Một kỷ niệm với Trần Duy

Một kỷ niệm Huế, những ngày tháng Tám…

Tôi quen Trần Duy từ thuở ấy. Hai đứa gặp nhau ở Sở Tuyên truyền Trung bộ mới thành lập. Bấy giờ, anh Nguyễn Duy Trinh là Ủy trưởng Tuyên truyền Trung Bộ, anh Hà Thế Hạnh là phó. Biết Duy là sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật. Anh Trinh chỉ tay qua bên kia đường: Kìa, đầu cầu Trường Tiền, trước cửa hàng Mô-ranh, có bức bình phong nhìn ra sông Hương, vẽ vào đó cái gì về Cách mạng. Rồi anh đưa cho Duy hai trăm đồng (tiền đỏ Đông Dương). Nói như về sau, thì đấy là “công tác cách mạng” đầu tiên trong đời Duy. Tôi cũng được “phân công” ngay.

Được phân công thì làm. Làm việc gì không quan trọng. Miễn được làm. Nói theo lời một bài hát thời ấy, miễn được “tiến lên, tiến lên dưới cờ Việt Minh”. Tấm lòng của lớp trẻ một thuở… Bây giờ nghĩ lại mới thấy lạ: cố mẫu của Duy là Công chúa Đồng Phú, con vua Thiệu Trị, bên nội Duy ba đời làm phò mã, bác của Duy vốn là “Tôn nhơn phủ đại thân”, bị Cách mạng bắt. Thế mà Duy vẫn đến Sở “xin công tác”. Và gặp tôi tại đấy. Để thành bạn từ đấy. Lạ hơn nữa là các anh Trinh và Hạnh lại nhận Duy, nhận ngay… Nói cho văn chương hơn, mà cũng công thức hơn, thì Cách mạng đã “đón nhận” Trần Duy từ thuở ấy…

TRẦN DUY –  Từ Chi nhà dân tộc học. 1998 Lụa. Sưu tập tư nhân Hà Nội

Được “phân công” rồi, mà Duy không làm gì cả. Ấy là theo con mắt tôi. Ngày, nó đi đâu không rõ. Chiều tối, đôi khi nó đến gọi tôi dạo trong thành phố đã vắng người. Chuyện Duy kể toàn những mâu thuẫn, nói như bây giờ là đầy “nghịch lý”. Đi ngang qua bức bình phong còn trắng toát, Duy dừng lại một hồi, bước qua bước lại, có khi lùi xa, có khi cúi xuống một góc nào đó, không nói gì cả, rồi quay lưng lại nhìn ra bờ sông. Tôi hỏi: Làm thế để làm gì? Duy nói: Tìm chỗ thuận nhìn nhất cho phần chính bức tranh. Ít lâu sau, có hôm anh Trinh hỏi: Tranh đến đâu rồi? Duy ấp úng. Tôi trả lời thay: Nó tiêu hết tiền rồi. Anh Trinh mỉm cười, đưa thêm tiền cho Duy. Lúc ấy, tôi chỉ buồn cười. Giờ, ngồi viết mấy dòng này, khi anh Trinh không còn nữa, tôi cứ bâng khuâng…
Tranh đã vẽ xong. Biển mênh mông, cờ đỏ sao vàng lồng lộng, một bà mẹ cầm gươm hướng về phía trước, tay ôm thân một đứa bé. Tôi vẫn không biết mấy về tranh… Thế mà gió biển cứ từ trong tranh ào ra ngoài, phả mạnh vào mặt tôi. Anh Trinh khen: Có khí thế!
Độ ấy, Duy, tôi, cùng vài người bạn khác nữa, chung nhau ra tờ báo “REO”. Reo vui với Cách mạng. Vốn “ngỗ ngược” – ngỗ ngược theo nghĩa thích nghịch lý – Duy có vẽ lên báo một tranh “tếu”. Một người điên, đầu đội chiếc giày thay mũ, bảo nhà báo: Tôi không điên đâu, cho tôi đi bầu với. Đó là lần đầu tiên nước ta có bầu cử toàn dân, có điều lệ người điên không được đi bầu cử. Anh Trinh và anh Hạnh gọi hai đứa đến, cự một hồi, như anh mắng em. Cách mạng mới thành công, chưa mấy ai biết cách “phê” và “tự phê”. Và thế là xong.

Rồi hai đứa xa nhau, Duy ra Bắc nghe đâu tham gia cùng Hoàng Minh Chính tập kích phi trường Gia Lâm, tôi đi lính vào Nam. Phải đến mấy năm sau ngày giải phóng miền Bắc, tôi mới gặp lại Duy và biết Duy vẫn tiếp tục vẽ. Duy cũng đã thực sự là Duy, là Trần Duy, một nghệ sĩ quen biết trong giới tạo hình chứ không còn là Trần Quang Tăng. Nhưng có một điều Duy không thay đổi: vẫn “ngỗ ngược”, vẫn thích nghịch lý. Và tôi nhận ra ở đấy thằng Tăng năm xưa.

Trần DUY – Phố Lò Đúc. 2002 Lụa. 54x36cm. Sưu tập tư nhân Hà Nội

Chuyện tiếp ngay sau, ai cũng biết rôi. Trần Duy làm thư ký tòa soạn cho báo Nhân văn, bị kỷ luật trong một thời gian dài. Kèm theo, bị nghi ngờ… Và có lẽ đây là nỗi đau đớn nhất cho một cuộc đời nghệ sĩ. Nhưng, nghĩ cho cùng, cái gì cũng có lý do của nó. Những nghịch lý mà Duy vốn thích, thích từ thuở còn là Tăng, thích nói ra đằng mồm, nay đã lặng lẽ đi vào cuộc sống hàng ngày của anh… Nhưng đấy chưa phải là quan trọng nhất đối với người làm nghệ thuật. Làm nghệ thuật là mang lấy nghiệp vào thân. Đấy là mệnh. Và Trần Duy vẫn vẽ, vẽ say sưa.

Cho đến hôm nay, khi tóc hai đứa đã bạc thì cuộc triển lãm của Trần Duy mới sắp mở cửa. Biết nói gì đây về tranh của anh? Nhận định về cái đẹp, về những gì góp phần làm nên cái đẹp ấy, đó là chuyện của các nhà nghiên cứu hội họa. Là người bạn của Duy từ thuở trẻ, là kẻ có lúc ngỡ rằng mình có hiểu Duy, dù chỉ một phần, tôi muốn nói lên đây một cảm giác nho nhỏ vốn đọng trong tôi từ khá lâu rồi.

TRẦN DUY –  Hoa baby. 2001. Pastel trên giấy bìa. 75x55cm. Sưu tập tư nhân Hà Nội

Sau mấy chục năm cả vui lẫn buồn, khi hăng hái, khi dằn vặt, cả thao thức nữa, trên những cảnh chập chùng của biển, trùng điệp của núi rừng, lại có khi dịu dàng của cánh đồng châu thổ, cái Trần Duy muốn nói, cái anh luôn trở về, là chất nhẹ nhàng, tinh tế, phải nói là êm ả. Như cánh Thì là, như đóa hoa Mùi bé bỏng mà người đời dễ quên đi. Hình ảnh hiện lên tranh anh là hình ảnh đất nước, là bóng dáng trong dĩ vãng, mà đồng thời lại là truyền thống muôn đời của dân tộc. Anh luôn bám được vào điều đó, dù cho phong cách có biến đổi qua thời gian, chính là vì anh vẽ rất thật. Thật là không giả. Không tự huyễn hoặc mình. Và không vô tình huyễn hoặc người khác.

Một câu hỏi vượt ra ngoài biên của nghệ thuật: Phải chăng bao mâu thuẫn trong cuộc đời đã được Trần Duy, từ thuở còn là Trần Quang Tăng, tiết ra bằng lời, bằng những câu chuyện đầy nghịch lý, để anh đã sẵn trong tâm một thế hài hòa mới, và những gì ra đời dưới bút vẽ của anh chỉ có thể là nhẹ nhàng, êm ả? Đó là câu tự hồi của một người bạn. Tôi không hỏi Trần Duy. Vì tôi biết rằng câu trả lời của anh chỉ có thể là những bức tranh.

Từ Chi 

Bạn từ trẻ của Trần Duy
(In trong vựng tập Triển lãm Hội họa Trần Duy 1991)
(*) Trích từ sách “Trần Duy, người xem và tác phẩm, Nhà xuất bản Mỹ thuật, 2010)

Tin cùng chuyên mục

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Có thể bạn quan tâm

Thông báo về triển lãm mỹ thuật khu vực III Tây Bắc – Việt Bắc lần thứ 26 năm 2021

   ...

Thông báo về Triển lãm Mỹ thuật Khu vực VI (TP. Hồ Chí Minh) lần thứ 25 năm 2020

HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM                               CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM              Số:...

VAI TRÒ VÀ GIÁ TRỊ CỦA CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA SÁNG TẠO TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

  Tác động của đại dịch COVID-19 đã ảnh đến mọi tầng lớp xã hội, trên quy mô toàn cầu. Tính đến ngày 21 tháng 10 năm 2020, hơn 40,5 triệu trường hợp nhiễm COVID-19 đã được xác nhận,...

Lâm cà phê – Chân dung một nhà sưu tập (do ông tự viết)

  Không chỉ Hà Nội nay, mà Hà Nội xưa cũng đã có nhiều nhà sưu tập nghệ thuật. Dẫu rằng người trước người sau, quan niệm, thị hiếu và cách sưu tập mỗi người mỗi khác, thành phần xã...

Triển lãm “Cha và con”

Vào lúc 17h00 thứ Năm ngày 26 tháng 10 năm 2023, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ diễn ra Triển lãm “Cha và con”, giới thiệu tới công chúng hơn 60 tác phẩm của hai cha con: Cố họa sĩ Trần...