tiền bối đã đặt nền móng đầu tiên để trả lời cho các câu hỏi, các vấn đề về hiện đại. Nguyễn Hải có “Trỗi”, “Gióng” và một số tác phẩm khác. Lê Công Thành thì bắt đầu hay kể từ “Vân dại”.

Tôi xin nhắc lại: Điêu khắc của Việt Nam hiện đại, tức là chỉ mới khoảng 10 năm gần đây thôi.

ĐÀO CHÂU HẢI – Sự hiện diện. 2016 Thép không gỉ. L.204cm W.400cm H.625cm. National Palace Museum, Đài Loan (Trung Quốc)

QV: Về mặt lịch sử, chắc anh không quên: Nguyễn Hải và Lê Công Thành, hai bậc tiền bối ấy, đều xuất thân từ phong trào nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa?

ĐCH: Hiện thực xã hội chủ nghĩa? Ở nước ta? Một sự mô phỏng chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa… Cũng rất hay, có những giá trị hiện thực không thể chối bỏ được. Một thời kỳ có quá ít thông tin, mà về cơ bản, chúng ta chỉ tiếp xúc với thế giới qua một số tạp chí, chủ yếu của Liên Xô.

Cá nhân tôi thấy, ở thời kỳ hiện thực, chưa có tác giả Việt Nam nào thực sự xứng đáng, thực sự đáng được gọi là hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Tôi từng học ở Nga, là học “a-ca-đê-mi”, Học viện Nghệ thuật Quốc gia Suricov. Khi ấy tôi đã có nghĩ đến hiện đại. Khác với ở ta, ở Nga có quá nhiều thông tin. Và cũng khác với ở ta, ở Nga hầu như không có chuyện nói xấu, bêu riếu các trường phái hiện đại. Người Nga là những người mở ra những cái mới lạ nhất cho nhân loại.

 

QV: Trước Nguyễn Hải và Lê Công Thành, theo anh, chắc chắn phải có ai nữa chứ nhỉ?

ĐCH: Đương nhiên là như vậy. Đó là Vũ Cao Đàm. Vũ Cao Đàm có đóng góp đích thực. Với tôi, Vũ Cao Đàm là tên tuổi đầu tiên và duy nhất của điêu khắc Việt Nam trong những năm khởi đầu. Tôi rất thích hai tác phẩm “Người đàn ông đội mũ tế” và “Cô bé cài lược” của Vũ Cao Đàm.

Diệp Minh Châu cũng vậy, có đóng góp đích thực cho nền điêu khắc Việt Nam. Diệp Minh Châu vẽ chân dung cũng rất giỏi.

Tóm lại: Sau Vũ Cao Đàm là Diệp Minh Châu. Sau Diệp Minh Châu là Nguyễn Hải, Lê Công Thành. Và bây giờ là chúng tôi. Giữa đó, về hiện đại, là một quãng trống.

 

QV: Một quãng trống? Giữa Nguyễn Hải, Lê Công Thành và các anh? Anh không nhắc tới Phạm Mười hay Tạ Quang Bạo à?

ĐCH (cười): “Vót chông” của Phạm Mười là một tác phẩm mang nặng tính trang trí. Điều này lạc ra khỏi chủ đề ta đang nói. Về Tạ Quang Bạo thì tôi không có câu trả lời.

 

QV: Hiện đại và 10 năm gần đây. Đó chắc chắn là biểu thức của anh chứ?

ĐCH: 10 năm gần đây. Chỉ khoảng 10 năm gần đây thôi. Tất nhiên, trong đó có tôi, kể cả tôi.

 

QV: Như thế cũng có nghĩa có một Đào Châu Hải “hiện đại” khi đã khá “già”?

ĐCH: Tôi có đi trước theo một nghĩa nào đó.

 

QV: Vậy, dấu hiệu của “hiện đại” trong 10 năm vừa qua là gì?

ĐCH: Ngôn ngữ, chất liệu, số lượng tác phẩm là những yếu tố quan trọng. Số lượng triển lãm, rất quan trọng. Giải thưởng cũng rất quan trọng, kể cả các giải thưởng trong nước (như các giải nhất nhì tại các kỳ triển lãm mỹ thuật toàn quốc, triển lãm điêu khắc toàn quốc, cũng như tại các cuộc triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam).

Riêng về giải thưởng, có thể vẫn còn có nhiều bất đồng về một số tiêu chí, nhưng ít nhất cũng đã có được sự đánh giá ít nhiều mang tính thực chất về nghệ thuật.

Các nhà điêu khắc tôi muốn kể đến ở đây là Khổng Đỗ Tuyền, Thái Nhật Minh, Nguyễn Ngọc Lâm, Trần Trọng Tri, Nguyễn Huy Tính… Họ hầu hết là học trò của tôi.

Nhóm làm việc “New Form” có thể xem là một dự án nghệ thuật “tẩy não”, xóa đi những cái cũ, cái lạc hậu, cái khác xa với ngôn ngữ tạo hình đích thực. Đã có ba cuộc triển lãm chung mang tên “New Form” (Nguyễn Anh Tuấn làm curator, riêng tôi không tham gia), từ đó khai triển sang các triển lãm cá nhân.

 

QV: Rõ ràng anh đã có một vai trò thúc đẩy quan trọng khi hầu hết các nhà điêu khắc thuộc nhóm làm việc ấy đều là học trò của anh. Theo anh, kết quả đạt được như thế nào?

ĐCH: Cái được nhất là ngôn ngữ, chất liệu (như đã nói) và ý tưởng, với những nghệ sĩ và những tác phẩm khác biệt hẳn so với trước.

Và tất nhiên, nhiều giải thưởng dành cho mọi nỗ lực sáng tạo ấy cũng rất đáng kể.

Cùng với các triển lãm “New Form” thì có Triển lãm Điêu khắc Hà Nội- Sài Gòn, Sài Gòn- Hà Nội hai năm một lần, tập hợp các nhà điêu khắc trẻ có tìm tòi, và đã có được 6 kỳ trên 12 năm.

 

QV: The Modern Sculpture of Vietnam, theo anh, đã bắt đầu từ các nhóm này?

ĐCH: Đúng như thế. Và sự bắt đầu này cũng đã được phản ánh thông qua các giải thưởng.

Riêng về Triển lãm Điêu khắc hai năm, lưỡng niên, nhóm trưởng ở Sài Gòn, anh Bùi Hải Sơn, là giảng viên điêu khắc ở Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh.

Qua các cuộc triển lãm “lưỡng niên” này, cái hơn được rất nhiều, đặc biệt ở tính chuyên nghiệp. Các nhà điêu khắc gặp nhau cứ hai năm một lần, tạo ra được một trào lưu đích thực, sống được bằng nghề và đưa được tác phẩm vào cuộc sống, đạt được các đơn đặt hàng của Nhà nước… Điêu khắc dường như đang chiếm thế thượng phong, có bề rộng toàn quốc.

 

QV: Giữa “Hà Nội – Sài Gòn” và “Sài Gòn – Hà Nội”, chắc chắn phải có một tương quan nào đó, phải không anh?

ĐCH: Điêu khắc Hà Nội và điêu khắc Sài Gòn có khác nhau về quan niệm, ngôn ngữ. Sài Gòn thiên về “design”, là thế mạnh của Sài Gòn, ngôn ngữ phát triển rộng hơn trong xã hội, phù hợp hơn với xã hội. “Bắc Kỳ”, Hà Nội nặng về ý tưởng, quan niệm, tính cá nhân, sự riêng tư.

Điêu khắc miền Nam, về căn bản, mang tính thực dụng, đóng góp nhiều hơn, đặc biệt trong kiến trúc. Bản thân tôi muốn kết hợp cả hai cái đó (của cả Bắc và Nam). Nếu chỉ phát triển cái nhìn cá nhân không thôi thì thật ra đã cũ rồi. Cả xã hội được hưởng thì mới “mới” hơn.

 

QV: Nếu nói riêng về tính cá nhân, anh cho ai là đặc sắc?

ĐCH: Tất cả họ, mục tiêu còn ở phía trước. Trong sâu thẳm, tôi nghĩ ngôn ngữ cá nhân thì có Thái Nhật Minh và Khổng Đỗ Tuyền, hai nghệ sĩ rất có tiềm năng về mặt này.

Nhà điêu khắc Đào Châu Hải (người bên trái) và Nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt trò chuyện tại tòa soạn Tạp chí Mỹ thuật, tháng 9 năm 2018

QV: Anh xác định đi cùng họ, các nghệ sĩ trẻ ấy, như thế nào?

ĐCH: Cả tôi lẫn Bùi Hải Sơn đã xong nhiệm vụ, hết vai trò, đã đưa được lớp trẻ vào xa lộ. Lớp trẻ đi được bao xa và bao lâu là tùy thuộc ở họ.

Thế hệ tôi khác thế hệ Nguyễn Hải, Lê Công Thành ở chỗ đó. Nhờ một số điều kiện khách quan thuận lợi, chúng tôi đã song hành được cùng lớp trẻ, ít nhất vào lúc họ khởi đầu. Ngày trước mọi thứ quá hạn chế, đến ăn còn không đủ.

 

QV: Đối với các nhà nghiên cứu, các nhà sử học thì nội dung tự thuật của bản thân các nghệ sĩ là rất quan trọng và đáng tin cậy. Để giúp bạn đọc hiểu thêm về điêu khắc hiện đại của Việt Nam, ở tư cách một nghệ sĩ, anh có muốn san sẻ gì về mình không?

ĐCH: Tôi không từ chối việc này, nếu nó thực sự có ích cho bạn đọc. Như người ta thường nói: Các nhà phê bình bao giờ cũng nói những điều người nghệ sĩ không bao giờ nghĩ tới. Bởi vậy, nếu có cơ hội thích hợp, người nghệ sĩ cũng cần trực tiếp nói ra cái mình nghĩ, cái mình đã làm, muốn làm, cái mà mình đã từng trải nghiệm.

… Quan sát của tôi hoàn toàn mang tính cá nhân, luôn luôn là như thế. Tôi đi theo con đường cá nhân của tôi, một con đường phải mang hơi thở của cuộc sống, nói thay cho cộng đồng, cả về tinh thần lẫn tâm lý, nhưng đấy phải là một cộng đồng có tri thức, có chọn lọc.

Nghệ thuật không để bày ra lúc trà dư tửu hậu. Nghệ thuật là sự chứa đựng, có vui có buồn, một cuộc thảo luận sinh động, sâu sắc và thú vị của tư tưởng.

 

QV: Điêu khắc của anh hướng đến trừu tượng chủ quan. Vậy nó có mối liên hệ nào với thiên nhiên hay không?

ĐCH: Chắc chắn có. Và luôn luôn là như vậy. Một mối liên hệ mang tính đối lập. Đối lập về hình thức, nhưng đồng điệu về cảm thức.

 

QV: Có phải vì thế mà anh rất ưa dùng kim loại?

ĐCH: Kim loại? Đó là cả một câu chuyện nói lên bản chất của sự thay đổi trong điêu khắc, khác hoàn toàn so với thổ mộc. (Về điêu khắc gỗ, Nguyễn Như Ý quả thực là một truyền nhân của các bậc thầy dân gian xưa). Thổ-mộc có hạn chế, không bộc lộ được hết, vì chúng liên quan đến kết cấu, giống như trong kiến trúc, xây nhà bằng gạch hay bằng gỗ khác hẳn với xây nhà bằng bê-tông cốt thép…

Nhờ Giải thưởng Évariste Jonchère, tôi đã có gần hai năm tu nghiệp (1997-1998) tại Xưởng điêu khắc kim loại của Trường Cao đẳng Quốc gia Mỹ thuật ở Paris. Đây là một giai đoạn mang tính quyết định đối với tôi, vì trước đó tôi được tiếp xúc với kim loại rất ít.

Điêu khắc kim loại đòi hỏi phải có công nghệ, phải có tiền bạc, nhà xưởng lớn. Triển lãm điêu khắc kim loại của Lê Công Thành mới đây rất được, chỉ tiếc các đường cắt vẫn còn thiếu độ chuẩn xác và tinh tế của công nghệ.

Kim loại cho tôi hòa nhập nhanh hơn với quốc tế. Về nguyên tắc, với kim loại, thì cái gì cũng làm được.

Dự án “New Form” cũng liên quan rất nhiều đến tổ chức không gian bằng kim loại. Kim loại cũng là một tiền đề để tôi gắn điêu khắc vào Installation Art, ví dụ như ở triển lãm “Ballad biển Đông”.

 

QV: Có bao giờ anh cảm thấy mình đang phải đuổi theo các học trò của chính mình, chẳng hạn bằng chất liệu kim loại?

ĐCH: Nghệ sĩ phải là một trí thức. Tôi có con đường riêng, trên nhiều phương diện.

Kim loại phù hợp với tư duy của tôi, phải mạnh mẽ, man dã, sắc nhọn.

Chất liệu nào cũng có tiếng nói riêng của nó. Tôi đã từng làm một “cái đe” bằng thủy tinh, cũng thấy ưng ý và thích. Gỗ phủ sơn ta, có mài, tôi cũng thích, lại còn được giải thưởng của Quỹ Taylor, làm những đầu người kích thước lớn, lập thể, cao cỡ 70-80cm.

Riêng với đất nung tôi không thành công.

Tôi có làm cả mây tre đan, để mộc, hun khói, Bảo tàng Nghệ thuật Singapore mua.

Điêu khắc kim loại có lẽ là nơi tôi “đậu” lâu và vẫn còn nhiều ham muốn. Trong nghệ thuật điêu khắc kim loại, tôi rất thích González và Richard Serra. Khổng Đỗ Tuyền, Thái Nhật Minh cũng sáng tác bằng kim loại. Nếu tôi nhớ không nhầm thì 100% tác phẩm được giải cao của nhóm “New Form” là bằng kim loại.

Ngoài các học trò của tôi, tôi thấy cần kể thêm một số nhà điêu khắc trẻ khác như Nguyễn Duy Mạnh (do tôi phát hiện ra và giúp đỡ về mặt nghề nghiệp), Kù Kao Khải, Phạm Thái Bình… những nghệ sĩ khá riêng biệt.

Một số nhà điêu khắc người Việt Nam sống ở nước ngoài như Andy Cao, Đàm Đăng Lại cũng rất đáng chú ý, với những tác phẩm gần đây gắn với môi trường sinh thái, xem rất lạ và cảm động.

 

QV: Trong một thập kỷ vừa qua, ở nước ta, nếu so với hội họa, anh thấy điêu khắc như thế nào?

ĐCH: Vào những năm 90 của thế kỷ trước và mấy năm đầu của thế kỷ 21, về hội họa, chúng ta đã từng có một số nghệ sĩ đầy triển vọng, mà trong điêu khắc dường như chưa có được. Tuy nhiên, thị trường đã làm cho nhiều họa sĩ chững lại, thậm chí có trường hợp bị thui chột.

Các nhà điêu khắc, theo tôi, ít bị ảnh hưởng hơn bởi thị trường, phần vì thị trường dành cho điêu khắc không thật mạnh, nhưng chủ yếu vẫn là do nỗ lực của các nhà điêu khắc. Cả thế giới này ai cũng đều phải sống cả, nhưng tinh thần dấn thân cho nghệ thuật của một số nhà điêu khắc rõ ràng có nhỉnh hơn so với các họa sĩ. Từ hoạt động sáng tạo riêng tư, các nhà điêu khắc vô hình trung đã gắn nghệ thuật, mở rộng nghệ thuật với xã hội, với đời sống con người, tạo ra được tiếng nói mạnh mẽ của điêu khắc Việt Nam ở cả trong lẫn ngoài nước. Đó thật sự là một thành tựu cần được ghi nhận và xứng đáng để nghiên cứu.

 

QV: Rất cảm ơn anh, và mong bài phỏng vấn này sẽ được bạn đọc Tạp chí Mỹ thuật đón nhận.

 

Gia Lâm, Hà Nội

Ngày 18 tháng 09 năm 2018

Quang Việt (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Những dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của kiến trúc sư Ernest Hesbrard

Ernest Hébrard (1875 – 1933) sinh ngày 11/9/1875 tại Paris. Ngày 15/10/1891, khi 16 tuổi ông đã bắt đầu theo học tại xưởng vẽ của Trường Đại học Mỹ Thuật Paris (Ecole nationale et spéciale des Beaux Arts de...

Thành phố sáng tạo và nghĩa cử tri ân sự sáng tạo

Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, với danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình đang tiến về phía trước với mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo hàng đầu trong khu vực. Trải qua nhiều cuộc chiến...

Biến chuyển cảnh quan truyền thống – hiện đại từ phù thế họa (ukiyo-e) đến phim của Ozu Yasujiro

Tranh khắc gỗ (Ukiyo-e, Phù thế hội) là thể loại độc đáo riêng có của hội họa Nhật Bản, thể hiện một cách đầy thi vị và đa diện về cõi phù thế của những thị dân Edo. Ukiyo-e cũng đã...

Đấu xảo hoàn vũ Paris năm 1867 – Hội chợ triển lãm quốc tế đầu tiên có người Việt tham gia

Hoàn cảnh và lý do người Việt có mặt tại Đấu xảo Hoàn vũ ở Paris năm 1867 Sau Hòa ước Nhâm Tuất (05-06-1862), thực dân Pháp được quyền chiếm đóng và quản lý ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vào...

Đào tạo sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật trong đại học đa ngành

Các trường đại học đa ngành cùng tư duy liên ngành được kỳ vọng có thể đóng góp vào cách tiếp cận mới trong đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật (VHNT). Ðó...

Có thể bạn quan tâm

TAM BẠC

  Đô thị nào mà chả ở cạnh sông. Đô thị nào mà chả có phố ven sông Hà Nội với những phố ngoài đê như An Dương, Cầu Đất, Hàm Tử Quan, Vạn Kiếp. Huế có phố Lê Lợi, Hội An có phố...

GIẢI THƯỞNG TRIỂN LÃM MỸ THUẬT NGÀNH HỘI HỌA – KHU VỰC I (HÀ NỘI) LẦN THỨ 26 NĂM 2021

                                                   ...

NHÂN NGÀY TẾT LẠI NHỚ HOÀNG TÍCH CHÙ

  Hoàng Tích Chù ở ngôi nhà hai tầng trong một ngõ khuất ở phố Ngô Sĩ Liên. Ông có dáng người mập mạp, đầu cạo trọc, nom như ông sư phá giới. Hoàng Tích Chù vui tính nên cũng dễ gần. Kể...

Mỹ thuật Bình Dương và những bước phát triển quan trọng

Ngày 10-12-1951, Bác Hồ đã gửi thư cho các họa sĩ nhân dịp triển lãm mỹ thuật lớn chào mừng kỷ niệm 5 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) và thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần...

Hành trình của họa sĩ Pháp đầu tiên ở Đông Dương Gaston Roullet HÀNH TRÌNH CỦA HỌA SĨ PHÁP ĐẦU TIÊN Ở ĐÔNG DƯƠNG GASTON ROULLET

    Cuối thế kỉ 19, những chuyến du hành và viễn chinh của Pháp ngày càng mở rộng địa lí về phía Đông, đồng thời đã mở rộng khái niệm “phương Đông” mà trước đó thường...