BÀN VỀ HỆ SINH THÁI DUYÊN HẢI TRÊN TRỐNG ĐỒNG ĐÔNG SƠN (PHẦN CUỐI)

Bài thứ ba (phần cuối)

Những đứa con của rái cá

Theo truyền thuyết dân gian, Đinh Tiên Hoàng là sản phẩm của cuộc sinh nở thần kỳ giữa bà Đàm thị và một con rái cá. Công dư tiệp ký là cuốn sách của Tiến sĩ Vũ Phương Để, Đông các học sĩ, Tham chính Kinh Bắc soạn năm 1755 đời Cảnh Hưng – là văn bản sớm nhất đã ghi lại huyền tích này, trong truyện Đinh Tiên Hoàng ký. Về truyền thuyết này, TS. Trần Trọng Dương, trong cuốn sách Việt Nam thế kỷ 10, những mảnh vỡ lịch sử, đã phản đối những yếu tố “hoang đường”, “hư cấu” trong văn học dân gian. Từ góc độ sử học, sau khi công phu đối chiếu các nguồn sử liệu khác nhau như Tục tư trị thông giám trường biên (Lý Đảo), Văn hiến thông khảo (Mã Đoan Luân), An Nam chí lược (Lê Trắc), Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước (Nguyễn Danh Phiệt), Trần Trọng Dương đã đi tới khẳng định bố của Đinh Bộ Lĩnh là thứ sử Châu Hoan Đinh Công Trứ. Đó là cách nhìn khoa học của người trọng chứng và trọng sử. Nhưng từ góc nhìn từ mô-típ sinh nở thần kỳ, GS. Kiều Thu Hoạch rất tâm đắc với những nghiên cứu của Chung Kính Văn (Đại học Bắc Kinh) phát hiện ra sự tương đồng thú vị giữa truyền thuyết về các vị hoàng đế nhà Thanh Thái Tổ, Tống Thái Tổ so với Đinh Tiên Hoàng đều là ba người con của rái cá và đều đã trở thành hoàng đế.
Sự nhầm lẫn giữa giao long và rái cá
Trong phần lớn các công trình nghiên cứu về nghệ thuật Đông Sơn, rái cá là loài vật ít được nhắc đến hoặc bị bỏ quên. Thường khi mô tả loài vật này, các nhà nghiên cứu chỉ ghi là con vật chưa được xác định. Nhà nghiên cứu Tạ Đức là người đã quan tâm nhiều nhất và có những kiến giải mang tính biểu tượng luận về hình tượng này.
Tượng vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ vua Đinh, thôn Vân Bòng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, Ninh Bình. Nguồn Hồ Trọng Minh
Rái cá biển – nguồn Wiki
Rái cá là động vật lưỡng cư, có hai loài: rái cá sống ở biển và rái cá sống ở sông. Sự khác biệt về hình dáng giữa loài rái cá nước mặn và nước ngọt không lớn. Rái cá cùng với ếch, cá sấu là một trong những loài động vật lưỡng cư có tứ chi. Sự nhầm lẫn giữa rái cá và cá sấu do chúng đều có hình dáng thân mình dài, có phần đuôi. Mặc dù tạo hình của người Đông Sơn đơn giản, thiên về khái lược nhưng vẫn bắt đúng đặc tính hình dạng của loài vật đó. Riêng phần đuôi, đuôi rái cá ngắn hơn và mềm hơn đuôi cá sấu. Đuôi cá sấu không thể cuộn tròn hay uốn lượn hình sin và không có lông từ đầu tới cuối. Hình logo của Viện Khảo cổ vẫn thường được cho là hình đôi giao long nhưng thực chất là hình rái cá.
Cho đến hôm nay, suốt một dải duyên hải từ Liêu Ninh, Phúc Kiến, Quảng Châu (Trung Quốc) qua Việt Nam, tới Indonesia vẫn là môi trường sinh sống của nhiều loài rái cá. Hiện tại, do những thay đổi về khí hậu và nạn săn bắn của con người mà loài rái cá biển hầu như vắng bóng. May mắn là Vườn quốc gia Bái Tử Long (Quảng Ninh) vẫn còn bảo tồn được loài rái cá sinh sống ở vùng ngập mặn.
Dọc bờ biển Việt Nam còn có nhiều địa danh liên quan tới sự xuất hiện của loài rái cá. Ví dụ như vịnh Gành Rái (nay thuộcVũng Tàu) tương truyền xưa có nhiều rái cá. Hoặc như Hang Rái (biển Ninh Thuận) tương truyền khi xưa có nhiều loài rái cá biển sinh sống. Hay hòn Sơn Rái (Kiên Giang) gắn với giai thoại rái cá cứu vua.
Do là khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi phải trốn ra đảo, trong lúc đói khát thì được rái cá mang cho tôm cá ăn mà thoát chết.  Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi (vua Gia Long), nhớ lại thủa hàn vi bôn ba đã quay lại đảo cũ, phong cho loài rái cá ở đây tước Lang lại tướng quân và đặt cho đảo tên gọi Hòn Sơn Rái.
Người Đông Sơn mô tả rái cá có những kiểu dáng như trên trống đồng Hòa Bình, trống Miếu Môn, trống Phú Xuyên, trống Yên Lập, giáo đồng Đông Sơn… Theo nhà nghiên cứu Tạ Đức, ngoại trừ  nhà nghiên cứu Từ Chi, phần lớn các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều không nhìn thấy trong nghệ thuật Đông Sơn sự xuất hiện của hình ảnh con rái cá.
Hình ảnh của con rái cá trong nghệ thuật Đông Sơn thường chú thích là giao long

 

Rái cá trên mặt trống đồng Hòa Bình
Trích đoạn một con rái cá trên mặt trống đồng Hòa Bình
Cội nguồn tâm lý sùng bái rái 
   
Rái cá trên rìu đồng Đông Sơn
Câu chuyện đượm màu huyền thoại về người cha là rái cá của Đinh Tiên Hoàng đế cho thấy ngay tới thời nhà Đinh gần 1000 năm sau thời Đông Sơn, tâm lý sùng bái rái cá vẫn không hề suy giảm. Người Đông Sơn gắn bó với môi trường sông nước. Rái cá là loài vật lưỡng cư ở cả môi trường nước ngọt và nước mặn. Rái cá có biệt tài bắt cá. Người Đông Sơn so ước mình được giống như loài rái cá giỏi bơi lội và giỏi bắt cá. Thành ngữ “Có phúc sinh con hay lội, có tội sinh con hay trèo” thể hiện tâm thức này.
Rái cá xuất hiện nhiều trong nghệ thuật Đông Sơn và đó có thể là lý do sau hơn 1000 năm Bắc thuộc ở nước ta sự sùng kính con vật này hẳn vẫn còn sâu đậm. Câu chuyện về Đinh Tiên Hoàng đế là đứa con của rái cá đương nhiên rất khó nghe với cái tai của các sử quan Nho gia. Dẫu vậy, nó vẫn được ghi vào trong cuốn sách Công dư tiệp ký của một vị Đông các học sĩ lúc thanh nhàn. Rái cá được nhà nghiên cứu Tạ Đức xây dựng thành một trong những vật tổ của người Đông Sơn. Căn cứ vào hệ thống đồ án, hình ảnh con rái cá có thể chưa phải là vật tổ Đông Sơn, nhưng đó là loài vật nhận được sự ngưỡng mộ của người Đông Sơn. Cũng theo Tạ Đức, danh tướng Yết Kiêu có thể là tên gọi ám chỉ loài rái cá. Yết Kiêu theo sách Nhĩ Nhã là chó mõm ngắn, rái cá cũng được ám chỉ là loài chó nước. Sự trở lại của những giống loài hải sinh trên bộ Cửu đỉnh thời Nguyễn là sự trở lại của tâm thức biển của người Việt, tiếc rằng hình ảnh rái cá không còn thấy nữa.
Rái cá chắc chắn nhận được sự sùng kính nhất định trong văn hóa Đông Sơn. Và dù Đinh Tiên Hoàng, con của một vị Thứ sử Châu Hoan, nhưng vẫn cần đến bóng dáng thần linh của con rái cá. Ninh Bình nói chung, Hoa Lư nói riêng ở thế kỷ 10 là vùng duyên hải. Và hình ảnh Đinh Tiên Hoàng -đứa con của rái cá, dẫu rất hoang đường nhưng vẫn mãi mãi mang vẻ đẹp văn hóa biểu tượng ngàn đời của dân tộc.
Trần Hậu Yên Thế
Tài liệu tham khảo
1. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1999), Từ  điển Biểu tượng Văn hóa Thế giới, Nxb Đà Nẵng
2. Tạ Đức (2017), Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn, Nxb Tri thức
3. Nguyễn Duy Hinh (2001), Trống đồng quốc bảo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội
4. Bùi Quang Thắng, chủ biên (2008),  30 thuật ngữ nghiên cứu văn hóa, Nxb Khoa học xã hội

Tin cùng chuyên mục

Hoa văn kể chuyện năm Rồng

Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của dân tộc Việt Nam. Hình tượng rồng Việt vì thế hiện diện đa dạng trong mọi mặt đời sống xã hội từ...

Sự ra đời của hình ảnh rồng – tiên trong mỹ thuật

Việt Nam là một đất nước có thể tự hào với truyền thống văn hóa đặc sắc. Trong những truyền thuyết của người Việt chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, chuyện Cha Rồng Mẹ Tiên lý giải sự hình...

Gia đình và Bốn mùa

Trong nền văn học – nghệ thuật cổ điển của chúng ta xưa, các tác giả và người thưởng thức luôn có một quan điểm chung là: “Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi” (trong thơ có họa, có...

Tranh cổ động một thời

Những họa sĩ tiền bối như Vũ Văn Thu, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Hữu, Huỳnh Công Nhãn (Huỳnh Phương Đông), Nguyễn Thuận, Phan Thư, Linh Chi, Trịnh Kim Vinh, Văn Hoè, Đình Khang, Thang Trần Phềnh, Võ thành...

Tranh Tết những ngày độc lập

Cứ mỗi lần Tết đến, lại thấy những bức tranh có những màu sắc thô mộc, vui tươi, chân thật và biểu dương được cả một tinh thần dân tộc. Những tranh tết đó có từ lâu rồi, và cứ hàng...

Có thể bạn quan tâm

Xuân Gieo Vang – Vũ Tuyên

...

Festival Mỹ thuật Trẻ 2020 có gì mới ?

  “Festival là dịp công bố những sáng tác mới của thế hệ nghệ sĩ trẻ Việt Nam, thông qua các tác phẩm Festival chúng ta thấy được phần nào cách nhìn riêng về đời sống đương đại, xu thế...

ĐƯỢC VẼ VÀ NẶN TƯỢNG BÁC

  Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm 50 năm ngày mất của Người (2/9/1969-2/9/2019) Tạp chí Mỹ thuật xin trân trọng đăng lại bài viết “Được...

GIẢI THƯỞNG TRIỂN LÃM MỸ THUẬT KHU VỰC VIII (ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG) LẦN THỨ 26 NĂM 2021

                             ...

NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT NAM VẪN LÀ MỘT DẤU HỎI

“Nghệ thuật Đương đại Việt Nam” (Vietnamese Contemporary Art) đã thực sự là khái niệm hiện hữu trên hệ thống truyền thông quốc gia và quốc tế. Nhưng thực tế ở Việt Nam, nghệ thuật đương...