MỘT ĐÓNG GÓP TRONG NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ MỸ THUẬT SÂN KHẤU

 

Nhân đọc “Mỹ thuật Sân khấu Việt Nam” của PGS. TS. Họa sĩ Đoàn Thị Tình, Nhà xuất bản Mỹ thuật Hà Nội, 2020.

Nghệ thuật sân khấu, ngay từ khi mới ra đời, đã có sự tham gia của mỹ thuật (qua sự trang điểm/hóa trang và phục trang của diễn viên, qua việc làm đẹp cho nơi biểu diễn…), nhưng phải trải qua một quá trình lâu dài chuyên ngành mỹ thuật sân khấu mới định hình và phát triển để trở thành một thành phần hữu cơ trong một vở diễn. Đến lúc này, việc thiết kế trang trí sân khấu không đơn giản chỉ là để minh họa, làm đẹp cho diễn viên và sàn diễn nữa, mà còn góp phần phản ánh nội dung tư tưởng của vở diễn, tạo dựng bối cảnh, không gian cho những sáng tạo của diễn viên, qua đó truyền tải một cách trực quan thông điệp nghệ thuật mà các chủ thể sáng tạo gửi gắm. Nhận thức được vai trò của thiết kế mỹ thuật sân khấu trong tổng thể một vở diễn như vậy, trên thế giới, ở những nước có nền sân khấu phát triển, việc nghiên cứu về lịch sử mỹ thuật sân khấu như một thành tố thiết yếu của nghệ thuật sân khấu, hay trong tư cách là một chuyên ngành của mỹ thuật ứng dụng, đã nhận được một sự quan tâm thích đáng. Còn ở Việt Nam, do những điều kiện chủ quan và khách quan khác nhau mà công việc này hầu như chưa được ghi nhận mấy từ phía các nhà nghiên cứu. Cho dù đã có không ít công trình nghiên cứu về lịch sử sân khấu nói chung ra đời, nhưng người đọc cũng chỉ bắt gặp trong đó một vài tổng kết, nhận định ngắn gọn về trang trí sân khấu, rất ít công trình giới thiệu được những tư liệu bằng hình ảnh về lĩnh vực này (như những phác thảo về trang trí hay phục trang của các vở diễn; hoặc những hóa trang, tạo hình các nhân vật…).

Gần đây, cũng đã xuất hiện một số nghiên cứu (đề tài khoa học, luận văn, luận án) quan tâm đến nội dung này, nhưng chủ yếu chỉ tập trung vào từng giai đoạn mỹ thuật sân khấu nhất định của một loại hình nghệ thuật sân khấu, hoặc chỉ được đề cập ít nhiều trong các công trình chung có liên quan; mà chưa phải là một (hoặc nhiều) nghiên cứu vừa tổng kết được những thành tựu đã đạt được của mỹ thuật sân khấu Việt Nam, vừa chỉ ra được một cách chính xác, khoa học những hạn chế cần phải vượt qua, để trong tương lai mỹ thuật sân khấu tiếp tục đóng góp to lớn và thiết thực hơn nữa vào sự phát triển của nghệ thuật biểu diễn nước ta – một nền nghệ thuật vừa mang đậm bản sắc dân tộc lại vừa không bị lạc lõng trước các nền nghệ thuật tiên tiến trên thế giới. Trong bối cảnh này, cuốn sách “Mỹ thuật Sân khấu Việt Nam” của PGS.TS. Họa sĩ Đoàn Thị Tình vừa được Nhà xuất bản Mỹ thuật cho ra mắt bạn đọc vào cuối năm 2020, là một đóng góp rất đáng ghi nhận, vào khoảng trống này. Qua hơn 300 trang sách khổ lớn (16x24cm) với 4 chương chính văn, ngoài ra còn có phụ lục hình ảnh và phụ lục tư liệu, PGS.TS. Họa sĩ Đoàn Thị Tình đã giới thiệu với người đọc về mỹ thuật sân khấu Việt Nam từ thời cổ đại đến năm 2000, theo trình tự thời gian.

 

Theo tác giả, ở thời cổ đại, những yếu tố tiền đề của mỹ thuật sân khấu chính là “hình khối đạo cụ, màu sắc đường nét của hóa trang, trang phục” (tr.11) trong các trò diễn dân gian. Đến các thời kỳ tiếp theo, mỹ thuật sân khấu ngày càng tham gia nhiều hơn vào nghệ thuật biểu diễn nói chung, để đến khoảng thế kỷ XIX, mỹ thuật sân khấu Việt Nam đã định hình tương đối rõ ràng, nhất là ở nghệ thuật tuồng và nghệ thuật chèo, với các yếu tố trang phục và hóa trang, vẽ kẻ mặt, đạo cụ. Sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, xuất hiện các rạp hát với sân khấu hộp ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn… và cùng với đó, mỹ thuật sân khấu cũng có những thay đổi cho phù hợp bối cảnh mới: trang trí sân khấu xuất hiện phông màn vẽ cảnh (họa sĩ Trần Phềnh – tức Thang Trần Bình – là người trang trí phông cảnh đầu tiên của sân khấu cận hiện đại Việt Nam), các yếu tố trang phục, hóa trang, đạo cụ, ánh sáng được quan tâm hơn. Từ giai đoạn này trở về sau, mỹ thuật sân khấu đã cho thấy vai trò không thể thiếu của nó trong một vở diễn, nên ngày càng được đầu tư nhiều hơn và cho đến trước cách mạng tháng Tám 1945, đã có rất nhiều họa sĩ tham gia vào công việc này với tư cách nghiệp dư. Thời kỳ từ năm 1945, nhất là từ năm 1954 đến năm 2000, mỹ thuật sân khấu Việt Nam đã trở thành một chuyên ngành nghệ thuật với đầy đủ các yếu tố: thiết kế bối cảnh, trang trí, trang phục, hóa trang, đạo cụ, ánh sáng được thể hiện ở tất cả các loại hình, từ kịch hát dân tộc cho đến kịch nói, rối… với một đội ngũ họa sĩ sân khấu hành nghề chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản cả ở trong và ngoài nước. Và đây cũng là thời kỳ mà mỹ thuật sân khấu Việt Nam có những bước tiến nhảy vọt trong cả tư duy sáng tạo và chất liệu, kỹ thuật thể hiện, làm cho sân khấu Việt Nam hòa được với sự phát triển của sân khấu thế giới. Cùng với việc trình bày những đặc điểm của mỹ thuật sân khấu qua từng giai đoạn như vậy, PGS.TS Họa sĩ Đoàn Thị Tình còn công bố một khối lượng lớn những tư liệu hình ảnh về các phác thảo thiết kế mỹ thuật của các vở diễn, bao gồm từ cảnh trí cho đến hóa trang, trang phục…

Đây chính là kết quả của một quá trình tìm tòi, sưu tập tư liệu rất lâu dài và công phu, nhờ vào những tư liệu chân thực này mà những miêu tả, nhận định của tác giả trở nên thuyết phục hơn với người đọc. Từ đó, giúp cho người đọc có một hình dung tương đối cụ thể về sự hình thành và phát triển của mỹ thuật sân khấu Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử. Chúng tôi cho rằng, đây chính là đóng góp nổi bật của chuyên luận “Mỹ thuật Sân khấu Việt Nam”, như chính tác giả đã bày tỏ: “trước sau chúng tôi chỉ dám coi đây là một sưu tập tư liệu chưa đầy đủ về sự hình thành và phát triển của “Lịch sử Mỹ thuật Sân khấu Việt Nam” (tr.5). Với tư cách là một người đọc, cũng là một họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu suốt nửa thế kỷ qua, chúng tôi đồng nhất với quan điểm ấy của tác giả khi thực hiện cuốn sách này. Hy vọng rằng sau “Mỹ thuật Sân khấu Việt Nam”, PGS. TS. Họa sĩ Đoàn Thị Tình sẽ tiếp tục những công trình mới của mình về sân khấu, trong đó có mỹ thuật sân khấu Việt Nam hiện đại…
Với những trang viết đầy tâm huyết của PGS.TS. Họa sĩ Đoàn Thị Tình vừa dưới góc nhìn của một họa sĩ đã trực tiếp làm công việc “bếp núc” sân khấu cho các vở diễn, vừa là một nhà sưu tầm (tư liệu), nghiên cứu về chuyên ngành nghệ thuật này, người đọc sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn về công việc của người họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu, từ đó có những ghi nhận đúng đắn hơn, công bằng hơn về những đóng góp của chuyên ngành này vào thành công chung của một tác phẩm sân khấu hoàn chỉnh – tức là khi tác phẩm đó đang được biểu diễn cho khán giả trực tiếp thưởng thức. Bên cạnh đó, cũng có thể coi “Mỹ thuật Sân khấu Việt Nam” của PGS.TS. Họa sĩ Đoàn Thị Tình, chính là những tiếp cận đầu tiên chuẩn bị cho những công trình nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện về đề tài này trong tương lai…
Văn học, nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật sân khấu, là một dòng chảy không ngừng của cuộc sống, và không thể tách rời cuộc sống. Và như thế, cuốn sách “Mỹ thuật Sân khấu Việt Nam” của PGS. TS. Họa sĩ Đoàn Thị Tình, ngoài những giá trị nghệ thuật đích thực mà chúng tôi đã đề cập ở trên chắc chắn sẽ mang đến một niềm vui nhỏ nhoi, bình dị, đối với những người làm sân khấu cũng như công chúng yêu mến sân khấu Việt Nam; bởi nghĩ cho cùng, văn hóa, văn nghệ cần phải góp phần làm cho cuộc sống này mãi tốt đẹp hơn lên !

Lê Huy Quang

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Những dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của kiến trúc sư Ernest Hesbrard

Ernest Hébrard (1875 – 1933) sinh ngày 11/9/1875 tại Paris. Ngày 15/10/1891, khi 16 tuổi ông đã bắt đầu theo học tại xưởng vẽ của Trường Đại học Mỹ Thuật Paris (Ecole nationale et spéciale des Beaux Arts de...

Thành phố sáng tạo và nghĩa cử tri ân sự sáng tạo

Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, với danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình đang tiến về phía trước với mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo hàng đầu trong khu vực. Trải qua nhiều cuộc chiến...

Biến chuyển cảnh quan truyền thống – hiện đại từ phù thế họa (ukiyo-e) đến phim của Ozu Yasujiro

Tranh khắc gỗ (Ukiyo-e, Phù thế hội) là thể loại độc đáo riêng có của hội họa Nhật Bản, thể hiện một cách đầy thi vị và đa diện về cõi phù thế của những thị dân Edo. Ukiyo-e cũng đã...

Đấu xảo hoàn vũ Paris năm 1867 – Hội chợ triển lãm quốc tế đầu tiên có người Việt tham gia

Hoàn cảnh và lý do người Việt có mặt tại Đấu xảo Hoàn vũ ở Paris năm 1867 Sau Hòa ước Nhâm Tuất (05-06-1862), thực dân Pháp được quyền chiếm đóng và quản lý ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vào...

Đào tạo sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật trong đại học đa ngành

Các trường đại học đa ngành cùng tư duy liên ngành được kỳ vọng có thể đóng góp vào cách tiếp cận mới trong đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật (VHNT). Ðó...

Có thể bạn quan tâm

TRÒ CHUYỆN CÙNG HỌA SĨ MỘNG BÍCH: NGƯỜI PHỤ NỮ VẼ LỤA ĐI GIỮA HAI THẾ KỶ

Đúng hẹn, tôi cùng Hoàng Anh-Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật, đến thôn Na, xã Hiên Vân (Tiên Du, Bắc Ninh) vào 8 giờ sáng ngày 29/12/2020. Nắng đẹp, gió thổi mát rượi, chưa có dấu hiệu gì của...

BA LẦN GỌI CHO HỌA SĨ TRẦN HỮU CHẤT

  Cuốn sách đã được xuất bản đầu năm 2008.ăm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục...

Nghệ thuật công cộng trong không gian đô thị qua cách tiếp cận một số hình thức nghệ thuật đương đại

Nghệ thuật công cộng là loại hình nghệ thuật đa dạng về quan điểm và hình thức biểu hiện. Lịch sử thế giới cho thấy, một thành phố phát triển không bao giờ bỏ qua nghệ thuật đương đại....

Đào tạo sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật trong đại học đa ngành

Các trường đại học đa ngành cùng tư duy liên ngành được kỳ vọng có thể đóng góp vào cách tiếp cận mới trong đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật (VHNT). Ðó...

DẠO NGẮM ĐÔNG DƯƠNG QUA BỘ BÁCH KHOA TOÀN THƯ BẰNG ĐÁ VỀ CÁC THUỘC ĐỊA

  Giữa Kinh đô Ánh sáng ngày nay, để thoát li không gian náo nhiệt, người ta tìm tới không gian xanh rộng nhất của thành phố là Bois de Vincennes nằm ở rìa phía đông Paris, thuộc quận 12. Thật khó...