ĐÁM CƯỚI CHUỘT NHÌN TỪ PHE NƯỚC MẮT

 

 

Tôi từng nhiều lần được nghe rằng tranh “Đám cưới chuột” (Việt Nam) hoàn toàn giống với tranh “Lão thử thú thân” (Trung Quốc). Quả là nếu nhìn qua thì những bức tranh này rất giống nhau, giống nhau từ tên tranh đến bố cục và các nhân vật trong tranh. Nhưng nếu nhìn kỹ vào các dòng chữ trên tranh mới phát giác ra được một số khác biệt giữa tranh Đám cưới chuột (Việt Nam) với tranh Lão thử thú thân (Trung Quốc) và sự khác biệt lớn nhất chính là ở chiều sâu nhân bản của văn hóa dân gian Việt Nam. Đấy chính là cách nhìn từ phe nước mắt của người xưa, khiến cho ta thấy xót xa, cay đắng khi xem đám chuột đàn đàn lũ lũ vui nhộn kèn trống phèng la náo loạn trong đám cưới chuột. Bài viết xin được bàn thêm về cốt lõi văn hóa Việt trong bức tranh này.

Kiều Thạch (Kiều Thu Hoạch) trong bài viết Tranh Đám cưới chuột trong mối quan hệ loại hình lịch sử văn hóa (Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số Xuân 2008), đã chú ý đến tích truyện dân gian khởi nguồn cho cảm hứng cho những bức tranh này. Ở Trung Quốc, rất phổ biến một câu truyện dân gian về một gia đình chuột nọ mong được gả con gái cho một chàng rể có sức mạnh nhất trong thiên hạ. Câu truyện dân gian Trung Quốc này (cũng theo Kiều Thu Hoạch) bắt nguồn từ ngụ ngôn Ấn Độ cổ đại. Thật trớ trêu là nhà chuột sau cùng lại chọn gả cho mèo.

Đám cưới chuột. Tranh dân gian Đông Hồ

 

Lão thử thú thân. Tranh dân gian Trung Quốc

 

Tranh Lão thử thú thân của làng tranh Than Đầu ở Thiệu Dương, Hồ Nam

Mèo vui vẻ nhận lời, nhà gái từng bừng, hớn hở rước kiệu đưa dâu đến nhà mèo. Ai ngờ chú rể mèo bất thần xông vào chén sạch họ nhà chuột. Tích truyện này rất phổ biến ở Trung Hoa. Đại đa số các bức tranh về đề tài đám cưới chuột ở Trung Quốc đều mô tả cảnh tượng khủng khiếp này. Trung Quốc có nhiều trung tâm sản xuất tranh Tết như Dương Liễu Thanh ở Thiên Tân, Đào Hoa Ô ở Giang Tô, Huyện Duy ở Sơn Đông, ngoài ra các tỉnh Sơn Tây, Thiểm Tây, Tứ Xuyên, Phúc Kiến, Quảng Đông, Bắc Hà đều có các trung tâm chế tác tranh. Ngoài tranh khắc mộc bản, ở Trung Hoa còn có tranh cắt giấy rất thịnh hành ngày Tết. Ở thể loại tranh này, đề tài đám cưới nhà chuột cũng rất phổ biến.

Ngoại trừ tranh “Lão thử thú thân” của làng tranh Than Đầu ở Thiệu Dương, Hồ Nam, đại đa số các bức tranh mộc bản, tranh cắt giấy ở Trung Quốc đều coi mèo là chú rể mà họ nhà chuột đã lựa chuột. Cô dâu ngồi trong kiệu là con gái của hai vợ chồng chuột đã tạo nên một bi kịch hôn nhân đầy toan tính.

Đối chiếu với truyện thơ tìm thấy ở Liễu Đôi [theo Bùi Văn Cường, Nguyễn Tế Nhị (1982), Khảo sát văn hóa truyền thống Liễu Đôi, NXB KHXH, Hà Nội] thì trong bài thơ này, không hề có tình tiết chuột gả con gái cho mèo. Con mèo già trong bài thơ dân gian ở Liễu Đôi là con mèo xuất hiện bất thần phá đám đám rước dâu đang vui vẻ:

Cưới chuột thì thật là to,

Dãy dài dãy ngắn giăng bờ như nêm.

Bỗng dưng dừng lại phía trên,

Hai họ ngơ ngác ngó lên sự gì?

Một đàn mèo xám mặt bì,

Cầm dao,cầm gậy lại thì cản ngăn.

Mèo Già nhảy đến nhe răng:

Tao thì lột xác không thằng nào tha!

Chuột mẹ trước ngày rước dâu đã từng lo xa :

Mẹ chuột cũng quyết một lòng

Chỉ còn một nỗi sợ ông mèo già.

Mèo già tính khí la cà,

Này rượu hàng hũ, này gà hàng con.

Ông mà đã nóng máu lên,

Thì thôi tan nát chả còn thứ chi!

Chính từ những lời thơ này mà có những ca từ của ban nhạc Gạt tàn đầy: “Ai mang cá đến cho con mèo hoang tàn ác – Ai mang cá đến cho con mèo hoang say mèm“.

Khi học ở Trung Quốc, trong giờ học về tranh Niên họa, các bạn học của tôi đã rất ngạc nhiên khi biết ở trong tranh dân gian Việt Nam, mèo không phải là chú rể. Ngoài tranh “Đám cưới chuột” của Đông Hồ, hiệu Bằng Liệt của dòng tranh Hàng Trống cũng khắc họa đề tài này. So với tranh Đông Hồ, tranh hiệu Bằng Liệt có nhiều chuột hơn (15 con) trong khi tranh Đông Hồ ít hơn (chỉ có 12 con). Tranh hiệu Bằng Liệt cũng có những chữ Hán mô tả các hoạt cảnh gần giống với tranh Đông Hồ, song đều khẳng định chú chuột cưỡi ngựa là chú rể. Tranh Đông Hồ viết Chú rể, tranh Hàng Trống viết Tân lang, tuy có khác về tên gọi nhưng cũng chỉ là một người. So với tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ có dòng chữ lão thử thủ thân nghĩa là lão chuột giữ mình ngay sau hoạt cảnh dâng lễ (mang biếu chim bồ câu, cá chép- thực chất là hối lộ Mèo). Chữ lão chuột thường được dịch là chuột già có nghĩa đen ám chỉ bậc cao niên trong họ hàng nhà chuột, theo phong tục cưới xin dù Việt Nam hay Trung Quốc đi đầu thường là những người cao tuổi. Chữ lão cũng được hiểu là lão luyện, khôn ngoan, tinh quái. Ở Trung Quốc người ta cho rằng chuột đứng đầu các con giáp, chỉ có hổ và chuột mới được thêm chữ lão để mà gọi. GS Kiều Thu Hoạch đã rất tâm đắc với chữ THỦ THÂN với nghĩa là giữ mình mà không phải là THÚ THÂN mang nghĩa cưới hỏi. Chữ thủ thân lý giải các hành vi lạ đời của lũ chuột là đi biếu xén của ngon vật lạ, kèn sáo cho mèo.

 

Tác phẩm “Đám cưới chuột”  của Kù Kao Khải Giải B Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2019

 

Chi tiết đầu mèo trong tác phẩm “Đám cưới chuột” của Kù Kao Khải

 

Đối chiếu với truyện Nôm ở vùng Liễu Đôi thì việc bài binh bố trận đánh lừa lão mèo già gian ác của vợ chồng nhà chuột.

Đây là đoạn thơ cao trào kịch tính :

Mèo Già nhảy đến nhe răng:

 “Tao thì lột xác không thằng nào tha!

Chúng mày ăn uống la đà,

A! Quân xỏ nõ, khinh già nhơn nhơn!”

Chuột Trùm mới vái lạy luôn:

“Xin ngài độ lượng rộng lòng thương cho!

Sông sâu còn lúc vắng đò,

Bởi vì con trẻ biết lo liệu gì!

Mong ngài phù hộ độ trì,

Chúng con biết rõ mình thì thật hư!”

Bức tranh “Đám cưới chuột” dù là của Đông Hồ hay Hàng Trống đều chứa đựng những giá trị nhân văn, chính giá trị này tạo nên sự khác biệt các biểu đạt tạo hình. Thân phận nhỏ nhoi của đám chuột trong câu truyện xưa vẫn còn là xúc động những vần thơ, khúc nhạc, những đường nét sắc màu trong nghệ thuật Đương đại hôm nay.

Trong lĩnh vực tạo hình, sau tác phẩm mang nhiều chất diễu nhại của nghệ sĩ Trần Trọng Vũ, bức “Đám cưới chuột tân thời” dùng rượu Tây thay cho bồ câu, cá chép mà nhà chuột phải đem đi hối lộ. Tác phẩm được trưng bày tại L`Espace năm 2007 trong triển lãm “Chúc sống lâu” của anh. Có thể coi đây là tác phẩm đầu tiên của Nghệ thuật Đương đại lấy cảm hứng từ nghệ thuật dân gian truyền thống.

Tác phẩm của Kù Kao Khải như khúc đồng dao đương đại

 

Nghệ sĩ Kù Kao Khải đang thực hiện tác phẩm

Năm 2019, nghệ sĩ Kù Kao Khải sáng tác một tác phẩm điêu khắc cũng mang tên Đám cưới chuột. Trong tác phẩm này, hàng chục con chuột đàn đàn lũ lũ đang khúm núm cầm con cá trong tay. Con cá như là vật phòng thân thế mạng chứ không phải là tặng phẩm trong ngày cưới. Độc đáo của tác phẩm chính ở vị trí của bốn con mèo án ngữ trên nóc phòng tân hôn của đôi cô dâu chú rể chuột. Thật là một không khí đầy âu lo ngập tràn ngày hôn lễ.

Bức tranh “Lão thử thú thân” của của làng tranh Than Đầu ở Thiệu Dương, Hồ Nam mà Lỗ Tấn rất ngưỡng mộ là ngoại lệ của đề tài này (cá nhân tôi thì đây chính là tranh Trạng chuột vinh quy, không liên quan gì đến tích đám cưới của nhà chuột). Rõ ràng, đối tượng chế nhạo, diễu cợt mà bức tranh Lão thử thú thân (TQ) nhắm đến chính là những con chuột đáng thương. Ngược lại, ông cha ta xưa đã đứng về phía nước mắt (mượn chữ của Dương Tường) để tạo nên một trong những bức tranh Tết xuất sắc nhất. Rõ ràng từ truyện thơ ở Liễu Đôi về Đám cưới chuột tới những bức tranh cùng tên của dòng tranh Hàng Trống, Đông Hồ cho tới các tác phẩm của Lê Tiến Đạt (ban nhạc Gạt tàn đầy), Trần Trọng Vũ, Kù Kao Khải số phận con người, thân phận dân nghèo thấp cổ bé họng luôn được cảm thông, được bênh vực. Đây chính là sự khác biệt quan trọng nhất, lý giải vì sao trong nghệ thuật Đương đại Trung Quốc không có tác phẩm nổi tiếng nào lấy cảm hứng từ tranh Lão thử thủ thân, còn ở Việt Nam, đã có và sẽ có những tác phẩm nghệ thuật Đương đại xuất sắc lấy cảm hứng từ tranh Đám cưới chuột.

Trần Hậu Yên Thế

Tài liệu tham khảo:

1.Maurice Durand, Imagerie Populaire Vietnamienne, École Français d’Extrême-Orient, Paris 1960

2.Nguyễn Bá Vân-Chu Quang Trứ, Tranh dân gian Việt Nam, NXB Văn Hóa,1984

3.Bùi Văn Cường-Nguyễn Tế Nhị, Khảo sát văn hóa truyền thống Liễu Đôi, NXB KHXH, Hà Nội, 1982

4.Trang Thanh Hiền, Tranh Tết nét tinh hoa truyền thống Việt, NXB Thế giới, 2019

5.Nguyễn Dư – Ngày Tết, thử bàn về một tấm tranh Tết

http://tranhdongho.bacninh.com/xem-tin-tuc/28576/ngay-tet-thu-ban-ve-mot-tam-tranh-tet.html

6.Hà Vũ Trọng/Đám cưới tiến sĩ chuột Ta hay chuột Tàu?

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12208&rb=0202

 

 

Tin cùng chuyên mục

Những dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của kiến trúc sư Ernest Hesbrard

Ernest Hébrard (1875 – 1933) sinh ngày 11/9/1875 tại Paris. Ngày 15/10/1891, khi 16 tuổi ông đã bắt đầu theo học tại xưởng vẽ của Trường Đại học Mỹ Thuật Paris (Ecole nationale et spéciale des Beaux Arts de...

Thành phố sáng tạo và nghĩa cử tri ân sự sáng tạo

Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, với danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình đang tiến về phía trước với mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo hàng đầu trong khu vực. Trải qua nhiều cuộc chiến...

Biến chuyển cảnh quan truyền thống – hiện đại từ phù thế họa (ukiyo-e) đến phim của Ozu Yasujiro

Tranh khắc gỗ (Ukiyo-e, Phù thế hội) là thể loại độc đáo riêng có của hội họa Nhật Bản, thể hiện một cách đầy thi vị và đa diện về cõi phù thế của những thị dân Edo. Ukiyo-e cũng đã...

Đấu xảo hoàn vũ Paris năm 1867 – Hội chợ triển lãm quốc tế đầu tiên có người Việt tham gia

Hoàn cảnh và lý do người Việt có mặt tại Đấu xảo Hoàn vũ ở Paris năm 1867 Sau Hòa ước Nhâm Tuất (05-06-1862), thực dân Pháp được quyền chiếm đóng và quản lý ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vào...

Đào tạo sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật trong đại học đa ngành

Các trường đại học đa ngành cùng tư duy liên ngành được kỳ vọng có thể đóng góp vào cách tiếp cận mới trong đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật (VHNT). Ðó...

Tin cùng chuyên mục

Sôi nổi Hội thi vẽ “Tây Hồ quê hương em”

Hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4), sáng 17/4 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ, quận Tây Hồ đã tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc quận Tây Hồ năm 2024. Phát...

“Tháng Tư hy vọng” – thắp sáng ước mơ hội họa cho trẻ tự kỷ

Triển lãm tranh của trẻ tự kỷ với chủ đề “Tháng Tư hy vọng” vừa khai mạc hôm nay (17/4) tại Hà Nội. Triển lãm mang đến cho công chúng Hà Nội hơn 60 tác phẩm của 13 “họa sĩ” là...

Đại diện Hội đồng Tăng – già Phật giáo toàn đảo quốc Sri Lanka gặp gỡ giao lưu với các nghệ sĩ thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam

Sáng 15/4, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Hòa thượng Mugunghwa Anuruddha, đại diện Hội đồng Tăng – già Phật giáo toàn đảo quốc Sri Lanka đã tới Nhà Triển lãm Mỹ thuật...

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Giới thiệu chất liệu truyền thống tại triển lãm mỹ thuật “Ngũ hình”

(Chinhphu.vn) – Ngày 30/3, tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, Triển lãm mỹ thuật “Ngũ hình” của 5 họa sĩ đã giới thiệu tới người yêu mỹ thuật các tác phẩm bằng...

Có thể bạn quan tâm

35 năm chặng đường thăng trầm của Nhà xuất bản Mỹ thuật

  Đầu năm 2009 tôi về công tác ở Tạp chí Mỹ thuật (TCMT ), khi đó TCMT đã hơn 30 tuổi và Nhà xuất bản Mỹ thuật (NXBMT) hơn 20 tuổi. Ban đầu tôi nhận nhiệm vụ làm Phó Tổng Biên tập TCMT,...

Triển lãm tranh “Dạo bước qua vùng đất của sơn mài”

Ngày 2/8/2023, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đã diễn ra khai mạc triển lãm tranh sơn mài với chủ đề “Dạo bước qua vùng đất của sơn mài”. Đến với triển lãm tranh sơn mài, tại Bảo tàng...

SỰ KIỆN GIỚI THIỆU SÁCH "NGUYỄN TRUNG WORKS" Ở THƯỢNG HẢI

  Năm 2020 là năm kỷ niệm quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam tròn 70 năm, cũng là năm mừng “đại thọ” lần thứ 80 của họa sĩ Nguyễn Trung. Nguyễn Trung là một trong những họa sĩ...

Nghiệm cảnh để phân biệt hội họa và minh họa ý tưởng

Triển lãm cá nhân với chủ đề “Nghiệm cảnh” của họa sĩ Nguyễn Thế Dung diễn ra từ nay đến 17-12, tại J Art Space (30 Đường số 10, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức). Cuộc trưng bày này là...

Hiện thực hóa tầm nhìn Thành phố sáng tạo Hà Nội

(Chinhphu.vn) – Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và các địa điểm khác đã chính thức khép lại. Thành công lớn của lễ hội đã khơi nguồn và lan tỏa tinh thần...