25 NĂM TẠP CHÍ MỸ THUẬT

 

 

Ngày 1/6/1992, tôi về nhận công tác ở Tạp chí Mỹ thuật (TCMT), làm biên tập viên kiêm phóng viên. Năm ấy, thời tiết rất giống năm nay, vào hè ít nóng, có mưa sớm. Mấy cái cây trước cửa còn bé tẹo, thân vẫn còn xanh. Bên kia đường có hai quán nước vỉa hè, một quán của bà Huyền, là nơi chúng tôi thường hay tụ họp vào mỗi buổi sáng, vui với mấy chén trà, vài ba chén rượu. Năm ấy cũng đang là mùa Euro, anh Nguyễn Quân thỉnh thoảng đến, ngồi tán chuyện bóng đá.

Về chuyên môn, trước khi tôi về, TCMT chỉ có bốn người: họa sĩ Hoàng Công Luận, Tổng biên tập, họa sĩ Trương Hạnh, Phó Tổng biên tập, kiêm Giám đốc Nhà xuất bản Mỹ thuật (NXB), anh Nguyễn Hùng, nhà lý luận, trưởng ban biên tập (thay họa sĩ Lưu Yên vừa nghỉ hưu) và chị Lan Hương, cử nhân mỹ thuật, biên tập viên kiêm nhiếp ảnh.

Trụ sở có hai tầng, tầng dưới chung với NXB, TCMT ở tầng trên. Riêng anh Trương Hạnh có một cái chòi ở trên nữa.

Phòng làm việc rộng chừng 30 thước vuông, hầu như không có gì, ngoài mấy cái bàn và hai cái tủ cũ đựng tài liệu. Một hôm, anh Trương Hạnh bảo tôi đi đặt làm mấy cái giá sách, “trông cho đỡ buồn”. Tài sản quý nhất, có lẽ, chỉ là bộ Đại từ điển Larousse, 6 tập, in từ những năm 1950, mà tạp chí đã mua được của một gia đình nào đó.

Một “tài sản” khác cũng nên tính, đó là cái “lịch” làm việc khác lạ của TCMT đã có từ nhiều năm: chỉ làm việc vào buổi sáng, còn buổi chiều tùy ai nấy đi, tự thu xếp. Hàng tháng, cứ đến ngày, Tổng biên tập thu bài, có hôm bài thiếu, chúng tôi chạy gần chết.

Tạp chí Mỹ thuật năm 1992. Từ trái sang (hàng ngồi): Trương Hạnh – Phó Tổng Biên tập, Cồ Thanh Đam – Trưởng Ban Trị sự, Lan Hương – Biên tập viên, Hoàng Công Luận – Tổng Biên tập. Từ trái sang (hàng đứng): Quang Việt – Biên tập viên, Nguyễn Hùng – Trưởng Ban Biên tập, Nguyễn Minh Chi – Kế toán trưởng.

Ở phía Nam, tại TP.Hồ Chí Minh, TCMT có hai cộng tác viên chính: ông Vũ Hạnh, một nhà văn nổi tiếng, và anh Phù Hư, cử nhân luật hay văn chương gì đó, một người rất thạo nghề báo. Sau có anh Bùi Tấn Tiến phụ trách tờ “Mỹ thuật Cười”. Trong những năm khó khăn ấy, TCMT phải thêm chữ “Thời nay” trên măng-sét, cho “đời” hơn, thành “Mỹ thuật Thời nay”. Nghe nói, có thời gian nó bán chạy ngang ngửa với các tờ “Kiến thức Ngày nay” và “Thế giới mới”, ti-ra có lúc lên đến hai ba vạn bản. Ngày ấy, ở nước ta chưa có Internet, dân chúng vẫn còn rất ghiền báo, cứ nhiều thông tin mới lạ, bìa in ảnh hấp dẫn là người ta lùng mua.

Từ ngày anh Trần Tuy về làm Tổng biên tập (cuối 1993), cũng phải qua khá nhiều số thì mới thôi không dùng chữ “Thời nay” nữa.

Người làm việc lâu nhất ở TCMT là anh Nguyễn Hùng, 25 năm (từ 1984 đến 2009, có 4 năm cuối làm Tổng biên tập). Người làm Tổng biên tập lâu nhất là anh Trần Tuy, 9 năm (1993-2002). Tổng biên tập nữ đầu tiên là chị Đặng Thị Bích Ngân. Hai Tổng biên tập trẻ nhất là anh Nguyễn Quân (từ năm 38 tuổi), sau đến chị Hoàng Anh (năm 43 tuổi).

Năm 1995, trụ sở của TCMT và NXB Mỹ thuật đã được tu sửa, và đến năm 2002 đã được xây dựng mới như ngày nay.

Thực ra, tôi chỉ làm ở TCMT có một hai năm. Do nhu cầu của NXB Mỹ thuật, tôi đã chuyển sang mà không hề có bất cứ một “thủ tục” nào. Hay nói đúng hơn, trong suốt 25 năm qua, tôi đã làm việc ở cả hai nơi, nhưng chỉ ăn một lương. Chưa bao giờ tôi có cảm giác mình không phải là người của Tạp chí, và luôn luôn muốn đóng góp một chút gì đó cho Tạp chí.

Từng làm việc trực tiếp với sáu vị Tổng biên tập, tôi mới thấy rõ Tổng biên tập có vai trò quyết định như thế nào đến tính chất của một tờ báo. Thỉnh thoảng đọc lại một vài số rải rác trong suốt 40 năm qua của TCMT, đặc biệt trong một hai chục năm gần đây, tôi như được gặp lại từng người Tổng biên tập đã làm ra chúng. Có rất nhiều bài báo gắn với những kỷ niệm, vui hay buồn thì cũng đều đã qua, để hôm nay chợt nhớ lại, nghĩ về những người còn, mất.

Người đầu tiên tôi nghĩ đến là ông Hoàng Công Luận, một họa sĩ tôi đã thân thiết từ khi ông mới chuyển từ Quảng Ninh về Hà Nội giữa những năm 1970. Về khoản đọc sách, không dễ ai vượt được ông.

Cách làm việc của ông Luận hơi “độc đoán”, giao cái gì hôm trước thì hôm sau ông kiểm tra ngay, cứ chậm một tí là ông nổi đóa. Thế nhưng, ông lại là người rất biết cái hay của người khác, và luôn luôn tìm được đúng người làm ra được những cái hay mà ông thích. Có lần, TCMT định nhờ họa sĩ Lương Xuân Nhị viết bài, ông Luận bảo ngay: “Nên cử người đến hỏi chuyện rồi về viết lại. Chứ cụ Nhị nói rất hay nhưng viết lại rất khô…”

Anh Trần Tuy thì điềm đạm hơn. Trong tất cả các Tổng biên tập, anh Tuy là người duy nhất tự làm lấy ma-két, vì đó vốn là sở trường của anh. Tính anh rất dễ về đại thể, nhưng lại hay chú ý vào một vài câu, vài chữ nào đó mà anh cho là chưa ổn, đôi khi chỉ là vấn đề sắc thái. Anh Tuy có mối quan hệ rất rộng, nhiều cộng tác viên của anh là những bậc cực kỳ tên tuổi. Tôi nhớ năm có số tết đăng bài của ông Huy Cận, báo chưa ra, gặp tôi ông Cận đã nhắc: “Cho mình gửi lời cảm ơn anh bạn Trần Tuy. Khi nào báo ra thì nói Trần Tuy nhớ cho tớ nhuận bút”.

Một số cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí Mỹ thuật & Nhà xuất bản Mỹ thuật trong chuyến đi thực tế tại Bắc Ninh năm 2017

… Riêng anh Trương Hạnh vừa làm Tổng biên tập TCMT, vừa làm Giám đốc NXB Mỹ thuật. Tính anh cương quyết, đã muốn đăng gì thì anh quyết đăng cho được, không muốn thì quyết không đăng.

Trong thời kỳ của anh Trương Hạnh, tôi có hai bài báo bị “cản trở” từ bên ngoài, song anh vẫn cho đăng, chẳng hề hấn gì. Anh có thói quen vuốt ria khi phải cân nhắc để đi đến một quyết định quan trọng.

Anh Nguyễn Hùng, đối với tôi, không chỉ là một Tổng biên tập, anh còn là một người bạn rất hay. Nhiều người chê anh tính khí “thất thường”, e rằng không hẳn đúng. Theo tôi, đấy là biểu hiện của những người có chính kiến và không muốn che giấu cảm xúc thật của mình. Bên ngoài, anh làm việc có vẻ “lớt phớt”, nhưng kỳ thực anh rất tinh tường, biết người biết của (rất giống ông Hoàng Công Luận). Phong cách làm báo của anh tôi rất thích. Nó nhẹ nhàng và tinh tế.

Ngày chị Đặng Thị Bích Ngân thay anh Nguyễn Hùng làm Tổng biên tập, không chỉ riêng tôi mà có khá nhiều người trông đợi kết quả. Vì chị Ngân mặc dù đã làm xuất bản suốt mấy chục năm, nhưng lại chưa từng làm báo. Sau chị Ngân đã chứng minh được, và ở thời kỳ của chị, quả thực tờ báo cũng có những nét rất riêng. Đôi khi có những bài cộng tác viên gửi đến, chị gạch bỏ từng mảng lớn, mà xem kỹ ra thì lại rất có lý. Với cá nhân tôi, tôi cũng đã học được rất nhiều ở Bích Ngân.

Hoàng Anh thoạt đầu về làm xuất bản cùng tôi. Sau không biết thế nào lại được điều sang làm báo. Nếu tôi nhớ không nhầm, thì Hoàng Anh cứ bị “điều đi chuyển lại” như thế đến mấy lần… Rồi nghề báo cuối cùng vẫn là nơi Hoàng Anh trụ lại. Ngày Hoàng Anh có bài phỏng vấn ông Lê Công Thành, ai ai đọc cũng xuýt xoa khen, bởi vì cái chất hơi “điêu điêu” của nó. Theo tôi, trên TCMT xưa nay, đó là một trong những bài phỏng vấn hay nhất.

Hoàng Anh có tư chất làm báo, với một niềm say mê làm báo tôi chưa từng thấy ở ai. Ở một tờ báo “thanh bần”  như TCMT, có được một người Tổng biên tập trẻ, năng động như Hoàng Anh là điều vô cùng quý và rất đáng để kỳ vọng.

… 25 năm tức là đúng một phần tư thế kỷ. Đời người mấy ai sống được bốn lần như thế. Mấy cái cây bé tẹo ngày xưa ở trước cửa TCMT nay đã lớn cao, tỏa bóng rợp mát cả một góc đường. Có nhiều người quen sau bao năm gặp lại đã hỏi tôi: “Cái cơ quan ấy vẫn còn cơ à?” Tôi đã trả lời: “ Thế chẳng còn thì đi đâu?”

Phải sống với TCMT mới hiểu hết được sự tồn tại kỳ diệu của nó. Một sự tồn tại đầy khó khăn và đòi hỏi biết bao nỗ lực, nhưng trong lòng bạn đọc nó luôn luôn được yêu mến và không ai muốn bị thiếu đi.

Về TCMT, một họa sĩ người Rumani đã từng nói: “Ở đất nước chúng tôi, một tờ báo thế này không dễ gì có được. Đây thực sự như là một giấc mơ đối với các họa sĩ”.

Riêng đối với cá nhân tôi, làm báo ở TCMT dường như còn lớn hơn cả nửa cuộc sống. Xin cảm ơn TCMT.

Quang Việt

 

(*) Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Mỹ thuật số 293 & 294 tháng 5-6 năm 2017

Tin cùng chuyên mục

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Tin cùng chuyên mục

Sôi nổi Hội thi vẽ “Tây Hồ quê hương em”

Hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4), sáng 17/4 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ, quận Tây Hồ đã tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc quận Tây Hồ năm 2024. Phát...

“Tháng Tư hy vọng” – thắp sáng ước mơ hội họa cho trẻ tự kỷ

Triển lãm tranh của trẻ tự kỷ với chủ đề “Tháng Tư hy vọng” vừa khai mạc hôm nay (17/4) tại Hà Nội. Triển lãm mang đến cho công chúng Hà Nội hơn 60 tác phẩm của 13 “họa sĩ” là...

Đại diện Hội đồng Tăng – già Phật giáo toàn đảo quốc Sri Lanka gặp gỡ giao lưu với các nghệ sĩ thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam

Sáng 15/4, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Hòa thượng Mugunghwa Anuruddha, đại diện Hội đồng Tăng – già Phật giáo toàn đảo quốc Sri Lanka đã tới Nhà Triển lãm Mỹ thuật...

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Giới thiệu chất liệu truyền thống tại triển lãm mỹ thuật “Ngũ hình”

(Chinhphu.vn) – Ngày 30/3, tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, Triển lãm mỹ thuật “Ngũ hình” của 5 họa sĩ đã giới thiệu tới người yêu mỹ thuật các tác phẩm bằng...

Có thể bạn quan tâm

CHIẾC ĐỒNG HỒ CỦA BÙI XUÂN PHÁI

  Nhiều người đã bất ngờ và thú vị khi xem mặt sau của một bức họa vẽ trên giấy của họa sĩ Bùi Xuân Phái có dòng chữ do chính ông viết: “Tiến tới cần một xe đạp riêng và một đồng...

Thông báo lần thứ 2 về triển lãm Mỹ thuật khu vực 4 (Bắc miền Trung) lần thứ 26 năm 2021

 ...

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa hồi giáo Iran tại Việt Nam tham dự khai mạc Triển lãm Gốm Dáng Xuân – 2024

Chiều 26/2, tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật (16 Ngô Quyền) đã diễn ra Lễ khai mạc Triển lãm Gốm Dáng Xuân – 2024. Triển lãm trưng bày hơn 120 tác phẩm của 45 nghệ sĩ đến từ Câu lạc bộ Gốm...

Triển lãm “Câu chuyện đầu năm”: Thổi hồn vào nghệ thuật màu nước, tranh lụa

NDO – Chiều tối 29/3, Triển lãm tranh “Câu chuyện đầu năm” đã khai mạc tại Nhà triển lãm số 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Triển lãm giới thiệu 67 tác phẩm của 5 hoạ sĩ Phạm Thanh Sơn,...

NGUYỄN HOÀNG HOANH – MẪU TỬ

Họa sĩ Nguyễn Hoàng Hoanh sinh năm 1937 tại Chợ Lớn cũ (Đức Hòa, Long An ngày nay). Ông học và tốt nghiệp Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn khóa I (1955-1960) cùng lớp với Nguyễn Văn...