NGUYỄN LINH 4 – BÙNG NỔ VÀ THĂNG HOA VỚI CHÈO, VÀ…

 

6h30 tối ngày 20 tháng 12 năm 2020, ngày cuối của triển lãm “Nguyễn Linh 4”, khi các nhân viên phục vụ tại nhà triển lãm Art Space, 42 Yết Kiêu, Hà Nội, đang hạ tranh xuống để đóng gói, thì một người trẻ tuổi lịch lãm ào vào, đề nghị họ cho phép được xem thêm ít phút các tác phẩm đang nằm dưới chân tường. Anh là nhà sưu tập Phùng Đắc Quang, một doanh nhân thành đạt, một nhà bảo trợ nghệ thuật khá quen thuộc trong giới mỹ thuật trẻ thủ đô Hà Nội. Vừa suýt xoa tiếc rẻ vì bận công tác ở Sài Gòn nên không kịp ra Hà Nội dự khai mạc, nhà sưu tầm vừa trầm trồ với vẻ thích thú: “Những bức tranh rất hiện đại, nét vẽ rất ấn tượng !” Chỉ tay vào hai bức “Chọi trâu” chưa đóng gói, anh tiếp: “Nhìn trên facebook rất khác. Xem tận mắt thích thật, và hay hơn bao nhiêu !”

Quả thật, trong triển lãm này, những bức tranh “Chọi trâu”, “Bò” được nhiều người thích bởi lối vẽ nét táo bạo, mạnh mẽ cùng bố cục chắc nịch gợi khối như những phù điêu tạc trên đá tảng. Nhưng ngoài mảng tranh động vật thật sinh động, những cụm tranh chân dung, lễ hội, hầu đồng, chèo… dưới bút pháp biểu hiện thiên về dùng nét của ông thật gần gũi mà lạ lẫm, thật giản dị mà không kém phần tinh tế. Đây là lần thứ tư hoạ sĩ Nguyễn Linh (sinh năm 1961 tại Hà Nội) làm triển lãm cá nhân. Tuy vẫn vẽ đều kể từ ngày ra trường, nhưng trong gần 10 năm trở lại đây ông hầu như không hề công bố tác phẩm. Thậm chí, một số bạn thân từng học chung khoá 22 (1978-1983), Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, cũng không hề biết ông đã vẽ những gì kể từ lần triển lãm cá nhân thứ 3, vào cuối năm 2011. Do vậy, gần 40 bức tranh khổ lớn ông công bố lần này được giới mỹ thuật và công chúng rất tò mò, háo hức đón chờ, và quả nhiên, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.
Theo dõi tiến trình hội hoạ của Nguyễn Linh trong gần bốn chục năm nay, nhà phê bình Nguyễn Quân nhận xét: “Nguyễn Linh vẽ chân dung loại cao thủ rồi.

Họa sĩ Nguyễn Linh đang quét lớp vec-ni cuối cùng lên bức tranh “Sân khấu chèo” tại triển lãm trước ngày khai mạc

 

NGUYỄN LINH – Chọi trâu. 2020. Bộ tranh đôi chất liệu tổng hợp

Lần này tôi thích nhất những tự hoạ hoang mang với nude bự thân thiện, dù hơi kiểu Bacon một xíu.” Cùng với những chân dung tự hoạ khoẻ khoắn, phóng túng hay chân dung các văn nghệ sĩ thân thuộc được thể hiện rất cá tính và có thần, những bộ tranh khổ lớn với nhiều chủ đề khác nhau, nhất là mảng “Chèo”, cho thấy Nguyễn Linh luôn luôn làm chủ nét bút, làm chủ không gian. Những cơ thể người trong mảng tranh “nude” được ông tả thực rất duyên và biểu cảm. Bộ tranh chèo và lên đồng là bước đột phá của Nguyễn Linh vào lãnh địa tưởng chừng xưa cũ và được rất nhiều hoạ sĩ say mê. Hề, Suý Vân, Lý Trưởng, Mẹ Đốp … những hình tượng quá quen thuộc trên sân khấu truyền thống cũng như trong hội hoạ Việt hiện đại nay bỗng lạ lẫm, sống động dưới nét bút khoái hoạt của ông. Sử dụng các nét bút đầy bản lĩnh của người làm chủ cuộc chơi, những thế dáng, điệu bộ, cử chỉ của các nhân vật được ông mô tả thật tài hoa, giàu sức sống.
Nhiều bức với chủ đề lễ hội được ông vẽ tới hàng chục, thậm chí hàng trăm nhân vật trong vô số điệu dáng, y phục khác nhau nhưng vẫn có sự hoà quyện trong những không gian ước lệ sinh động, đáp ứng ý niệm nghệ thuật có chủ đích. Không gian ba chiều dễ dàng được cảm nhận qua các nét phác tạo kết cấu dạng khung hay thủ pháp xếp đặt tương phản các diện sáng-tối, nóng-lạnh, đặc-rỗng của ông. Ngoài ra, cũng nhờ những mảng mầu vừa hiện đại vừa dân gian, đậm sẫm, đối chọi trong những bố cục bất ngờ, không gian trong tranh Nguyễn Linh nhuốm vẻ siêu thực phi thời gian.

Ngay trong buổi khai mạc, hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, đã bày tỏ cảm tưởng: “Triển lãm lần này đan xen cả những tiếng cười trào lộng, đôi khi cũng xót xa về những cảnh đời. Ở đây, anh đã lựa chọn sân khấu chèo, cái chiếu chèo sân đình để thể hiện một tiếng nói riêng, một cách nhìn riêng bằng ngôn ngữ của hội hoạ, và tôi cho rằng anh đã thành công ở mảng tranh này trong triển lãm.” Còn nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Hà Bắc, trên trang facebook cá nhân, viết rằng: “mảng tranh về chèo của hoạ sĩ Nguyễn Linh tạo cho tôi nhiều cảm xúc… Nói đến nghệ thuật chèo cổ độc đáo, ta luôn có cảm giác thật uyển chuyển của nhịp điệu, ước lệ của động tác và tưng bừng của mầu sắc… thật tuyệt vời. Ở tranh vẽ chèo của hoạ sĩ Nguyễn Linh đã phần nào phản ánh được cái âm hưởng dân gian đó. Khác với chèo của Bùi Xuân Phái thật mềm mại bảng lảng, tranh chèo của hoạ sĩ Nguyễn Linh mạnh mẽ hơn, khúc chiết hơn mà vẫn rất ra chất chèo… Đây là mảng tranh rất có chất, và ít nhiều mang phong cách riêng của Linh. Rất ấn tượng.”

NGUYỄN LINH – Phương Đông huyền bí (bộ 3 bức). 2020. Chất liệu tổng hợp

Nguyễn Linh bộc bạch hết sức giản dị nhưng không kém phần sâu sắc về các ý tưởng sáng tác cá nhân: “Nghệ thuật Chèo truyền thống là một đề tài gây cảm hứng cho nhiều thế hệ hoạ sỹ sáng tác với nhiều góc nhìn cũng như đa dạng về chất liệu. Tôi cũng bị cuốn hút về vẻ đẹp của sự đơn giản, quyến rũ của vũ đạo, sự biểu lộ phong phú, trào lộng của nhân vật, tiếng ca thì rất mê hoặc và thật sự phấn khích khi vẽ nó; cũng thật khó để truyền tải nó thành tranh theo góc nhìn của mình. Tôi đã chọn Chèo, cho nó trở về cuộc sống đời thường, ở lễ hội làng, ở những chiếu chèo trong những sân đình sau vụ thu hoạch. Nó không còn ở không gian sân khấu nữa. Những mầu sắc trong tranh của tôi là những mầu nâu, đen xám, màu sen… của cuộc sống những người nông dân đồng bằng Bắc bộ trong một không gian ước lệ, hư hư thực thực. Gương mặt nhân vật là những con người thường ngày với những thân phận đời thường trong cái cuộc sống đang diễn ra hàng ngày. Họ đang hát, đang kể về câu chuyện của họ”.

Nói về ý thích xen cài các mô-típ hay hình tượng của một số danh hoạ mà ông yêu quý vào trong tác phẩm của mình, ông tâm sự: “Chủ đề lễ hội Việt là đề tài cũng làm tôi phấn khích, nó thử sức với người hoạ sỹ. Với khổ toan lớn, với nhiều nhân vật và nhiều tầng lớp tụ tập trong những lễ hội, tôi vẫn chọn hệ thống nét với chất liệu dân gian, từng lớp nhân vật với những hoạt động như múa sư tử, rước kiệu, phường chèo… tạo thành một không khí lễ hội thường thấy ở những vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ. Trong những nhân vật lễ hội đó, tôi mời thêm những nhân vật rất đẹp, rất đặc trưng của Nguyễn Tư Nghiêm, của Nam Sơn… cùng với nhân vật của tôi tạo nên một bức tranh hoàn hảo về Văn hoá Dân gian Việt Nam.”

NGUYỄN LINH – Suy tư. 2020. Chất liệu tổng hợp

Rất nhiều hoạ sĩ và người thưởng lãm đến phòng tranh hoặc xem qua mạng internet, đã có những cảm nhận khá tương đồng: “Tuyệt vời!” (hoạ sĩ Thành Chương, Hà Nội), “Hay! Rất tiếc không ra Hà Nội để thưởng lãm!” (hoạ sĩ Ca Lê Thắng, Sài Gòn), “Quá đẹp!” (hoạ sĩ Đặng Tiến, Hải Phòng), “Một bất ngờ ấn tượng của Linh!” (nhiếp ảnh gia Dương Minh Long, Hội An), “… Nguyễn Linh vẽ nhiều, đầy năng lượng…” (hoạ sĩ Lê Huy Văn, Hà Nội), “… một sự kiện mỹ thuật bùng nổ; nhiều thứ được đẩy tới hạn…” (nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn, Hà Nội).

Quan tâm tới bút pháp và kỹ năng, hoạ sĩ Phạm An Hải bày tỏ: “… cảm giác thật xúc động và choáng ngợp với sức làm việc của anh … chưa bàn xấu đẹp vì còn tuỳ theo thị hiếu mỗi người … nhưng với tôi thì thấy có hai điều đáng học hỏi ở anh, đó là lòng yêu nghề rất mãnh liệt và sự cẩn thận trong từng nét bút.” Trong không gian nhà triển lãm, được ‘tương tác’ với các nhân vật và tác phẩm, danh chèo Xuân Hinh cảm động như thấy chính mình “trong tranh của Nguyễn Linh”, còn nữ đạo diễn điện ảnh Nguyễn Hoàng Điệp lại thích thú chiêm nghiệm cái cảm giác lọt vào “… giữa những bức tranh khoẻ mạnh tốt lành, dẫu dã thú hay đét-xanh dân gian Đông Dương hiện đại, thật buồn cười, khi ngắm mấy bức “Đau đầu” thì cơn đau đầu của tôi bỗng dưng biến mất.”

NGUYỄN LINH – Lễ hội làng tôi (3 tấm). 2020. Chất liệu tổng hợp

Ở góc nhìn mỹ học, triết gia Paul Nguyễn Hoàng Đức chia sẻ: “Phòng tranh rất giàu cá tính và ý tưởng […] có sự lộng lẫy hoá, sự phong phú hoá và sự mỹ học hoá […] Anh đã nâng tất cả những gì lam lũ, bình thường, nghèo nàn trở thành ngôn ngữ của nghệ thuật, kể cả phường chèo và những người đàn bà nhà quê rất Việt Nam với những thân hình rất nông dân, rất phồn thực Á Đông. Tất cả những điều ấy đã trở thành ngôn ngữ của nghệ thuật, được mỹ học hoá !”

Qua những mốc triển lãm cá nhân, tới thời điểm này, rõ ràng nét đã thành yếu tính nổi bật và đặc trưng nhất trong hội hoạ của Nguyễn Linh. Hơn một năm nay, toàn xã hội bị khủng hoảng bởi đại nạn COVID-19, thì kỳ lạ thay hội hoạ của Nguyễn Linh lại thăng hoa kết trái thành hàng trăm tác phẩm chất chứa lạc quan. Với ông, được mê mải vẽ quên thời gian, tuổi tác, được chân thành say đắm với “nàng” hội hoạ ngót một vòng hoa giáp đã là viên mãn. Cũng tại lễ khai mạc triển lãm, hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn thổ lộ sự cảm mến trước sức làm việc bền bỉ và nguồn cảm hứng chưa hề vơi cạn của Nguyễn Linh: “Tôi mừng vì bạn tôi vẫn còn vẽ mạnh mẽ, bung tỏa cảm xúc như thế. Bởi vì thế hệ của chúng tôi là thế hệ hầu hết đã chững lại, một thế hệ đã đổi gác”.
Với riêng tôi, Nguyễn Linh đã thể hiện sự bứt phá để vượt qua chính mình một cách đầy tự tin và kiêu hãnh. Sở hữu năng lực sung mãn và khả năng sáng tạo bùng nổ, đặc biệt là với sự thăng hoa của tinh thần chèo trong những sáng tác gần đây, ông đã tự khắc hoạ mình như một diện mạo độc đáo, rất đáng được nhắc đến trong nền mỹ thuật Việt đương thời.

Tháng 12/2020
Phạm Long

Tin cùng chuyên mục

Tác phẩm “Hội cầu mưa” của họa sĩ Nguyễn Thái Cớ thể hiện giao cảm và những nét độc đáo

Tham gia nhiều hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật Hưng Yên, tôi có nhiều cơ duyên gặp họa sĩ trẻ Nguyễn Thái Cớ. Mỗi lần trao đổi về nghệ thuật, tôi đều có ấn tượng về tố chất...

Dòng chảy âm thầm, sâu lắng trong tranh Nguyễn Ngọc Thọ

Cố họa sĩ Ngọc Thọ (1925-2016) thuộc thế hệ thứ ba của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, sau “Đông Dương” và “Kháng chiến”. Tên tuổi ông gắn với hội họa sơn mài, sơn dầu, mang bản...

Tiếng hót trong đêm

Trong những ngày Hà Nội vào độ cuối thu, Blue Space Gallery kết hợp với Manzi Art Space đã tổ chức một sự kiện văn hóa đặc biệt: triển lãm “Tiếng hót” kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố họa sĩ...

Quyện trong thế giới hội họa của Nguyễn Đình Tuyên

NDO – Không khoa trương, không ồn ào, không nổi loạn, Nguyễn Đình Tuyên đến với hội họa bằng một tình cảm chân thành hiếm có. Bút pháp của anh hòa quyện giữa tô và vẽ, giữa vẽ và bôi,...

Triển lãm cá nhân “Ảnh xạ” của họa sĩ Trang Thanh Hiền

Triển lãm cá nhân “Ảnh xạ” diễn ra từ ngày 07 đến 15/11/2023 tại phòng Bảo tàng, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, số 42, Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Triển lãm cá nhân lần thứ hai của...

Có thể bạn quan tâm

VỀ BỘ SƯU TẬP TRANH CÔNG GIÁO CỦA CỐ LINH MỤC ĐAMINH TRẦN THÁI HIỆP

  Có thể nói về một nền Nghệ thuật Công giáo Việt Nam, và một trong những người có công hàng đầu trong việc thúc đẩy cho sự ra đời và phát triển của nền nghệ thuật này, chính là cố...

Nghiệm cảnh để phân biệt hội họa và minh họa ý tưởng

Triển lãm cá nhân với chủ đề “Nghiệm cảnh” của họa sĩ Nguyễn Thế Dung diễn ra từ nay đến 17-12, tại J Art Space (30 Đường số 10, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức). Cuộc trưng bày này là...

CHUYỆN BIÊN TẬP Ở TẠP CHÍ MỸ THUẬT

  Tính đến năm 2022, là tròn đúng 10 năm tôi bắt đầu vào làm việc cho Tạp chí Mỹ thuật (tháng 2/2012), và cũng tình cờ là đúng dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Tạp chí Mỹ thuật (1977-2022). 10...

Bìa Tạp chí Mỹ thuật số 321&322 tháng 9-10/2019

...

CHUYỆN VỀ ÔNG THIẾU BẢO

  Năm 1982, Bùi Xuân Phái lại vấp phải một “tai nạn” nghề nghiệp lần chót. Đó là vụ bản thảo tập thơ chép tay về Kinh Bắc của Hoàng Cầm. Khi đó, ông Thiếu Bảo (Trần Thiếu Bảo, giám...