Bộ sưu tập Collection Tạp chí Mỹ thuật tháng 3-4 năm 2020

 

Nguyễn Gia Trí (1908 – 1993)
Tác phẩm: Bố cục
Năm sáng tác: Khoảng 1960-1970
Chất liệu: Mực nho, màu nước, phấn màu
Thuộc Bộ sưu tập Nghệ thuật Quang Phúc, Hà Nội

 

Nguyễn Gia Trí bắt đầu vẽ tranh trừu tượng từ bao giờ ?
Câu hỏi này cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác, chỉ chắc chắn rằng, ông đã có một thời kỳ dài vẽ trừu tượng, khoảng trên dưới 20 năm, từ những năm 50 đầu tiên cho đến đầu những năm 70 của thế kỷ trước.
Thực ra, tư duy trừu tượng của Nguyễn Gia Trí đã bộc lộ từ rất sớm, qua lối vẽ thảo mang đầy tính chủ quan trong các tranh sơn mài “thiếu nữ-vườn cây-lầu tạ” vào những năm 1940.
Giống như nhiều họa sĩ vẽ trừu tượng khác, như Kandinsky, Pollock hay Zao Wou-ki, Nguyễn Gia Trí cũng thường lấy “phong cảnh” làm điểm xuất phát cho các bức tranh trừu tượng của mình. Ông cũng rất thích cây hoa sen, những đầm sen, đặc biệt sen cuối hạ, sen tàn, in bóng lung linh trên mặt nước gợn gió, và coi đó là một nguồn chất liệu tiềm năng để thể hiện tinh thần và triết lý Thiền bằng một phong cách gần với nghệ thuật thư pháp. Từ đây, mỗi nét, mỗi chấm, phẩy, gạch trong tranh ông đều là hình, chúng chứa đựng những xung năng nội tâm, chuyển động, ẩn hiện, huyền ảo như những thực thể sống, hình thành nên những khung cốt tín hiệu (chainages de signes) khác hẳn với tranh của một Pollock, một Zao Wou-ki hay một Soulages…
Ngoài một số tranh trừu tượng được thực hiện bằng sơn mài, chất liệu sở trường nhất của ông, Nguyễn Gia Trí còn vẽ trừu tượng bằng sơn dầu (trên toan); bằng bột màu, màu nước, mực nho, phấn màu, thậm chí bằng cả son và then trên giấy thường hoặc giấy can, khuôn khổ thường nhỏ, nhưng giá trị nghệ thuật rất cao. Nguyễn Gia Trí từng nói: Chỉ có những bức tranh trừu tượng của ông mới là những tác phẩm thực sự “fini” (xong), và thực sự “unique” (độc nhất). Và bức tranh giới thiệu ở đây có thể được xem như một ví dụ điển hình về hội họa trừu tượng của Gia Trí. Bức tranh đã được ông tặng cho họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, một người bạn cũ của ông từ thời “tiền chiến”, vào năm 1976, và hiện thuộc một bộ sưu tập nghệ thuật tư nhân ở Hà Nội.

F.A.M.

 

Nguyễn Đức Nùng (1914 – 1983)
Tác phẩm: Phong cảnh miền núi
Năm sáng tác: 1957
Chất liệu: Sơn mài
Kích thước: 45x60cm
Sưu tập Nguyễn Minh, Hà Nội

Nguyễn Đức Nùng thành thục hầu hết các thể loại chất liệu hội họa (sơn dầu, lụa, thủy mặc) và là một họa sĩ vẽ hình tài ba (với phấn màu, chì than, bút sắt) – nhưng chỉ với sơn mài ông mới thực sự trở thành một họa sĩ hàng đầu Việt Nam.
“… Người xem sẽ không bao giờ quên được bầu trời ban mai trong bức tranh sơn mài Bình minh trên nông trang của Nguyễn Đức Nùng. Thật là một tác phẩm tuyệt diệu”. Về tác phẩm nổi tiếng nhất của ông khi trưng bày tại Liên Xô năm 1958, nhà văn Nga nổi tiếng Boris Polevoi đã viết như vậy. Thậm chí, khi ấy, đã từng có một số nghệ sĩ Xô-viết đặt ra cho các lưu học sinh mỹ thuật Việt Nam một câu hỏi: “Đất nước các bạn đã có ông thầy Nguyễn Đức Nùng, các bạn còn sang đất nước chúng tôi để làm gì nữa ?”
Thực ra, trong nghệ thuật vẽ tranh sơn mài, Nguyễn Đức Nùng có hai phong cách kế tiếp nhau. Ban đầu, ông vẽ sơn mài theo quan niệm và bút pháp của hội họa sơn dầu hiện thực châu Âu. Sau đó, những nghiên cứu của ông về nghệ thuật Á Đông nói chung, về nghệ thuật cổ Việt Nam nói riêng, đã dần đưa ông trở về với “gốc” lụa và thủy mặc vốn có của mình, hướng đến không gian ước lệ và lấy nét làm phương tiện biểu hiện chủ đạo, khá gần với phong cách vẽ sơn mài của Nguyễn Tiến Chung.
Bức tranh sơn mài giới thiệu ở đây, về cơ bản, là kết quả phát triển từ một ký họa nét, và cái tài của họa sĩ là đã giữ lại được vẻ linh hoạt, tính trực tiếp sắc sảo của nó. Một ký họa vẽ trên giấy vẫn chỉ là một ký họa. Nhưng khi một ký họa được chuyển chất liệu sang sơn mài với chất lượng như thế này, thì nó đã trở thành một tác phẩm hội họa có quy mô khác hẳn, độc lập về giá trị và vượt trội về hiệu quả thị giác. Có lẽ bởi thế mà trong lịch sử, câu hỏi: “Vẽ bằng cái gì ? Và vẽ trên cái gì ?” luôn luôn thúc đẩy những bước đi của hội họa.

F.A.M.

 

Bùi Xuân Phái (1920-1988)
Tác phẩm: Mỏ than
Năm sáng tác: 1980
Chất liệu: Sơn dầu
Kích thước: 50x80cm
Thuộc Bộ Sưu tập Nghệ thuật Quang San

Một hai năm sau hòa bình (1954), Bùi Xuân Phái đã có những tranh vẽ về mỏ. Trên báo “ Giai phẩm” xuất bản ngày ấy vẫn còn lưu lại ít nhất một phụ bản tranh khắc gỗ đen trắng của ông vẽ về đề tài này.
Từ năm 1960, Bùi Xuân Phái bắt đầu tham gia sinh hoạt tại Tổ sáng tác của Hội Mỹ thuật Việt Nam, bởi vậy ông cũng bắt đầu có điều kiện để đi thực tế ở nhiều nơi, từ miền núi đến miền biển, có lần còn vào tận Thanh Hóa trong chiến tranh phá hoại.
Năm 1968, Bùi Xuân Phái đã cùng Nguyễn Tiến Chung, Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên và Phan Kế An đi thực tế ở mỏ than Quảng Ninh, nơi ông ghi chép được rất nhiều tư liệu. Bức tranh giới thiệu ở đây chắc chắn đã được ông vẽ từ các tư liệu cũ của chuyến đi ấy, vì nó có cùng góc nhìn so với một số tranh, ký họa có ghi “đát” 1968 hoặc 1969 của Huỳnh Văn Gấm và Nguyễn Sáng.
Về thực chất, đây là một tranh phong cảnh có hoạt động của con người, vừa là phong cảnh thiên nhiên vừa là phong cảnh nhân văn, mà trước đây chúng ta vẫn quen gọi là “tranh đề tài công nghiệp” hay “tranh lao động sản xuất”. Giữa đất trời biển mênh mông nổi bật lên những chiếc xe tải, máy xúc, biểu tượng của phong trào công nghiệp hóa, hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, nhưng người họa sĩ vẫn không quên điểm vào mấy bóng người đang làm việc bằng những dụng cụ thô sơ truyền thống của người công nhân mỏ…
Ở đây, bút pháp linh hoạt của Bùi Xuân Phái càng tỏ rõ sức mạnh: cái gọn ghẽ, gân guốc tương phản với cái nhòa mờ, êm dịu đã tạo nên một cảnh vật tươi tắn, náo nhiệt mà không làm mất đi tính thơ, chất trữ tình, cái trầm sâu sắc vốn có của nghệ thuật ông.

F.A.M.

 

Bửu Chỉ (1948 – 2002)
Tác phẩm: Thiếu nữ và trăng
Năm sáng tác: 1989
Chất liệu: Sơn dầu
Kích thước: 50x60cm
Sưu tập Nguyễn Chí Sơn, Ninh Thuận

 

Đỗ cử nhân luật và là họa sĩ tự học. Hai cái đó đã tạo nên ở Bửu Chỉ một nhãn quan đặc biệt, một tính cách hội họa độc đáo, lý tính, hướng nội sục sôi và nhất là tự do. Xứ Huế, nơi ông được sinh ra, cũng tạo cho nghệ thuật ông một vẻ thâm trầm, một sự sáng và sự tối mặc tưởng, ngân nga, khiến người xem bị lay động ở tầng sâu và cứ lâng lâng mãi bởi âm vọng lạ lùng, huyền bí phát ra từ nó.
Ở đây, hình hai thiếu nữ khỏa thân (tượng trưng cho Thiên nhiên hay Nữ thần sắc đẹp?) như đã được “thức hóa” thành hai cột (cột mang tính nữ) của một cái cổng để ta bước vào một thế giới đang “chờ đợi”, chưa có gì trọn vẹn, sâu thẳm, lặng im, nhưng tràn trề hy vọng. Bức tranh giống như một giai thoại quen thuộc nào đó đã được kể lại đơn giản theo một cách rất riêng của người họa sĩ.

F.A.M.

 

Bùi Hữu Hùng (sinh 1957)
Tác phẩm: Nắng trong vườn
Năm sáng tác: 2009
Chất liệu: Sơn mài
Kích thước: 120x160cm
Sưu tập tư nhân, TP. Hồ Chí Minh

Bùi Hữu Hùng như người “đi tìm thời gian đã mất”. Hội họa của anh là một thế giới của hoài niệm, thương nhớ, nuối tiếc, đầy ắp những kỷ niệm mà ta luôn luôn sẵn sàng cảm thông như khi ta được ai nhắc lại những kỷ niệm của chính mình. Người họa sĩ ở đây làm giàu sang cho ký ức, mà qua đó, thực tại dường như cũng trở nên đầy đủ hơn, và tương lai cũng dễ phán đoán hơn.
… Một góc sân gạch có tường hoa, ở bên dưới một giàn cây, có bốn cô gái trẻ đang ngồi tâm sự, và một chú bé đứng sau một chiếc lồng chim. Ồ! Có giai thoại nào thú vị hơn thế ?
Câu chuyện có vẻ “sáo cũ” này, cho dù có lặp đi lặp lại đến bao nhiêu lần, vẫn khiến ta khó có thể dửng dưng được. Vì đôi khi, chỉ bằng một từ, một câu kể khác lạ, hoặc bằng một sắc thái khác lạ của chính những câu từ cũ – thì một vị mới hấp dẫn của câu chuyện lại xuất hiện.
Không giống một số họa sĩ cùng đi vào loại chủ đề tâm tình này, những người thường là lý tưởng hóa nó, mà vô hình trung, càng ngày càng làm nó tẻ nhạt – Bùi Hữu Hùng có một lối đi riêng. Anh sử dụng một thứ ngôn ngữ dung dị, mộc mạc, chân quê, tránh xa những cái vốn được xem là “ngon lành”, mà nhờ thế lại tạo ra được đặc tính, một cái gì đó “xác thực”, hơi “xù xì”, “thô phác”, “hoang dại”, hầu như không trang sức, nhưng cái duyên ấy chỉ thoáng nhìn đã nhận ra ngay là của anh.
Mặc dù là một họa sĩ vẽ sơn mài điêu luyện, anh cũng chỉ chọn những cách thể hiện giản dị, đặc biệt về hòa sắc, nhẹ nhõm mà không kém phần lộng lẫy, và đã đạt tới độ thảnh thơi hiếm có trong xử lý các vấn đề thường là nan giải của kỹ thuật. Các bức tranh của anh an nhiên mát lành như những trái cây chín tự nhiên trên một cái cây đã sống lâu năm trên một mảnh đất phù hợp, cứ đến mùa lại trổ hoa kết quả, mà thực ra không bao giờ là sự lặp lại hoàn toàn.

F.A.M.

 

Hoàng Hồng Cẩm (1959 – 2011)
Tác phẩm: Tự sự
Năm sáng tác: 2010
Chất liệu: Sơn dầu
Kích thước: 120×130
Sưu tập Đặng Thế Tùng, Hải Phòng

Đây là một trong những bức tranh thuộc thời kỳ cuối của Hoàng Hồng Cẩm. Sự tương phản giữa những đường viền khúc chiết, to, đậm và những vệt bút rung rinh khiến cho đôi mắt người xem như bị kích thích bởi một sức mạnh bí ẩn, dẫn ta vào một cuộc kiếm tìm khá mông lung để rồi lại quay về tìm trong chính bản thân mình, như một câu hỏi về bản thể, đung đưa giữa Tâm và Vật, thậm chí hoàn toàn nằm ngoài ý đồ của người vẽ ra nó…
Thực ra, Hoàng Hồng Cẩm được đào tạo về điêu khắc. Ra trường, công việc chủ yếu của anh lại là trình bày báo và vẽ minh họa. Anh yêu âm nhạc, dân ca quan họ, và được sống từ bé trong một môi trường nghệ thuật cực kỳ “nhạy cảm” bao quanh người cha của mình – họa sĩ Hoàng Lập Ngôn, tác giả của “Nhà lăn Mê li” huyền thoại… Và có thể nói, tất cả những cái đó đã tạo ra con người và hội họa của anh, với một cá tính “tự thân” thanh thản tới mức lạ lùng, có thể thấy thấp thoáng ở đâu đó, mà kỳ thực lại riêng biệt.
Ban đầu, Hoàng Hồng Cẩm vẽ rất gần với các họa sĩ Nabis, chuyển tinh thần và cảm xúc qua sức mạnh của đường nét và màu sắc, biểu hiện một thế giới thầm lặng giàu chất tâm tình. Sau đó, anh dần biến đổi các hình tượng thành những “nhân hình” (hình giống hình người, formes anthromorphiques), kết hợp cả các yếu tố hữu cơ-sinh học và vô cơ-hình học, tạo ra một “típ” đặc trưng rất dễ nhận ra.
Ở đây, chẳng hạn trong bức tranh này, tựa hồ như có một sự sinh sơ khai, vừa xa lạ, cũng vừa quen thuộc, gần gũi, lạnh và ấm, lạnh vì xa lạ, không biết tại sao có, và ấm bởi vì gợi nhớ đến những trạng thái, những tình huống, những tâm trạng mà con người vẫn thường gặp trong cuộc sống thực.
Từ mối tương quan giữa hai hình vẽ, và cả khoảng cách chơi vơi giữa chúng, người họa sĩ đã đem đến cho người xem một trải nghiệm thị giác bằng vô thức, cô đơn và thú vị.

F.A.M.

 

Phạm An Hải (sinh 1967)
Tác phẩm: Chiều hoang phố
Năm sáng tác: 2019
Chất liệu: Sơn dầu
Kích thước: 150x150cm
Sưu tập Đặng Thế Tùng, Hải Phòng

 

 

Đặng Xuân hòa (sinh 1959)
Tác phẩm: Ngày rằm
Năm sáng tác: 2016
Chất liệu: Sơn dầu
Kích thước: 105x180cm
Thuộc Bộ sưu tập Nghệ thuật Quang San, TP. Hồ Chí Minh

Đặng Xuân Hòa là một họa sĩ có phẩm chất hiện đại cổ điển đích thực. Một họa sĩ như anh ở nước ta trước nay đều hiếm. Anh có thể vẽ những bố cục khổ lớn vững chắc về cấu trúc mà vẫn vô cùng thanh thản, nhiều mà không nhàm, luôn luôn kích thích con mắt người xem, khiến họ hào hứng và sảng khoái.
Tranh Đặng Xuân Hòa vừa có cái tươi tắn, tinh anh, vừa có cái trầm mặc, cổ kính của nghệ thuật dân gian, cũng vừa mượn đó để lồng vào cảm xúc mới cùng các yếu tố của nghệ thuật hiện đại, đôi khi lộng lẫy lạ lùng bởi một tính cá nhân. Anh sử dụng các mẫu hình (người và đồ vật) đặc trưng, được cách điệu sắc sảo cùng các ký hiệu đặc trưng đơn giản, thường lặp đi lặp lại và đặt chúng kề nhau một cách độc đoán, nhưng nếu nhìn vào nhịp điệu toàn bộ, tranh của anh lại hết sức sinh động, tự nhiên, như một sự giãi bày hơi “khoa trương” mà chân thành, sâu sắc.
Cho dù không đi vào hội họa trừu tượng thuần túy, nhưng trên thực tế, Đặng Xuân Hòa đã sớm vượt qua sự tương phản giữa tượng hình và trừu tượng. Những người thích trừu tượng hay những người thích tượng hình đều có thể được thỏa mãn khi xem tranh của anh.

F.A.M.

 

Đặng Xuân hòa (sinh 1959)
Tác phẩm: Trăng đỏ 2
Năm sáng tác: 2008
Chất liệu: Sơn dầu
Kích thước: 109.5x129cm
Sưu tập Hàn Ngọc Vũ, Hà Nội

Bức “Red moon- Trăng đỏ” này của họa sĩ Đặng Xuân Hòa được Nhà sưu tập mua năm 2019 từ phiên đấu của Sotheby’s Hongkong. Số lượng bidding (đấu) trên bức này rất nhiều nên giá cuối cùng lên khá cao. Theo catalogue, bức tranh đã từng được đấu ở Sotheby’s Hongkong vào ngày 5/4/2010 (lot 51), sau đó đấu lại cũng ở đây ngày 1/10/2017 (lot 249).
Trước đó, vào năm 2008, “Trăng đỏ” đã được triển lãm tại Gallery Maya, London, trong cuộc triển lãm mang tên “Them and Me” (từ ngày 15/5 tới 14/6/2008). Đây là một trong các bức thuộc bộ tranh mà Đặng Xuân Hòa một mình mang đi triển lãm lần đầu tiên ở London 2008. Cũng trong lần đó, anh đã trưng bày các chân dung tự hoạ và tranh vẽ các thành viên trong gia đình: vợ, con và cháu.
Bố cục của “Trăng đỏ” đặc trưng cho tạo hình của anh vào thời kỳ sung sức. Các nhân vật được đặt ở góc của bố cục thay vì ở tâm điểm. Hình tượng mặt trăng đang lên cảm giác như sự hồi tưởng về một nguồn năng lượng tích cực mà người hoạ sĩ đang thu nạp được từ xung quanh mình vào thời kỳ đó như những ý niệm và triển vọng mà người hoạ sĩ hướng tới cho một giai đoạn may mắn của cuộc đời mình (theo catalogue giới thiệu của Sotheby’s).

F.A.M.

 

 

Đỗ Hoàng Tường
(Sinh 1960)
Tác phẩm: Chiến tranh
Năm sáng tác: 1991
Chất liệu: Sơn dầu
Kích thước: 99x115cm
Thuộc Bộ sưu tập Nghệ thuật Quang San, TP. Hồ Chí Minh

Một trong những thủ pháp chính của các họa sĩ biểu hiện và biểu hiện trừu tượng là biến cuộc sống thực thành một sân khấu rộng lớn theo một kịch bản nào đó, để biểu lộ tinh thần “hứng cảm” (dionysiaque), một thái độ “phản chứng” trước con người và cuộc sống hiện đại, mà đôi khi người xem vẫn hiểu hoặc cảm nhận thành tính bi kịch. Bức tranh giới thiệu ở đây là một bi kịch hồi niệm về chiến tranh trong quá khứ.
Đỗ Hoàng Tường có thể được xếp vào trong số các họa sĩ như thế. Sống ở một đô thị Á Đông đang chuyển mình mạnh mẽ, năng động, ồn ào, với vô vàn sức mạnh đối lập như Thành phố Hồ Chí Minh, anh như muốn đi tìm cái mạch chìm, ở bên trên, bên trong và bên dưới cuộc sống ấy, cả cái thực cái hư, cái ẩn cái hiện, cái hữu hình cái phi hình, cái sáng cái tối, hòa lẫn chúng vào nhau, “nhòe nhoẹt”, như hình ảnh phản chiếu từ một tấm gương loang nước. Một sự thật đã hóa thân thành một sự thật khác, thường dữ dội, gớm ghiếc, ma quái qua cái nhìn chủ quan và xung năng bội phát của người họa sĩ. Và khoảng cách cần thiết giữa đề tài và thực nghiệm hội họa đã được nới ra đáng kể.

F.A.M.

 

 

Trương Tân (sinh 1963)
Tác phẩm: Biển
Chất liệu: Sơn mài
Kích thước: 80x100cm
Thuộc Bộ sưu tập Nghệ thuật Quang San, TP. Hồ Chí Minh

 

Đặng Tiến (sinh 1963)
Tác phẩm: Sông Tam Bạc
Năm sáng tác: 1998
Chất liệu: Sơn dầu
Kích thước: 70x80cm
Thuộc Bộ sưu tập Nghệ thuật Quang San, TP. Hồ Chí Minh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Bộ sưu tập Collection Tạp chí Mỹ thuật tháng 9-10 năm 2020

    Mãi đến gần đây, thông qua các cuộc đấu giá nghệ thuật ở nước ngoài, chúng ta dường như mới được biết đến một số bức tranh sơn mài của Trần Hà. Và cũng mới được biết,...

Bộ sưu tập Collection Tạp chí Mỹ thuật tháng 7-8 năm 2020

  Trần Quang Trân có thị hiếu cổ điển, sở thích của ông là vẽ chùa chiền, các công trình kiến trúc cổ, cây cổ thụ, mặt nước… Xem tranh ông người ta thường thấy nắng và những cái bóng...

Bộ sưu tập Collection Tạp chí Mỹ thuật tháng 5-6 năm 2020

  Linh Chi (1921 – 2016) Tác phẩm: Thiếu nữ vùng cao Năm sáng tác: Khoảng 1990 Chất liệu: Lụa Kích thước: 55x37cm Bộ Sưu tập Nghệ thuật Quang San, TP. Hồ Chí Minh     Trần Đông Lương...

Bộ sưu tập collection Tạp chí Tết năm 2020

  JOSEPH INGUIMBERTY (1896-1971) Tác phẩm: Hai cô gái bên bờ ao Năm sáng tác: Khoảng 1940-1943 Chất liệu: Sơn dầu Kích thước: 106x81cm Thuộc bộ sưu tập Nghệ thuật Quang San, Tp. Hồ Chí Minh   Joseph...

Bộ sưu tập – Collection Tạp chí Mỹ thuật tháng 9-10 năm 2019

  Tư tưởng và nghệ thuật của Trần Duy diễn biến qua một mối tưởng phản: một bên là con người xuất thân từ tầng lớp quan lại phong kiến “con vua cháu chúa” ở Huế, một bên là con...

Tin cùng chuyên mục

Nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20 – Phiên đấu giá của Nhà đấu giá Le Auction House

  Hướng tới mốc kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, Nhà Đấu giá LE AUCTION HOUSE tổ chức phiên Phiên đấu giá “Nghệ Thuật Việt Nam Thế Kỷ 20” vào ngày 10/03/2024. Quy...

“Những chân trời vô tận” – Triển lãm giao lưu quốc tế của 8 nữ họa sĩ Việt Nam và Philippines

Khai mạc ngày 28/10/2023, triển lãm “Những chân trời vô tận” là sự kết hợp của 8 nữ họa sĩ: Trang Thanh Hiền, Nguyễn Thu Thuỷ, Nguyễn Mỹ Ngọc, Ly Trần, Phạm Thị Hồng Sâm đến từ Việt Nam và...

Bài 5: Cần sự đầu tư xứng đáng cho bảo tàng

(Chinhphu.vn) – Câu chuyện bảo tàng vì sao vắng khách tuy không mới nhưng luôn nhận được sự quan tâm của các nhà chuyên môn bởi bảo tàng có vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa...

Bài 3: Công nghệ – Sự thay đổi có tính cách mạng trong hoạt động bảo tàng

(Chinhphu.vn) – Công nghệ đã làm cho ngôn ngữ bảo tàng trở nên sống động, đa dạng, hấp dẫn, tăng khả năng tiếp cận công chúng. Có thể nói, công nghệ đã góp phần không nhỏ đem lại sự thay...

Những cuộc đấu giá sẽ định hình xu hướng nghệ thuật cũng như tên tuổi của các nghệ sĩ lớn

Các cuộc đấu giá đoán trước sự nổi lên của các ngôi sao, xác định các xu hướng trong bối cảnh đương đại thông qua lợi nhuận. Trong khi nhiều người xem đổ dồn sự chú ý của họ về cuộc...

Có thể bạn quan tâm

LÊ THY – HÒA ÂM

  Tranh sơn mài của Lê Thy thực ra cũng thiên về “kiểu sức” (maniérisme), cường điệu và phi thực. Nó va đập vào con mắt người xem, gây ngạc nhiên từ những cái tưởng như bình thường, nhưng...

SẮC MÀU THỜI GIAN TRONG TRANH CỦA HOÀNG CHÍ

  Họa sĩ Hoàng Chí sinh năm 1944 tại Hà Nam, một vùng đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử. Ông tốt nghiệp khoa Đồ họa Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Trong nhiều năm qua...

“Sắc màu” trong mắt trẻ

NDO – Với nét vẽ hồn nhiên, trong trẻo, các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm “Sắc màu” thể hiện suy nghĩ và ước mơ của các em thiếu nhi về cuộc sống tươi đẹp. “Sắc màu”...

NHÂN NGÀY TẾT LẠI NHỚ HOÀNG TÍCH CHÙ

  Hoàng Tích Chù ở ngôi nhà hai tầng trong một ngõ khuất ở phố Ngô Sĩ Liên. Ông có dáng người mập mạp, đầu cạo trọc, nom như ông sư phá giới. Hoàng Tích Chù vui tính nên cũng dễ gần. Kể...

MỘT THỜI TRANH TẾT

  Có lẽ tranh dân gian Đông Hồ và Hàng Trống là hai loại tranh tết đầu tiên tôi được biết đến của dân ta. Ban đầu cũng nghe qua một số người nghiên cứu nghệ thuật nói thế. Rằng thời...