TRẬN BẠCH ĐẰNG, MỘT BỨC TRANH SƠN MÀI QUÝ CỦA NGUYỄN GIA TRÍ

Năm 1998, nhiều tờ báo, nhất là các báo ở Thành phố Hồ Chí Minh, đã đưa tin về việc “tìm ra” một bức tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí. Có thể nói, đây là một bức tranh lạ, cả về đề tài lẫn cách thể hiện so với những gì trước đó người ta vốn biết về nghệ thuật ông.
Bức tranh gồm bốn tấm, tức là theo thể thức Nguyễn Gia Trí ưa dùng, mà từ xưa vẫn được gọi là “bình phong”. Ngoài nội dung chính vẽ theo chủ đề, ông có vẽ phát triển thêm đường diềm trang trí bao quanh cho tăng phần cổ kính.
Điều đáng tiếc là bức tranh đã bị mất một tấm, tấm thứ hai tính từ bên trái sang, khiến bố cục toàn bộ bị gián đoạn.
Song không vì thế mà tranh bị mất đi tinh thần chủ đạo, vì những hình tượng lớn, chủ yếu, may mắn thay, được tác giả đặt ở tấm ngoài cùng bên trái, kề với tấm bị mất. Về căn bản, tính đối lập – điều quan trọng nhất của một bức tranh lịch sử chiến trận vẫn được bảo tồn.
* * *
NGUYỄN GIA TRÍ – Trận Bạch Đằng. Khoảng cuối những năm 1950 đầu 1960. Sơn mài. (220x75cm) x3. Sưu tập Nguyễn Minh, Hà Nội
Từ các nghiên cứu về tiểu sử và quá trình nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí, ta có thể ước định bức tranh “Trận Bạch Đằng” đã được ông sáng tác vào khoảng cuối những năm 50 đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Đây là một thời kỳ lịch sử đặc biệt, đầy xáo động, không chỉ đối với cá nhân ông, mà còn đối với cả đất nước, khi chiến tranh, tình trạng chia cắt, ly tán đang có những tác động rất mạnh và nhiều mặt đến đời sống chính trị, xã hội, tư tưởng và số phận riêng của từng con người, làm nảy sinh sự phân hóa tinh thần của các nghệ sĩ thành hai hướng. Một, ở miền Bắc, diễn biến và phát triển theo ảnh hưởng đến từ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Hai, ở miền Nam, là theo các ảnh hưởng đến từ các trường phái nghệ thuật tư bản phương Tây. Tất nhiên, mọi ảnh hưởng ấy đều nằm trong thế khả năng, nó cần phải được tái sinh một lần nữa trong quá trình sáng tạo của mỗi nghệ sĩ.
Vào thời kỳ ấy, việc tìm về các đề tài lịch sử xa xưa, như ở trường hợp này của Nguyễn Gia Trí (thể hiện khí phách hào hùng của nhân dân ta chống giặc ngoại xâm Nguyên-Mông), thực ra có phần ít được chú ý hơn ở miền Bắc, bởi vì ở miền Bắc các đề tài lịch sử hiện đại, lịch sử cách mạng dường như mới thuộc diện ưu tiên hàng đầu. Sự khác nhau này cũng phản ánh sâu sắc thực trạng chính trị khi ấy ở hai miền Nam Bắc là khác nhau.
* * *
Vẽ về một đề tài lịch sử xa xưa bao giờ cũng là một thử thách lớn đối với người họa sĩ, thậm chí khó hơn rất nhiều so với vẽ về đề tài thần thoại. Lịch sử là hiện thực đã qua, và phần lớn đã qua từ rất lâu, nhưng người xem vẫn có kiến thức, kinh nghiệm và linh cảm để kiểm chứng niềm tin của mình về lịch sử trước những sáng tạo trong lĩnh vực này của các họa sĩ.
Bởi vậy, cho dù nhằm tới hiệu quả tinh thần là chính thì người vẽ vẫn không thể bỏ qua những yếu tố lịch sử đặc trưng và xác thực, từ cốt truyện, bối cảnh, nhân vật đến trang phục hay đạo cụ…
* * *
Giá trị đáng kể nhất của bức tranh “Trận Bạch Đằng”, hay còn có tên là “Sát Thát”, là ngoài việc đáp ứng được về cơ bản những đòi hỏi đối với một bức tranh lịch sử, tác giả Nguyễn Gia Trí còn ghi lại được dấu ấn đặc biệt của nghệ thuật ông. Vốn là một họa sĩ vẽ tranh in báo và minh họa báo cự phách, đặc biệt trong thời kỳ ông cộng tác với báo “Ngày nay” những năm 1936-1940, ở đây, Nguyễn Gia Trí đã lại tiếp tục phát huy vận dụng lối cấu trúc tranh, đi nét, diễn hình, tô màu đặc sắc của dòng tranh dân gian Hàng Trống, biến cái phức tạp thành đơn giản, bằng cách đưa tất cả vào một hệ thống sơ đồ, và làm sinh động các chi tiết bằng các thủ pháp cách điệu sắc sảo. Khác với các tranh vẽ thiếu nữ, kỹ thuật thể hiện sơn mài ở đây mang tính đồng nhất hơn, rất gần với kỹ thuật thường thấy ở các tranh sơn cổ, màu hết sức giản dị, hơi nguyên sơ, lấy màu sơn cánh gián làm màu ẩn chủ đạo, phủ trong màu, để tạo ra vô vàn sắc thái cho đỏ, đen và một màu xanh “ve chai” quý giá, đưa cảnh tượng vào sau một lớp màn sương khói mà từ đó vẫn phát ra những âm thanh vang động.
Tài năng hội họa của Nguyễn Gia Trí, qua bức tranh lịch sử này, thêm một lần nữa đã được chứng minh.
Yên Hưng

Tin cùng chuyên mục

Nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng: Từ tượng đài đến những phá cách

NDO – Tại triển lãm “Nắng tháng 3” khai mạc ngày 16/4 do Hội Mỹ thuật Thành phố Đà Nẵng sẽ phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức tại Bảo tàng, nhà điêu khắc, tác giả...

Tác phẩm “Hội cầu mưa” của họa sĩ Nguyễn Thái Cớ thể hiện giao cảm và những nét độc đáo

Tham gia nhiều hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật Hưng Yên, tôi có nhiều cơ duyên gặp họa sĩ trẻ Nguyễn Thái Cớ. Mỗi lần trao đổi về nghệ thuật, tôi đều có ấn tượng về tố chất...

Dòng chảy âm thầm, sâu lắng trong tranh Nguyễn Ngọc Thọ

Cố họa sĩ Ngọc Thọ (1925-2016) thuộc thế hệ thứ ba của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, sau “Đông Dương” và “Kháng chiến”. Tên tuổi ông gắn với hội họa sơn mài, sơn dầu, mang bản...

Tiếng hót trong đêm

Trong những ngày Hà Nội vào độ cuối thu, Blue Space Gallery kết hợp với Manzi Art Space đã tổ chức một sự kiện văn hóa đặc biệt: triển lãm “Tiếng hót” kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố họa sĩ...

Quyện trong thế giới hội họa của Nguyễn Đình Tuyên

NDO – Không khoa trương, không ồn ào, không nổi loạn, Nguyễn Đình Tuyên đến với hội họa bằng một tình cảm chân thành hiếm có. Bút pháp của anh hòa quyện giữa tô và vẽ, giữa vẽ và bôi,...

Có thể bạn quan tâm

Khai mạc triển lãm “Quê nhà” của Họa sĩ Hắc Long

Tối 25-10, tại Nhà triển lãm Mỹ thuật, số 16, Ngô Quyền (Hà Nội), Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức khai mạc triển lãm “Quê nhà” của Họa sĩ Hắc Long. Đến dự Triển lãm có đại diện Hội...

NGHỆ THUẬT HOÀNG SÙNG ĐA DẠNG, TRỮ TÌNH

  Họa sĩ Hoàng Sùng chào đời trên miền đất cổ Hưng Yên ngày 1 tháng 3 năm 1926. Thuở ấu thơ, ông được học chữ Hán, được làm quen với các thư tịch cổ và được hưởng sự quan tâm giáo...

Chỉ thị của Ban Bí thư về đại hội các hội văn học, nghệ thuật và Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG * Số 31-CT/TW ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2019 CHỈ THỊ CỦA BAN BÍ THƯ về đại hội các hội văn học, nghệ thuật và Liên hiệp các Hội văn học,...

CUỘC ĐỜI, NĂM THÁNG VÀ ĐỔI THAY

  Tôi bén duyên với Tạp chí Mỹ thuật từ năm 1996, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội một thời gian rất ngắn, chỉ trên dưới một tháng. Đến nay, chính xác 26 năm gắn bó với địa...

Thông báo về Triển lãm Mỹ thuật Khu vực VI (TP. Hồ Chí Minh) Lần thứ 24 năm 2019

HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM                               CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM            Số:...