Nhà điêu khắc Nguyễn Hoàng Ánh – Người giữ nhịp cho nền điêu khắc miền Nam giai đoạn 1986 đến nay

 

Lịch sử khai sinh và hình thành nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam nói chung từ thời kỳ nghệ thuật Đông Dương cho đến cuối những năm thập niên 80 của thế kỷ 20 đã sản sinh ra khá nhiều nhà điêu khắc (NĐK) tiêu biểu với những đóng góp nổi bật cho sự phát triển của nền điêu khắc nước nhà như: NĐK Vũ Cao Đàm, họa sĩ/NĐK Diệp Minh Châu, NĐK Lê Công Thành, NĐK Nguyễn Hải, NĐK Lê Thành Nhơn, NĐK Phạm Mười, NĐK Tạ Quang Bạo hay NĐK Phan Gia Hương… Riêng nền điêu khắc phía Nam lại có sự khác biệt về hoàn cảnh xã hội cũng như vai trò lịch sử nên ra đời muộn hơn so với mặt bằng chung, vì lẽ đó điêu khắc khu vực miền Nam chỉ sản sinh ra những nhân tố nổi bật thực sự có thể đóng góp cho sự phát triển điêu khắc nước nhà tính từ thời đại của những nhà điêu khắc như: NĐK Diệp Minh Châu, NĐK Lê Văn Mậu, NĐK Phạm Mười, NĐK Nguyễn Phước Sanh, NĐK Đinh Rú, NĐK Nguyễn Hải, NĐK Phan Thị Gia Hương… Tuy nhiên, nếu chỉ tính từ thời kỳ Đổi mới (tính từ năm 1986 cho đến những năm cuối thế kỷ 20) thì đây lại là một giai đoạn không tạo được nhiều ấn tượng bởi tình trạng khan hiếm những tên tuổi nổi trội trong lĩnh vực sáng tác. Chỉ có rất ít những nhà điêu khắc nổi bật hơn hẳn phần còn lại đã góp phần thúc đẩy sự phát triển điêu khắc phía Nam nói chung cũng như TP.HCM nói riêng và tiêu biểu nhất là NĐK Nguyễn Hoàng Ánh (tên thật là Nguyễn Hoàng Anh) – một người giàu lòng đam mê, sống hết mình với nghề, luôn mong mỏi về một nền điêu khắc nước nhà luôn phát triển, chuyên nghiệp,chuẩn mực, ổn định và có định hướng hơn.

 

Nguyễn Hoàng Ánh – “Tiếng khèn Chăm”, 1989, Đá hoa cương – Huy Chương VÀNG Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1990

 

NGUYỄN HOÀNG ÁNH – Chân dung Yersin. 1991 Đá nhân tạo. 100cm. Giải Nhì Triển lãm Mỹ thuật Kỷ niệm 10 năm giải phóng Thành phố Biên Hòa 1975-1985

Sinh 1960 tại Huế, NĐK Nguyễn Hoàng Ánh từng là một cựu học sinh hệ Trung cấp điêu khắc Trường Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai khóa 1981-1985 và từng là cựu sinh viên hệ đại học chuyên ngành điêu khắc tại Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM khoá 1986-1991, ông đã trải qua hơn 30 năm hoạt động điêu khắc chuyên nghiệp bao gồm cả hoạt động sáng tác lẫn giảng dạy.Với NĐK Nguyễn Hoàng Ánh, nghệ thuật điêu khắc như là một “mối duyên” bởi dường như ông được nghề chọn. Vốn xuất thân từ một gia đình học thức cùng một cuộc sống yên bình nhưng số phận đã đưa đẩy gia đình ông trở thành những người nông dân chân lấm tay bùn quanh năm suốt tháng đổ mồ hôi trên những cánh đồng khô cằn của vùng đất Nam Bộ. Và tưởng như, cả cuộc đời còn lại ông sẽ “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” ở một vùng đất xa lạ và hoang sơ. Tuy nhiên, cơ duyên đến với ông như là một định mệnh mà chính ông cũng không bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó ông phải để lại những nắm đất khô cằn, những cánh đồng bao la và những cánh rừng hoang bạt ngàn quen thuộc của vùng quê đã gắn bó gần như suốt quãng thời gian của tuổi trẻ, đó là cái ngày ông quyết định chọn con đường nghệ thuật để tạo dựng tương lai cho mình. NĐK Nguyễn Hoàng Ánh đã chọn Trường Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai để tạo cho mình những ý thức ban đầu về nghệ thuật điêu khắc. Bộc lộ tố chất từ rất sớm ngay từ những buổi đầu tiên được tiếp xúc với điêu khắc khi học Trung cấp điêu khắc tại trường và rất nhanh ông đã khẳng định được năng lực chuyên môn trong suốt quãng thời gian này. Sau khi hoàn thành khóa học, ông đã bước thêm một bước để tiếp tục trải qua 5 năm con đường học tập, nghiên cứu điêu khắc tại Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Có thể nói 5 năm đó là giai đoạn quan trọng nhất đã góp phần tạo nên một NĐK Nguyễn Hoàng Ánh có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến rất nhiều thế hệ từ đương thời cho đến hậu sinh, không chỉ ở phía Nam mà trên bình diện cả nước.

NGUYỄN HOÀNG ÁNH – Chim sáo. 2000. Đồng. 170cm. Giải Bạc Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc về đề tài Lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam (1999-2004)

 

NGUYỄN HOÀNG ÁNH – Bán trà đá. 1988. Đồng. 110cm Giải Ba Triển lãm Mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam 1997

Sự nghiệp của NĐK Nguyễn Hoàng Ánh không quá chói lọi với ánh hào quang mà nhiều NĐK hay những nghệ sĩ khác vẫn luôn coi là cái đích phải đạt tới, tuy nhiên không có nghĩa là con đường sáng tác của ông thiếu đi những điểm nhấn. Hơn 30 năm làm việc chăm chỉ, miệt mài, tâm huyết, ông đã gặt hái được rất nhiều giải thưởng lớn nhỏ mang tầm quốc gia và khu vực được thể hiện qua những tác phẩm tiêu biểu ở mỗi giai đoạn sự nghiệp như: Tiếng khèn Chăm, 1989, Đá hoa cương – Huy chương vàng Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1990; Chân dung Yersin, 1991, Đá nhân tạo – Giải Nhất Triển lãm Mỹ thuật kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Viện Pasteur TP.HCM năm 1991); Chiến sĩ đặc công, 1984, Thạch cao – Giải nhì Triển lãm Mỹ thuật kỷ niệm 10 năm Giải phóng Thành phố Biên Hòa 1975-1985); Bởi đâu, 1988, Đá hoa cương – Giải nhì Triển lãm Mỹ thuật – Mỹ nghệ lần 2 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tại Hà Nội năm 1989; Chim sáo, 1999, Đồng – Giải bạc Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam (1999-2004); King, 2007, Đá hoa cương – Giải nhì Triển lãm Báo cáo các Trại sáng tác của Hội Mỹ Thuật TP.HCM năm 2007; Bán trà đá, đồng, 1988 – Giải ba Triển lãm Mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1997; Đất thở, 2006, Đồn – Giải C Triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam Khu vực VI năm 2006)…

NĐK Nguyễn Hoàng Ánh ý thức rất rõ về tầm quan trọng củaviệc sáng tác và các hoạt động triển lãm đối với một người nghệ sĩ từ rất sớm. Ngay từ ở ngưỡng tuổi mà nhiều bạn bè đồng trang lứa còn an phận với vai trò của một người sinh viên trong môi trường đại học và việc được tham dự một cuộc triển lãm vẫn còn là một giấc mơ thì ông đã gửi tác phẩm Tiếng khèn Chăm tham dự Triển lãm Điêu khắc Toàn quốc năm 1990 với truyền thống hơn 70 năm và đã đạt Huy chương vàng tạo nên một tiếng vang lớn cho cả khu vực phía Nam lẫn toàn quốc. Ngoài ra, tác phẩm Bán trà đá – cũng là một tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn ông còn đang là sinh viên đại học đã giành Giải ba Triển lãm Mỹ thuật của Hội Mỹ Thuật Việt Nam năm 1997. Suốt những năm sau đó cho đến nay là cả một quãng thời gian ông miệt mài làm việc và đã không ngừng gây dựng nên một sự nghiệp sáng tác đáng tự hào với những tác phẩm làm nên thương hiệu cũng như tên tuổi cho bản thân. Những tác phẩm của ông là kết tinh của nhận thức,chiêm nghiệm về cuộc sống thông qua những cảm xúc và rung động cá nhân mang đậm hương hồn dân tộc cũng như chất chứa những tâm tư sâu lắng và biểu hiện một ngôn ngữ điêu khắc riêng biệt. Nghệ thuật của ông hầu như hội tụ được tất cả những yếu tố cần cho một tác phẩm đúng nghĩa, từ tư duy bố cục, biểu cảm của chất liệu cho đến ngôn ngữ của hình-khối đã góp phần thể hiện được tinh thần của chủ đề cũng như làm toát lên cái hồn của tác phẩm. Thành quả ấy đã góp phần đặt nền móng cho một nền điêu khắc ở một giai đoạn khập khiễng với những định hướng không rõ ràng về ngôn ngữ lẫn tư tưởng trong sáng tạo.

NGUYỄN HOÀNG ÁNH – “King”. 2007. Đá Giải Nhì Triển lãm Báo cáo các Trại Sáng tác của Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh năm 2007

 

NGUYỄN HOÀNG ÁNH – Hai chàng. 1994. Đồng. 70cm

Trong suốt 30 năm sự nghiệp sáng tác, NĐK Nguyễn Hoàng Ánh không cho ra đời quá nhiều tác phẩm. Gia tài về số lượng tác phẩm của ông cũng không đồ sộ như những NĐK nổi tiếng khác mà chỉ tầm khoảng trên dưới 100 tác phẩm trong đó hầu hết là thể loại tượng tròn. Ông vẫn duy trì thói quen và ngọn lửa sáng tạo nhưng không sáng tác ồ ạt khi chưa thật sự ưng ý với những ý tưởng mới. Ông chỉ quyết định lựa chọn bắt tay vào thực hiện công đoạn phóng lớn khi đã chọn được một phương án phác thảo mà ông cho là tốt nhất sau khi đã trải qua thử tháchvới thời gian chiêm ngắm và lắng nghe cảm xúc.

Trong sáng tác, quan niệm về cái gọi là “phong cách sáng tác” của NĐK Nguyễn Hoàng Ánh cũng rất riêng. Ông không chấp nhận sự khuôn mẫu như một anh chàng mỗi ngày ra đường đều mặc một kiểu áo na ná nhau chỉ để mong được người ta nhớ tới. Hầu như ông luôn tạo ra những tác phẩm mang tinh thần bố cục khác nhau. Khi đã thai nghén một ý tưởng nào đó thì không ai có thể biết trước được ông sẽ sáng tác về chủ đề gì cho đến khi tác phẩm được trình làng; khi đó, người xem mới nhận thấy trong những tác phẩm đầy mới mẻ ấy hoàn toàn vẫn là phong cách nghệ thuật của chính ông nhưng không bao giờ lặp lại chính mình. Cho nên, với NĐK Nguyễn Hoàng Ánh, phong cách riêng của ông chính là trung thành với một tinh thần dựa trên một quan niệm nghệ thuật nhất quán chứ không phải chỉ chăm chút vào cái vỏ bọc bên ngoài. Đây là một quan điểm nghệ thuật mà không nhiều nhà điêu khắc nào cùng thời có đủ bản lĩnh dấn thân theo đuổi.

NGUYỄN HOÀNG ÁNH – Dòng sông hát. 2001. Đồng. 80x200cm

 

NGUYỄN HOÀNG ÁNH – Phóng sinh. 1999. Đồng. 120cm

Cũng như nhiều người làm nghệ thuật khác, NĐK Nguyễn Hoàng Ánh rất coi trọng vai trò trung tâm của con người trên hành trình khám phá thế giới của cái đẹp. Ông sáng tác rất nhiều về đề tài con người, bởi với ông, con người tuy là một thực thể nhỏ bé nhưng lại có khả năng chứa đựng cả một thế giới vô hạn về cái đẹp và ẩn khuất sâu thẳm bên trong là những cảm xúc nội tâm sâu sắc cần được khám phá. Vẻ đẹp từ con người là món quà tuyệt mỹ, to lớn nhất được tự nhiên ban tặng và trong mỗi người đều chất chứa một tâm hồn đẹp. Mặc dù vẻ đẹp ấy ở trong mỗi con người không bao giờ là hoàn hảo nhưng đó lại là một khiếm khuyết của sự hoàn hảo. Điều đó mang đến cho ông động lực để thôi thúc ông đi sâu hơn vào thế giới nội tại trong từng nhân vật, hiểu từng nhân vật một cách thấu đáo nhằm tạo nên những tác phẩm đầy sâu sắc và giàu trải nghiệm.

Đam mê vẻ đẹp của con người, bên cạnh những tác phẩm về đàn ông, người già và trẻ em, ông còn sáng tác rất nhiều về phụ nữ. Hình tượng người phụ nữ là cái gì đó đặc biệt luôn được ông ưu ái, chăm chút hơn cả. Có lẽ ông cũng mong muốn tiếp nối các thế hệ đi trước khai thác cái đẹp của người phụ nữ qua ngôn ngữ của nghệ thuật điêu khắc tạo hình. Những tác phẩm điêu khắc về đề tài nàycủa ông luôn giàu sức sống và toát ra ở ngôn ngữ hình thể nhờ vào các thủ thuật tạo hình tinh tế cùng với mang đến sự lôi cuốn qua tinh thần bố cục. Sâu lắng, cô đọng, trong trẻo, thấm đượm cái tình và phảng phất chất thơ là những đặc điểm toát ra từ các hình tượng phụ nữ trong tác phẩm điêu khắc của NĐK Nguyễn Hoàng Ánh. Với NĐK Nguyễn Hoàng Ánh, không có phụ nữ nào xấu, chỉ là bạn không cảm được vẻ đẹp của người phụ nữ bạn thấy mà thôi! Những tác phẩm mà ông khai thác về đề tài phụ nữ thường ẩn chứa những vẻ đẹp rất đời thường, nhẹ nhàng, tinh tế và cũng rất “tình”. Ông có cái tài là cảm được vẻ đẹp sâu thẳm bên trong ở mỗi người phụ nữ và qua sự nhào nặn bởi đôi tay cũng như xúc cảm riêng của ông, bất kỳ hình tượng người phụ nữ nào cũng trở nên thật đẹp theo nhiều cách khác nhau.

NGUYỄN HOÀNG ÁNH – Mẹ trẻ. 2000. Composite

 

NGUYỄN HOÀNG ÁNH – Thú cưng. 2018. Gốm men. 30x70cm

NĐK Nguyễn Hoàng Ánh là người có quan điểm tạo hìnhtheo thiên hướng duy mỹ và có niềm tin tuyệt đối vào điều này. Do đó, những tác phẩm của ông thường đề cao tính trang trí, chú trọng đến tính hài hòa của tổng thể và sự cân bằng cái đẹp giữa hai giá trị ý và hình. Không chỉ thiên về hình thức, những tác phẩm của NĐK Nguyễn Hoàng Ánh cũng luôn đầy sâu lắng, ngôn ngữ không dồn dập,không dữ dội bằng những khối hình có tính va đập mạnh mà chỉ nhẹ nhàng như từng hơi thở. Điêu khắc của ông cũng không quá gây ấn tượng bởi sự hào nhoáng bên ngoài, không nổi bật bởi kích cỡ nhưng ẩn chứa một vẻ đẹp thuần khiết từ bên trong toát ra và chất chứa tinh thần sâu sắc trên nền triết học Á Đông, tựa như tiếng chuông Chùa, vang lên, ngân xa để rồi không bao giờ muốn dứt. Vốn là một người luôn toát ra vẻ “lạc quan tếu” và lúc nào cũng có thể tạo ra không khí vui vẻ, nhưng đằng sau sự tươi vui ấy trong sâu thẳm ông lại luôn chất chứa những tâm tư không dễ thấu cảm. Có lẽ vì vậy mà tác phẩm của ông thường mang vẻ trầm mặc, giàu nội tâm, đặc biệt là những tác phẩm điêu khắc nội thất được sáng tác dựa trên bằng chất liệu đồng. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, NĐK Nguyễn Hoàng Ánh đã trải nghiệm qua hầu hết các chất liệu truyền thống như đồng, đá, gỗ, gốm và sau này là sắt cũng như một số chất liệu phi truyền thống khác.Nhưng sau cùng thì đồng mới là chất liệu mà ông luôn nghĩ đến mỗi khi bắt đầu thai nghén một ý tưởng mới. Ngay từ những năm đầu tiên chập chững với nghệ thuật điêu khắc trang trí tại Trường Trung cấp Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai, ông đã có cơ hội tiếp cận và trải nghiệm với kỹ thuật đúc đồng truyền thống Biên Hòa. Đó là một mối cơ duyên khác đã dẫn dắt cảm xúc để ông khám phá sâu hơn vẻ đẹp tiềm ẩn và kỳ bí của chất liệu này, đồng thời tạo tiền đề giúp ông gắn bó bền chặt hơn với nghệ thuật điêu khắc.

Ông sống như để thở cùng một nhịp với âm vang và sự ấm nóng của đồng. Bởi không có chất liệu nào khác có thể tạo nên nguồn cảm hứng vô hạn và mang lại sự hưng phấn cao nhất mỗi khi ông bắt tay vào sáng tác. Chất liệu đồng đóng vai trò rất quan trọng trong các tác phẩm của NĐK Nguyễn Hoàng Ánh, bởi chỉ có đồng mới có khả năng tạo ra nhịp đập, đẩy tinh thần cho các tác phẩm của ông lên ngưỡng cao nhất của sự cao quý nhưng lại thật bình dị và thấm đượm tâm hồn Việt như chính con người của ông. Ngược lại, chỉ có NĐK Nguyễn Hoàng Ánh mới cảm được sự ấm áp và “tần số âm thanh” của đồng, nâng tầm từmột chất liệu đơn thuần về vật chất để trở thành yếu tố quan trọng bậc nhất góp phần tạo nên những đứa con tinh thần chất chứa một thứ ngôn ngữ riêng biệt. Với NĐK Nguyễn Hoàng Ánh, đồng như là huyết mạch không thể thiếu trong chuỗi sáng tác kéo dài xuyên suốt cả sự nghiệp của mình. Khi bàn luận về điêu khắc hay khi nói về chất liệu đồng, sẽ luôn nhận thấy sự đam mê cháy bỏng, sự hứng khởi toát ra từ thần thái của ông, và dòng chảy sáng tác của ông cứ luôn chực chờ để tuôn ra để thỏa mãn ngọn lửa sáng tạo không bao giờ muốn tắt ấy.

Là một nhà điêu khắc có tính cầu toàn, Nguyễn Hoàng Ánh đặt yêu cầu rất cao cho bản thân. Cũng chính vì thế mà những tác phẩm của ông sau khi hoàn thành thường chinh phục được những người khó tính nhất, không chỉ sự hài hòa giữa nội dung và hình thức mà còn là tính hoàn thiện, tỉ mỉ trên từng chi tiết nhỏ nhất. Ông chau chuốt từng miếng hình, mân mê từng đường nét, góc cạnh. Đối với NĐK Nguyễn Hoàng Ánh, công việc sáng tạo không chỉ đơn giản là nhào nặn, ve vuốt thỏi đất trong đôi bàn tay hay là những thao tác đục đẽo, mài cắt trên những khối đá, hoặc ve vuốt bề mặt mát lạnh của đồng để đi tìm sự tinh tế và trong trẻo trong từng khối hình, mà sáng tác chính là những lúc ông hòa quyện vào dòng chảy của sự đam mê với tác phẩm của ông, đắm chìm trong thế giới riêng biệt của chính mình. Mỗi khi sáng tác NĐK Nguyễn Hoàng Ánh cho thấy sự nhạy cảm từ trái tim và sự nhạy bén của tư duy, đó là những ưu điểm nổi trội nên ông có thể tạo nên những tác phẩm mang vẻ đẹp bền vững, đi cùng vớithời gian, ít nhất là ở giai đoạn 30 năm trở lại đây.

Là người có tâm huyết với nghề, NĐK Nguyễn Hoàng Ánh lúc nào cũng mong mỏi luôn có những thế hệ trẻ kế tục sự đam mê trên con đường nghệ thuật. Ông mong muốn lớp trẻ không nên chỉ coi điêu khắc là một nghề để kiếm sống đơn thuần như bao nghề khác mà cần đặt vị thế của người làm nghề cao hơn để nâng tầm cái nghề cũng như để khai phá chất nghệ trong mỗi người. Mỗi nhà điêu khắc cần mở mang nhận thức, giải phóng bản thân, biết nâng niu cảm xúc và lưu giữ tâm hồn để làm nền tảng trên con đường trở thành những nghệ sĩ thực thụ vàtài năng trong tương lai, cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà, tôn tạo nên một nền nghệ thuật chân chính. Và NĐK Nguyễn Hoàng Ánh tâm nguyện rằng, để có một nền điêu khắc chân chính thì trước tiên mỗi nhà điêu khắc ngoài giỏi về nghề, thông hiểu về kiến thức xã hội, và phải tự nhào nặn bản thân để trở thànhmột người nghệ sĩ tâm huyết, giàu đam mê, và mỗi người phải là “viên ngọc quý” ở giai đoạn mà họ đang sống. Đó mới là phẩm chất cao quý nhất một nhà điêu khắc luôn cần có để gầy dựng và phát triển nên một nền điêu khắc vững mạnh và có bản sắc.

Trần Tuấn Nghĩa 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://hoanganhsculpture.wordpress.com/author/hoanganhsc/page/2/

 

Tin cùng chuyên mục

Nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng: Từ tượng đài đến những phá cách

NDO – Tại triển lãm “Nắng tháng 3” khai mạc ngày 16/4 do Hội Mỹ thuật Thành phố Đà Nẵng sẽ phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức tại Bảo tàng, nhà điêu khắc, tác giả...

Tác phẩm “Hội cầu mưa” của họa sĩ Nguyễn Thái Cớ thể hiện giao cảm và những nét độc đáo

Tham gia nhiều hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật Hưng Yên, tôi có nhiều cơ duyên gặp họa sĩ trẻ Nguyễn Thái Cớ. Mỗi lần trao đổi về nghệ thuật, tôi đều có ấn tượng về tố chất...

Dòng chảy âm thầm, sâu lắng trong tranh Nguyễn Ngọc Thọ

Cố họa sĩ Ngọc Thọ (1925-2016) thuộc thế hệ thứ ba của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, sau “Đông Dương” và “Kháng chiến”. Tên tuổi ông gắn với hội họa sơn mài, sơn dầu, mang bản...

Tiếng hót trong đêm

Trong những ngày Hà Nội vào độ cuối thu, Blue Space Gallery kết hợp với Manzi Art Space đã tổ chức một sự kiện văn hóa đặc biệt: triển lãm “Tiếng hót” kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố họa sĩ...

Quyện trong thế giới hội họa của Nguyễn Đình Tuyên

NDO – Không khoa trương, không ồn ào, không nổi loạn, Nguyễn Đình Tuyên đến với hội họa bằng một tình cảm chân thành hiếm có. Bút pháp của anh hòa quyện giữa tô và vẽ, giữa vẽ và bôi,...

Có thể bạn quan tâm

Họa sĩ Hoàng Công Luận sự nghiệp sáng tác và đào tạo

Năm 1958, đặc khu Hồng Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh) mở đợt chỉnh đốn vùng than, được gọi là cải tiến quản lý xí nghiệp nhằm tăng nhanh sản lượng than đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất...

Tôn vinh di sản văn hóa và sản phẩm thủ công truyền thống

(ĐCSVN) – Triển lãm “Không gian di sản văn hóa và sản phẩm thủ công truyền thống” tại Ninh Bình sẽ diễn ra từ ngày 13 – 19/11. Chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11, Trung tâm Triển...

Bìa Tạp chí Mỹ thuật số 303&304 tháng 3-4/2018

...

Sôi nổi Hội thi vẽ “Tây Hồ quê hương em”

Hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4), sáng 17/4 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ, quận Tây Hồ đã tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc quận Tây Hồ năm 2024. Phát...

Lịch khai mạc triển lãm mỹ thuật khu vực lần thứ 24 năm 2019

...