NHỚ XUÂN QUÝ DẬU

 

 

Người ta bảo “giàu nghèo có số”. Người ta cũng bảo “Nghèo muôn đời, giàu bất thình lình”. Tôi chả tin mà rồi cũng phải tin. Số tôi nghèo, có lẽ vì thế mà nhiều người thương, nhiều người giúp đỡ. Giúp gì thì giúp chứ chuyện lấy vợ đẻ con thì chả ai giúp được tôi hết. Tôi phải tự giải quyết vấn đề của mình.

Sau khi trút bỏ bộ quần áo lính, tôi đi liền một mạch, lấy vợ đẻ con ở tận nơi xa lơ, xa lắc mịt mù tuyết trắng. Những hàng cây khoác trên mình tấm chăn của mùa đông. Tương phản với tuyết trắng là màu đen của những con quạ. Chúng kiên trì, bền bỉ ngủ im lìm trên những ngọn cây. Sự im lìm đáng ghét. Chỉ cần một tiếng động là chúng thức dậy rũ cánh ồn ào, phá tan bầu không khí tĩnh lặng của buổi sớm ảm đạm và lao đi như xé nát bầu trời.

Những nốt chân sâu hoắm cắm xiêu vẹo trên tấm thảm trắng muốt. Sau một đêm, tuyết phủ dầy ngang đầu gối. Những chiếc xe ủi tuyết đang hối hả làm việc để chuẩn bị cho một ngày mới. Mặt trời le lói những tia nắng đầu tiên làm những bông tuyết loé sáng nom nhức cả mắt…

Tôi đi xếp hàng lấy sữa cho con.

Lê Thanh Minh với tác phẩm “Rượu cần” năm 1990

***

Tết Tây, nó đơn giản chứ không cầu kỳ kiểu cách như cái Tết Âm lịch ở nhà. Lũ sinh viên chúng tôi tập trung tại phòng                                  ” ” để cùng nhau vẽ một cái tranh to dùng cho dạ hội mừng năm mới. Mỗi người bôi một góc, không có người cầm trịch. Tuỳ vào trí tưởng tượng và năng lực mà vẽ nhiều hay ít. Với diện tích chừng 50 mét vuông tha hồ thả hồn vào đó. Bức tranh tập thể đa phong cách nhìn hay đáo để. Không hoa, không nến, chỉ có những chai sâm banh nổ lốp bốp trong tiếng nhạc mừng năm mới và cây thông Noel nhấp nháy mầu sắc đủ loại. Những dáng người lắc lư, ngả nghiêng theo điệu nhạc phát ra từ hai chiếc loa thùng.

Và rồi…

Năm mới đến.

“Happy New Year!”,

Lần đầu tiên đón năm mới ở trời Tây tôi mới phát hiện ra rằng ở đây người ta mừng Tết chứ không ăn Tết. Gọn gàng, trang trọng mà vui vẻ. Những câu chúc, những nụ cười rạng ngời trên những gương mặt. Ai cũng vui như Tết chứ không ai lo Tết, lo đến phát ốm như ở quê tôi.

LÊ THANH MINH – Xuân phai. 2014 Sơn dầu. 100x100cm

***

Còn vài ngày nữa là đến Tết ta. Nhâm Thân qua đi, Quý Dậu đang đến. Ở đây chúng tôi không có hoa mai, hoa đào. Không có bánh chưng, bánh tét. Không có pháo nổ và quan trọng hơn là thiếu vắng cả những cơn mưa phùn. Chúng tôi đón giao thừa vào lúc 8 giờ tối. Năm nay khác mọi năm, tôi vừa được người ta đặt hàng vẽ tranh gà nên cũng có mấy đồng. Họ cần 10 cái tranh gà để đem đi biếu, với giá là 30 Đôla một bức và thời hạn là trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Tôi phải vẽ ngày vẽ đêm, thậm chí dùng cả máy sấy tóc để cho tranh mau khô. Khổ nỗi nếu tranh còn ướt thì tôi không thể gỡ ra để vẽ cái khác. Tôi có mỗi một cái khung để căng lụa. Nói là lụa cho sang thôi chứ thực ra đấy là một thứ vải phin pha ni-lon tôi mua ngoài  sáng nay màu nâu nhạt. Hai đứa con hiếu kỳ dán mắt vào cái máy sấy tóc.

Thằng anh bảo con em:

– Nóng đấy, đừng sờ tay vào.

Mất một buổi chiều và cả đêm, khi nhổm đít đứng lên thì mặt trời đã lấp ló phía bên kia rừng cây. Kiểm lại số tranh đã vẽ xem đủ chưa tôi mới phát hiện ra mình vẽ thừa ra ba bức. Hai vợ chồng nhìn nhau vui sướng. Vậy ra mình đã làm được cái việc tưởng như không thể.

Tôi quay số gọi cho Kiều Việt Cường, người đã đặt tôi vẽ tranh:

– Xong rồi đấy. Có gì ông qua kiểm tra và nhận tranh nhé.

Khoảng gần tiếng sau Kiều Việt Cường đến. Anh xuýt xoa khen tranh đẹp ngoài sự hình dung của anh. Cố nhiên anh lấy tất cả 13 bức. Và như để động viên tôi anh khảng khái đưa tôi 400 Đôla.

Trước khi rời nhà tôi Kiều Việt Cường cười bảo:

– Ông vẽ nhanh thật đấy. Xin bái phục.

– Ông biết đấy. Tài giỏi gì đâu, không có ăn thì đầu gối phải bò… – Tôi cười nói với Cường.

– Ông nói thế chứ, khối người đói mà có bò được đâu.

– Ừ thì cũng còn do “cô thương” nữa. Mà cô nào đâu, chính là ông thương chúng tôi đấy chứ…

Trước cửa hàng bán rán năm 1989
Mùa hè chợt đến năm 1989
Mấy người bạn Nga năm 1990

Ông khách ôm tranh về đã lâu mà vợ tôi vẫn còn cầm bốn tờ 100 Đô trong tay, lật hết mặt nọ đến mặt kia săm soi. Tôi cứ có cảm giác nàng nghĩ đó không phải là tiền. Lần đầu tiên chúng tôi mới nhìn thấy và sờ vào đồng Đô la. Giá như chúng tôi có tiền thì dám chắc nàng sẽ cất kỹ làm kỷ niệm lắm. Sau một hồi tính toán nàng bảo:

– Chỗ tiền này nhà mình sống tằn tiện có khi được ba tháng đấy.

Tôi nghe nàng nói vậy mà thấy thương quá bèn bảo:

– Không sao, cứ tiêu đi, hết lại kiếm. Các cụ bảo rồi. Người biết tiêu tiền thì cũng sẽ biết cách kiếm nó ở đâu.

Nàng ngẩng lên nhìn tôi mắt như có ngấn. Giây lâu sau nàng bảo:

– Em sẽ mua cho bọn trẻ con bộ quần áo bò bán ở ngoài chợ. Mấy cái quần tất của chúng sờn rách hết cả rồi. Với lại cũng phải mua cho bố chiếc khăn len quàng cổ. Trời lạnh đi lại phong phanh là dễ ốm lắm.

Tôi khoát tay gạt đi:

– Ùi dào, lo gì, không cần đâu. Có khăn chỉ thêm vướng. Mẹ mày sắm cái ủng khác mà đi cho đỡ lạnh. Cái kia gót mòn vẹt đi trơn trượt dễ ngã lắm.

– Không sao đâu. Em thấy nó vẫn còn đi được mà.

– Thôi, cứ quyết định như thế, không phải dài dòng.

***

Mùa đông ở công viên năm 1993
Sinh nhật Sêriôgia năm 1990
Trên cầu trượt năm 1993

 

Tùng chụp ảnh năm 1992

Tạt qua sứ quán tôi sắm được cân gạo nếp, ít đỗ xanh. Không kiếm đâu được lá dong ở cái xứ toàn tuyết là tuyết. Tôi bèn mua giấy bạc, cho gạo, đỗ xanh, thịt vào gói thành hai chiếc bánh chưng. Thay vì ninh bằng củi thì tôi xếp hai cái vào nồi hầm đặt lên bếp ga. Cố nhiên hương vị và mầu sắc không được như bánh chưng ở quê nhà. Biết làm sao được, chúng tôi đã cố hết cách. Vợ tôi ra quầy hoa mua mấy bông lay-ơn đỏ về cắm vào cái lọ gốm Đồng Nai, bên ngoài để mộc, vẽ hai con rồng múa lượn bằng men lam. Không khí ấm cúng hẳn lên. Hai đứa con bảo:

– Bánh gì mà to thế hả bố?

– Bánh chưng đấy. Nó là thứ đặc trưng cho cái Tết cổ truyền của Việt Nam, tương truyền có từ thời Hùng vương.

– Hùng Vương là ông nào ạ, con có biết không?

– Là ông Tổ của Việt Nam. Sau này lớn lên con sẽ biết. – Tôi xoa đầu con trai.

– Thế bà Tổ của Việt Nam là bà nào hả bố?

– ?!

Vợ tôi bảo:

– Bà Tổ là bà Âu Cơ đấy.

– Bà ấy có sang đây ăn bánh chưng với nhà mình không?

– Không, bà ấy ở một nơi xa lắm…

***

Tôi đang đọc “Sương xuân và hoa đào” tuỳ bút của nhà văn Vũ Thư Hiên. Bài này vừa được in trong tạp chí “Người bạn đường”. Nhà văn đã đưa tôi về cái không khí xuân của một Hà Nội cũ những năm giữa thế kỷ hai mươi. Tôi như nghe thấy văng vẳng bên tai tiếng leng keng của tầu điện, những hạt mưa xuân lất phất vương thành giọt trên mi mắt. Mùa xuân đấy, xuân của lòng người, xuân của đất trời. Một mùa xuân phai.

Ba mẹ con đang háo hức cắt bánh chia ra bốn cái đĩa. Trên bàn còn có bốn cốc trà đen đường với vài lát chanh vàng. Mầu nâu đậm của trà trong cốc đang nhạt dần đi.

Thằng Tùng lấy đĩa than cho vào máy quay bật bài “Happy New Year”…

Mùa xuân tràn ngập căn phòng.

Chúng tôi đã ăn một cái Tết no đủ như vậy đấy.

Khi viết những dòng này thì mùa xuân ở trong tôi đã vơi nhạt đi khá nhiều. Không còn háo hức, mong đợi. Chỉ còn chút kỷ niệm từ trong ký ức dội về.

Thương lắm đấy, xuân xưa!

Lê Thanh Minh

 

Tin cùng chuyên mục

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Tin cùng chuyên mục

Sôi nổi Hội thi vẽ “Tây Hồ quê hương em”

Hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4), sáng 17/4 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ, quận Tây Hồ đã tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc quận Tây Hồ năm 2024. Phát...

“Tháng Tư hy vọng” – thắp sáng ước mơ hội họa cho trẻ tự kỷ

Triển lãm tranh của trẻ tự kỷ với chủ đề “Tháng Tư hy vọng” vừa khai mạc hôm nay (17/4) tại Hà Nội. Triển lãm mang đến cho công chúng Hà Nội hơn 60 tác phẩm của 13 “họa sĩ” là...

Đại diện Hội đồng Tăng – già Phật giáo toàn đảo quốc Sri Lanka gặp gỡ giao lưu với các nghệ sĩ thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam

Sáng 15/4, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Hòa thượng Mugunghwa Anuruddha, đại diện Hội đồng Tăng – già Phật giáo toàn đảo quốc Sri Lanka đã tới Nhà Triển lãm Mỹ thuật...

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Giới thiệu chất liệu truyền thống tại triển lãm mỹ thuật “Ngũ hình”

(Chinhphu.vn) – Ngày 30/3, tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, Triển lãm mỹ thuật “Ngũ hình” của 5 họa sĩ đã giới thiệu tới người yêu mỹ thuật các tác phẩm bằng...

Có thể bạn quan tâm

Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2023

Chiều 6/12, Lễ khai mạc, trao giải thưởng Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2023, sự kiện quan trọng của giới mỹ thuật cả nước đã diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội. Triển lãm diễn ra...

TRIẾT LÝ NHÂN SINH CỦA NGƯỜI VIỆT TRONG HÌNH TƯỢNG CON LỢN

  Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp Câu thơ của Hoàng Cầm như reo một nốt nhạc vào lòng Tết nét hoài cổ về những bức tranh dân gian xưa. Những tranh...

“Nghê nơi cửa Khổng sân Trình” Cuộc đối thoại liên ngành Công nghệ – Di sản và Nghệ thuật

Suốt nhiều thế kỷ qua, người Việt chúng ta luôn hướng về Văn Miếu – Quốc Tử Giám để nguyện cầu những điều đẹp đẽ nhất, về tri thức, về sự nghiệp, về cơ hội được trở thành...

HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM TỔ CHỨC LỄ KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH HỌA SĨ LÊ QUỐC LỘC (1918-2018))

  Sáng ngày 18/10 tại hội trường Liên hiệp các VHNT Việt Nam, 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội đã diễn ra buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Lê Quốc Lộc (1918 – 2018), giải thưởng Hồ Chí...

80 tác phẩm “Vẽ con Rồng” được triển lãm tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Chiều 19/1, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp cùng doanh nghiệp sáng tạo TiredCity, Cộng đồng Việt Nam Local Artist Group (VLAG) đã khai mạc triển lãm tranh với...