BÀN VỀ HỆ SINH THÁI DUYÊN HẢI TRÊN TRỐNG ĐỒNG ĐÔNG SƠN (PHẦN HAI)

 

Bài thứ hai: Biển gọi tên nai

Trong phần I, chúng tôi đã lập luận rằng không nên gọi con vật lưỡng cư trên mặt trống đồng là con cóc. Căn cứ vào hệ sinh thái duyên hải, tiến thêm một bước so với các nghiên cứu của Nhóm Đào Duy Anh, chúng tôi phán đoán là loài ếch có thể sống được ở cả môi trường nước ngọt và nước mặn. Tên khoa học là Fejervarya cancrivora.
Trong phần II của bài viết hệ sinh thái duyên hải trên trống đồng Đông Sơn, chúng tôi cũng đề xuất không nên gọi là đàn hươu mà là đàn nai (trên trống đồng Ngọc Lũ, Miếu Môn, thạp Hợp Minh). Việc gọi đúng tên loài động vật trên hiện vật cách đây hơn 2000 năm tuy là việc khó khăn, nhưng đó là công việc khoa học cần thiết. Trong ngôn ngữ đời thường, ta vẫn hay nói tôm tép, gà vịt, cóc nhái, cáo cầy… nên cũng có cụm từ hươu nai. Nhưng hẳn nhiên hươu và nai là hai con vật khác nhau. Thậm chí, cũng như gà và vịt, hươu và nai có môi trường sinh sống không hoàn toàn giống nhau, có tập quán, phương thức sinh tồn khác nhau.
“Môi trường nào thì con người phải kiếm ăn theo cách tương ứng: Những cư dân tại các hòn đảo chắc chắn phải kiếm ăn bằng nghề săn bắt cá; cư dân trên các thảo nguyên phải biết chăn nuôi, du mục; những người sống bên những cánh rừng trên lục địa lại kiếm ăn bằng săn bắn, hái lượm… Quá trình lao động sản xuất ra của cải vật chất này dần dần tạo thành những phương thức sản xuất nhất định, rồi đến lượt nó – phương thức sản xuất – lại quy định lối sống, tức là văn hoá của xã hội ấy. Có thể nói, hoạt động sản xuất của cải vật chất là hoạt động sống căn bản nhất của con người và chính nó quyết định nhiều nhất đến sự hình thành và phát triển văn hóa của từng xã hội.”  (Bùi Quang Thắng, chủ biên – 30 thuật ngữ nghiên cứu văn hóa).
Hình nai trên Trống đồng Ngọc Lũ (Bảo vật Quốc gia)
Loài nai Elaphurus davidianus.
 Như vậy, tất không thể đem cách nghĩ của người miền núi để giải thích những hình khắc của người miền biển. Việc cho rằng hình đàn nai trên thạp Hợp Minh, trống đồng Ngọc Lũ, Miếu Môn là đàn hươu cũng tựa như nhìn gà hóa cuốc. Gà thì không kiếm ăn ở vùng ao hồ, cuốc thì chuyên ăn các loài tôm tép, thập chí cả cá nhỏ, tuy trông chúng khá giống nhau nhưng môi trường sinh sống lại khác nhau. Hươu và nai cũng vậy, hươu thì sống ở vùng núi, nai thì lại thích sống ven bờ biển, ăn loài thực vật thủy sinh.
Xem lại định nghĩa của Huỳnh Tịnh Của về hươu và nai. Pho Đại Nam quấc âm tự vị do Huỳnh Tịnh Của (gồm 2 tập -1895 và 1896) đã đặt nền móng xây dựng nền quốc văn mới. Ðại Nam quấc âm tự vị cũng là quyển tự vị tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam, do người Việt Nam biên soạn.
Nai: Loài thú lớn con, có gạc có chà, lông hùn hùn, rảng bảo
Hươu: Tiếng gọi chung cả loài thú giống nhau, nai lớn, hươu nhỏ
Nai chà: Nai lớn có chà có gạc.
Huỳnh Tịnh Của đã dùng chữ Nôm mà không dùng chữ Hán để chỉ “nai”, vì người Hán không có một chữ độc lập để gọi con vật này. Để chỉ loài nai, người Hán phải dùng hai chữ mi lộc. Như thế, người Hán cũng như người Anh, xếp nai và hươu vào một nhóm, gọi chung là hươu /deer. Khi muốn gọi con nai sẽ buộc phải ghép từ: Sambar deer, hoặc là Père David deer (Père David là tên của một nhà truyền giáo người Pháp đã phát hiện ra một giống nai có kích thước lớn gần như đã tuyệt chủng ở Trung Quốc)
Trong lịch sử nghiên cứu trống đồng gần 100 năm nay cũng đã có người từng nghi ngờ cách gọi tên loài động vật có sừng không phải là hươu. Đó là nhà nghiên cứu Bình Nguyên Lộc. Ông cho rằng đó là loài tuần lộc. Tạ Đức trong cuốn Biểu tượng trống đồng Đông Sơn đã bác bỏ ý kiến này của Bình Nguyên Lộc. Tuần lộc là loài sống ở vùng băng giá, xứ hàn đới, chắc chắn không phải địa hạt sinh sống của người Đông Sơn. Nhà nghiên cứu khảo cổ học Vũ Thế Long lại xác định hươu trên trống Ngọc Lũ là hươu sao (bởi sừng con đầu đàn có bốn nhánh và thân có đốm).
Cảnh săn nai trên rìu đồng Đông Sơn.
Mặt trống đồng Ngọc Lũ- Trích đoạn.
Thạp Hợp Minh (bản vẽ của Hà Nguyên Điềm).
Thực ra đây là cách tạo hình thời Đông Sơn, con bò cũng có những vòng tròn trên thân. Đó là cách ám chỉ về loài vật thân có màu sắc rực rỡ khi ánh nắng rọi vào thì tỏa ra những đốm sáng. Còn vì sao nai cái cũng có sừng thì đây là sự hy sinh đặc điểm của giới tính cho đặc điểm nhận dạng của một giống loài. Ví dụ sư tử cái không có bờm nhưng hầu hết các tượng sư tử đá từ thời Minh Thanh đều tạc hình sư tử cái có bờm đang nô đùa với lũ con nhỏ.
Tiếp tục với những nghiên cứu liên ngành, dựa trên hệ sinh thái động vật duyên hải, chúng tôi cho rằng loài động vật có sừng đang bàn ở đây chính là nai – loài nai sống ven biển.
Nai (tên khoa học: Rusa unicolor) hay còn gọi là hươu Sambar theo tiếng Anh (Sambar deer), là một loài thú lớn thuộc họ Hươu, phân bố ở Sri Lanka, Nepal, Ấn Độ, Trung Quốc, các nước Đông Dương. Nai là loài hươu có kích thước lớn nhất, sống ở vùng nhiệt đới và á nhiệt đới. Nai thích đi ăn ven bờ biển, rất thích bơi lội, đùa giỡn dưới nước. Sừng của nai rất dài, thường từ 70–80 cm, dài nhất có thể tới 125 cm. Chúng ta có thể thấy hình đàn thú có sừng rất dài trên trống đồng Ngọc Lũ và thạp Hợp Minh. Ở vùng đầm lầy và vùng đất ngập nước ở miền nam Trung Quốc còn có một loài nai có tên khoa học là Elaphurus davidianus hay tên gọi phổ thông là Père David deer. Chính vì đặc điểm sừng rất dài nên loài nai này cũng hay bị nhầm với tuần lộc.
Trở lại với thạp đồng Hợp Minh. Đa số các loài động vật xuất hiện trên thạp đồng này đều là động vật ở biển hoặc vùng đầm lầy ngập mặn. Phía dưới con thuyền có những loài thủy sinh đang bơi lội. Đáng chú ý là sự xuất hiện của con mực và cá đuối, hai sinh vật sống ở vùng nước mặn. Phía trên mặt thạp là hình bốn con bồ nông. Như vậy, với một hệ sinh thái duyên hải, thì loài động vật có sừng kia không thể là hươu hay tuần lộc mà chỉ có thể là nai.
Việc nhấn mạnh đến hệ sinh thái duyên hải tức là gián tiếp khẳng định văn hóa Đông Sơn là văn hóa của cư dân biển. Dù thạp Hợp Minh tìm thấy ở Yên Bái, không phải vùng duyên hải, nhưng cảm thức đại dương vẫn tràn ngập trên thạp đồng Hợp Minh. Vả lại ở thời Đông Sơn, biển vẫn gần Yên Bái hơn bây giờ, tựa như tâm thức văn hóa biển của người Tây Nguyên (thường gọi là người Thượng, sống ở trên dãy núi Trường Sơn) vẫn hằn sâu vào các kiểu thức kiến trúc và trang trí.
Có lẽ tâm lý e rừng ngại biển của người Việt từ thời Trung đại đến nay là có thật. Rất ít các bức chạm khắc mô tả các loài hải sinh, các loại thuyền biển, các thắng cảnh ven biển, sinh hoạt của các ngư dân vùng biển. Dần dần qua năm tháng, người Việt cũng nhạt dần cảm thức đại dương. Chỉ đến thời Nguyễn, trên bộ Cửu đỉnh đồ sộ, qua các hình ảnh biển Hải Nam, biển Đông, biển Tây, cửa biển Thuận An thuyền buồm, cho đến con víc, con đồi mồi… cảm hứng biển cả mới trở lại.
Đòi hỏi nhận biết đúng các loài động vật trên đồ đồng Đông Sơn là để hình dung môi trường sinh thái của văn hóa Đông Sơn. Vì mỹ thuật là một hình thái nhận thức. Những chạm khắc về con nai trên trống đồng Ngọc Lũ, thạp đồng Hợp Minh, rìu đồng Quốc Oai… không chỉ mang những vẻ đẹp thuần túy mà còn chứa đựng những thông điệp tiếp tục cần được giải mã. Phải chăng tổ tiên chúng ta, những cư dân văn hóa Đông Sơn, đã tự hào ngợi ca sự trù phú của quê hương xứ sở- với một vùng biển trời bao la. Phải chăng đó là những mốc giới chủ quyền được người Đông Sơn trao truyền cho con cháu hôm nay.
Trần Hậu Yên Thế 
Tài liệu tham khảo
1. Huỳnh Tịnh Của (1895 – 1896), Đại Nam quấc âm tự vị, Imprimerie Rey, Curiol & Cie, Sài Gòn
2. Tạ Đức (2017) Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn, Nxb Tri thức
3. Nguyễn Duy Hinh ( 2001), Trống đồng quốc bảo Việt Nam , Nxb Khoa học xã hội
4. Bùi Quang Thắng, chủ biên ( 2008,) 30 thuật ngữ nghiên cứu văn hóa, Nxb Khoa học xã hội
5. 李伟卿(2000 ) 铜鼓及其纹铈( Hoa văn trống đồng), 云南技出版社

 

 

Tin cùng chuyên mục

Hoa văn kể chuyện năm Rồng

Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của dân tộc Việt Nam. Hình tượng rồng Việt vì thế hiện diện đa dạng trong mọi mặt đời sống xã hội từ...

Sự ra đời của hình ảnh rồng – tiên trong mỹ thuật

Việt Nam là một đất nước có thể tự hào với truyền thống văn hóa đặc sắc. Trong những truyền thuyết của người Việt chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, chuyện Cha Rồng Mẹ Tiên lý giải sự hình...

Gia đình và Bốn mùa

Trong nền văn học – nghệ thuật cổ điển của chúng ta xưa, các tác giả và người thưởng thức luôn có một quan điểm chung là: “Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi” (trong thơ có họa, có...

Tranh cổ động một thời

Những họa sĩ tiền bối như Vũ Văn Thu, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Hữu, Huỳnh Công Nhãn (Huỳnh Phương Đông), Nguyễn Thuận, Phan Thư, Linh Chi, Trịnh Kim Vinh, Văn Hoè, Đình Khang, Thang Trần Phềnh, Võ thành...

Tranh Tết những ngày độc lập

Cứ mỗi lần Tết đến, lại thấy những bức tranh có những màu sắc thô mộc, vui tươi, chân thật và biểu dương được cả một tinh thần dân tộc. Những tranh tết đó có từ lâu rồi, và cứ hàng...

Có thể bạn quan tâm

TAM BẠC

  Đô thị nào mà chả ở cạnh sông. Đô thị nào mà chả có phố ven sông Hà Nội với những phố ngoài đê như An Dương, Cầu Đất, Hàm Tử Quan, Vạn Kiếp. Huế có phố Lê Lợi, Hội An có phố...

Quyết định phân bổ số lượng Đại biểu chính thức, Đại biểu dự khuyết và Đại biểu đương nhiên dự Đại hội Đại biểu Toàn quốc Hội Mỹ thuật Việt Nam lần thứ IX (Nhiệm kỳ 2019 – 2024)

      HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM                                                            CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM            Số: 314/19/BCH             ...

Nguyễn Sáng – Thiếu nữ Bản Yên

  Kể từ khi tham gia Tổ sáng tác của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Nguyễn Sáng luôn luôn có những chuyến đi thực tế: Hà Giang, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Cao Bằng, Điện Biên. Chuyến đi cuối...

Khai mạc Triển lãm thành quả Trại sáng tác và Sáng tác mới 2023 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

SGGP – Sáng 16-8, Hội Mỹ thuật TPHCM cùng Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM khai mạc triển lãm “Thành quả Trại sáng tác và Sáng tác mới 2023”. Đây là hoạt động thường niên của Hội Mỹ thuật TPHCM...

BỐN CHIẾC LỌ VÀ NHỮNG SỐ PHẬN

  Một buổi chiều, tôi đến chơi thăm ông bạn làm điêu khắc. Ông ngồi bần thần nhìn mấy chiếc lọ gốm trước mặt, chung quanh là những bức tranh cùng mấy giá sách. – “Lâu mới lại...