20 NĂM NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI, CƠN SỐT TOÀN CẦU

“Trong thế kỷ 21, nghệ thuật đương đại đã trở thành nhân tố chính dẫn đến sự tăng trưởng của thị trường nghệ thuật toàn cầu.”
Về tổng thể, thị trường nghệ thuật đương đại đã thay đổi rất nhiều so với 20 năm trước. Bằng chứng là sự xuất hiện của những thay đổi về cấu trúc. Cụ thể, số lượng nghệ sĩ tăng đáng kể từ 5400 lên đến gần 32000, do vậy mà số lượng các tác phẩm nghệ thuật được giới thiệu đến công chúng qua các phiên đấu giá cũng theo đà tăng từ 19180 lên đến gần 123000. Điều này cũng đặt nền móng cho một loạt sự phát triển và mở rộng của hoạt động đấu giá. Từ 39 quốc gia trong năm 2000 đến nay đã có 64 quốc gia đã bắt đầu tham gia vào dòng chảy giao dịch nghệ thuật. Các giao dịch từ xa đã và đang thu hút sự tập trung nhiều nhất trong thị trường bởi tính năng động mua bán cao trong các phiên giao dịch. Bên cạnh đó, 20 năm qua, số lượng các nhà đấu giá tham gia thị trường nghệ thuật đương đại tăng gần gấp đôi, số phiên chuyên đề tăng gấp 3, và số lô đấu thành công tăng lên gấp 6. Quả là những con số ấn tượng.
Trước đây phân khúc đương đại chiếm một phần rất nhỏ tổng thể của thị trường nghệ thuật (2,9% của năm 2000), nhưng hiện tại đã đạt đến 14,9%. Gần 2 tỷ đô doanh thu đấu giá ở thời điểm này, khác hẳn với 92 triệu đô của 20 năm trước. Đây là minh chứng rõ nét cho việc nghệ thuật đương đại đã có giá trị cao hơn đáng kể, vượt qua các họa sĩ bậc thầy ở châu Âu thế kỷ 18 và thế kỷ 19. Hơn nữa, các tác phẩm của một số nghệ sĩ đương đại đã được hiến tặng như một di sản và về mặt giá trị thì tương đương với tác phẩm của các danh họa vĩ đại như Monet hay Picasso.
Basquiat là người đang nắm giữ kỷ lục đấu giá đầu tiên và kỷ lục đấu giá mới nhất trong 20 năm qua ở phân khúc đương đại.Tác phẩm đầu tiên của ông thu về hơn 1 triệu đô vào năm 1998. Năm 2017, tại Sotheby’s, bức “Untitled” (Vô đề) của Basquiat đã trở thành tác phẩm đương đại được bán thành công với giá đắt nhất, phá bỏ chính kỷ lục trước đó của họa sĩ. Cú gõ búa này đã khẳng định sự thay đổi rõ nét trong thang giá trị của thị trường và điều tương tự cũng có thể hoàn toàn xảy ra với các danh họa khác. Trong vòng 19 năm, kỷ lục giá tranh của Basquiat tăng từ 1,7 triệu đô lên hơn 110 triệu đô, tức là gấp 65 lần trong gần 2 thập kỷ. Cùng khoảng thời gian này, mức giá trung bình của một tác phẩm nghệ thuật đương đại đã tăng gấp 3 lần từ 7.430 đô lên 25.140 đô – mức tăng mạnh nhất trong bất kỳ giai đoạn sáng tạo nghệ thuật nào. Chính những sự tăng trưởng này đã góp phần đưa nghệ thuật đương đại trở thành nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng của thị trường nghệ thuật toàn cầu trong thế kỷ 21.
20 năm nghệ thuật đương đại – những điều đáng chú ý
–  Số nghệ sĩ tăng gấp 6 lần, số tác phẩm đấu giá tăng gấp 6 lần
–  Doanh thu đấu giá tăng tăng 2,100%
–  Basquiat giữ kỷ lục đấu giá thế giới của phân khúc đương đại với 110 triệu đô la (năm 2017 –  tác phẩm “Untitled” – Vô đề).
–  Nghệ thuật đương đại hiện chiếm 15% thị trường nghệ thuật toàn cầu so với 3% của 20 năm trước.
–  Trung Quốc và Mỹ tạo ra 68% doanh thu đấu giá toàn cầu.
–  Về giá trị, các tác phẩm nghệ thuật đương đại đã tạo ra 22,7 tỷ đô kể từ năm 2000.
–  Hơn 60% thị trường đương đại dành cho tranh.
Một buổi đấu giá tác phẩm đương đại của Christie’s tại London tháng 2/2020
NĂM 2007 – LẦN ĐẦU CÁN MỐC TỶ ĐÔ
Năm 2007, mảng nghệ thuật đương đại đã lần đầu tiên cán mốc doanh thu hơn 1 tỷ đô, chiếm 15% thị trường nghệ thuật toàn cầu và giữ vững thị phần không đổi cho đến ngày nay. Một trong những yếu tố chính dẫn đến sự tăng trưởng này là sự gia nhập tương đối đột ngột của các nhà sưu tập mới từ Trung Quốc, những người một khi đã xuất hiện là hiển nhiên sẽ có những thay đổi cơ bản trong cấu trúc thị trường. Cùng với sự bùng nổ của nền kinh tế Trung Quốc, các doanh nhân giàu có bắt đầu quan tâm đến việc sưu tầm nghệ thuật, trong khi những người khác đã bắt đầu mua các tác phẩm nghệ thuật để đa dạng hóa các khoản đầu tư của họ. Sự xuất hiện của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh doanh nghệ thuật vừa nhanh chóng vừa ấn tượng, và đi kèm là sự ra đời của các quỹ đầu tư nghệ thuật chuyên biệt. Bắt chước các thông lệ của thị trường chứng khoán, “cổ phần” trong các tác phẩm được chào bán với mục đích thu về lợi nhuận đáng kể và nhanh chóng nhất có thể… Những khoản tiền lớn chủ yếu được đổ vào tác phẩm của các nghệ sĩ Trung Quốc đã khiến giá trị của những tên tuổi này tăng lên đáng kể. Trong năm 2011 – 2012, so với thị trường tổng thể tại châu Âu, thị trường đấu giá của Trung Quốc đã bán thành công gấp đôi số tác phẩm đương đại có giá trên ngưỡng 100.000 đô.
Trong nhiều năm qua, một số người mua đến từ Trung Quốc đã trở thành những nhà sưu tập đáng gờm, chẳng hạn như Jack Ma – người sáng lập tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba hay Adrian Cheng và Lin Han – hai nhà sưu tập cũng tìm mua các tác phẩm của nghệ sĩ nước ngoài. Thậm chí, có những bảo tàng tư nhân đã được thành lập để lưu giữ các bộ sưu tập lớn như như Bảo tàng Yuz của Budi Tek ở Thượng Hải.
Tuy vậy, ngoài xuất phát chính từ sự gia nhập đột ngột của các nhà sưu tập mới ở Trung Quốc, đà phát triển của thị trường nghệ thuật đương đại còn là một hệ quả chung của quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra với thị trường nghệ thuật. Giá tác phẩm của các nghệ sĩ tăng cao ngất ngưởng, đặc biệt là những nghệ sĩ hàng đầu của Ấn Độ (Anish Kapoor, Subodh Gupta), nghệ sĩ Trung Đông (nơi Christie’s đã vận hành chủ yếu ở Dubai từ năm 2006), và tất nhiên đối với cả các nghệ sĩ phương Tây. New York và London đã liên tiếp chứng kiến những kỷ lục mới chẳng hạn như:
– “Green car crash” (Vụ đụng xe màu xanh) của Andy Warhol đã thu về 71,5 triệu đô, gấp đôi ước tính của Christie’s.
– “Lullaby Spring” (Lời ru mùa xuân) của Damien Hirst được bán với giá 19 triệu đô, cao hơn rõ rệt so với ước tính từ 6 – 8 triệu đô.
– “White Canoe” (Ca nô trắng) của Peter Doig được đấu thành công 11 triệu đô (ước tính ban đầu của Sotheby là 2 triệu đô) khiến Doig trở thành họa sĩ đương đại đắt giá thứ hai chỉ sau huyền thoại Jean-Michel Basquiat ở thời điểm đó.
– “Hanging Heart” (Trái tim lơ lửng) – tác phẩm điêu khắc màu đỏ pha sắc tím và vàng của Jeff Koons bán với giá 23,5 triệu đô đã đem về cho ông danh hiệu nghệ sĩ còn sống có tác phẩm đắt nhất.
Vào cuối năm 2007, một số người cho rằng thị trường nghệ thuật đương đại đã đạt đến đỉnh điểm của sự phát triển nhưng họ đã nhầm. Jeff Koons tiếp tục phá kỷ lục của chính bản mình bảy lần trong những năm tiếp theo.
Biểu đồ doanh thu đấu giá nghệ thuật đương đại ở Hồng Kông qua các năm Sotheby’s thống trị thị trường với 50% doanh thu
2008 –  MỘT NĂM THEN CHỐT
Trước khi đạt đỉnh tăng trưởng đầu tiên vào năm 2008, doanh thu từ nghệ thuật đương đại đã tăng + 1640% trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2008, nhưng sau đó giảm dần do cuộc cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn của Mỹ và những hậu quả mang tính toàn cầu của nó. Từ tăng trưởng đến thu hẹp, thị trường nghệ thuật đương đại năm 2008 đã chia ra hai giai đoạn rõ rệt: giai đoạn giá giao dịch nghệ thuật tăng cao nhờ đợt bán hàng mùa hè và giai đoạn giảm mạnh vào tháng 9, ngay sau khi Sotheby’s tổ chức một đợt bán đấu giá dành riêng cho các tác phẩm của Damien Hirst.
Sự hưng thịnh của thị trường nghệ thuật trong năm 2007 rõ ràng vẫn tiếp tục trong nửa đầu năm 2008 bất chấp những làn sóng tài chính gây ra bởi cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn. Công việc kinh doanh diễn ra khá bình thường như thường lệ khi nghệ thuật vẫn được hưởng lợi từ trạng thái an toàn và doanh thu ngất ngưởng cho đến giữa tháng 9 năm 2008. Christie’s và Sotheby’s đều lập kỷ lục doanh thu mới cho các nghệ sĩ hiện đại, hậu chiến và đương đại. Christie’s đã bán bức tranh Bassin aux Nymphéas (Hồ hoa súng) của Claude Monet với giá 71,8 triệu đô; bức “No.15, 1952” (số 15, 1952) của Mark Rothko với giá 50 triệu đô (tác phẩm từng có giá 11 triệu đô năm 1999); bức “Benefits Supervisor Sleeping” (1995) (Người giám sát quyền lợi đang ngủ) của Lucian Freud với giá 33 triệu đô và tác phẩm điêu khắc “Balloon Flower (Magenta)” (1995/2000) (Bong bóng hoa) phiên bản màu đỏ tím của Jeff Koons gần 26 triệu đô.
Sotheby’s thậm chí còn làm tốt hơn khi bán một bộ tam liên họa lớn của Francis Bacon với giá hơn 84,5 triệu đô vào ngày 14 tháng 5. Người mua là nhà tài phiệt Nga Roman Abramovich – chủ sở hữu mới của bức “Benefits Supervisor Sleeping” vẽ bởi Lucian Freud bán ở Christie’s ngày hôm trước. Nhà đấu giá Sotheby’s tại Mỹ cũng đã lập kỷ lục mới cho các nghệ sĩ đương đại như Richard Prince (Overseas Nurse – tạm dịch: y tá hải ngoại, 8,4 triệu đô), Antony Gormley (Angel of the North – tạm dịch: thiên thần phương Bắc, 4,5 triệu đô), Anish Kapoor (Untitled – tạm dịch: vô đề, 3,8 triệu đô) và Takashi Murakami. Sau mùa hè, Sotheby’s đã ghi nhận 21000 lượt khách đến tham quan triển lãm tác phẩm của Damien Hirst có tựa đề “Beautiful inside my Head forever” (Tạm dịch: Cái đẹp mãi trong tâm trí) và thị trường chỉ chùn bước sau sự cực kỳ thành công của phiên đấu cùng tên.

 

Biểu đồ doanh số nghệ thuật đương đại toàn cầu: doanh thu và số lượng đã bán qua các năm Các tác phẩm đương đại được bán vào năm 2019 nhiều gấp 6 lần so với 20 năm trước

    Thị trường nghệ thuật đương đại đã thu về gần 2 tỷ đô trong vòng 20 năm từ năm 2000 đến năm 2020

SỰ NỔI LÊN CỦA MURAKAMI – DANH HỌA NHẬT BẢN Ở NEWYORK
Sự nổi lên như vũ bão của Takashi Murakami là biểu tượng cho con đường chuyển đổi nhanh chóng của thị trường nghệ thuật đương đại. Gần như vắng bóng trên thị trường vào năm 2000, 8 năm sau, tính theo doanh thu đấu giá hàng năm, tên tuổi của ông đã lọt vào top 10 thế giới. Tiền thân cho thành công này của Murakami là sự tăng giá lên gấp 10 lần của các tác phẩm thuộc series điêu khắc Mr Dob trong khoảng thời gian từ 1990 đến đầu những năm 2000. Tuy nhiên các tác phẩm của Murakami đã không đạt đến đỉnh cao của thị trường nghệ thuật cho đến khi Sotheby’s giao dịch thành công tác phẩm “My Lonesome Cowboy” (Gã cao bồi cô độc của tôi).
Tác phẩm điêu khắc này lấy cảm hứng từ truyện tranh và những người say mê truyện tranh Nhật Bản để mô tả một nhân vật đang xuất một sợi lớn tinh dịch. Sự pha trộn thông minh giữa hai thành tố văn hóa Nhật là Anime và Kawaii ở tác phẩm này đã mở cửa thị trường Mỹ thành công cho Murakami khi được bán với giá 13,5 triệu đô, gấp 10 lần ước tính ban đầu. Có mặt trong phòng để chứng kiến kỷ lục của chính mình vào ngày 14/5/2008, Murakami đã nhân cơ hội đó mua lại tác phẩm điêu khắc quan trọng “Light my Fire” (2001) (tạm dịch: thắp sáng ngọn lửa của tôi) của Yoshitomo Nara với giá 1.1 triệu đô. Yoshitomo Nara là bạn và cũng là đồng hương của ông. Với việc bán “My Lonesome Cowboy” và mua tác phẩm của Nara, Murakami đã đưa nghệ thuật đương đại Nhật Bản vào cuộc chiến tư bản với Mỹ (đại diện là Jeff Koons) và Anh (đại diện là Damien Hirst) – Nơi ai cũng đều sở hữu các công cụ truyền thông và giao tiếp tốt để đem lại lợi ích tối đa.
HIRST VÀ SOTHEBY’S: SỰ KIỆN BƯỚC NGOẶT
Vào giữa tháng 9/2008, người đứng đầu của nhóm nghệ sĩ trẻ Anh đã tìm cách khắc tên mình trong lịch sử thị trường nghệ thuật bằng con đường bán tác phẩm của mình trực tiếp qua Sotheby’s (thoát khỏi quy trình phổ biến là thông qua phòng tranh) và bắt đầu vào một thời điểm quan trọng trong lịch sử tài chính toàn cầu. Hơn 200 tác phẩm đã được đưa trực tiếp từ xưởng của Damien Hirst đến phòng đấu giá và kết quả chung thật đáng kinh ngạc: 1,5% số lô đấu không thành… nhưng phiên giao dịch lại tạo ra không dưới 45 kết quả trên ngưỡng triệu đô, bao gồm cả những con số kinh ngạc cho các tác phẩm mới hoàn thành có chứa fomandehit. 18,5 triệu đô cho The Golden Calf (2008) (Con bê vàng); 17,1 triệu đô cho The Kingdom (2008) (Vương quốc); 5,3 triệu đô cho Here Today, Gone Tomorrow (2008) (Ở đây hôm nay, ra đi ngày mai); và 4,7 triệu đô cho The Black Sheep with the Golden Horn (2008) (Con cừu đen với chiếc sừng vàng).
Năm 1992, Hirst khởi xướng chuỗi tác phẩm về loạt động vật (cừu, bê, cá mập) ngâm trong bể cá bằng formalin và nhận tài trợ từ Charles Saatchi. Các tác phẩm tiêu biểu khác đã lên tới vài triệu đô, bao gồm cả tủ thuốc nổi tiếng của ông. Sự kiện này đã làm nên số tài sản kếch xù của Hirst và đồng thời củng cố thêm danh tiếng của ông với vai trò nghệ sĩ đầu tiên quyết định thương mại hóa tác phẩm của mình thông qua nhà đấu giá.
REN ZHONG – Nine dragons and sea. 2018. Mực trên lụa. 138,5x357cm
Vụ mua bán của Hirst và Sotheby’s đã thành công vang dội bất chấp bối cảnh kinh tế đáng báo động khi xảy ra trùng với thời điểm sụp đổ của đế chế Lehman Brothers vào ngày 15/09/2008. Ngay sau đó thị trường nghệ thuật toàn cầu giảm mạnh. Với tình hình ấy, người mua cảm thấy quan ngại đã dẫn đến việc phiên đấu của Sotheby’s không bán được 5 tác phẩm quan trọng của các nghệ sĩ thuộc nhóm nghệ sĩ trẻ Anh trong phiên ngày 11/11. Hai tác phẩm đã được bán nhưng lại thấp hơn ước tính. Từ tháng 9 đến tháng 12/2008, tỷ lệ tác phẩm chưa bán được của Hirst tăng từ 11% lên 55% và chỉ số giá trao đổi nghệ thuật trên thị trường của ông giảm mạnh (-65% từ năm 2008 đến 2010). Tất nhiên, ông không phải là nghệ sĩ duy nhất phải chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính.
“Doanh thu đấu giá đến từ nghệ thuật đương đại bị sụt giảm 2/3”
Cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn đã có một tác động mạnh mẽ nhưng ngắn ngủi đến thị trường nghệ thuật. Trong những tháng sau đợt trưng bày và bán tác phẩm “Beautiful Inside My Head Forever” của Hirst, 65% tác phẩm nghệ thuật đương đại bán dưới mức ước tính so với khoảng 50% trong những năm trước. Sau khi công bố tốc độ tăng trưởng phi thường, sự co hẹp của thị trường tài chính và hậu quả của tác động kinh tế đã dẫn đến một làn sóng dư thừa trong thế giới nghệ thuật khi các ngân hàng ngừng cho nhà sưu tập vay để mua nghệ thuật và doanh thu của nhà đấu giá chắc chắn đã giảm xuống. Doanh thu đến từ đấu giá nghệ thuật đương đại đã mất đi 2/3 trong năm 2009 khi chỉ đạt 588 triệu đô so với 1,6 tỷ đô năm 2008. Tuy vậy, sự sụt giảm diễn ra nhanh như chớp và các chỉ số của thị trường đã rục rịch khởi động quá trình phục hồi. Vào cuối năm 2010, doanh thu từ nghệ thuật đương đại đã tăng trở lại lên khoảng 1,1 tỷ đô và sau đó đạt 1,5 tỷ đô vào năm 2011. Khi sự tự tin tăng trưởng như vũ bão của phân khúc đương đại quay trở lại thì đi kèm với đó là sự hỗn loạn và dẫn đến việc thị trường đạt đỉnh lần thứ hai vào năm 2014.
Thị trường của Damien Hirst đã không thể tạo ra một kỷ lục nào khác nữa giống như phiên bán “Beautiful Inside My Head Forever” nhưng từ đó thì lại dần ổn định. Các tác phẩm lớn của ông đều được bán với giá hơn 1 triệu đô (đặc biệt là các tranh thuộc series Spot (Dấu chấm và tác phẩm tủ thuốc) nhưng tốc độ chuyển nhượng đã chậm hơn trước. Từ tháng 1/2019 đến tháng 7/2020, tác phẩm của Hirst đã đem lại chỉ hơn 5 triệu đô, thấp hơn nhiều so với 65 triệu năm 2008. Tuy nhiên, trong vòng 20 năm qua, Hirst đã tự khẳng định mình là nghệ sĩ đương đại thành công thứ ba chỉ sau Basquiat và Koons với tổng cộng 695 triệu đô trên thị trường thứ cấp.
WU BIN – Ten views of a Lingbi Rock. 1610. Tác phẩm đã bán đấu giá được 76,6 triệu USD tại nhà đấu giá Poly tổ chức ở Bắc Kinh ngày 18/10/2020
ĐỈNH CAO NĂM 2014 VÀ SỰ BÀNH TRƯỚNG CỦA NHÂN TỐ MỚI.
Năm 2014, chứng kiến hoạt động chưa từng có trên thị trường nghệ thuật toàn cầu với số lượng kỷ lục hơn 100000 tác phẩm đương đại được cung cấp trong các cuộc đấu giá, trong đó 64000 tác phẩm đã tìm được chủ nhân mới… đem lại doanh thu 2,4 tỷ đô cho phân khúc đương đại toàn cầu. Đỉnh cao mới này của phân khúc đương đại cộng với tất cả các phân khúc khác đã tạo ra doanh thu 16.4 tỷ đô cho toàn bộ thị trường nghệ thuật.
Hồng Kông tự khẳng định mình là một tay chơi lớn trên thị trường nghệ thuật toàn cầu
Năm 2014, Trung Quốc đã đóng một vai trò chủ động hơn nhiều trên thị trường quốc tế. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế điên cuồng, Trung Quốc trở thành cường quốc mới đối trọng với Mỹ. Đất nước thịnh vượng lý tưởng này ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư quốc tế, bao gồm cả nhà đấu giá hàng đầu thế giới Christie’s khi quyết định tập trung bán hàng vào Thượng Hải. Được chú trọng truyền thông ngang hàng với việc khai trương chi nhánh mới tại New York năm 1977, đợt bán hàng đầu tiên của Christie’s tại Trung Quốc đại lục diễn ra đúng thời điểm Thượng Hải tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập cảnh tạm thời của các tác phẩm nghệ thuật trên lãnh thổ của mình vào cuối tháng 09/2013 nhờ chính sách thương mại tự do Thượng Hải SHFTZ. Ngoài ra, về phía Sotheby’s, nhà đấu giá này đã thực hiện một nỗ lực ngắn hạn để phát triển doanh số bán hàng tại Bắc Kinh từ năm 2013 đến năm 2015. Nhưng với những chuỗi hoạt động kể trên của Sotheby’s hay Christie’s thì có thể nói họ đã ít chú trọng vào Hong Kong – nơi các tác phẩm nghệ thuật có thể ra vào tự do và ở thời điểm hiện tại đang đóng vai trò là trái tim của thị trường nghệ thuật châu Á.
FRANCIS BACON – Triptych Inspired by the Oresteia of Aeschylus. 1981. Tác phẩm đã bán đấu giá được 84,6 triệu USD tại cuộc đấu giá trực tuyến được Sotheby’s truyền trực tiếp từ Hồng Kông, London, New York vào ngày 30/6/2020
Là một thị trường nhỏ trước năm 2000 nhưng sau đó Hồng Kông đã nhanh chóng trở thành một trung tâm không thể bỏ qua khi muốn nhắc đến sự tăng trưởng của thị trường nghệ thuật toàn cầu. Năm 2014, đặc khu hành chính này đã tạo ra 10% doanh thu đấu giá nghệ thuật đương đại toàn cầu và con số này vẫn giữ vững cho đến tận ngày nay. Tại Sotheby’s Hồng Kông, hoạt động chuyển nhượng đặc biệt sôi động với hai ngôi sao của thị trường châu Á là Zhang Xiaogang và Fang Lijun khi các tác phẩm của họ được bán với giá đáng chú ý. Năm 2000, Zhang Xiaogang có tác phẩm được bán với giá 5000 đô. Năm 2014, 12,1 triệu đô đã được trả cho “Bloodline: Big Family No.3” (1995) (tạm dịch: Dòng máu: đại gia đình bản số 3). Đây là mức giá cao gấp đôi số tiền được trả cho chính tác phẩm này vào năm 2008, vốn đã là một năm thịnh vượng của các nghệ sĩ Trung Quốc. Sau Zhang Xiaogang, Fang Lijun cũng là người đã đạt được mức đỉnh mới với 7,6 tr đô cho Series 2 No. 4 (1992) (tạm dịch: loạt tác phẩm thứ 2, bản số 4).
Doanh thu của Christie’s và Sotheby’s ở Hồng Kông ban đầu tăng vọt nhờ nhu cầu cao về các tác phẩm của nghệ sĩ Trung Quốc. Tuy nhiên, không mất nhiều thời gian để thành công đó lan rộng đến các nghệ sĩ lớn phương Tây. Trong năm 2011, hai nhà đấu giá lớn này đã tạo ra 236 triệu đô từ việc bán các tác phẩm nghệ thuật đương đại ở Hồng Kông trong khi con số đó vào năm 2000 chỉ có 558,000 đô. Nhìn chung, doanh thu của hai nhà đấu giá này đã tăng 4,200% trong 10 năm. Do vậy mà vào năm 2016, nhà đấu giá Phillips đã quyết định tham gia vào thị trường đầy béo bở này.
Năm 2019, hoạt động của ba nhà này chiếm 86% doanh thu đấu giá nghệ thuật của Hồng Kông. Sotheby’s giữ vị trí dẫn đầu khi tạo ra một nửa doanh thu đấu giá nghệ thuật đương đại của Hồng Kông, tương đương với 164,3 triệu đô. Trong bức tranh toàn cảnh, Hồng Kông đã và đang đóng góp 10% doanh thu đấu giá nghệ thuật đương đại toàn cầu và giữ vị trí thứ ba về bán tranh nghệ thuật đương đại sau London và New York.
Tóm lại, trong vòng 20 năm, nghệ thuật đương đại đã trải qua một quá trình chuyển đổi lâu dài nhưng rất sâu sắc và đáng kể. Chứng kiến những gia tăng theo cấp số nhân với hàng loạt kỷ lục nối tiếp kỷ lục, tham gia vào các cuộc đối thoại với nhiều nhà sưu tầm mới hơn, chịu những tác động từ thị trường tài chính toàn cầu, vực dậy và lớn mạnh hơn sau khủng hoảng và sự bành trướng của thị trường nghệ thuật Trung Quốc, có thể thấy được rằng thị trường nghệ thuật đương đại vẫn đang như ngựa phi nước đại và thích ứng rất nhanh với những thay đổi, kể cả môi trường trực tuyến trong giai đoạn dịch bệnh. Do vậy mà mặc dù vừa là thị trường chứa đựng đồng thời cả những rủi ro và cơ hội lớn nhất nhưng nghệ thuật đương đại vẫn chứng minh sức bền bỉ với một thị phần lớn, có nhiều ảnh hưởng đến tổng quan thị trường nghệ thuật nói chung trên toàn cầu.
Tâm Phạm
* Nguồn bài viết được dịch từ trang Artprice.com

Tin cùng chuyên mục

10 tranh đắt nhất thế giới trong năm 2023

Tranh người tình của Picasso giá 139,4 triệu USD, “Quý cô cầm quạt” của Gustav Klimt đạt hơn 108 triệu USD, là những tác phẩm đắt nhất năm nay. Theo thống kê từ trang web nghệ thuật Artsy,...

Vấn đề đương đại và nghệ thuật đương đại

Vấn đề đương đại (contemporary issues) và nghệ thuật đương đại (contemporary art) là một trong những mấu chốt quan trọng trong công việc thực hành nghệ thuật (art practice) của mỗi nghệ sĩ. Khái...

“Femme à la montre” của Picasso trở thành tác phẩm đấu giá đắt giá nhất trong năm nay

NDO – Kiệt tác “Femme à la montre” (tạm dịch: Người phụ nữ đeo đồng hồ) sáng tác năm 1932 của danh họa Pablo Picasso đã được bán với giá hơn 139 triệu USD tại cuộc đấu giá của...

Abanindranath Tagore – Người đặt nền móng cho nghệ thuật hiện đại Ấn Độ

Vào giữa thế kỷ 19, lợi dụng sự xung đột nội bộ giữa các tôn giáo, các tiểu vương quốc trên lãnh thổ Ấn Độ, người Anh, thông qua công ty Đông Ấn, đã dần dần kiểm soát gần hết tiểu...

Những bức tranh đắt giá nhất thế giới

Trong số hàng triệu bức tranh đang tồn tại trên thế giới, có những bức đắt và hiếm đến mức đa số người yêu nghệ thuật không có cơ hội chạm đến. Theo The Collector, định giá tác phẩm nghệ...

Có thể bạn quan tâm

THÔNG BÁO SỐ 1 VỀ VIỆC TRIỂN LÃM MỸ THUẬT VIỆT NAM 2020

BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH CỤC MỸ THUẬT, NHIẾP ẢNH VÀ TRIỂN LÃM   Số: 573/TB-MTNATL CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc   Hà Nội, ngày 21  tháng 11...

TÌM VỀ KÝ ỨC- TRIỂN LÃM CỦA CÂU LẠC BỘ NỮ TÁC GIẢ

  Đến hẹn lại lên, vào đúng dịp cả thế giới đang hân hoan đón mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, lại đúng dịp đầu xuân Kỷ Hợi, không khí Tết dường như vẫn còn vương vấn trên những...

THẾ MỚI LÀ DÂN TỘC, TRÒ CHUYỆN ĐẦU XUÂN CÙNG HỌA SĨ HỒNG HẢI

  Họa sĩ Đặng Thị Hồng Hải sinh năm 1933 tại Hải Dương. Mẹ ruột cô là em gái của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung. Theo lời cô Hồng Hải kể, họa sĩ Nguyễn Tiến Chung vừa là bác, vừa là thầy,...

 Triển lãm Mỹ thuật Khu vực III (Tây Bắc – Việt Bắc) lần thứ 25 năm 2020

Triển lãm tổ chức tại thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên không khai mạc do dịch Covid-19. Triển lãm trưng bày 223 tác phẩm của 206 tác giả. Trong đó 108 tác phẩm của 91 tác giả là hội viên Trung...

PEINTRES D’ASIE, ŒUVRES MAJEURES -HỌA SĨ CHÂU Á, TÁC PHẨM QUAN TRỌNG – Alix AYMÉ (1894-1989)- Khỏa thân và hoa sen, khoảng 1938

 ...