TẢN MẢN CHUYỆN MUA BÁN TRANH Ở SÀI GÒN XƯA

 

Ngày 25 tháng chín năm 1932, tại Tòa Khâm sứ Trung kỳ đặt tại kinh đô Huế đã bày cuộc triển lãm tranh vẽ long trọng.  Tòa Khâm có mời vua Bảo Đại đến ngự lãm cùng các quan lại, thân hào người Pháp và Việt ở Huế cùng các tỉnh đến xem. Các bức tranh do họa sĩ Pháp và Annam ở xứ Đông Dương vẽ bày và bán tại đây. Vua khen tranh của ông Léon Felix rồi trò chuyện với các họa sĩ. Vua còn đến xem bức tranh nhỏ của bà Bonnal de Noreuil vẽ rất tinh xảo và công phu. Khi xem tranh của danh họa Louis Rollet, vua khen bức vẽ “Thuyền trên sông” (sampans sur la rivière). Vua phê vào quyển sách vàng (livre d’or) mấy câu khen ngợi tranh của họa sĩ này và ký tên. Quan Khâm sứ cùng các quan cũng viết cảm nghĩ, ký tên vào sổ và tiếp tục đi xem các bức khác. Họa sĩ người Việt tham gia triển lãm lần này có họa sĩ Mai Trung Thứ, ba anh em ruột là họa sĩ nổi tiếng ở Huế là Phi Long, Phi Hùng và cô Mộng Hoa. Riêng họa sĩ Mai Trung Thứ, từng học Mỹ thuật Đông Dương môn hội họa đã trưng bày một bức vẽ một vị hòa thượng, hai bức vẽ chân dung hai thiếu nữ và một bức vẽ người đi chợ về qua đò sông Hương gần chùa Thiên Mụ. Sau khi ngắm tranh của ông, vua Bảo Đại đã mua một bức vẽ mỹ nhân giá 200p.

Trên đây là một triển lãm tranh được thuật lại trên Hà Thành Ngọ báo (*). Triển lãm có  khách đến mua tranh. Tuy nhiên, người mua tranh là vị vua đứng đầu triều đình nhà Nguyễn. Vua là người theo Tây học, quen việc đến dự triển lãm và mua tác phẩm hội họa, việc ngự lãm này ắt là mang tính chất động viên khuyến khích thần dân là chủ yếu, không hẳn là sở thích cá nhân. Dù sao, qua bài viết ngắn trên, ta có thể hình dung phần nào không khí của một cuộc triển lãm, những tác phẩm và tác giả tham dự ở đó cách nay gần trăm năm khi được đón tiếp những nhân vật cao cấp nhất của đất nước ta thời thuộc địa.

Triển lãm tranh của hoạ sĩ Mai Lan tại trụ sở Hội Hoạ sĩ trẻ. Nguồn: Báo Trẻ tập II số 8

Có lẽ cho đến trước chiến tranh thế giới thứ II, thú mua tranh và sưu tập tranh hầu như vẫn thuộc về người Pháp. Giới tai mắt người Việt chưa quen bỏ ra số tiền lớn để mua một bức tranh. Trong cuộc triển lãm tranh tại nhà hát Tây Sài Gòn vào tháng 7 năm 1938 được nhật báo Sài Gòn số 1433 tường thuật, nữ họa sĩ Lê Thị Ẩn được xem là nữ họa sĩ đầu tiên của Sài Gòn, có nhiều vị quan chức ở Sài Gòn đến dự như đốc phủ Lê Quang Liêm, ông Berland chủ tỉnh Gia Định, nhiều thân hào trong thành phố… Bà còn là giám đốc một trường nữ công danh tiếng ở thành phố nên có mối quan hệ rộng. Tuy nhiên, trong số 60 bức tranh thủy mặc của bà được người xem tấm tắc khen, người mua vẫn là hai người Pháp, ông chủ tỉnh Berland bỏ ra 50 đồng mua bức vẽ “Vân sương yên lộ”. Ông Boy Landry, một nhà kinh doanh và cũng là chức sắc trong chính quyền thành phố đã mua bức “Thần tiên quyến thuộc” vẽ đôi chim trên cành mai với giá 100 đồng.

Sau 1954 ở miền Nam, số người mua tranh là người Việt đã xuất hiện nhưng số đông vẫn là người nước ngoài, nhất là người trong giới ngoại giao, các đại sứ và lãnh sự. Trong hồi ký, họa sĩ Hà Cẩm Tâm, xuất thân trường mỹ thuật Gia Định kể trước 1975 ở Sài Gòn, mỗi lần có cuộc triển lãm thường có khoảng chục người thích tranh của ông xin phép đến studio xem tranh trước ngày khai mạc để chọn mua những bức vừa ý. Họ là người Ý, Pháp, Thụy Điển, Đức, Hà Lan, Anh, Mỹ và người Việt.

Giới quan chức chính phủ miền Nam có một số vị cũng thường mua tranh hoặc mua cho chính phủ để trưng bày trong các công thự. Một bài viết về tranh của họa sĩ Nguyễn Khoa Toàn, một họa sĩ nổi tiếng vừa là quan chức của chính phủ miền Nam, mới thấy tranh của ông được chính phủ và giới quan chức mua, như bức “Đêm Trung thu ở Chợ Lớn” (Bộ trưởng Trần Chánh Thành mua), “Nắng mới trong hói” (Chính phủ mua), “Cô dâu làm lễ bàn thờ” (Bộ Giáo Dục mua), “Em bé gặp chỗ mưa giông” (Chính phủ mua), “Hồ Than Thở – Đà Lạt” (Bộ Ngoại Giao mua). Có thể các quan chức này mua để ủng hộ vị họa sĩ cũng là một quan chức. Trong bài phỏng vấn “quan niệm hội họa” trên tạp chí Bách Khoa số 129, ông Nguyễn Văn Rô, giảng viên Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn có kể họa sĩ Nguyễn Gia Trí được chính phủ đặt bức tranh sơn mài trị giá 2 triệu. Đây là dịp người họa sĩ yêu nghề và tự đòi hỏi chất lượng tranh của mình ở mức cao như họa sĩ Nguyễn Gia Trí tự hoàn thiện mình. Ông “xoa tay, hớn hở” nói với ông Rô: “Đời nào mình có hai triệu bạc để mà làm một công trình thí nghiệm cho đến nơi đến chốn!”. Thế là ông để suốt tới hai năm mới làm xong bức tranh. Ông Rô cho là nếu gặp người khác thì có thể giao hàng trong vài tháng và bỏ túi ít nhất nửa triệu (có lẽ sau khi trừ các chi phí về nguyên liệu và nhân công).

Một số vị thường xuyên mua tranh với tư cách cá nhân như ông Ngô Khắc Tỉnh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục hay ông Nguyễn Xuân Oánh, Phó thủ tướng. Rất nhiều tranh của họa sĩ Việt Nam như Thái Tuấn được ông Nguyễn Xuân Oánh mua.Trên vài tạp chí Ánh Đèn Dầu xuất bản ở thập niên 1960, thường có bài viết về hội họa, giới thiệu tranh hầu như có tên người chơi là người nước ngoài, trừ cái tên Nguyễn Xuân Oánh.

Một buổi triển lãm tranh tại Sài Gòn thập niên 1960. Tư liệu: Phạm Công Luận

Họa sĩ Việt khi bán tranh cho người nước ngoài, có khi may mắn gặp được vị quan chức quan tâm đến việc giới thiệu tranh Việt mà họ đánh giá cao. Như khi họa sĩ Đinh Cường sau khi tốt nghiệp đã tổ chức một cuộc triển lãm chung với nữ họa sĩ Tôn Nữ Kim Phượng và hoạ sĩ Trịnh Cung  tại Phòng thông tin đô thành Sài Gòn năm 1964. Trong dịp này, ông James Lamar Brogdon làm việc tại tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã  lần lượt mua của ông hơn 20 bức tranh và khi về nước ông ta đã tổ chức triển lãm tranh của Đinh Cường cùng vài họa sĩ khác tại New York.

Chuyện họa sĩ mua tranh lẫn nhau không hiếm. Cùng sáng tác với nhau, họ đánh giá dễ dàng một tác phẩm đẹp của đồng nghiệp, họa sĩ đàn anh hay một họa sĩ trẻ mới phát lộ tài năng. Họa sĩ Hà Cẩm Tâm nhắc câu chuyện sau khi họa sĩ Nhan Chí từ trần năm 1962, bạn bè ông làm cuộc triển lãm cho Nhan Chí bao gồm những bức tranh pastel tại Phòng Thông tin lớn năm 1963. Hà Cẩm Tâm mua một bức người thượng ngồi kiểu nước lụt, hút điếu cày với giá 8000 đồng.

Việc chơi tranh, sưu tầm tranh là thứ chơi tao nhã nhưng đòi hỏi thưởng ngoạn cao, nhìn ra được vẻ đẹp của bức tranh. Từ xưa đến nay, người biết thưởng thức tranh không phải ai cũng có khả năng mua một bức tranh của họa sĩ có tiếng vẽ nhiều tranh đẹp. Giới kinh doanh có tiền của thì không nhiều người biết chơi dù có khả năng mua tranh. Điều đó dẫn đến những việc ái ố trong chuyện mua bán tranh. Họa sĩ Hà Cẩm Tâm đã không được vui trong một lần bán tranh mà ông kể lại. Đó là khi ông Tổng giám đốc một công ty bán máy cày trên đường Trần Hưng Đạo mua bức tranh hai con thuyền nghỉ ngơi trên biển và trân trọng mời ông khi nào tiện thì đến nhà giúp ý kiến nên treo tranh nơi nào trong phòng làm việc của ông ta cho trang trọng. Sau khi bế mạc triển lãm, họa sĩ đến. Sau khi treo tranh xong, bà vợ ông chủ hỏi họa sĩ Hà Cẩm Tâm: “Sao có hai chiếc thuyền vậy họa sĩ?” Ông trợn mắt hỏi vậy bà muốn mấy chiếc và đến gỡ bức tranh xuống để mang về. Ông chồng bà ta bèn xin lỗi và mời bà đi chỗ khác chơi. Hà Cẩm Tâm nghĩ ngợi: “Có lẽ bà ta thấy chồng mình ngu sao mua bức tranh mắc quá, năm ngàn đồng mà chỉ có hai chiếc thuyền nhỏ xíu. Bà muốn thêm nhiều chiếc cho đáng đồng tiền!”.

Một chuyện khác, có lần chủ một tiệm vàng ở Chợ Lớn mới mua bức tranh trừu tượng lớn và mời Hà Cẩm Tâm đến khánh thành cái biệt thự vĩ đại trên đường Ngô Thời Nhiệm. Đến nơi mới thấy là bức tranh bị… treo ngược. Chuyện này khá phổ biến cho loại tranh trừu  tượng.

Họa sĩ Hiếu Đệ trong tập truyện và hồi ký “Nước lớn nước ròng” kể câu chuyện còn hài hước hơn. Một hôm, ông trưng bày một bức tranh chỉ có những chấm đốm màu sắc vẽ theo lối trừu tượng. Đề tài của nó là bố cục màu. Có một anh người Mỹ đến ngắm tấm tranh cả ba lần. Ông đến hỏi vì sao anh ta thích bức này thì anh kia vỗ vai họa sĩ khen tụng không hết lời và bảo là họa sĩ vẽ chân dung của mẹ anh ta giống không thể nào tưởng tượng nổi, giống đến cả nụ cười của bà ta!. Họa sĩ Hiếu Đệ nghe vậy bèn tặng không cho anh ta và bảo chẳng qua là do anh nhìn thấy vậy. Anh ta cự nự đây là bức tranh rất giá trị trong đời anh ta được gặp. “Ông họa sĩ không thể nào tặng không được, nhất là tôi sẽ có lỗi với mẹ tôi. Ông họa sĩ cho phép tôi trả tiền gấp ba lần theo giá trị của ông đã ghi dưới bức tranh”. Sau đó, vợ Hiếu Đệ nói riêng: “Em thấy anh vẽ bức tranh này rõ là một người điên rồi. Em tưởng trên đời này chỉ có mỗi mình anh là điên thôi. Nào dè đâu có ông khách này lại điên gấp ba lần anh nữa. Thôi anh chịu thua ông ấy đi là vừa!”.

Hiếu Đệ kể về chuyện khung tranh, thứ không thể thiếu đối với họa sĩ sau khi đã vẽ xong bức tranh. Mỗi bức tranh phải có một cái khung thích hợp với nó để treo trong triển lãm. Ông nhắc đến một người làm khung tranh được tin cậy là A Chúng, một người Hoa ở Phú Thọ. Anh này cho các họa sĩ thiếu nợ, cho đến năm sau trưng bày tranh xong, có tiền mới đến thanh toán. A Chúng biết chọn những họa sĩ nào có tên tuổi mới được làm con nợ của của anh. Họ sẽ bán được tranh và trả nợ ngon lành. Theo Hiếu Đệ, các họa sĩ mỗi năm được triển lãm cá nhân một lần. Nơi trưng bày là Phòng Thông tin Đô thành, Trung Tâm Văn Hóa Pháp, Pháp Văn Đồng Minh Hội, Hội Việt Mỹ và Câu Lạc Bộ Thanh Niên. Họa sĩ phải gửi đơn đăng ký để giành chỗ trước từ sáu tháng đến một năm, tuy nhiên chuyện chạy chọt để triển lãm sớm cũng có. Ông cho biết những mùa bán tranh thuận lợi nhất như mùa Giáng Sinh và Tết Nguyên Đán thường dành cho họa sĩ Nguyễn Trí Minh và bà họa sĩ Nguyễn Thị Nhàn hay Bé Ký, những họa sĩ này thuần túy sống bằng nghề bán tranh.

Phạm Công Luận 

(*) Theo Hà Thành ngọ báo, số 1529, 4 Tháng Mười 1932

 

 

Tin cùng chuyên mục

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Tin cùng chuyên mục

Sôi nổi Hội thi vẽ “Tây Hồ quê hương em”

Hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4), sáng 17/4 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ, quận Tây Hồ đã tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc quận Tây Hồ năm 2024. Phát...

“Tháng Tư hy vọng” – thắp sáng ước mơ hội họa cho trẻ tự kỷ

Triển lãm tranh của trẻ tự kỷ với chủ đề “Tháng Tư hy vọng” vừa khai mạc hôm nay (17/4) tại Hà Nội. Triển lãm mang đến cho công chúng Hà Nội hơn 60 tác phẩm của 13 “họa sĩ” là...

Đại diện Hội đồng Tăng – già Phật giáo toàn đảo quốc Sri Lanka gặp gỡ giao lưu với các nghệ sĩ thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam

Sáng 15/4, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Hòa thượng Mugunghwa Anuruddha, đại diện Hội đồng Tăng – già Phật giáo toàn đảo quốc Sri Lanka đã tới Nhà Triển lãm Mỹ thuật...

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Giới thiệu chất liệu truyền thống tại triển lãm mỹ thuật “Ngũ hình”

(Chinhphu.vn) – Ngày 30/3, tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, Triển lãm mỹ thuật “Ngũ hình” của 5 họa sĩ đã giới thiệu tới người yêu mỹ thuật các tác phẩm bằng...

Có thể bạn quan tâm

ĐÔI NÉT VỀ TRANH LỤA TRUNG HOA

  Nguồn gốc Việc sản xuất và sử dụng lụa được bắt đầu khoảng 5.000 năm trước. Trong triều đại nhà Thương và Chu, có nhiều loại lụa như: la, ỷ, cẩm. Sau thời Tần và Hán, sản xuất tơ...

MỘT VÀI SUY NGHĨ TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM LẦN THỨ IX (2019-2024): CHÚNG TA ĐÃ CÓ HOẠT ĐỘNG MỸ THUẬT MANG TÍNH CHUYÊN NGHIỆP HAY CHƯA ?

  Thật ra trước đây tôi cũng đã đặt hỏi câu hỏi này tại Đại Hội VI. Đến nay cũng trên 10 năm, tình hình văn hóa nghệ thuật thế giới đã tiến sâu vào xu thế toàn cầu hóa và Việt Nam...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Ngắm 500 cổ vật quý hiếm tại Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam

Lưu giữ, trưng bày 500 cổ vật quý hiếm có niên đại từ thế kỷ VII-VIII, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam là điểm đến tham quan của nhiều du khách.          ...

NGUYỄN LINH 4 – BÙNG NỔ VÀ THĂNG HOA VỚI CHÈO, VÀ…

  6h30 tối ngày 20 tháng 12 năm 2020, ngày cuối của triển lãm “Nguyễn Linh 4”, khi các nhân viên phục vụ tại nhà triển lãm Art Space, 42 Yết Kiêu, Hà Nội, đang hạ tranh xuống để đóng gói, thì...