CHUYỆN SƠN MÀI TRONG XƯỞNG HỌA CỦA NGUYỄN GIA TRÍ

 

Danh họa Nguyễn Gia Trí (1908-1993) là một trong những họa sĩ đi đầu tìm tòi sáng tác, đưa chất liệu sơn ta truyền thống, vốn quen dùng trang trí, nâng thành chất liệu hội họa sơn mài. Ông là người cách tân xuất sắc, đưa sơn mài lên vị trí đỉnh cao từ trước cách mạng. Đương thời có câu: “Nhất Trí, nhì Lân, tam Vân, tứ Cẩn”. Những tác phẩm hội hoạ sơn mài của Nguyễn Gia Trí từ những triển lãm (1938-1943) đến bức “Vườn xuân Trung Nam Bắc” cuối đời, đã chứng minh tài năng hội họa của ông, làm vẻ vang mỹ thuật Việt Nam.

Nguyễn Gia Trí theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (CĐMTĐD). Học đến năm thứ 3 khóa 4 (1928-1933), Nguyễn Gia Trí bỏ học vì mâu thuẫn với hiệu trưởng Victor Tardieu. Biết Nguyễn Gia Trí là trò giỏi, không muốn để mất, nên khi gặp lại, Victor Tardieu đã chủ động làm lành và cho vào học tiếp. Nguyễn Gia Trí trở lại học, và tốt nghiệp khoá 6 (1931-1936) cùng khóa với Trần Văn Cẩn. Sau khi ra trường Nguyễn Gia Trí có thái độ và biểu hiện chống thực dân Pháp nên bị bắt vào tù. Joseph Inguimberty vì mến tài Gia Trí đã xin mãn hạn tù cho ông. Hai trường hợp trên cho thấy sự mến mộ tài năng Gia Trí của Victor Tardieu và Joseph Inguimberty.

Học phương pháp tạo hình châu Âu, Nguyễn Gia Trí còn hướng vào khai thác truyền thống, và vượt qua những ảnh hưởng, tìm tòi sáng tạo, gắn với hiện thực đất nước. Ông đã tạo phong cách độc lập, bộc lộ cách nhìn, cách nghĩ của người họa sĩ Việt Nam. Có thể thấy từ bức tranh “Đêm Giáng sinh” sơn mài (1941), Nguyễn Gia Trí đã thể hiện những nhân vật trong tranh không phải “người Tây ở nhà thờ nơi phương trời xa xôi”, mà là cảnh đón chúa giáng sinh trong máng cỏ của một làng quê người Việt. Điều ấy cho thấy tài năng hội họa sơn mài của ông, chủ động, không câu nệ đề tài, bộc lộ phương pháp và quan niệm tạo hình độc đáo.
Victor Tardieu, vị hiệu trưởng đầu tiên của Trường CĐMTĐD, người cùng Nam Sơn sáng lập trường năm 1925, và có công lớn trong việc, giảng dạy và duy trì hoạt động phát triển mỹ thuật cho xứ An Nam khi đó. Victor Tardieu đã vượt qua mọi trở ngại để sang Việt Nam vì công việc đào tạo các nghệ sĩ, và đặt niềm tin lớn vào đấy. Từ năm 1925-1937, Victor Tardieu đã tạo dựng hai triển lãm của Trường CĐMTĐD, và đưa đi dự Triển lãm Đấu xảo Thuộc địa Quốc tế Paris năm 1931 và 1937.

NGUYỄN GIA TRÍ – Lùm tre nông thôn. 1936. Sơn mài. 80x56cm. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Ông thành lập và là Hội trưởng “Hội An Nam khuyến khích Mỹ thuật và Công nghệ” (La Société Annamite d’encouragement à l’Art et à I’industrie – viết tắt là: SADEAI) năm 1934. Hội đã tổ chức các triển lãm mỹ thuật như triển lãm năm 1935, và hai triển lãm lớn vào năm 1936 và 1937 ở Hà Nội. Khi đang có những dự định phát triển mỹ thuật Việt Nam cùng với các cộng sự thì ông mất tại Hà Nội năm 1937, trong niềm tiếc thương của sinh viên và các họa sĩ Trường CĐMTĐD. Hiệu trưởng kế tiếp là Évariste Jonchère. Khi đến Việt Nam, Jonchère đã coi họa sĩ Việt Nam chỉ là những người khéo tay, và chủ trương chỉ đào tạo những thợ mỹ nghệ. Điều đó đã bị các họa sĩ Việt Nam phản đối kịch liệt. Khi Jonchère biết đến nghệ thuật Việt Nam, và tài hội họa của Nguyễn Gia Trí thì nhận thức mới trở nên cởi mở hơn. Ông liền cho người đến mời Nguyễn Gia Trí để gặp mặt. Để tỏ thái độ của người nghệ sĩ Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Gia Trí xem thường Jonchère mà không đến. Jonchère lại cho người đưa thư đến mời, nhưng Nguyễn Gia Trí vẫn khước từ, và nói: “Nếu É. Jonchère cần, thì đến xưởng của tôi chứ”. Cuối cùng É. Jonchère đã tự thân đến xưởng họa Nguyễn Gia Trí để được gặp. Tại đây, É. Jonchère bị chinh phục trước những tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí, và đã hết lời khen ngợi.

Nguyễn Gia Trí đưa nghệ thuật sơn mài đạt tới đỉnh cao trong những năm 1939-1944. Các tác phẩm của Nguyễn Gia Trí chủ yếu phản ánh về thiếu nữ và cảnh vật. Có thể kể những tác phẩm nổi tiếng của ông: “Vườn xuân và thiếu nữ” (1939), “Thiếu nữ bên hoa phù dung” (1944), “Thiếu nữ bên Hồ Gươm” (1943-1944), “Thiếu nữ bên đầm sen” (1944)… Cho thấy khả năng diễn tả sơn mài với chất trong sâu, lộng lẫy, óng ánh, mà Nguyễn Gia Trí phản ánh về hình tượng con người và cảnh vật. Dùng những mảng màu đậm nhạt và nét để diễn hình trong tranh (dù là đen của then, hay sáng màu của vàng, của bạc). Nét họa vững vàng theo cách phác họa châu Âu một cách linh hoạt – chứ không “đồ hình” cứng nhắc. Nét hòa quyện trong tương quan hòa sắc, dụng ý thể hiện con người, sự vật của hội họa sơn mài. Hiệu quả có được ngay chính từ chất liệu truyền thống, Việt hóa cách diễn hình với khả năng của sơn mài. Hình thể nhân vật, cây cối và cảnh vật, trong những nét mảng, với lớp sơn ta trộn màu, đè chồng lên nhau, đặc quánh cùng chất vàng bạc, ào ạt cảm xúc trong khi vẽ. Thế giới sơn mài của Nguyễn Gia Trí vừa thực, vừa huyền ảo, ánh lên những chất màu quý giá. Trong đó gợi niềm khát khao vô tận về cái đẹp, mà ông luôn hướng tới hoàn mỹ nghệ thuật. Nó luôn đòi hỏi ở ông yêu say và đam mê, kiên trì bền bỉ. Bởi sơn mài biến hóa, như có một ma lực khó nắm bắt, ẩn hiện những hiệu quả bất ngờ. Sơn mài không cho hiệu quả ngay như vẽ sơn dầu, phải qua đoán định trong pha trộn, ủ sơn và mài. Nên họa sĩ sơn mài luôn phải săn tìm, mầy mò thể nghiệm. Nguyễn Gia Trí đã sáng tác nhiều tác phẩm sơn mài giá trị cao nghệ thuật. Bức “Thiếu nữ bên Hồ Gươm” (gồm 4 tấm sơn mài ghép lại) thể hiện những thiếu nữ với những vẻ duyên dáng, qua những nét viền sáng thanh thoát, nổi lên trong các mảng sẫm tương phản. Nó không khô cứng, mà lung linh uyển chuyển, hòa nhập với độ sáng ẩn hiện của lá cây gần hồ, bắt với gợn sáng của nền trời, và sự lấp loáng của sóng nước. Lối thể hiện tương phản của các mảng màu sẫm với những nét sáng bộc lộ những dáng hình thiếu nữ, tăng thêm sức thanh xuân của các cô gái Hà Thành, dạo chơi bên hồ. Điều này cho thấy Nguyễn Gia Trí đã cách tân, đi trước lối thể hiện kiểu phim âm bản sau này. Thế giới sơn mài của Nguyễn Gia Trí vừa thực, vừa huyền ảo trong đó gợi niềm khát khao vô tận về cái đẹp nghệ thuật, mà ông muốn vươn tới hoàn mỹ. Họa sĩ Quang Phòng đã viết về nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí đầy cảm hứng, rằng: “Nguyễn Gia Trí như một nhà ảo thuật lão luyện quen điều khiển những chát màu chưa ai biết đến, thấm đượm như bóng đêm, sáng như vầng trăng bạc, lấp lánh như lá vàng dưới nắng; nổi lên các chất nhung, lĩnh, men sứ, đồi mồi, đá quý”. Nghệ thuật sơn mài của Nguyễn Gia Trí thực sự nổi bật và tiêu biểu. Nguyễn Gia Trí vẽ sơn mài với tình yêu và đam mê, kiên trì và bền bỉ đến trọn đời.

NGUYỄN GIA TRÍ – Thiếu nữ bên Hồ Gươm. Khoảng 1943-1944. Sơn mài. Sưu tập của một Bảo tàng ở Indonesia

Sơn mài trong xưởng họa Nguyễn Gia Trí không chỉ là nơi sáng tác, mà ở đó ông còn truyền thụ nghệ thuật. Ông không chỉ dạy kỹ thuật biết sử dụng chất liệu sơn mài, mà còn hướng dẫn học trò biết nhìn cái đẹp, để tạo nên tác phẩm. Thậm chí có lúc ông cho trò giỏi tham dự thể hiện phác thảo tranh như lối truyền nghề trong xưởng họa mà những danh họa châu Âu đã làm (như Rubens đã từng dạy Van Dyck). Từ phác thảo chuyển sang thể hiện tranh sơn mài, thì trong từng công đoạn cụ thể, đều được ông hướng dẫn, và theo sát việc thực hiện của học trò. Sau cùng, ông là người hoàn thiện. Những học trò được học tại xưởng của ông là niềm vinh dự và thu hoạch được nhiều điều về nghề, mà quan trọng là về sáng tác.

Trong quá trình viết cuốn sách “Lịch sử Mỹ thuật”, đi sưu tầm tư liệu về mỹ thuật Đông Dương, tôi được họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp kể lại chuyện đã từng được thụ huấn trong xưởng sơn mài Nguyễn Gia Trí. Hồi đó hai họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp và Huỳnh Văn Thuận đang đồng học khóa 13 (1939-1944) tại Trường CĐMTĐ, đã đến xin học thêm về sơn mài tại xưởng họa của Nguyễn Gia Trí, và được ông chấp nhận. Được họa sĩ Nguyễn Gia Trí (Thầy Trí) dạy bảo về làm tranh sơn mài, đầu tiên là đi vẽ lấy tài liệu, rồi làm phác thảo bố cục, và cuối cùng là thể hiện tranh bằng chất liệu sơn mài.

NGUYỄN GIA TRÍ – Thiếu nữ bên hoa phù dung. 1944. Sơn mài. Bảo tàng Đức Minh

Thầy Trí giao việc đi vẽ nghiên cứu, lấy tài liệu thực tế, yêu cầu phải ký họa sâu, thậm chí vẽ nghiên cứu kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Thầy Trí giao cho Huỳnh Văn Thuận đi vẽ những “Bụi tre già’”, nhiều khóm có những tay tre đầy gai; chằng chịt, đan chặt vào nhau. Rồi lại đi vẽ những “Dãy tre thưa”, mọc theo hàng, những ngọn tre có lá non lăn tăn in trên trời. Còn Nguyễn Trọng Hợp vẽ những khóm “Sen tàn cuối hạ” trong đầm, những tàu sen khô có chỗ lá đã giòn rụng, chỉ còn lại gân lá và cọng thân khô quắt. Cả hai họa sĩ đã đem về những ký họa kỹ càng, chi tiết với hình họa vững vàng. Thầy Trí xem và khen: “Làm tranh mà tài liệu nghiên cứu kỹ, nắm chắc đối tượng thế là tốt”. Rồi thầy Trí hướng dẫn làm bố cục tranh và thể hiện trên sơn mài. Nguyễn Gia Trí bảo: “Vẽ nghiên cứu, tỉa, vẽ sâu, vẽ kỹ chi tiết là tốt; nhưng khi sáng tác phải biết đơn giản, giữ lại cốt yếu, và những chi tiết cần thiết trong mảng lớn trong tương quan của cả bố cục. Làm tranh không phải phóng to hay chép lại tài liệu. Cái quan trọng là tìm cái đẹp, làm rõ ý đồ sáng tác của mình. Từ nghiên cứu ghi chép thực tế, đến phác thảo thực hiện ý đồ nghệ thuật, chuyển sang thể hiện tranh là quá trình cảm thức cái đẹp tạo hình. Phải làm tốt bố cục ở phác thảo, theo kích thước trên mặt vóc, rồi can hình lên vóc, pha trộn sơn, thể hiện hình tượng, ủ sơn, mài sơn, làm bóng và hoàn thiện một quá trình liên tục xuyên suốt”.

NGUYỄN GIA TRÍ – Đêm Giáng sinh. 1941. Sơn mài. 120x370cm. Nhà thờ dòng Đa Minh, Tp. Hồ Chí Minh

Một lần Huỳnh Văn Thuận và Nguyễn Trọng Hợp được thầy Trí cho tham gia thể hiện một số công đoạn trên bức tranh sơn mài lớn của thầy đang thể hiện, với các tấm vóc ghép lại. Tranh đó không nhớ tên, chỉ nhớ tranh vẽ “Mười cô gái tắm đầm sen”, và chàng thư sinh cầm sách ngồi trên cây ngó nhìn. Hình tượng trong tranh cảnh sắc phong phú. Những cô gái với những dáng vẻ khác nhau: cô thì đang cởi quần áo, cô thì đã khỏa thân, cô ở dưới nước, cô còn trên bờ… cùng những đám sen trong đầm, xao động bóng nước. Phía xa một anh thư sinh đang cầm sách, mải liếc nhìn các cô gái tắm. Hãy gác nội dung ý tranh về chàng thư sinh (Nho học) lại nhìn trộm gái tắm, và những cô gái tắm khỏa thân (của thời Âu hóa?) mà nói kỹ thuật thể hiện sơn mài. Tranh với bố cục chặt chẽ, những hình tượng khoáng đạt, mang cái đẹp tạo hình mới từ chất liệu sơn mài. Khi thể hiện tấm vóc có hình các cô gái tắm, vẽ xong thì Huỳnh Văn Thuận đem ủ sơn cho khô. Tại sao phải ủ sơn? Đặc tính của chất liệu sơn ta là khô trong độ ẩm và thoáng. Vì chưa có kinh nghiệm ủ sơn, nên hôm sau mở ra, lớp sơn vẽ da cô gái khỏa thân bị nhăn. Nguyễn Gia Trí không hài lòng, bắt cạo đi mài nhẵn và vẽ lại. Thầy bảo ủ sơn không được để quá ẩm ướt. Huỳnh Văn Thuận làm theo, nên khi khô, phần da của các cô gái không còn bị nhăn. Khi thể hiện tấm vóc vẽ hồ nước, có những bóng của cọng sen và rong nước, vẽ xong Huỳnh Văn Thuận chuẩn bị mang đi ủ, thầy Trí bảo Huỳnh Văn Thuận: “Anh ủ làm sao cho sơn nhăn như hôm trước”. Tưởng thầy vẫn còn giận chuyện hôm trước, Huỳnh Văn Thuận liền thật thà thưa: “Hôm trước ủ sơn bị nhăn, thầy bắt cạo đi, sao hôm nay thầy lại bảo ủ sơn cho nhăn là sao ạ”? Thầy Trí không giải thích mà nói: “Tôi bảo thế nào, anh làm thế”. Hùynh Văn Thuận y lời, nhớ lại cách ủ hôm trước và làm như vậy. Hôm sau mở ra sơn nhăn đều một lượt. Nguyễn Gia Trí xem, rồi hào hứng lấy đá mài. Trên mặt vóc hiện dần ra nét vẽ và màu sơn cùng với những hình nhăn thấp thoáng ẩn hiện dưới bóng nước, soi hình các cọng sen và rong đẹp lạ thường. Hai họa sĩ trẻ lúc này mới nhận thấy việc ủ sơn nhăn lần này là có dụng ý của thầy Trí, điều mà ông phát hiện từ sự hỏng của ủ sơn hôm trước.

Với hiệu quả kỹ thuật ấy, Nguyễn Gia Trí lúc đó mới bảo học trò: “Sở dĩ sơn nhăn bị cạo đi vì không thích hợp, với yêu cầu thể hiện hình tượng cô gái. Sơn nhăn ở phần diễn tả da thịt thiếu nữ thì không thể đẹp. Còn sơn nhăn ở phần tả bóng nước, dưới là những cọng sen có rong lại thích hợp. Nghĩa là cần phải biết phát hiện trong sự được hay hỏng. Điều quan trọng là sử dụng kỹ thuật đúng chỗ, và tạo được sự phong phú trong diễn tả khi thể hiện của các phần trong tranh, mới có hiệu quả nghệ thuật”. Ông còn ví cũng như màu đỏ trên gương mặt cô gái, đỏ ở má thì đẹp (má hồng), nhưng đỏ ở mũi thì đâu còn đẹp (mà là bệnh mũi đỏ). Nguyễn Gia Trí còn nói: “Mài cũng là vẽ” tức là biết mài lộ ra cái đẹp. Mài quá tay sẽ bị hỏng, phải vẽ lại.
Chuyện sơn mài trong xưởng họa của Nguyễn Gia Trí, không chỉ cho ra đời các sáng tác, mà ở đây còn có sự hướng dẫn của ông cho học trò. Qua đó ta thấy được quan niệm, phương pháp sáng tác, và thể hiện tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí. Đó là “hậu trường” của những tác phẩm sơn mài nổi tiếng của ông. Ngọn lửa sáng tạo luôn rực sáng và theo ông đến cuối đời. Tác phẩm sơn mài cỡ lớn “Vườn xuân Trung Nam Bắc” với niềm vui thống nhất đất nước, xuân mới cho cả ba miền đất nước. Là hiện thân của tinh thần đó, đóng góp vào sự phát triển mỹ thuật nước nhà. Nguyễn Gia Trí đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2012.

Nguyễn Văn Chiến

Tin cùng chuyên mục

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Có thể bạn quan tâm

NGHỆ THUẬT ĐA PHƯƠNG TIỆN TRONG THIẾT KẾ NỘI THẤT SHOWROOM BMW WELT

Đầu thế kỷ 21, sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã mang lại cho lĩnh vực thiết kế nội thất showroom những biểu hiện nghệ thuật mới. Thông qua khoa học và công nghệ hiện đại,...

Lượm lặt #1

Ban biên tập Tạp chí Mỹ thuật xin đăng lại những mẩu truyện ngắn ở chuyên mục Lượm lặt trên các số Tạp chí Mỹ thuật đầu tiên, bắt đầu từ số Tạp chí Mỹ thuật số 10-11-12/1977 (số...

Triển lãm trực tuyến gây quỹ xây nhà cho bà con khó khăn ở Quảng Nam và Thừa Thiên Huế

Triển lãm trực tuyến với chủ đề “Xuôi dòng sông Thu” năm 2023, diễn ra từ nay đến ngày 9-11, các tác phẩm trưng bày tại website www.xuoidongsongthu.com, và nền tảng mạng xã hội Facebook của nhóm...

Triển lãm “Dương – Duyên”

Vào lúc 17h00 thứ Ba ngày 9 tháng 1 năm 2024, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Dương – Duyên”. Triển lãm giới thiệu tới công chúng hơn 50 tác phẩm trên chất...

XÂY DỰNG TƯỢNG ĐÀI ĐỪNG ĐỂ “CHUYỆN ĐÃ RỒI”

Thời gian gần đây, việc xây dựng tượng đài tràn lan ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước (nhiều người gọi là “hội chứng tượng đài”) với chất lượng kém đã gây nhiều bức xúc cho...