Bức tranh "tái sinh" của Nguyễn Tư Nghiêm

 

 

Rất khó, nếu không muốn nói-là không có một họa sĩ bậc thầy nào lại không có một kỹ thuật riêng nào đó, bởi vì kỹ thuật là yếu tố hàng đầu tạo nên phong cách. Kỹ thuật đã được ví như “cấu tạo của nhạc cụ” mà qua đó tâm hồn của người họa sĩ ngân lên với những “âm sắc” riêng biệt.

Nhiều người học tập hoặc bắt chước Nguyễn Tư Nghiêm, nhưng không được, vì thứ nhất – họ không phải là Nguyễn Tư Nghiêm hoặc giống như Nguyễn Tư Nghiêm, và thứ hai – xem tranh Nguyễn Tư Nghiêm đôi khi tưởng vẽ dễ, nhưng thực ra không dễ chút nào.

Nguyễn Tư Nghiêm không chỉ là một bậc thầy trong hội họa sơn dầu, sơn mài hay trong tranh sơn khắc, ông còn là một họa sĩ bậc thầy trong tranh khắc gỗ, tranh bột màu. Riêng về tranh bột màu, đúng như Trần Lưu Hậu nói: “Nguyễn Tư Nghiêm vẽ bột màu mà vẫn có thể làm nên nghiệp lớn”.

* * *

Giờ nhớ lại, hóa ra tôi đã có khá nhiều dịp được trò chuyện với Nguyễn Tư Nghiêm về các kỹ thuật hội họa, ngay từ khi tôi mới 19 đôi mươi. Thực ra, Nguyễn Tư Nghiêm rất cởi mở chứ không “đóng” như thành kiến của một số người về ông (tất nhiên, muốn nói chuyện với ông cũng phải hợp).

Quãng 1984-1985, tôi có rủ Đào Thành Dzuy cùng theo học về sơn mài ở nhà Nguyễn Tư Nghiêm, Dzuy thích lắm, nhưng sau Dzuy đi học ở Tiệp Khắc, còn tôi chỉ sống bằng nghề vẽ được thêm vài năm nữa rồi chuyển sang làm báo và xuất bản.

* * *

Nguyễn Tư Nghiêm và tác giả bài viết bên bức tranh sơn mài “Điệu múa cổ” tái sinh. Khu tập thể Trung Tự, Hà Nội, 2003

Nguyễn Tư Nghiêm là một người “phá cách”, ông hay nói: “Làm thế nào thì làm, miễn không bị bó buộc”. Một hôm, quãng 1977-1978, tôi thấy Nguyễn Tư Nghiêm vừa thổi cơm bằng bếp dầu ngay ở đầu giường, vừa vẽ tranh lên pa-nô (loại pa-nô dùng kẻ khẩu hiệu), hình như chỉ để “dễ treo”, không cần khung kính… Vì cứ vừa vẽ vừa thổi cơm như vậy, có lần nhà ông suýt bị cháy, ông Bổng sưu tập phải cho ông một tấm a-mi-ăng để chặn xung quanh chỗ đun…

Xưa, xưa lắm, Nguyễn Tư Nghiêm cũng từng thử vẽ lụa, nhưng rồi ông đã bỏ ngay. Nghe nói, ông dùng một cái bút to sũng màu “tống” lên nền lụa không hồ, thế là màu loang ra, rỏ xuống ròng ròng (cũng có người vẽ trên nền lụa không hồ, nhưng lúc đầu phải vẽ khan và từ từ để tạo “chân”, tạo độ cầm, chứ không ai vẽ như Nguyễn Tư Nghiêm).

Nguyễn Tư Nghiêm từng nói: “Với tôi, vẽ là một nhu cầu. Được vẽ tôi thấy khỏe, sảng khoái. Không vẽ tôi thấy người yếu đi”. Trong những thời kỳ khó khăn, “chỉ thèm có vóc và sơn”, Nguyễn Tư Nghiêm phải dùng bột màu để giải quyết tình trạng khan hiếm vật liệu. Vả lại, bột màu cũng rất tốt cho thử nghiệm, có thể vẽ không tiếc tay, được thì giữ lại, không được thì xé bỏ. Nguyễn Đỗ Cung có lần nói với Nguyễn Tư Nghiêm: “Anh đừng xé tranh, cái nào anh định xé thì đưa tôi”.

Ngay từ những năm 1960, Nguyễn Tư Nghiêm đã sử dụng giấy hoa tiên để vẽ bột màu. Ông bảo: “Vẽ được bột màu trên giấy trắng thì cũng vẽ được bột màu trên giấy đen. Vẽ trên giấy đen trông hùng tráng lắm.”

Về kỹ thuật vẽ bột màu của ông, Nguyễn Tư Nghiêm cho biết: “Tôi bao giờ cũng vẽ ba lớp. Lớp đầu bằng bột pha gôm a-ra-bíc, nghiền kỹ như thuốc nước. Lớp hai bằng bột sống, hơi thô. Lớp thứ ba pha với hồ nếp, tạo thành pát dày như màu điệp trong tranh Đông Hồ”…

Khi vẽ, Nguyễn Tư Nghiêm không bao giờ bồi giấy lên bảng, mà thường trải giấy ra nền nhà, rồi “phang” thẳng. Ông bảo: “Vẽ như vậy mới có xúc giác, giống như mình vẽ sơn dầu lên toan. Vẽ xong để duỗi, xếp lên nhau, lại phẳng ngay. Bồi giấy lên bảng vẽ bị đét, khác gì vẽ sơn dầu trên các-tông”.

Nhiều người vẽ bột màu không chắc, màu cứ lởn vởn, đục và bẩn (bẩn nghĩa đen). Nguyễn Tư Nghiêm thì khác, ông thường pha sẵn một số tông cơ bản (như họa sĩ vẽ phim hoạt hình) để trải những mảng lớn, khi vẽ luôn luôn có mấy chai nước sạch để tiếp, chứ không bao giờ lấy nước rửa bút để tiếp. Bởi vậy, màu của Nguyễn Tư Nghiêm thật tuyệt hảo, bao giờ cũng đượm thắm, ánh từ bên trong, quý giá như màu của đồ gỗ, đồ sơn son thếp vàng, đồ gốm lâu năm. Ông là bậc tổ sư của các tông nóng ngả xám nhẹ, vô cùng linh diệu. Vân vân và vân vân.

* * *

Có điều lạ, Nguyễn Tư Nghiêm vẽ nhiều như thế nhưng trong nhà ông hầu như không thấy bày tranh. Ngày ông sống trong căn phòng nhỏ chật chội ở phố Nguyễn Thái Học thì khỏi nói, nhưng đến khi ông về Khu tập thể Trung Tự, có rộng rãi hơn, thì vẫn vậy. Đôi khi tôi cứ nghĩ: Nguyễn Tư Nghiêm có lẽ vì thế mà vẽ được nhiều, bởi vì như Picasso đã từng nói, lúc nào mình cũng đối diện với tranh mình chưa chắc đã phải điều hay, nó làm cho mình khó đi tiếp.

… Năm 2003, tôi có cùng anh Tô Ngọc Thành đến thăm Nguyễn Tư Nghiêm, tôi cũng chỉ thấy có độc nhất một bức sơn mài “Điệu múa cổ” treo trên tường, không có khung, còn một vài bức bột màu được ông lồng “xộc xệch” trong khung kính thì ông để mỗi nơi một cái dưới chân tường.

Câu chuyện kéo dài gần 4 giờ đồng hồ với Nguyễn Tư Nghiêm hôm ấy, rốt cuộc lại kết thúc bằng chính bức tranh treo trên tường ấy.

Số là, khi tôi hỏi Nguyễn Tư Nghiêm một số vấn đề về sơn mài, ông kể rất hào hứng, từ chuyện Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung có quan điểm thế nào về sơn mài, sơn mài trong kháng chiến, sơn mài sau hòa bình, cho đến các kỹ thuật sơn mài mà bản thân ông đã trải qua, đã thử nghiệm…

Thế rồi, đánh đùng một cái, bỗng Nguyễn Tư Nghiêm nói như hô lên: “Sơn mài phải toát! Sơn mài bắt bụi!”

Ồ! Có gì lạ đâu nhỉ?! Tôi và anh Tô Ngọc Thành giật mình, nhìn nhau cười.

Hô xong, Nguyễn Tư Nghiêm đứng dậy dẫn tôi trở lại phòng vẽ kề bên, chỉ vào bức tranh “Điệu múa cổ” (mà tôi đã kể). Ông bảo: “Tôi đã cứu nó đấy. Tưởng mất rồi nay lại tái sinh”.

Bức tranh đã được Nguyễn Tư Nghiêm vẽ năm 1968, không phải vẽ trên vóc, mà vẽ thẳng lên gỗ dán, “lớp đầu phải vẽ bằng sơn sống” như ông nói, và “từ đây bắt đầu loạt sơn mài vẽ trên thớt”…

– Tôi để lâu rồi nên quên đi – Nguyễn Tư Nghiêm nói tiếp – sau dọn nhà tìm ra thì nó đã đen xì, không nhìn thấy gì nữa cả.

– Thế cụ đã làm thế nào? Tôi hỏi ông.

Nguyễn Tư Nghiêm cười bí hiểm:

– Có cách chứ, cũng tình cờ thôi, thế mới được thế này.

Kỹ thuật “tái sinh” cho bức tranh ấy của Nguyễn Tư Nghiêm thực ra rất đơn giản, “phải có xúc tác cờ-lo”, nhưng vì anh Tô Ngọc Thành rất thích và muốn giữ bí mật nên tôi không muốn kể ra ở đây.

Cuối cùng, trước khi ra về, tôi có nhờ anh Tô Ngọc Thành chụp Nguyễn Tư Nghiêm và tôi bên cạnh bức tranh để làm kỷ niệm (xem minh họa). Nhân thể, ông Nghiêm còn tặng cho chúng tôi mỗi người một bức bột màu, cả hai đều là tranh “Gióng”. (Với ông, việc tặng tranh cho tôi dường như đã trở thành một “phong tục”, ông hay dặn nếu ông quên thì phải nhắc).

* * *

… Mấy ngày sau, trên đường đi lấy ảnh về, tôi có ghé vào thăm một nhà sưu tập. Xem ảnh và được biết câu chuyện về bức tranh “tái sinh” của Nguyễn Tư Nghiêm, anh bạn sưu tập giục tôi: “Anh mua ngay cho em đi”.

Tưởng nhà sưu tập đùa, tôi hỏi: “Sao lại mua bức ấy, thật không?”

– Hay chứ! Bao nhiêu em cũng mua. Nhà sưu tập háo hức.

– Bao nhiêu là bao nhiêu? Để còn liệu. Tôi hỏi lại.

– 100 triệu đi!!! (Ồ, một con số rất lớn cho một bức tranh vào thời kỳ ấy). Nhà sưu tập chốt.

Vì ngại cô Thu Giang, tôi bèn gọi cho anh Tô Ngọc Thành để nhờ hỏi… Lát sau, anh Tô Ngọc Thành gọi lại cho tôi, trình bày:

– Không dễ đâu ông ơi. Thu Giang trả lời, ông Nguyễn Tư Nghiêm bảo: Bán gì thì bán, không được bán bức tranh ấy. Nếu sau có bảo tàng thì phải có bức ấy. Hết!

Ha ha ha.

* * *

Nguyễn Tư Nghiêm, thực ra, sinh năm Mậu Ngọ – 1918 (không phải năm 1922 theo giấy chứng minh nhân dân), tức là năm nay – 2018, là tròn 100 năm ngày sinh của ông.

Câu chuyện trên đây chỉ là một câu chuyện nhỏ, nhưng là tấm lòng của tôi đối với ông – một bậc thầy lớn của hội họa, không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới. Một trong những vinh dự lớn nhất của đời tôi chính là được biết ông và đã được trò chuyện nhiều lần cùng ông.

Ngày 31-12-2018

Q.V

 

Tin cùng chuyên mục

Sôi nổi Hội thi vẽ “Tây Hồ quê hương em”

Hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4), sáng 17/4 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ, quận Tây Hồ đã tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc quận Tây Hồ năm 2024. Phát...

“Tháng Tư hy vọng” – thắp sáng ước mơ hội họa cho trẻ tự kỷ

Triển lãm tranh của trẻ tự kỷ với chủ đề “Tháng Tư hy vọng” vừa khai mạc hôm nay (17/4) tại Hà Nội. Triển lãm mang đến cho công chúng Hà Nội hơn 60 tác phẩm của 13 “họa sĩ” là...

Đại diện Hội đồng Tăng – già Phật giáo toàn đảo quốc Sri Lanka gặp gỡ giao lưu với các nghệ sĩ thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam

Sáng 15/4, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Hòa thượng Mugunghwa Anuruddha, đại diện Hội đồng Tăng – già Phật giáo toàn đảo quốc Sri Lanka đã tới Nhà Triển lãm Mỹ thuật...

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Giới thiệu chất liệu truyền thống tại triển lãm mỹ thuật “Ngũ hình”

(Chinhphu.vn) – Ngày 30/3, tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, Triển lãm mỹ thuật “Ngũ hình” của 5 họa sĩ đã giới thiệu tới người yêu mỹ thuật các tác phẩm bằng...

Có thể bạn quan tâm

Triển lãm: Nguyên và “Nguyên”.

Vào lúc 17h00 thứ Ba ngày 14 tháng 11 năm 2023, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ diễn ra lễ khai mạc triển lãm: Nguyên và “Nguyên” của họa sĩ Nguyễn Trần Thảo Nguyên. Triển lãm giới...

Chuyện về hiệu trưởng Victor Tardieu và sinh viên Nguyễn Gia Trí

Vài lời rào trước: Bố tôi – cố họa sỹ Nguyễn Trọng Hợp (tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa XIII 1939-1944) từng là đệ tử của danh họa Nguyễn Gia Trí trong khoảng các...

Thông báo về Triển lãm Mỹ thuật Khu vực VIII (Đồng bằng sông Cửu Long) lần thứ 25 năm 2020

HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM                            CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM              Số:...

Nghệ nhân tranh kính Vinh Coba đón nhận giải thưởng Quốc tế

  Sáng ngày 6/9, tại Hà Nội, Nghệ nhân ưu tú Phạm Hồng Vinh (Vinh Coba) và Công ty CP Coba Art Glass đón nhận huy chương vàng cuộc thi sáng chế Quốc tế lần thứ 25 tại Liên Bang Nga. Tham dự buổi lễ...

“Tháng Tư hy vọng” – thắp sáng ước mơ hội họa cho trẻ tự kỷ

Triển lãm tranh của trẻ tự kỷ với chủ đề “Tháng Tư hy vọng” vừa khai mạc hôm nay (17/4) tại Hà Nội. Triển lãm mang đến cho công chúng Hà Nội hơn 60 tác phẩm của 13 “họa sĩ” là...