NHỮNG KỶ NIỆM VỚI NGƯỜI VẼ DẾ MÈN PHIÊU LƯU KÝ

 

1. Lần đầu tiên tôi được gặp chú Ngô Mạnh Lân, nếu tôi nhớ không nhầm, thì vào ngày 17 tháng 6 năm 1994, tại lễ tưởng niệm 40 năm ngày Tô Ngọc Vân hy sinh trên đường đi lên chiến dịch Điện Biên Phủ.
Hôm ấy, tại ngôi nhà của gia đình ông Vân ở phía sau Khu tập thể Trung Tự, có mặt rất đông các họa sĩ Khóa Kháng chiến. Họ mang tới một bó hoa sen lớn, loài hoa mà ông Vân rất thích và hay vẽ, để tưởng niệm ông, người thầy của họ.
Sau đó, tất cả mọi người còn cùng nhau sang thăm ông Nguyễn Tư Nghiêm ở gần đấy, do anh Tô Ngọc Thành dẫn đường. Ông Nghiêm cũng là thầy dạy của Khóa Kháng chiến.
Vậy là có thể tôi đã được biết, rồi thân thiết với chú Ngô Mạnh Lân 27 năm.

Tại Triển lãm cá nhân của Ngô Mạnh Lân, Hà Nội 2006. Các họa sĩ Khóa Kháng chiến (từ trái sang): Linh Chi, Ngọc Linh, Trần Lưu Hậu, Ngô Mạnh Lân, Mai Long

2. Lần đầu tiên tôi đến thăm nhà chú Ngô Mạnh Lân thì tôi nhớ chính xác. Đó là vào năm 1999. Năm ấy, do có một người bạn tôi thích sưu tập nghệ thuật muốn xem tranh của chú nên tôi phải đến nhà chú trước để biết đường và hẹn trước với chú ngày xem tranh.
Nhà chú Lân ở trong làng Đại Yên, liền với làng Ngọc Hà, cũng là một làng trồng hoa nổi tiếng lâu đời ở Hà Nội.
Trong sân nhà chú tôi nhớ hình như có một cây khế to, tỏa bóng xanh mướt, mát rượi; lại có con chó dữ, người lạ đến nó đã bị nhốt rồi mà vẫn chồm lên trong chuồng sủa uy hiếp một hồi lâu mới chịu dứt.

Ngôi nhà hai tầng ẩn hiện, chắc xây đã lâu, giản dị, thực dụng, theo lối cũ, hơi đậm chất “công chức”.
Tầng hai là nơi chú Lân làm việc, vẽ và viết. Trên tường chỉ treo lác đác vài bức tranh, nhưng có bức “Dân quân ngoại thành”, bức tranh mà chú ưu ái. Có một bức tranh sơn dầu khổ rất lớn đang vẽ dở dựng ở góc tường, vẽ bảy tám anh bộ đội đứng, ngồi dưới giao thông hào trên mặt trận Điện Biên Phủ.
Xem tranh đang vẽ dở là một việc rất thú vị, ít nhất là đối với tôi. Thấy tôi có vẻ quan tâm, chú Lân hỏi: “Cậu có muốn xem thêm những hình nghiên cứu cho bức tranh này không?”
Ồ! Tôi muốn quá đi chứ. Tôi hỏi lại chú: “Chú có ạ?” Thế là chú lấy ra ở đằng sau một xấp các hình nghiên cứu nhỏ, mỗi hình là một chân dung, bằng sơn dầu trên vải, không xát-xi, vẽ rất có nghề và hoạt bát.
“Đến bây giờ mà chú vẫn còn dựng tranh theo phương pháp bài bản đến thế này cơ ạ?”-tôi hỏi chú. “Ừ! Tôi quen rồi, làm khác đi cứ thấy thế nào”, chú trả lời rồi nói tiếp, “mà muốn làm khác hình như cũng chẳng được. Khó đấy!”
Tôi lại tiếp tục hỏi chú như thể chất vấn: “Liệu chú có chuyển được tinh thần của những hình nghiên cứu này lên bố cục được không?” / “Thì phải cố vậy”, chú lại trả lời.
… Quãng một hai năm sau, tôi lại có dịp đến thăm chú Ngô Mạnh Lân, vì chẳng biết tại sao chú lại cần đến cuốn “50 năm tranh tượng Liên khu 5” và nhờ tôi tìm giúp. Tôi đến là để đưa sách cho chú.

Bút tích của Trần Văn Cẩn: Lời giới thiệu Triển lãm sáng tác đồ họa Ngô Mạnh Lân, Hà Nội 1971 (trang cuối)

Bức tranh mà chú đặt tên là “Chiến sĩ Điện Biên” ấy khi ấy đã vẽ xong. Chờ tôi xem một lát, chú hỏi: “Được không cậu?” Cảm thấy chú rất tin tôi và qua thái độ chân tình của chú, tôi cũng trả lời thật với chú: “Cháu đang phân vân. Có lẽ cháu vẫn thích những hình nghiên cứu của chú hơn”. Nghe vậy chú cười hiền hóm hỉnh, ra chiều hiểu ý tôi. Rồi chú bảo: “Làm tí rượu đi”.
Theo chủ quan của tôi, thực ra sở trường hội họa của chú Ngô Mạnh Lân là vẽ sơn dầu ngoài trời, trực tiếp trước mô-típ, đối tượng. Thời kỳ chú học ở Nga, chú vẽ khá nhiều tranh phong cảnh bằng sơn dầu, “hoàn thành trong ngày” (như chú từng nói), trong đó có một số bức không phải “được”, mà là “đẹp”. Việc xây dựng các tranh bố cục bằng sơn dầu trong xưởng, đặc biệt các bố cục mang tính hiện thực, có nhiều lý do để nói, gần như không hề chắc chắn là thế mạnh của các họa sĩ Việt Nam, mà có lẽ bởi thế, các tác phẩm bố cục đẹp nhất của Việt Nam hầu hết lại là vẽ bằng chất liệu sơn mài.

NGÔ MẠNH LÂN – Một hình nghiên cứu bằng sơn dầu. 1964. 21x17cm

… Kể từ khi nghỉ hưu, đặc biệt từ 2004, chú Ngô Mạnh Lân làm khá nhiều sách, cả sách chữ lẫn sách tranh, nên chú và tôi càng hay có dịp gặp nhau tại Nhà xuất bản Mỹ thuật nơi tôi công tác. Hai năm 2019 và 2020 có lẽ là thời gian hai chú cháu gặp nhau nhiều hơn cả, lúc làm sách, lúc làm báo, lúc thì chuẩn bị cho triển lãm cá nhân của chú. Hôm tôi cùng Hoàng Anh (Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật) đến thăm chú để thực hiện một bài phỏng vấn mang tính “then chốt” về 70 năm hoạt động nghệ thuật của Ngô Mạnh Lân nhân dịp chú 85 tuổi, Hoàng Anh còn tự tay ghi lại được một video dài, trong đó có một số thông tin “độc lạ” về Khóa Kháng chiến chưa từng được công bố.
Nay tôi vẫn còn lưu một bài viết ngắn chú viết theo đề nghị của tôi, chưa sử dụng, kể về chuyến đi vẽ của chú với Trọng Kiệm ở Sơn Tây vào cuối những năm 1960. Công việc giữa chú và tôi luôn luôn gọn ghẽ, hanh thông, vì chú rất thuần thục trong nghề viết và sử dụng thành thạo máy tính. Biết tôi thích rượu, việc xong, chú thường thưởng tôi rượu. Năm 2014, Đại hội Mỹ thuật, chú còn đem theo một chiếc áo đẹp đến tận hội trường để tặng tôi, khiến tôi vô cùng cảm động và nhớ mãi tình cảm ân cần của chú.

3. Lần gần đây nhất (mà thật không ngờ cũng là lần cuối cùng) tôi được gặp chú Ngô Mạnh Lân là vào một ngày nửa sau tháng 6 năm 2020.
Hôm ấy, tôi đến thăm chú để biếu chú cuốn Tạp chí Mỹ thuật số chuyên đề về Khóa Kháng chiến, trong có bài viết của chú, và cũng vừa để biết căn hộ chú vừa chuyển đến năm 2019 ở một khu chung cư lớn thuộc Nam Thăng Long.
Vì đường khá xa và hơi khó đi nên phải gần trưa tôi mới đến nơi.

NGÔ MẠNH LÂN – Bên bìa rừng (Phong cảnh Nga). 1957. Sơn dầu trên vải. 58x70cm

 

NGÔ MẠNH LÂN – Dế mèn phiêu lưu ký (Truyện của Tô Hoài). Phác họa phim hoạt hình. 1963. Bột màu

Ồ! Căn hộ quá rộng, có cả một diện tích lớn đủ bày hàng trăm bức tranh, từ hội họa, hình họa, ký họa, đồ họa cho đến hoạt hình, tranh truyện – như một không gian tổng quát về nghệ thuật của Ngô Mạnh Lân. “Toàn cái cậu biết rồi nhỉ?”- chú Lân bảo tôi. Tôi thưa vâng, nhưng thực ra ở đó vẫn có một số cái tôi mới thấy lần đầu. Thế rồi chú Lân kéo tôi đến trước mấy phân cảnh tranh truyện và phim hoạt hình (những phim do chú làm họa sĩ chính hoặc làm đạo diễn), lấy ngón tay gõ gõ lên mặt kính, và từ dưới mặt kính trong suốt đột nhiên tỏa ra một thứ ánh sáng đầy màu sắc, lấp lánh trong đó nào là “dế mèn”, “mèo con”, “trê cóc”, nào là “bác nồi”, “chị chổi”- những nhân vật nổi tiếng của chú. À quên, không nên gọi là “nhân vật”, mà phải gọi là “vật nhân” (theo cách chơi chữ của Trần Văn Cẩn).
Từ những vật nhân ấy, người họa sĩ – người đạo diễn đã tạo nên một thế giới tuyệt diệu của trí tưởng tượng, làm rung động trái tim nhân hậu của biết bao thế hệ trẻ em ở cả trong và ngoài nước.

NGÔ MẠNH LÂN, TÔ HOÀI Chuyện Trê Cóc Tranh truyện Nhà xuất bản Kim Đồng, 1995

Ở khoảnh khắc viết những dòng chữ này đây, có lẽ tôi phải thốt lên một câu: Nước Nga, người Nga đã cực kỳ sáng suốt khi chọn cho Ngô Mạnh Lân con đường nghệ thuật này, con đường để đi vào Nghệ-Thuật-Thứ-Tám: Hoạt -Hình!

* * *

Ngô Mạnh Lân đã ra tổng cộng 8 cuốn sách. Một người hoạt động trong nhiều lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu như chú, mà ở lĩnh vực nào cũng thành sách được như vậy, quả là hiếm có.

Ngô Mạnh Lân cũng là người rất “tự biết mình”, “tự biết đủ”; “tự lập thân” từ thuở thiếu thời, tuổi già vẫn canh cánh trong lòng cái nguyện ước được báo đáp “công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”.

Sống 87 năm, vẽ và viết trên 70 năm, đạt nhiều thành tựu trong cuộc sống và trong nghệ thuật – nói chú “mộng đã thành” ít nhất cũng là gần đúng.

Ecopark, ngày 4 tháng 10 năm 2021

Quang Việt

 

 

Tin cùng chuyên mục

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Có thể bạn quan tâm

TRANH SƠN MÀI “VƯỜN XUÂN TRUNG NAM BẮC” CỦA NGUYỄN GIA TRÍ HIỆN TRỊ GIÁ BAO NHIÊU ? VÀ MẤY Ý KIẾN XUNG QUANH THẢM HỌA LÀM HỎNG TRANH NGUYỄN GIA TRÍ

  Việc Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh mới đây làm “vệ sinh” bức tranh sơn mài vĩ đại “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của Nguyễn Gia Trí gây tổn thất vô cùng nặng nề cho giá trị...

Nguyễn Sáng – Thiếu nữ Bản Yên

  Kể từ khi tham gia Tổ sáng tác của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Nguyễn Sáng luôn luôn có những chuyến đi thực tế: Hà Giang, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Cao Bằng, Điện Biên. Chuyến đi cuối...

Lịch sử nghệ thuật thị giác Việt, một chân trời diễn giải mới

  Lịch sử nghệ thuật luôn chào gọi những khả thể mới, cho dù là đến từ cách tiếp cận, phân kỳ, một đối tượng hay phạm vi nghiên cứu mới/khác. Bởi đối với một lĩnh vực liên hệ...

Triển lãm Hội hoạ Khu vực I (Hà Nội) lần thứ 25 năm 2020

Triển lãm không khai mạc chỉ trưng bày và chấm giải thưởng tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô quyền, Hà Nội. Triển lãm trưng bày 97 tác phẩm của 95 tác giả (có 1 tác phẩm không đúng kích thước...

Thông báo thể lệ cuộc thi sáng tác mẫu phác thảo công trình mỹ thuật tỉnh Hòa Bình tại nút giao đường Quốc lộ 6 và đường Hòa Lạc – Hòa Bình

   ...