SHIN SAIMDANG – NỮ DANH HỌA THỜI JOSEON

 

Nói đến thời đại Joseon, Hàn Quốc (1392-1910) là nói đến thời kỳ hưng thịnh của Nho giáo. Thời kỳ này ảnh hưởng tư tưởng đạo Khổng sâu đậm nên bên cạnh những thành tựu vẻ vang, cũng có những bất công, oan trái do chính chế độ đó mang lại, đặc biệt là đối với thân phận của người phụ nữ. Người phụ nữ sống trong thời kỳ này bị ràng buộc bởi nhiều tư tưởng hà khắc như Tam tòng, Xuất giá ngoại nhân, Thất cử chi ác. Vì thế, thân phận của họ phụ thuộc nhiều vào người đàn ông, vào hoàn cảnh bên ngoài. Họ không những không được học hành thi cử như nam giới mà còn không được tự do thể hiện tâm tư, nguyện vọng của bản thân mình. Đó là lý do nhiều phụ nữ tài năng, đức độ vẫn không thể hiện được vị thế của mình một cách bình đẳng và tự do.

May mắn thay, Shin Saimdang (1504-1551) sinh ra trong thời kỳ đầu của thời đại Joseon, khi tàn dư lối sống của thời kỳ Goryeo (Cao Ly) vẫn còn và tư tưởng Nho giáo chưa ảnh hưởng đậm nét. Nhờ vậy, bà đã trở thành một người phụ nữ nổi tiếng, không chỉ là một người vợ hiền, người mẹ mẫu mực mà còn là một thi nhân, một danh họa được yêu mến ở nhiều nước trên thế giới trong nhiều thập kỷ. Dù mang thân phận nữ nhi nhưng nhưng tài năng và đức hạnh của bà đã làm rạng danh vị thế người phụ nữ Triều Tiên nói chung và phụ nữ trên thế giới nói riêng. Bài viết này chỉ giới thiệu về tác giả và một số bức họa nổi tiếng của bà.

Chân dung Shin Saimdang

 

 

 

         Tác giả

Shin Saimdang (Thân Sư Nhâm Đường ), tên thật là Shin In Seon (Thân Nhân Thiện), sinh ngày 29 tháng 10 năm 1504 ở Gangneung, tỉnh Gangwon (Hàn Quốc ngày nay). Bà là con gái thứ hai trong số năm người con gái của một viên quan hàm Tứ phẩm tên là Shin Myung Hwa (Thân Mệnh Hòa) và người mẹ họ Yi (Long Nhân Lý thị).

Từ nhỏ, bà đã bộc lộ là một nữ nhi thanh tú, thông minh, ham học. Vì gia đình không có con trai, bà lại có tài năng nổi trội nên được bên ngoại rất mực thương yêu và dạy dỗ tận tình. Bà được mẹ bà dạy cho thêu thùa, may vá; được bố – một học giả thuộc tầng lớp quý tộc – tận tình chỉ dạy nhiều sách Nho giáo và văn chương của các bậc Thánh hiền nên bà không chỉ giỏi việc nội trợ mà còn giỏi cả văn chương, thi họa. Vào năm 7 tuổi, cha mang về cho bà bức tranh Sơn thủy mặc của An Gyeon – một họa sỹ nổi tiếng lúc bấy giờ – bà đã vẽ mô phỏng theo bức tranh ấy. Đó là lần đầu tiên bà vẽ tranh, những người xung quanh xem tranh bà vẽ đã không tiếc lời ngợi khen. Tài năng thiên phú của bà được phát hiện và nuôi dưỡng từ đó.

Tờ tiền mệnh giá 50 ngàn won có in hình Shin Saimdang và bức tranh “Nho” của bà

 

Bộ bình phong 8 bức của “Thảo Trùng Đồ”. 120,1x47cm. Bảo tàng Thành phố Ojukheon

 

Mai (tranh vẽ thực tập), tranh thủy mặc trên lụa. 31,5×21,7cm Bảo tàng Mỹ thuật Kansong

 

Nho, tranh thủy mặc trên lụa. 31,5×21,7cm Bảo tàng Mỹ thuật Kansong

Bà tiếp tục học vẽ tranh và văn chương thơ phú. Năm 16 tuổi, bà tự lấy tên tên hiệu là Saimdang (Sư Nhâm đường), với ý nghĩa noi theo gương của bà Thái Nhậm, người phụ nữ hiền thục nhất trong lịch sử Trung Quốc, mẹ của bậc thánh quân nhà Chu là vua Văn Vương.

Năm 19 tuổi (1522), bà kết hôn với Yi Won Su (Lý Nguyên Tú), con trai độc nhất của một gia đình sỹ nhân nghèo. Dù sinh ra trong thời đại Joseon ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo nhưng Sư Nhâm Đường đã may mắn tránh được sự hà khắc, bất bình đẳng của lối sống trọng tư tưởng ấy mang lại. Sau khi kết hôn, được sự chấp thuận của gia đình chồng, Shin Saimdang cùng chồng tiếp tục sống ở nhà mẹ đẻ. Đây chính là điều kiện tuyệt vời để tài năng thiên phú của Shin Saimdang được mài giũa và phát huy.

Bà rất mực thương yêu chồng, hết lòng khích lệ chồng trong sự nghiệp làm quan triều đình. Mặc dù tới khi bà 47 tuổi, một năm trước khi bà qua đời, chồng bà mới đỗ quan nhưng nhân cách cao quý hết mực phụng sự chồng làm người đời luôn ca ngợi.

Không những thế, bà còn có công rất lớn trong việc giáo dục con cái. Bà sinh được sáu người con, ba trai và ba gái. Nhờ sự giáo dục nghiêm khắc và tận tình, các con bà ai cũng thành đạt. Con gái đầu lòng là Mae Chang (Mai Song) và con trai thứ tư là Yi Woo (Lý Ngọc) cũng trở thành nghệ sĩ tài ba trong lĩnh vực thơ ca và hội họa. Con trai thứ ba là Yi I (Lý Nhị 1536 – 1584), tên hiệu là Yul Gok (Lật Cốc), cùng với sư phụ ông là Lý Hoảng là hai Nho gia lỗi lạc nhất của nhà Triều Tiên. Khi mới 13 tuổi, ông đã thi đậu tiến sĩ, 9 lần thi đều đỗ đầu nên được thiên hạ gọi là Cửu độ trạng nguyên công. Ông từng được quốc vương Triều Tiên bổ nhiệm các chức trong bộ Hộ, bộ Lễ, từng được phái đi sứ ở nhà Minh. Công lao của ông đóng góp cho đất nước là vô cùng lớn nên để ghi nhận công lao đó, hình của ông được in trên tờ bạc 5 ngàn Won của Hàn Quốc. Phía sau tờ tiền in hình Dưa hấu và châu chấu, một trong 8 bức vẽ trên bình phong của Thảo Trùng Đồ nổi tiếng của mẹ ông.

 

Dưa hấu và châu chấu Tranh màu trên giấy. 48,6×35,9cm Bảo tàng Thành phố Ojukheon

 

Cà tím và bọ ngựa Tranh màu trên giấy. 48,6×35,9cm Bảo tàng Thành phố Ojukheon

Năm 48 tuổi (1551), bà biệt thế trong một cơn bệnh tim nặng. Nhưng tài năng và đức hạnh của bà vẫn được người đời sau ca tụng, vinh danh. Bà được coi là “tấm gương đẹp nhất về tình mẫu

tử trong lịch sử Hàn Quốc”. Để vinh danh bà, năm 2009, chính phủ Hàn Quốc đã chọn Shin Saimdang cùng với bức tranh Nho của bà làm nhân vật chính in lên tờ tiền có mệnh giá cao nhất 50 ngàn won.

Năm 2017, đài SBS phát sóng bộ phim truyền hình dài 30 tập có tựa đề Sư Nhâm Đường, Nhật ký Ánh sáng như một lời tri ân đối với công lao to lớn mà bà đã đóng góp cho thời đại.

 

Tác phẩm

Không chỉ giỏi may vá, thêu thùa, Shin Saimdang còn có tài năng thiên bẩm về văn chương, hội họa. Nhờ được phát hiện sớm và có điều kiện phát triển tài năng, bà đã để lại nhiều tác phẩm hội họa nổi tiếng làm sáng rạng một thời đại u ám của người phụ nữ trong lịch sử bán đảo Triều Tiên.

Từ sau khi phát hiện ra tài năng hội họa, Shin Saimdang được dạy cho cách vẽ tranh, chủ yếu là tranh Sơn Thủy và tranh Nho. Đây là hai loại tranh được giới chuyên môn đánh giá cao. Có người còn nhận xét tranh Sơn Thủy của bà chỉ đứng sau tranh Sơn Thủy của An Gyeon – một danh họa nổi tiếng trước thời đại bà sống. Tranh bà rất thân thiện và gần gũi với những chất liệu giản đơn. Nhờ vậy tranh bà ngày càng trở nên quen thuộc với mọi người, kể cả giới quý tộc quan liêu, thậm chí nhiều người còn mua về sưu tầm, trưng bày trang trí.

Hoa mào gà và ếch Tranh màu trên giấy. 48,6×35,9cm Bảo tàng Thành phố Ojukheon

 

Hoa bóng nước và chuồn chuồn Tranh màu trên giấy. 48,6×35,9cm Bảo tàng Thành phố Ojukheon

 

Trâu nước – Tranh mực trên giấy. 21×14,7cm Bảo tàng Thành phố Ojukheon

Theo các tài liệu tìm được, có tổng cộng 16 bức tranh thủy mặc trong thời gian bà học vẽ, tuy nhiên tranh bị lưu lạc nhiều nơi, nhờ con cháu các đời sau của bà thu gom lại, giờ chỉ còn lưu được 8 bức. Đa số trong những bức thanh thực tập vẽ đó là tranh hoa Mai.

Tranh Nho cũng là một trào lưu hội họa lúc bấy giờ. Theo các sử liệu, bức tranh Nho đầu tiên là của Kang Hee-an (1419-1464). Một bức tranh Nho nổi tiếng khác là của Shin Cham (1491-1554) cũng thể hiện tài năng rất lỗi lạc của danh họa. Đáng tiếc là những bức tranh này hiện nay đã không còn được lưu giữ . May mắn bức tranh Nho của Shaimdang vẫn còn được lưu giữ, tuy hơi đượm buồn nhưng vẫn mang vẻ thanh cao và mềm mại nữ tính nên được đánh giá cao và được in trên tờ tiền 50 ngàn won của Hàn Quốc để người dân có thể biết đến tài năng bà một cách rộng rãi.

Tuy nhiên, tranh mà người Hàn Quốc biết đến nhiều nhất của Shin Saimdang là “Thảo Trùng Đồ”. Đúng như tên gọi, “Thảo Trùng Đồ” là bức tranh vẽ về cây cỏ và côn trùng. Đó là những loài cây cỏ, hoa lá rất gần gũi với đời sống hàng ngày như dưa hấu, hoa mào gà, hoa cẩm chướng, hoa chuông, cà tím; …những con côn trùng nhỏ nhắn đáng yêu như ong, bướm, dế, bọ que, chuồn chuồn, thậm chí cả chuột, bồ câu,… Nhìn một cách tổng thể, Thảo Trùng đồ không sặc sỡ, nhiều màu sắc nhưng lại mang vẻ tươi sáng, giản dị, được coi là “vẻ đẹp của sự tiết chế”. Cảnh vật được quan sát kỹ càng và biến đổi màu sắc theo từng mùa. Những bức tranh được đánh giá là đã vẽ với một tỉ lệ chính xác đến tuyệt vời, tỉ mỉ đến từng cuống lá, dây leo, thật đến nỗi mọi người còn truyền tai nhau nhiều giai thoại về sự sống động đó. Ví dụ như bức “Hoa đèn lồng” và “Chuồn chuồn” Saimdang vẽ tặng một người họ hàng. Trong bức tranh này có con châu chấu xanh ở gần khóm hoa. Lúc nhà họ hàng trải bức tranh ra sân, gà tưởng là châu chấu thật nên thi nhau mổ tới tấp.

Thủy cầm – Tranh mực trên giấy. 20,2×14,5cm Bảo tàng Thành phố Ojukheon

 

Thảo thư của Saimdang 15,7×11,9cm Bảo tàng Thành phố Ojukheon Từ trái qua phải: Bảo, An, Xin

Hiện nay những bức tranh của bà chủ yếu được bảo tồn và gìn giữ tại bảo tàng bảo tàng thành phố Ojukheon (Ojukheon & Municipal Museum), thành phố Gangneung, tỉnh Gangwon, nơi bà và gia đình đã sinh ra và lớn lên. Tranh của bà được trang trí là lưu giữ ở nhiều dạng như bình phong, tranh treo tường, tập ảnh. Bộ bình phong hiện đang được bảo quản tại bảo tàng Ojukheon, gồm 8 bức (theo thứ tự từ trái qua phải) là: hoa hiên và ong hoa, bóng nước và chuồn chuồn, hoa vẹt và bọ hung, hoa mào gà và ếch, cà tím và bọ ngựa, dưa hấu và dế, hoa anh túc và bọ vừng, dưa leo và châu chấu. Bốn trong tám bức tranh đó được nhà nước công nhận là di sản văn hóa số 11 của tỉnh Gangwon.

Ngoài ra, còn có một số bức tranh thủy mặc khác còn lưu giữ của Saimdang. Bức tranh “Trâu” và bức “Thủy Cầm” được thế tôn thứ 14 tìm thấy và lưu thành cuốn tập ảnh khi dọn đến ở nhà của Yi Woo – con trai út của Saimdang. Con trâu trong tranh mang vẻ đặc trưng của trâu Hàn Quốc, lững thững, thong dong đưa hai chân trước xuống uống nước, hệt như câu tục ngữ của người Hàn: “Chậm rãi, chậm rãi nhưng là bước bò vàng  . Còn bức “Thủy cầm” toát lên được vẻ mềm mại của con chim nước qua cách vẽ đậm nhạt trên mắt, mỏ, cánh chim; cái tĩnh lặng của dòng nước và cảnh vật xung quanh nơi con chim đang đứng.

Không chỉ tranh vẽ mà thảo thư (chữ viết tay) của Shin Saimdang cũng rất đẹp. Nhiều tác phẩm thảo thư còn lưu giữ của bà không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn có giá trị lịch sử. Chữ của bà vừa rõ ràng, đường nét lại tỉ mỉ nên được đánh giá cao. Tương truyền những người trong thời đại của bà cũng nhìn theo chữ viết của bà để học viết.

Nhờ phẩm chất cao quý và tài năng vượt trội, Shin Saimdang đã để lại nhiều giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần cho thế hệ mai sau. Sự công nhận tài năng của bà của thế hệ sau này là một việc làm có ý nghĩa để đền đáp công lao to lớn mà bà đã cống hiến cho nhân loại. Hi vọng sẽ có thêm nhiều bài nghiên cứu chuyên sâu về các tác phẩm văn chương, hội họa của bà để chúng ta được hiểu tường tận hơn nữa thế giới nội tâm của bà cũng như cuộc sống của những con người trong thời đại ấy.

Nguyễn Thị Trang

 

 

Tin cùng chuyên mục

10 tranh đắt nhất thế giới trong năm 2023

Tranh người tình của Picasso giá 139,4 triệu USD, “Quý cô cầm quạt” của Gustav Klimt đạt hơn 108 triệu USD, là những tác phẩm đắt nhất năm nay. Theo thống kê từ trang web nghệ thuật Artsy,...

Vấn đề đương đại và nghệ thuật đương đại

Vấn đề đương đại (contemporary issues) và nghệ thuật đương đại (contemporary art) là một trong những mấu chốt quan trọng trong công việc thực hành nghệ thuật (art practice) của mỗi nghệ sĩ. Khái...

“Femme à la montre” của Picasso trở thành tác phẩm đấu giá đắt giá nhất trong năm nay

NDO – Kiệt tác “Femme à la montre” (tạm dịch: Người phụ nữ đeo đồng hồ) sáng tác năm 1932 của danh họa Pablo Picasso đã được bán với giá hơn 139 triệu USD tại cuộc đấu giá của...

Abanindranath Tagore – Người đặt nền móng cho nghệ thuật hiện đại Ấn Độ

Vào giữa thế kỷ 19, lợi dụng sự xung đột nội bộ giữa các tôn giáo, các tiểu vương quốc trên lãnh thổ Ấn Độ, người Anh, thông qua công ty Đông Ấn, đã dần dần kiểm soát gần hết tiểu...

Những bức tranh đắt giá nhất thế giới

Trong số hàng triệu bức tranh đang tồn tại trên thế giới, có những bức đắt và hiếm đến mức đa số người yêu nghệ thuật không có cơ hội chạm đến. Theo The Collector, định giá tác phẩm nghệ...

Có thể bạn quan tâm

Triển lãm Mỹ thuật khu vực III Tây Bắc – Việt Bắc lần thứ 28

Sáng 27/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh và Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm Mỹ thuật khu vực III Tây Bắc – Việt Bắc lần thứ 28 năm 2023. Dự buổi lễ có các...

Giới thiệu tác phẩm của họa sĩ Sanyu trong phiên đấu giá tháng 11 của Nhà đấu giá Aguttes

...

Triển lãm Hội hoạ Khu vực I (Hà Nội) lần thứ 25 năm 2020

Triển lãm không khai mạc chỉ trưng bày và chấm giải thưởng tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô quyền, Hà Nội. Triển lãm trưng bày 97 tác phẩm của 95 tác giả (có 1 tác phẩm không đúng kích thước...

Hoàn thiện Nghị định quy định xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật

(ĐCSVN) – Hoàn thiện Nghị định quy định xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật nhằm kịp thời khích lệ, động viên các văn nghệ sĩ có những tác...

Danh sách Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam; Giải thưởng Mỹ thuật Khu vực; Giải thưởng ngành Phê bình Mỹ thuật năm 2018

  Tổng số Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam: 05 giải thưởng: 01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 03 giải Ba Tổng số Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Khu vực và ngành Phê bình Mỹ thuật: 90 Trong...