TRƯỜNG MỸ THUẬT VIỆT NAM KHÓA TÔ NGỌC VÂN (1955-1957)

I. TÓM LƯỢC
Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam khai giảng tại Hà Nội ngày 15 tháng 11 năm 1945, theo Nghị định của Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục, ông Vũ Đình Hòe, ký ngày 8 tháng 10 năm 1945, do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng. Trường tuyển sinh được một khóa nhưng hầu như không học được trước nguy cơ bùng nổ chiến tranh, và đã phải đóng cửa khoảng một tháng trước Ngày Toàn quốc kháng chiến (19 tháng 12 năm 1946).
Tại Chiến khu Việt Bắc, theo Nghị định số 489, ký ngày 14 tháng 9 năm 1948, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã được cử đứng ra tổ chức lại Trường Cao đẳng Mỹ thuật. Trường đã chính thức đi vào hoạt động dưới tên gọi Trường Mỹ thuật Trung cấp (kỹ thuật cấp 1) kể từ ngày 1 tháng 8 năm 1950 (theo Nghị định số 605 do Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Văn Huyên ký ngày 28 tháng 12 năm 1950), còn được gọi là Trường Mỹ thuật Việt Nam Khóa Kháng chiến.
Hòa bình lập lại (1954), ở Hà Nội, trong thời gian đầu tiếp tục hoạt động, Trường vẫn mang tên Trường Mỹ thuật Trung cấp (trực thuộc Bộ Tuyên truyền), tuyển được 76 học sinh cho niên khóa 1955-1957, lấy tên là Khóa Tô Ngọc Vân.
Theo Nghị định số 16 VII của Bộ trưởng Bộ Văn hóa (Bộ Tuyên truyền đã đổi tên thành Bộ Văn hóa vào trung tuần tháng 9 năm 1955), ông Hoàng Minh Giám, ký ngày 3 tháng 3 năm 1957, Trường Mỹ thuật Trung cấp đã mở thêm một lớp chuyên nghiệp cho học sinh niên khóa 1955-1957, thời gian học là một năm (niên khóa 1957-1958) “để bổ túc thêm trình độ chuyên môn về hội họa, trang trí và điêu khắc cho các học sinh trung cấp đã tốt nghiệp khóa 1955-1957”, với chỉ tiêu lấy vào là 25 người. Lớp học này có thể được xem như một sự “mở rộng và nối dài” của Khóa Tô Ngọc Vân.
Toàn cảnh Trường Mỹ thuật Hà Nội sau ngày Giải phóng Thủ đô năm 1954
Thầy và trò Khóa Tô Ngọc Vân. Ảnh chụp tại trường năm 1955. Tư liệu của gia đình họa sĩ Tạ Thúc Bình
Trường Mỹ thuật Việt Nam. Khoảng 1955-1960 Một giờ vẽ hình họa tự túc của sinh viên
Nhóm họa sĩ Khóa Tô Ngọc Vân tại Vịnh Hạ Long. 1958. Từ trái sang: Anh Thường, Hoàng Công Luận, Nguyễn Yên, Vũ Đình Thịnh, Hoàng Thái và Lưu Yên (người đứng)
Tiếp theo, Nghị định số 379-TTg ngày 20 tháng 8 năm 1957 của Thủ tướng Chính phủ về việc “mở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam trực thuộc Bộ Văn hóa”, do Phó Thủ tướng Phan Kế Toại ký thay, đã giao cho Bộ Văn hóa quy định cách thức tổ chức nội bộ của Nhà trường và số học sinh tuyển vào học mỗi khóa (thời gian học mỗi khóa là 4 năm, gồm 2 ngành hội họa và điêu khắc), đồng thời giao cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Bộ trưởng Bộ giáo dục chịu trách nhiệm thi hành nghị định này. Đây cũng là thời điểm và điều kiện thích hợp để Trường Mỹ thuật lấy lại tên gọi ban đầu: Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. (Năm 1981 Trường đổi tên thành
Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam).
Như vậy, kể từ năm 1945 đến năm 1957, Trường Mỹ thuật Việt Nam đã đào tạo được 2 khóa: Khóa Kháng chiến (1950-1954) và Khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957). Khóa Tô Ngọc Vân cũng được xem như “Khóa II” của Nhà trường.
Về ý nghĩa của tên gọi “Khóa Tô Ngọc Vân”, họa sĩ Trần Văn Cẩn đã viết như sau:
“…Tô Ngọc Vân đã qua đời! Nhưng lòng yêu nước, yêu nghề, yêu cuộc sống, tính tình hoạt bát vui vẻ, năng động của anh, nhất là ý chí phấn đấu kiên trì tự thay đổi con người của mình để thay đổi tư tưởng nghệ thuật là một tấm gương sáng mãi. Nếu như anh chưa ‘giữa đường đứt gánh’ thì với những tài liệu, những ký họa anh để lại, anh sẽ có thể xây dựng những tác phẩm lớn.
Tô Ngọc Vân, ngoài con người nghệ sĩ sáng tác, còn là một cán bộ có tài tổ chức. Cống hiến của anh trong sự nghiệp xây dựng cơ đồ đào tạo lớp trẻ mỹ thuật, là một đóng góp lớn cho phong trào.
Chính để ghi công anh, giữ gìn kỷ niệm về anh, mà chúng tôi đã lấy tên anh để đặt cho khóa học thứ II và cũng là khóa đầu của Trường Mỹ thuật Việt Nam từ chiến khu trở về Thủ đô giải phóng, sau chiến thắng oanh liệt Điện Biên Phủ.”
Họa sĩ Đỗ Hữu Huề (người bên trái) và Ban biên tập Tạp chí Mỹ thuật, tại Tòa soạn 44B Hàm Long, Hà Nội. Tháng 9/2020
Họa sĩ Trương Hiếu (người ngồi giữa) và Ban biên tập Tạp chí Mỹ thuật, tại xưởng họa của họa sĩ ở phố Bạch Mai, Hà Nội. Tháng 9/2020
II. CÁC GIẢNG VIÊN KHÓA TÔ NGỌC VÂN
Tạ Thúc Bình, Trần Văn Cẩn (hiệu trưởng), Hoàng Tích Chù, Nguyễn Tiến Chung, Bùi Trang Chước, Nguyễn Thị Kim, Trần Văn Lắm, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Đức Nùng, Bùi Xuân Phái, Lưu Văn Sìn, Trần Đình Thọ, Vương Trình, Nguyễn Văn Tỵ và một số họa sĩ khác.
III. DANH SÁCH KHÓA TÔ NGỌC VÂN
(Ban biên tập Tạp chí Mỹ thuật xin trân trọng cảm ơn các họa sĩ Đỗ Hữu Huề, Trương Hiếu, Tô Ngọc Thành, Hồ Trọng Minh đã cung cấp nhiều thông tin quý giá góp phần xây dựng nội dung chuyên mục này. Do thời gian trôi qua đã quá lâu, lại chủ yếu dựa vào trí nhớ, một số thông tin dưới đây có thể chưa thật chính xác, Tạp chí Mỹ thuật mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc gần xa hiệu chính và bổ sung cho đầy đủ hơn).
1. Nguyễn An (Nguyễn Trọng An, sinh năm 1927- chưa xác định được năm mất): Nguyên quán thành phố Hà Nội. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1961-1966). Nguyên họa sĩ Xưởng phim đèn chiếu. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
2. Hoàng Anh (Lê Hoàng Anh, Lê Văn Hà, sinh năm 1932- hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968): Nguyên quán Bình Hòa, Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Suricov (Moskva). Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
3. Nguyễn Vĩnh Bảo (1931-1989): Nguyên quán Bình Khánh, Bình Đức, Long Xuyên, tỉnh An Giang. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
4. Lê Minh Cao: Người miền Nam. Học gốm sứ ở Trung Quốc. Từng công tác tại Nhà máy sứ Hải Dương.
5. Trọng Cát (Nguyễn Trọng Cát, sinh năm 1929): Nguyên quán Nam Trung, Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1957-1962). Nguyên giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (1962-1993), chuyên gia hội họa tại Congo (1988-1989). Học hàm Phó Giáo sư. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
6. Trần Hữu Chất (bút danh Hồng Chinh Hiền, 1933-2018): Nguyên quán Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1962-1967). Học tại Học viện gốm sứ Giang Tây Cảnh Đức Trấn, Trung Quốc (2 năm) và Học viện Clermont Ferrand, Pháp (12 tháng). Từng đi B, hoạt động ở Trung Trung Bộ. Nguyên cán bộ Viện Mỹ nghệ Dân gian và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2012).
7. Phạm Hồng Châu: Đi B, hoạt động chủ yếu ở Quân khu 6. Liệt sĩ (năm 1976 đi công tác bị tai nạn, không qua khỏi).
8. Phạm Minh Châu: Nguyên quán Hải Phòng. Nguyên thư ký giáo vụ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam.
9. Nguyễn Chi: Người miền Nam. Từng công tác tại Ty Văn hóa Hà Đông.
10. Nguyễn Văn Cổn (Tố Mỹ, anh của Nguyễn Thanh học cùng khóa): Nguyên quán tỉnh Hưng Yên. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1960-1965). Nguyên cán bộ Sở Văn hóa Hải Phòng.
11. Cần Thư Công (Nguyễn Hữu Công, 1928-2020): Nguyên quán Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Từng theo học một thời gian tại Trường Mỹ thuật Việt Nam ở Chiến khu Việt Bắc. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1958-1963), ngành điêu khắc. Nguyên giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
12. Ngô Nguyên Dị (Dương Ánh, sinh năm 1935): Nguyên quán Văn Khê, Hà Đông, thành phố Hà Nội. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1961-1966). Nguyên họa sĩ Xưởng tranh cổ động Trung ương (Bộ Văn hóa). Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
13. Tô Duy: Đã học vẽ trong kháng chiến chống Pháp. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1962-1967).
14. Phạm Viết Duyên (chưa tìm được thông tin).
15. Văn Đa (Nguyễn Văn Đa, 1928-2008): Nguyên quán Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Từng tham gia Trung đoàn 52 “Tây tiến”. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1958-1963). Nguyên họa sĩ báo Quân đội Nhân dân, Phòng Văn nghệ Quân đội (Xưởng Mỹ thuật Quân đội). Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2001).
16. Nguyễn An Định (sinh năm 1926): Nguyên quán Trung Mỹ Tây, Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh. Con trai nhà cách mạng Nguyễn An Ninh. Tốt nghiệp Học viện Kịch nói Trung ương Trung Quốc. Nguyên họa sĩ trang trí Đoàn Tuồng Nam Bộ. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
17. Nguyễn Kim Đính (chưa tìm được thông tin).
18. Nguyễn Quốc Giám: Học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (khóa 1960-1965). Nguyên cán bộ Sở Văn hóa Hà Nội (?)
19. Cửu Long Giang (Huỳnh Thanh Long, sinh năm 1934- chưa xác định được năm mất): Nguyên quán tỉnh Đồng Tháp. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1961-1966). Đi chiến trường (cùng Lê Lam). Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
20. Nguyễn Thế Hải: Thương binh đi học. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1961-1966).
21. Việt Hải (Phạm Việt Hải, sinh năm 1934 tại Thừa Thiên- Huế): Nguyên quán Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (khóa 1960-1965, theo Kỷ yếu Nghệ sĩ Tạo hình Việt Nam hiện đại). Nguyên họa sĩ Xưởng Mỹ thuật Quốc gia (Bộ Văn hóa). Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
22. Phạm Hảo (1929-2005): Nguyên quán thị xã Sơn Tây. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1962-1967). Nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc-Họa Trung ương. Từng làm chuyên gia hội họa ở châu Phi. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
23. Trương Hiếu (Trương Văn Hiếu, sinh năm 1939): Nguyên quán thành phố Hà Nội. Tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (1977-1982). Nguyên họa sĩ Tổng Công ty xuất nhập khẩu tạp phẩm (TOCONTAP). Đi B. Nguyên họa sĩ Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
24. Đỗ Hữu Huề (sinh năm 1935): Nguyên quán tỉnh Bắc Ninh. Từng học Trường Quốc gia Mỹ nghệ (Hà Nội). Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1957-1962). Nguyên giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Học hàm Phó Giáo sư. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
25. Nguyễn Thế Hùng (1930-2014): Nguyên quán Thường Tín, thành phố Hà Nội. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1957-1962). Nguyên giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
26. Vũ Giáng Hương (1929-2011): Nguyên quán Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh. Từng theo học tại Phân hiệu mỹ thuật Khu 4 và Trường Mỹ thuật Việt Nam ở Chiến khu Việt Bắc. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1957-1962). Nguyên giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nguyên Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Học hàm Phó Giáo sư, danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2001).
27. Đỗ Quang Khải (chưa tìm được thông tin).
28. Phạm Lê Khang (1925-1995): Nguyên quán Sơn Tiến, Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (khóa 1961-1966). Làm báo. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
29. Hoàng Đạo Khánh (Thanh Ka, 1923-2017): Nguyên quán Thanh Trì, thành phố Hà Nội, sinh tại Bắc Kạn. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (tại chức, 1967-1972). Học gốm sứ ở Trung Quốc. Nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
30. Trần Kiềm (Trần Văn Kiềm, 1932-1991): Nguyên quán Hòa Phú, Châu Thành, tỉnh Long An. Tốt nghiệp Học viện Điện ảnh Liên Xô (VGIK). Nguyên họa sĩ Xưởng phim truyện Việt Nam. Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
31. Phạm Liêu (chưa tìm được thông tin).
32. Hoàng Công Luận (sinh năm 1930): Nguyên quán thành phố Hà Nội. Làm việc, sáng tác, dạy vẽ, xây dựng phong trào mỹ thuật ở Quảng Ninh (1958-1977). Nguyên cán bộ biên tập Nhà xuất bản Văn hóa, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
33. Trần Lương: Nguyên họa sĩ Công ty Tem Bưu chính.
34. Vi Kiến Minh (1929-1981): Nguyên quán Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, người dân tộc Nùng. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1961-1966). Nguyên họa sĩ Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
35. Phạm Mười (Phạm Văn Mười, tên thật là Phạm Văn Hớn, sinh năm 1935): Nguyên quán Long Thắng, Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Cán bộ hội họa Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân đặc phái cử đi học. Học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (khóa 1957-1962), ngành điêu khắc. Tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Suricov (Moskva, 1959-1964). Nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, nguyên trưởng khoa điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2012).
36. Bùi Quang Ngọc (sinh năm 1934): Nguyên quán Quảng Bình. Học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (khóa 1957-1962). Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
37. Thanh Ngọc (Trần Thị Thanh Ngọc, 1920-2017): Nguyên quán tỉnh Ninh Bình, sinh tại Hà Nội. Từng theo học lớp bàng thính Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1936-1938). Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1958-1963). Nguyên giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2001).
38. Nguyễn Vĩnh Ngộ: Nguyên quán tỉnh Nghệ An.
39. Đinh Y Nguyên (Siu Y Nguyên): Người Tây Nguyên. Có thời gian làm công tác mỹ thuật ở Tây Nguyên.
40. Vũ Duy Nghĩa (sinh năm 1935): Nguyên quán làng Bát Tràng, Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Sinh ở Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Moskva (1964). Nguyên giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2001).
41. Văn Nhân (Nguyễn Văn Nhân, sinh năm 1920, hiện sống ở phố Hàng Than, Hà Nội): Nguyên quán Đồng Lạc, Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Họa sĩ công tác trong ngành công an. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
42. Thiều Quang Nhất: Nguyên quán tỉnh Thanh Hóa.
43. Tống Ngọc Phong: Sinh ở Hà Nội. Có thời gian làm ở các hợp tác xã sơn mài.
44. Khánh Phú (Phó Đức Phú, 1930-2002): Nguyên quán tỉnh Hưng Yên. Từng theo học một thời gian tại Trường Mỹ thuật Việt Nam ở Chiến khu Việt Bắc. Nguyên họa sĩ báo Hà Nội mới. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
45. Nguyễn Cửu Phúc: Nguyên quán thành phố Huế.
46. Trương Qua (1927-2016): Nguyên quán tỉnh Khánh Hòa. Tốt nghiệp Mỹ thuật (hệ đặc cách đại học căn cứ quyết định công nhận của Bộ Văn hóa năm 1983). Nguyên giám đốc Xưởng phim hoạt hình Việt Nam. Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
47. Hoàng Quy (1928-2010): Nguyên quán Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Suricov (Moskva, 1967). Nguyên cán bộ biên tập Nhà xuất bản Văn hóa. Nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
48. Lương Quý (Nguyễn Lương Quý, 1933-2010): Nguyên quán Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1958-1963). Nguyên họa sĩ báo Quân đội Nhân dân. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
49. Phước Sanh (Nguyễn Phước Sanh, 1930-2002): Nguyên quán Châu Thành, Cần Thơ. Học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (khóa 1958-1963), ngành điêu khắc. Tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Suricov (Moskva, 1965). Nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (1975-1991). Phó Giáo sư, danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
50. Võ Văn Tấn (1935-2020): Nguyên quán Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1958-1963), ngành điêu khắc. Nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Nguyên giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
51. Hoàng Thái: Bộ đội đi học. Nguyên họa sĩ Xưởng phim truyện Việt Nam.
52. Lê Thanh (Lê Đình Thanh, sinh năm 1933): Nguyên quán Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (khóa 1960-1965) và tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Stroganov, ngành trang trí nội thất (Moskva,1959-1964). Nguyên giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Phó Giáo sư, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
53. Nguyễn Thanh (Nguyễn Văn Thanh, 1929-2011, em trai của Nguyễn Văn Cổn học cùng khóa): Nguyên quán tỉnh Hưng Yên. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1963-1968). Nguyên họa sĩ Tổ họa Ngân hàng Nhà nước Trung ương. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
54. Lê Công Thành (1932-2019): Nguyên quán quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1957-1962), ngành điêu khắc. Thực tập sinh 3 năm tại Moskva. Nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp (Hà Nội). Nguyên nghệ sĩ sáng tác trực thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam, phụ trách ngành điêu khắc Hội Mỹ thuật Việt Nam. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2001).
55. Phạm Công Thành (sinh năm 1932): Nguyên quán Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1957-1962). Nguyên giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Học hàm Giáo sư, danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
56. Nông Công Thắng (1928-2001): Nguyên quán Hòa An, tỉnh Cao Bằng, người dân tộc Tày. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1958-1963), ngành điêu khắc. Ra trường về hoạt động mỹ thuật ở quê. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
57. Lê Thiệp (1925-2000): Nguyên quán Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1957-1962). Nguyên giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
58. Vũ Đình Thịnh (Vũ Say, Hoa Sim, 1935-1986): Nguyên quán Hà Nội. Nguyên họa sĩ Nhà hát Múa rối. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
59. Ngọc Thọ (Nguyễn Ngọc Thọ, còn có tên gọi là Nguyễn Thành Hưng, 1925-2016): Nguyên quán tỉnh Bình Thuận. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1957-1962). Nguyên giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
60. Quang Thọ (Nguyễn Quang Thọ, 1929-2002): Nguyên quán Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Từng tham gia Trung đoàn 52 “Tây tiến”. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1958-1963). Họa sĩ quân đội. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2001).
61. Huỳnh Công Thu: Người miền Nam. Học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (khóa 1960-1965). Đi B, hoạt động ở Khu 8. Hy sinh trong trận Ấp Bắc.
62. Nguyễn Thụ (Nguyễn Văn Thụ, sinh năm 1930): Nguyên quán Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1957-1962). Nguyên giảng viên, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Học hàm Phó Giáo sư, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2001).
63. Trịnh Quốc Thụ (Quang Điện, 1928-2018): Nguyên quán Hải Phòng. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1963-1968). Thực tập thiết kế tem tại Bắc Kinh, Trung Quốc (1957-1959). Nguyên họa sĩ Công ty Tem Bưu chính. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
64. Phùng Duy Thuần (Phùng Dzi Thuần, sinh năm 1936): Nguyên quán Hà Nội. Từng học Trường Quốc gia Mỹ nghệ (Hà Nội, khóa 1951-1955). Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
65. Phan Phương Thư (nam): Nguyên quán tỉnh Nghệ An (?) Làm báo Mặt trận Tổ quốc.
66. Anh Thường (Nguyễn Anh Thường, sinh năm 1930): Nguyên quán tỉnh Hưng Yên. Học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (khóa 1957-1962). Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
67. Nguyễn Minh Tiên: Người miền Nam. Đi B (cùng Lê Lam).
68. Giang Tô (Tô Hữu Khang, 1925-2015): Nguyên quán Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, sinh tại Vĩnh Bảo, Kiến An. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1961-1966). Nguyên cán bộ báo Nhân dân. Nguyên họa sĩ Tổng Công ty Xuất nhập khẩu sách báo (XUNHASABA). Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
69. Sỹ Tốt (Nguyễn Sỹ Tốt, 1920-2002): Nguyên quán Cổ Đô, Ba Vì, thành phố Hà Nội. Từng có thời gian theo học tại Trường Mỹ thuật Việt Nam ở Chiến khu Việt Bắc. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1958-1963). Nguyên cán bộ Sở Văn hóa Khu tự trị Việt Bắc. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2007).
70. Lê Huy Trấp (sinh năm 1933): Nguyên quán Nghi Long, Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1958-1963). Nguyên cán bộ Hội Mỹ thuật Việt Nam. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
71. Doãn Tuân (Nguyễn Doãn Tuân, 1924-2018): Nguyên quán Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1958-1963). Nguyên cán bộ Nhà xuất bản Văn hóa. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
72. Đỗ Việt Tuấn (sinh năm 1938): Nguyên quán Tân Lập, Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1966-1971, theo Kỷ yếu Nghệ sĩ Tạo hình Việt Nam hiện đại). Nguyên họa sĩ Công ty Tem Bưu chính. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
73. Nguyễn Mạnh Việt: Nguyên quán Sơn Tây, thành phố Hà Nội.
74. Thế Vinh (Nguyễn Thế Vinh, còn có bút danh Nguyễn Vĩnh Nguyên, 1926-1997): Nguyên quán Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Từng theo học lớp mỹ thuật kháng chiến ở Nam Trung Bộ do Nguyễn Đỗ Cung tổ chức và hướng dẫn. Thực tập vẽ tem ở Bắc Kinh, Trung Quốc (1957-1959). Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1960-1965). Đi B, hoạt động ở Khu 5. Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2007).
75. Lưu Yên (Lưu Vĩnh Yên, 1930-2013): Nguyên quán thành phố Hải Phòng. Từng học Trường Quốc gia Mỹ nghệ (Hà Nội). Học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (khóa 1957-1962). Hoạt động mỹ thuật ở Quảng Ninh (1959-1961). Nguyên cán bộ biên tập Nhà xuất bản Phổ  thông, Nhà xuất bản Văn hóa. Nguyên Trưởng Ban Biên tập Tạp chí Mỹ thuật. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
76. Nguyễn Yên: Nguyên họa sĩ Xưởng phim truyện Việt Nam.
GHI CHÚ:
Theo họa sĩ Phạm Công Thành: Tổng số học viên Khóa Tô Ngọc Vân là 78 người, “thêm Phùng Dzi Thuần là 79, nhưng anh chỉ học 6 tháng rồi thôi, ra khỏi trường”. Như vậy, cũng theo tư liệu của họa sĩ Phạm Công Thành, đặc biệt qua bài thơ “Những người của Khóa Tô Ngọc Vân” do ông sáng tác vào năm 1956 (có đăng trong số này của Tạp chí Mỹ thuật), trong danh sách chính thức của Khóa Tô Ngọc Vân còn thiếu 3 người: Sơn Minh (Bùi Thị Sơn Minh, trên thực tế học lớp Trung cấp 2 năm 1956-1958), Nguyễn Thiện và Dương Tuấn (hai người sau Tạp chí Mỹ thuật chưa xác định được trong các tài liệu chính thức).
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1. Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội 1925-1990. Kỷ yếu. Nhà xuất bản Mỹ thuật, 1990 (riêng cuốn này viết sai tên rất nhiều).
2. Từ Trường vẽ Gia Định đến Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh 1913-1993. Kỷ yếu. 1993.
3. Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội 1925-2005. Kỷ yếu. Nhà xuất bản Mỹ thuật, 2005 (cuốn này vẫn có một số trường hợp viết sai tên).
4. Từ điển họa sĩ Việt Nam (Quang Việt). Nhà xuất bản Mỹ thuật, 2008.
5. Nghệ sĩ Tạo hình Việt Nam hiện đại. Kỷ yếu. Nhà xuất bản Mỹ thuật, 2009.
6. Hội Mỹ thuật Việt Nam 60 năm xây dựng và phát triển (Trần Khánh Chương biên soạn). Nhà xuất bản Mỹ thuật, 2017.
7. Ghi chép qua các cuộc trao đổi với họa sĩ Đỗ Hữu Huề và họa sĩ Trương Hiếu.
8. Hồ sư lưu trữ Hội Mỹ thuật Việt Nam.
CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC HỌA SĨ KHÓA TÔ NGỌC VÂN:
VŨ DUY NGHĨA – Bà má nghiền trầu 1977. Trổ giấy
VÕ VĂN TẤN  – Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. 1965. Thạch cao
NGUYỄN VĨNH NGỘ – Đường về bản. 1957. Khắc gỗ. Vẽ trong thời gian học Khóa Tô Ngọc Vân
VIỆT HẢI – Ánh trăng. 1989 Sơn dầu
VI KIẾN MINH – Bé yêu lao động. 1965. Khắc gỗ
VĂN ĐA – Tây tiến. 1982. Sơn dầu
TRƯƠNG HIẾU – Sinh hoạt vùng cao. 1955-1957. Bột màu. Vẽ trong thời gian học Khóa Tô Ngọc Vân
TRỌNG CÁT – Đánh cá trên Vịnh Hạ Long 1960. Sơn dầu
TRỊNH QUỐC THỤ – Lão dân quân Hoàng Trường. 1970. Khắc gỗ
TRẦN HỮU CHẤT – Lễ hội dân gian Bắc Bộ. 2005. Sơn khắc
THẾ VINH – Du kích Tây Nguyên. 1978. Sơn mài
THANH NGỌC – Chợ Sài Sơn. 1976. Màu nước
SỸ TỐT Phong cảnh nông thôn. 1972. Bột màu
QUANG THỌ – Chiến sĩ Cồn Cỏ nghe đài. 1970. Khắc gỗ
PHƯỚC SANH – Tượng Bác trên đảo Cô Tô. 1975 Bê-tông
PHẠM MƯỜI – Anh thương binh. 1985. Thạch cao
NGUYỄN VĨNH BẢO – Ông già Tây Nguyên. 1974 Khắc gỗ
NGUYỄN THẾ HÙNG – Sông Mã. Sơn dầu
NGUYỄN THỤ – Xóm nhà Tây Bắc. 1978. Lụa
PHẠM HẢO – Năm xưa qua làng. 1992. Bột màu
NÔNG CÔNG THẮNG – Dừa nước. 1978. Bột màu
NGỌC THỌ – Góc sân. 1960-1970. Màu nước
LƯU YÊN – Tây Nguyên. Khắc gỗ
LÊ THIỆP – Xây dựng Thác Bà. 1979. Khắc gỗ
LÊ HUY TRẤP – Ngục trung nhật ký. 2005. Bột màu và bút kim
LÊ CÔNG THÀNH – Xã viên mới. Khoảng 1958-1962. Thạch cao
HOÀNG THÁI – Bến Hồng Gai. 1956. Màu nước. Vẽ trong thời gian học Khóa Tô Ngọc Vân
HOÀNG QUY – Thuyền trên biển sương mù. 1990. Lụa
DOÃN TUÂN – Dưới trăng. 1970. Khắc gỗ màu
VŨ GIÁNG HƯƠNG – Cầu ngói chùa Thầy. 1957 Khắc gỗ. Vẽ trong thời gian học Khóa Tô Ngọc Vân
GIANG TÔ – Tắm trâu. Khoảng 1980. Khắc thạch cao
HOÀNG ANH – Ăn no, cày chắc. 1956. Mực Vẽ trong thời gian học Khóa Tô Ngọc Vân
HOÀNG CÔNG LUẬN – Làm mành trúc. 1960-1970. Sơn dầu
HOÀNG ĐẠO KHÁNH – Thanh niên Mỹ chặn đoàn tàu quân sự sang Việt Nam. 1964. Khắc gỗ
ĐỖ HỮU HUỀ – Chùa Thiên Mụ (Huế) 1977. Sơn dầu
NGUYỄN CỬU PHÚC – Ăn no, chóng lớn. 1956 Mực. Vẽ trong thời gian học Khóa Tô Ngọc Vân
CẦN THƯ CÔNG – Nữ y tá. 1978. Thạch cao
CỬU LONG GIANG – Hành quân 1970. Khắc gỗ
PHẠM CÔNG THÀNH – Rừng tre. 1985. Lụa
BÙI QUANG NGỌC – Chân dung vợ họa sĩ 1964. Sơn dầu

 

ANH THƯỜNG – Quê ngoại. 1978. Bột màu

Tin cùng chuyên mục

Những dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của kiến trúc sư Ernest Hesbrard

Ernest Hébrard (1875 – 1933) sinh ngày 11/9/1875 tại Paris. Ngày 15/10/1891, khi 16 tuổi ông đã bắt đầu theo học tại xưởng vẽ của Trường Đại học Mỹ Thuật Paris (Ecole nationale et spéciale des Beaux Arts de...

Thành phố sáng tạo và nghĩa cử tri ân sự sáng tạo

Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, với danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình đang tiến về phía trước với mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo hàng đầu trong khu vực. Trải qua nhiều cuộc chiến...

Biến chuyển cảnh quan truyền thống – hiện đại từ phù thế họa (ukiyo-e) đến phim của Ozu Yasujiro

Tranh khắc gỗ (Ukiyo-e, Phù thế hội) là thể loại độc đáo riêng có của hội họa Nhật Bản, thể hiện một cách đầy thi vị và đa diện về cõi phù thế của những thị dân Edo. Ukiyo-e cũng đã...

Đấu xảo hoàn vũ Paris năm 1867 – Hội chợ triển lãm quốc tế đầu tiên có người Việt tham gia

Hoàn cảnh và lý do người Việt có mặt tại Đấu xảo Hoàn vũ ở Paris năm 1867 Sau Hòa ước Nhâm Tuất (05-06-1862), thực dân Pháp được quyền chiếm đóng và quản lý ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vào...

Đào tạo sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật trong đại học đa ngành

Các trường đại học đa ngành cùng tư duy liên ngành được kỳ vọng có thể đóng góp vào cách tiếp cận mới trong đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật (VHNT). Ðó...

Có thể bạn quan tâm

Họa sĩ Trần Tuấn đạt giải nhất cuộc thi Nghệ thuật Quốc tế ITSLIQUID lần thứ 12

Trần Tuấn là một họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam với nhiều tác phẩm được trưng bày rộng rãi trong nước và quốc tế. Lấy cảm hứng từ Tâm linh phương Đông, các tác phẩm trừu tượng của ông...

45 NĂM TẠP CHÍ MỸ THUẬT, LỊCH SỬ, CON NGƯỜI, THỜI GIAN VÀ KỶ NIỆM

  Năm 2017, nhân Tạp chí Mỹ thuật (TCMT) tròn 40 tuổi và 25 năm tôi làm báo ở Tạp chí, tôi đã viết bài “25 năm với Tạp chí Mỹ thuật”. Năm nay, Tạp chí 45 tuổi và tôi lại có thêm 5 năm làm...

Chờ “mùa gặt” mới của mỹ thuật xứ Quảng

Chưa đầy một tháng nữa, Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 28 năm 2023 sẽ diễn ra tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Lúc này, hàng chục hội viên Chi hội Mỹ thuật...

GHI CHÉP DỌC ĐƯỜNG

Nghệ sĩ Nhân dân Đào Đức, một họa sĩ đặc biệt của một khóa học đặc biệt – Khóa Kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc. Bức tranh “chân dung sự nghiệp” của ông có nhiều diện, từ hội...

CẢNH SÀI SƠN CỦA CÔNG VĂN TRUNG

  Tranh “sơn” (laque) Việt Nam có nhiều thể, và tương lai chắc chắn sẽ còn biến hóa khôn cùng, biểu hiện sức sáng tạo dường như vô tận của các họa sĩ Việt Nam xưa nay. Riêng về sơn mài...