"TRÁI TIM BIẾT CƯỜI" CỦA LÊ THANH SƠN

 

Triển lãm cá nhân Miền sương khói (The enchanting land) của họa sĩ Lê Thanh Sơn bày 25 tranh mới, khai mạc lúc 18h ngày 20/12/2020 tại Green Palm Gallery (49 Mạc Thị Bưởi, quận 1, TP.HCM).     

1.“Hãy giúp tôi tránh khỏi sự khôn ngoan mà không biết khóc, triết lý mà không biết cười, và sự vĩ đại mà không biết cúi đầu trước trẻ thơ” – Khalil Gibran (1883-1931). Với nhà tiên tri này, trí tuệ mà không biết khóc, trái tim mà không biết cười thì thật đáng sợ, vì nó là nguồn cơn của bi kịch, của chiến tranh, của triệt tiêu tình yêu thương và của hủy diệt sự sáng tạo.

Còn văn hào Alexandre Dumas (1802-1870) thì viết rằng: “Bởi luôn luôn có hai loại ý tưởng khác nhau: Loại hình thành từ cái đầu, và loại xuất phát từ trái tim”. Tranh của Lê Thanh Sơn thuộc loại thứ hai. Nhưng đó là trái tim biết cười, nên tranh luôn có cái nhìn lạc quan, dù thấm đượm tinh thần lãng mạn, mơ mộng, nhưng không sến sẫm, bi lụy. Những nơi làm giả, làm nhái tranh Lê Thanh Sơn nhiều vô số kể, nhưng đa phần không đạt đến sự hoàn thiện về kỹ thuật thể hiện, không dùng được ánh mắt của trái tim biết cười, mà chỉ thuần là trái tim biết khóc, nên thiếu cảm xúc mà vẫn mau nước mắt.

Mới nhìn, hoặc không có dịp xem tranh trực tiếp, tưởng chừng Lê Thanh Sơn vẽ dễ dãi, nhưng không, anh thuộc tuýp họa sĩ vẽ nhanh nhưng không phải vẽ cho có, vẽ ẩu. Tác phẩm là kết quả của ngẫm ngợi, của tưởng tượng nhuần nhuyễn và nhuần nhị trước khi bộc lộ cảm xúc lên toan. Lê Thanh Sơn kể rằng khi vẽ thì anh nương theo hoàn toàn sự dẫn lối của cảm xúc và sự vui thú của con tim, không để lý trí hoặc kỹ thuật chen vào. Anh thấy hạnh phúc khi từ tưởng tượng đến tác phẩm là một mạch cảm xúc liền lạc, một nguồn năng lượng tích cực, một lạc thú làm việc. “Ngày nào vẽ được một bức tranh đầy hoan hỷ, y như rằng đêm đó tôi ngủ ngon hơn” – Lê Thanh Sơn chia sẻ. Anh còn cho biết việc sáng tác của mình rất phụ thuộc vào mùa, vẽ đẹp vào mùa Thu và mùa Đông, còn mùa Hè luôn cảm thấy vẽ không thoải mái, nên thường dành mùa này để nghỉ ngơi, còn mùa Xuân thì đi chơi, ngắm cảnh để tâm tưởng được ký họa những điều tươi mới.

Họa sĩ Lê Thanh Sơn

Đã 15 năm rồi Lê Thanh Sơn mới lại làm triển lãm cá nhân, dù việc vẽ vẫn đau đáu và luôn giữ được cách làm việc chuyên nghiệp, thường xuyên. Loạt tranh mới này, chủ yếu vẽ phong cảnh miền cao, đã mang lại cảm xúc dạt dào, bút pháp khỏe khoắn và tươi mới, nên có lẽ đây là động lực chính để anh mở triển lãm cá nhân. Bởi với một họa sĩ đã chiếm lĩnh thị trường suốt 30 năm qua, đã có vô số triển lãm chung và riêng, việc làm thêm một triển lãm mới là việc rất đắn đo. Nếu không mới với chính mình, thì làm cũng chẳng ích gì. Anh tâm sự đã có giai đoạn (khoảng các năm 2002-2004) anh vẽ như “chép lại” chính mình, nên chỉ biết hủy bỏ hoặc cất kho, rồi quyết định dừng vẽ để tái tạo năng lượng. Từ khoảng 2005 đến nay, anh lại có được sự bình yên, tươi vui trong con tim, nên tranh của anh cũng bình yên, tươi vui như vậy.

Thêm một điều lạ, ở cái tuổi U60, với nhiều người đã là tuổi hưu, bút pháp của Lê Thanh Sơn vẫn sung mãn, trẻ trung y như thời trung niên. Thậm chí trong một số bức, chính sự điềm nhiên với thế sự, an nhiên với cõi lòng đã mang lại sự đột phá về cảm xúc và sự phiêu lãng, thơ mộng về bảng màu. Dường như con tim của Lê Thanh Sơn đang hồi xuân trên mặt toan của chính mình. Hoặc nói khác đi, dường như Lê Thanh Sơn – qua loạt tranh mới này – chưa cho thấy sự mệt mỏi, già nua, dù con đường mà anh tạo ra và đã đi đến mấy chục năm.

Tác phẩm “Bình minh” (sơn dầu trên toan, 95x220cm, 2020) của Lê Thanh Sơn

 

Tác phẩm “Mùa Hè ở bản” (sơn dầu trên toan, 95x110cm, 2020) của Lê Thanh Sơn

 

Tác phẩm “Mùa hoa đỏ” (sơn dầu trên toan, 120x150cm, 2020) của Lê Thanh Sơn

2. Ngược về hơn 30 năm trước, với cột mốc Đổi mới (1986) tại Hà Nội, nơi không chỉ “cởi trói văn nghệ”, mà còn tạo đà để hình thành nên một thế hệ sáng tạo mới và khác với trước đó. Sau một thời đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề của văn nghệ ý thức hệ, quan điểm mặt trận, giai cấp, hoặc tuyên truyền, thế hệ Đổi mới (đặc biệt trong văn chương và mỹ thuật) đã làm được cuộc “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, như Nguyễn Đình Thi dự phóng từ những năm 1948-1955. Có thể gọi nôm na đây là thế hệ bộc lộ tương đối đầy đủ thái độ cá nhân, nơi tiếp nối tinh thần cá nhân từ thời tiền chiến và thời Nhân văn – Giai phẩm, vốn đã bị đứt quãng.

Lê Thanh Sơn trưởng thành ngay cột mốc Đổi mới, cũng đã kinh qua nhiều ngôn ngữ và ý niệm sáng tạo, trước khi định hình với bút pháp của cảm xúc. Anh cũng đã từng miệt mài đi ký họa, miệt mài luyện kỹ thuật, miệt mài tìm hiểu các trường phái, để cuối cùng chọn buông bỏ, chỉ nghe theo sự thúc giục của con tim. Nhiều năm qua Lê Thanh Sơn gần như chỉ loanh quanh ở nhà, đưa con đi học, chơi đàn cùng con, và vẽ. Phong cảnh của anh giai đoạn sau này nhìn rất quen thuộc, nhưng thực chất nó phi thực và phi thời, vì nó là thế giới của mơ tưởng, của đồng thoại. Y như nàng thơ Scheherazade trong Ngàn lẻ một đêm, hoặc như cô bé tinh khôi Alice trong xứ sở đồng thoại, bằng cách kể chuyện lôi cuốn, Lê Thanh Sơn đã vẽ nên một hiện thực sống động từ mơ tưởng.

Tác phẩm “Tổ ấm” (sơn dầu trên toan, 110x95cm, 2020) của Lê Thanh Sơn
Tác phẩm “Phiên chợ sáng” (sơn dầu trên toan, 95x110cm, 2020) của Lê Thanh Sơn

Xã hội Việt Nam sau Đổi mới có nhiều biến động lạ, nơi các trường phái sáng tạo, thái độ sáng tác và cả đồng tiền cùng ùa vào, thị trường và sự tự do bắt đầu mở cửa. Việc chọn một lối đi trong làn sóng biến động này vừa dễ vừa khó. Dễ là do có nhiều chọn lựa hơn, còn khó là chọn cái nào thật phù hợp với mình. Bên cạnh hội họa giá vẽ, mỹ thuật Việt Nam giai đoạn này manh cha các ngôn ngữ và loại hình mới, từ sắp đặt (installation art), trình diễn (performance art)…, cho tới video art, nghệ thuật thực địa (land art), nghệ thuật ý niệm (conceptual art)…, và cả chủ nghĩa hoài nghi (skepticism). Chọn một loại hình nào trên đây, và còn nhiều loại hình khác nữa, đều có thể giúp người sáng tác mở ra một lối đi, một viễn cảnh để dấn bước.

Và quả thật như vậy, sau Đổi mới, mỹ thuật Việt Nam đã làm được cuộc lột xác, với nhiều loại hình mới và nhiều tác giả thú vị. Trong bối cảnh đầy lôi cuốn và hào nhoáng như vậy, Lê Thanh Sơn vẫn kiên định với lối đi của mình, dù anh nói không hề cố ý làm như vậy, nhưng cũng là một thái độ. Bởi nói nôm na, với kỹ thuật bậc thầy, nếu chỉ để thể hiện cái bên ngoài, Lê Thanh Sơn vẽ gì không được. Nhưng anh không muốn đánh lừa chính mình, luôn muốn nghe con tim mách bảo. “Một ngày nào đó, nếu con tim bảo làm nghệ thuật ý niệm thì tôi sẽ làm ý niệm, chứ không dùng lý trí để chống lại” – Lê Thanh Sơn nói.

Mỗi tạng người sẽ phù hợp với một chọn lựa, một con đường nào đó. Dường như Lê Thanh Sơn đồng điệu với suy nghĩ của thi sĩ Henri-Frédéric Amiel (1821-1881): “Con người chỉ trở thành người nhờ trí thông minh, nhưng chỉ nhờ trái tim con người mới thật là người”.

La hán phòng, 19/11/2020

 Lý Đợi

Tin cùng chuyên mục

Tác phẩm “Hội cầu mưa” của họa sĩ Nguyễn Thái Cớ thể hiện giao cảm và những nét độc đáo

Tham gia nhiều hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật Hưng Yên, tôi có nhiều cơ duyên gặp họa sĩ trẻ Nguyễn Thái Cớ. Mỗi lần trao đổi về nghệ thuật, tôi đều có ấn tượng về tố chất...

Dòng chảy âm thầm, sâu lắng trong tranh Nguyễn Ngọc Thọ

Cố họa sĩ Ngọc Thọ (1925-2016) thuộc thế hệ thứ ba của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, sau “Đông Dương” và “Kháng chiến”. Tên tuổi ông gắn với hội họa sơn mài, sơn dầu, mang bản...

Tiếng hót trong đêm

Trong những ngày Hà Nội vào độ cuối thu, Blue Space Gallery kết hợp với Manzi Art Space đã tổ chức một sự kiện văn hóa đặc biệt: triển lãm “Tiếng hót” kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố họa sĩ...

Quyện trong thế giới hội họa của Nguyễn Đình Tuyên

NDO – Không khoa trương, không ồn ào, không nổi loạn, Nguyễn Đình Tuyên đến với hội họa bằng một tình cảm chân thành hiếm có. Bút pháp của anh hòa quyện giữa tô và vẽ, giữa vẽ và bôi,...

Triển lãm cá nhân “Ảnh xạ” của họa sĩ Trang Thanh Hiền

Triển lãm cá nhân “Ảnh xạ” diễn ra từ ngày 07 đến 15/11/2023 tại phòng Bảo tàng, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, số 42, Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Triển lãm cá nhân lần thứ hai của...

Có thể bạn quan tâm

HỌA SĨ NGUYỄN HÀ

  Ở Hải Phòng, có hai hoạ sĩ tâm huyết với nghề, có thể nói là “tử vì đạo” thuộc thế hệ trước mà tôi may mắn được tiếp xúc ngay khi chập chững vào nghề.  Đó là hoạ sĩ...

Thi vẽ tranh “Đan Mạch trong mắt em” 2023

(ĐCSVN) – Với chủ đề “Tương lai xanh”, cuộc thi vẽ tranh “Đan Mạch trong mắt em” 2023 là hoạt động nằm trong chương trình kỷ niệm 10 năm ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện giữa Việt...

GỐM THÀNH LỄ

  Năm 1958, ông Nguyễn Thành Lễ mở thêm xưởng gốm Thành Lễ ngoài xưởng sơn mài. Ông cho mời nhóm thợ của Hợp tác xã (HTX) Mỹ nghệ Biên Hòa sang làm cố vấn, làm đầu đàn cho xưởng gốm...

HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM KẾT NẠP HỘI VIÊN MỚI NĂM 2020

 ...

Thông báo về Triển lãm Mỹ thuật Khu vực VI (TP. Hồ Chí Minh) Lần thứ 24 năm 2019

HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM                               CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM            Số:...