MỘT NGƯỜI SÀI GÒN LÀM GỐM RAKU

 

Cách nay gần 20 năm, khu vực hồ Con Rùa buổi tối còn buồn tẻ, chỉ có một góc đông vui sáng đèn với hai quán mì Vịt tiềm chuyên bán cho giới nghệ sĩ và dân đi chơi đêm ở đường Trần Cao Vân, sát góc công trường quốc tế. Mùa SeaGames 1995, dân hâm mộ bóng đá chạy rần rần ngang khu vực này, hết mùa, lại vắng lặng từ sau 8 giờ tối.

Khách đi chơi đêm ở Sài Gòn không thể không ngạc nhiên với một gallery nhỏ luôn sáng đèn cho tới chín giờ tại khu vực đó. Phòng tranh mang tên Clay gallery. Những thứ sang trọng được chưng trong phòng tranh làm từ đất sét nung tráng men óng ánh, rất lạ lẫm trong mắt người Việt. Khách du lịch Tây, Nhật ghé qua, mua vài món đựng trong hộp giấy cứng, ngắm tranh của Hồ Hữu Thủ, Đinh Cường, Nguyễn Lâm… Họ lặng lẽ đứng xem phòng tranh như ở trong một ốc đảo lạc lõng giữa Sài Gòn, chưng một thứ gốm nghệ thuật óng ả và cao giá trong suy nghĩ của những người Việt trung lưu đã từng chưng gốm Biên Hòa hay Thành Lễ trước đó. Khái niệm gốm nghệ thuật còn chưa thịnh hành ở một đất nước vừa thoát khỏi khó khăn.

Khưu Đức bên cạnh các tác phẩm gốm được giải Tuyên dương danh dự từ Hiệp hội Gốm Virginia năm 1992

“Đó là những mơ mộng của tôi khi mới về Việt Nam” – Khưu Đức, chủ nhân Clay gallery và cũng là tác giả của những tác phẩm gốm trong đó – kể lại. Năm 1975, chàng cựu học sinh trường Trang trí Mỹ thuật Gia Định rời đất nước và tiếp tục học hai năm ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Bắc Virginia về Mỹ thuật Thương mại và ngành gốm. Lúc đó, anh không ngờ rằng, sự thích thú với chất liệu đất sét qua lửa nung sẽ đưa anh trở về sống trên quê hương mình.
Trước đó, Khưu Đức đam mê chất liệu sơn mài với gam màu, trầm sâu và matière óng ả đầy mê hoặc. Anh cộng tác làm tranh với họa sĩ Nguyễn Văn Minh, người đã lầm bức tranh sơn mài lớn Bình Ngô Đại Cáo trong dinh Độc Lập, tại phòng tranh của ông ở George Town, Washington D.C. Nhưng ở Mỹ, sơn ta (lacquer) do có độc tố nên bị cấm, họa sĩ Nguyễn Văn Minh muốn có sơn để vẽ phải tìm cách mua từ Nhật. Sau sáu tháng, Khưu Đức đành phải từ bỏ đam mê của mình vì khó khăn đó. Nhận thấy gốm Raku của Nhật với gam màu và matière rất gợi chất liệu sơn mài, anh quyết tâm theo học riêng về bộ môn này. Sau đó, anh hiểu lý do anh chọn gốm Raku không đơn giản như vậy.

Tác phẩm gốm Raku tại Clay gallery. Ảnh: Phạm Công Luận
Tác phẩm gốm Raku tại Clay gallery. Ảnh: Phạm Công Luận

Đó là một dòng gốm nổi tiếng của Nhật xuất phát từ Triểu Tiên. Có tài liệu ghi nhận rằng Ameya, cha của Raku Chojiro, được cho là người đã giới thiệu kỹ thuật chế tác men tam thái lần đầu tiên tại Nhật Bản. Những món tam thái kiểu Nhật này, tuy vậy, chưa được gọi là Raku. Danh từ này chỉ xuất hiện khi Raku Chojiro quen biết bậc thầy trà đạo Sen Rikyu (1522-1591), và chính ông này đã đề nghị Chojiro làm cho những chén trà dành riêng cho một nghi lễ thưởng trà do ông làm chủ. Có thể nói, khởi nguồn của gốm Raku là chế tác một chén trà riêng lẻ cho nghi lễ trà đạo. Và kỹ thuật này được lưu truyền gìn giữ trong gia đình Raku, suốt 15 đời làm gốm cho tới nay tại Nhật.
Bên cạnh những tác phẩm đa dạng kiểu dáng, do thấm nhuần tinh thần gốm Raku hiện đại, Khưu Đức đã thực hiện nhiều ấm trà bằng kỹ thuật này. Dù khởi nguồn của đồ Raku chỉ là chén trà thô mộc. Khưu Đức say mê tạo dáng ấm trà vì bản thân ấm trà đã mang một dáng dấp gợi ý cho sự thư giãn, tinh thần, lắng chìm trong suy tưởng. Và cũng vì gốm Raku phản ánh rõ hơn bất cứ loại gốm nào cái tinh thần của wachiba, một thể thức trà đạo do Sen Rikyu chủ trương, trộn cái “không” của Thiền và cái “Có” của Lão.

Trong chế tác ấm trà, Khưu Đức trung thành với kỹ thuật gốm Raku gốc, cho phép anh gửi gắm tâm hồn ý tưởng của mình vào mỗi sản phẩm trong suốt quá trình cho đến thành phẩm cuối cùng một cách xuyên suốt, trực tiếp và riêng biệt. Các ấm trà của anh đa dạng kiểu dáng, phá cách vì không phải mang gánh nặng sử dụng đúng công năng dù là cao cấp, có khi là dáng kim tự tháp, dáng tròn cổ điển như một ấm Nghi Hưng, có khi méo mó đến oằn oại. Matière trên thân gốm là kết quả kỹ thuật hun khói hoặc sốc nhiệt. Và những yếu tố khác dưới bàn tay tài hoa của anh, tạo nên sự độc đáo của Raku hiện đại, vừa mang nét thâm trầm, vừa có ánh kim loại. Cuối cùng, anh hiểu rằng tinh thần thiền của phương Đông mới là điều chính yếu quyến rũ anh, sau gần 20 năm sống ở xã hội phương Tây.

Tác phẩm gốm Raku tại Clay gallery Ảnh: Phạm Công Luận
Tác phẩm gốm Raku tại Clay gallery. Ảnh: Phạm Công Luận

Năm 1992, tác phẩm của anh được nhận cùng lúc Năm giải tuyên dương danh dự từ Hiệp hội Gốm bang Virginia. Từ đó, anh tự tin đi theo con đường mình chọn. Các gallery ở Mỹ từ Virginia, Maryland, Washington D.C quan tâm và mua, trưng bày tác phẩm của anh. Kết hợp với chuyên môn đang làm là trang trí nội thất, anh nhận được nhiều hợp đồng trang trí và dùng gốm Raku như một chất liệu tạo hình tại các nhà hàng, khách sạn lớn… Anh trở thành Hội viên Hội Nghệ thuật Gốm Virginia Hoa Kỳ và ISC (International Sculture Center) từ 1993.
Đó là lúc tâm thức quê hương trong anh trỗi dậy. Xuất thân từ một gia đình khá giả, anh có một người cha tha thiết muốn con đi theo con đường công chức như ông, lương cao, sống ổn định và thoải mái. Nhưng con người nghệ sĩ trong anh đã từ chối chuyện đó. Cha anh mất năm 1973 khi Khưu Đức vẫn miệt mài bên giá vẽ.
Năm 1993, khi biết mẹ đã già yếu, anh quyết tâm rời bỏ cuộc sống tiện nghi và đầy thuận lợi cho việc sáng tạo bên Mỹ, về Việt Nam mở phòng tranh Clay, sống chung tòa nhà với ông anh và thường xuyên thăm viếng mẹ già, giờ đã tin là con mình có thể thành đạt theo con đường rất riêng. Thời giờ còn lại, anh ở riết góc sân nhà ông anh, nặn và nung gốm trong cái lò nhỏ.

Sài Gòn những năm đầu thập niên 1950, còn thấy tấm bảng cà phê Givral góc đường Bonard và Catinat (nay là Lê Lợi và Đồng Khởi). Anh Khưu Đức còn giữ lại kỷ niệm một chuyến đi chơi cùng ba mẹ khi còn bé thơ.

Tôi biết Khưu Đức từ những ngày đầu tiên anh về Việt Nam hai mươi năm trước. Lúc đó, chúng tôi đi lang thang khắp Sài Gòn trên xe máy, cùng nhau ăn những món ăn của đất Sài Gòn thuở thanh niên của anh: cơm Bà Cả Đọi ở cái hẻm đường Nguyễn Huệ, tô cháo huyết vỉa hè Lê Lai với ngón tay cô bé bưng cháo luôn cắm vào cháo nóng, và tô hủ tíu Nam Lợi, đường Tôn Thất Đạm. Anh nói: “Khi xa Sài Gòn, tôi nhớ nhất là hồi còn trẻ ngồi uống cà phê nhìn lá me bay lất phất như mưa. Và đến giờ vẫn thấy buồn buồn khi hôm nào Sài Gòn có một màu xám trong mùa bão rớt”. Anh mua cái nhà gần con kinh có bóng dứa tuốt miệt Gò Vấp, cũng chỉ vì nhớ những ngày lang thang đi vẽ hồi còn trẻ. Ở đó, trong những buổi tối tĩnh lặng, anh chiêm nghiệm rằng hình như mình toàn rời bỏ khi đang lúc sống sung túc nhất, để theo nỗi đam mê nghệ thuật của mình.

“Bây giờ, mỗi khi trở về thăm gia đình, tôi lại nhớ Sài Gòn, nhiều nhất không phải là lá me nữa mà là bầu không khí ồn áo, lộn xộn. Nó không làm tôi khó chịu, mà thấy thân thương, không thể chối bỏ”.
Gốm của Khưu Đức giúp anh sống nhẹ nhàng ở Sài Gòn vì chúng luôn nằm trong những gallery của các khách sạn tên tuổi như Caravelle, Sofitel… Mỗi món là một tác phẩm nghệ thuật độc bản có chữ ký và khách chủ yếu là người nước ngoài. Sở hữu một ấm trà Khưu Đức không nhẹ nhàng, điều đó có thể trái với tinh thần Raku. Nhưng rõ ràng nghệ thuật phải có giá của nó.
Raku, là cách người Nhật đọc chữ Lạc, trong tiếng Hán có nghĩa là hạnh phúc. Phải chăng, tinh thần đó đã cuốn hút Khưu Đức từ đầu, một linh cảm về hạnh phúc mà anh tưởng đã mất từ lúc đi qua xứ người ?

Phạm Công Luận

 

 

Tin cùng chuyên mục

Nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng: Từ tượng đài đến những phá cách

NDO – Tại triển lãm “Nắng tháng 3” khai mạc ngày 16/4 do Hội Mỹ thuật Thành phố Đà Nẵng sẽ phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức tại Bảo tàng, nhà điêu khắc, tác giả...

Tác phẩm “Hội cầu mưa” của họa sĩ Nguyễn Thái Cớ thể hiện giao cảm và những nét độc đáo

Tham gia nhiều hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật Hưng Yên, tôi có nhiều cơ duyên gặp họa sĩ trẻ Nguyễn Thái Cớ. Mỗi lần trao đổi về nghệ thuật, tôi đều có ấn tượng về tố chất...

Dòng chảy âm thầm, sâu lắng trong tranh Nguyễn Ngọc Thọ

Cố họa sĩ Ngọc Thọ (1925-2016) thuộc thế hệ thứ ba của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, sau “Đông Dương” và “Kháng chiến”. Tên tuổi ông gắn với hội họa sơn mài, sơn dầu, mang bản...

Tiếng hót trong đêm

Trong những ngày Hà Nội vào độ cuối thu, Blue Space Gallery kết hợp với Manzi Art Space đã tổ chức một sự kiện văn hóa đặc biệt: triển lãm “Tiếng hót” kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố họa sĩ...

Quyện trong thế giới hội họa của Nguyễn Đình Tuyên

NDO – Không khoa trương, không ồn ào, không nổi loạn, Nguyễn Đình Tuyên đến với hội họa bằng một tình cảm chân thành hiếm có. Bút pháp của anh hòa quyện giữa tô và vẽ, giữa vẽ và bôi,...

Có thể bạn quan tâm

TRIỂN LÃM MỸ THUẬT KHU VỰC V (NAM MIỀN TRUNG VÀ TÂY NGUYÊN) LẦN THỨ 25 NĂM 2020

Triển lãm tổ chức chấm giải tại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai. Triển lãm trưng bày 127 tác phẩm của 121 tác giả. Trong đó 61 tác phẩm của 55 tác giả là hội viên Trung ương và 66 tác phẩm...

HỌA SĨ SỸ NGỌC: HIỆN THỰC – SÁNG TẠO

  Họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa XIII (1939 – 1944) cùng khóa với các họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, Trần Đình Thọ, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Trọng...

Nam Ho Ceramic 2023

...

Sải cánh ước mơ

Tôi biết đến anh, họa sĩ Dũng Trống qua một người bạn. Ðược biết anh là một người yêu nghệ thuật, một nhà sưu tập tranh, tranh của anh mua từ nhiều họa sĩ trong và ngoài nước. Ðến thăm anh...

Giới thiệu tác phẩm của họa sĩ Mai Trung Thứ trong phiên đấu giá tháng 11 của Nhà đấu giá Aguttes

...