TÔI NHỚ MỘT NGƯỜI BẠN ĐÃ RA ĐI

 

Người bạn đó là Nhà Phê bình Mỹ thuật Trần Thức (tên đầy đủ là Trần Trí Thức). Sau này khi tham gia văn đàn, các cuộc hội thảo từ những năm 1960, anh đã lấy tên là Trần Thức (cho nó khiêm tốn hơn, anh đã tự bạch như vậy sau này).

Tôi biết anh Trần Thức năm 1964 khi về làm việc tại Viện Mỹ thuật Mỹ nghệ, anh về Viện trước tôi hai năm – 1962 đó là quãng thời gian họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung tiến hành xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Trong cái bộn bề của công việc lại đón nhận những sinh viên mới ra trường như chúng tôi anh đã trở thành đầu tàu của công việc vì anh là người lớn tuổi nhất trong phòng nghiên cứu một phòng chuyên môn quan trọng trong sưu tầm hiện vật, tư liệu và dịch thuật.

Chân dung Nhà Phê bình Mỹ thuật Trần Thức (1934-2021)

 

Nhà Phê bình Mỹ thuật Trần Thức trước giờ khai mạc phòng tranh triển lãm cá nhân 1993 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Ở trong tổ nghiên cứu cổ đại anh rất tháo vát trong các cuộc thương thảo với các già làng địa phương để có thể xin những pho tượng cổ, gốm cổ về bảo tàng.
Tuy ở trong tổ cổ đại anh lại kết thân với nhóm dịch thuật với các bạn cùng trang lứa Thái Bá Vân, Nguyễn Đỗ Hải, Từ Chi và bước đầu tìm ra được ảnh hưởng của mỹ thuật phương Tây vào Việt Nam đầu thế kỷ 20 như thế nào qua Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Bìa cuốn sách “Từ điển Mỹ thuật Đông Dương đến Mỹ thuật Việt truyền thống – hiện đại” của Nhà phê bình mỹ thuật Trần Thức – Nhà xuất bản Mỹ thuật 2010

Thời gian này tôi được phân việc đi chép tài liệu ở hai thư viện Quốc gia và Khoa học. Đó là hai thư viện lớn nhất ở Hà Nội. Chép tư liệu trên các báo chí giai đoạn 1930-45 liên quan đến mỹ thuật như báo Ngày Nay, Thanh Nghị, Phong Hóa, Indochine, Volonté Indochinoise… mệt mỏi vô cùng, nhất là báo chí tiếng Pháp tôi không rành rõ lắm. Anh Thức động viên tôi: “Phần tiếng Pháp em cứ “nhè” chỗ nào có chữ Beaux – Art thì chép vào rồi các anh hiệu đính cho”.

Cẩn thận như vậy nhưng khoảng năm 1968-1969 anh lại bị chuyển sang Tổ Hiện đại với một lý do rất đơn giản nhẹ nhàng. Tôi còn nhớ như in sự kiện này.
Hội đồng nghệ thuật họp duyệt mấy đồ gốm Lý Trần mượn của Bảo tàng Lịch sử về trưng bày. Tất nhiên việc này giao anh Thức làm hồ sơ hiện vật. Động tác anh Thức dùng tay xòe ra đo kích thước một bình gốm Lý. “Nghiên cứu khoa học không thể tự nhiên như thế được”. Bác Cung phê bình.

BÙI XUÂN PHÁI – Chân dung Trần Thức. 1977. Màu nước

 

TRẦN THỨC – Tĩnh vật hoa cúc, trái cây. 2005. Sơn dầu

Và cũng từ buổi họp đó, chân dung một nhà nghiên cứu mỹ thuật hiện đại với những công trình nghiên cứu tác giả tác phẩm hội thảo những vấn đề lớn trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam thời hiện đại được hình thành đến tận cuối cuối đời: Trần Thức.

Con người đó không lớn tiếng gay gắt, độc lập với các ý kiến đồng nghiệp trong các cuộc hội thảo của Hội Mỹ thuật những năm 80 có những chuyển biến về phê bình mỹ thuật. Nhà Phê bình Thái Bá Vân với bản tham luận mang cái tên khá dài “Hiện thực không phải là các ta nhìn thấy bằng con mắt mà là cái ta quan niệm bằng tâm tưởng”, mọi người phản đối ầm ầm nhưng Trần Thức nhẹ nhàng lên tham luận, ông nói “Nhưng ngược thời gian vào thời cận đại, Tô Ngọc Vân đã phát biểu “cái đẹp trong tranh không là cái đẹp ngoài đời”.

TRẦN THỨC – Tưởng nhớ Thái Bá Vân. 1999. Sơn dầu

 

TRẦN THỨC – Phong cảnh làng quê (thời chiến tranh chống Mỹ) 1967. Bột màu

Sau này, Thái Bá Vân – Trần Thức còn nhớ đến một câu nói của Picasso: “Tôi không tìm nhưng tôi thấy” khi hai ông gật gù với nhau ở một quán café quen thuộc.
Sau đóng góp của Trần Thức và nhóm cổ đại Bảo tàng Mỹ thuật mang được tượng Quan Âm chùa Hội Hạ (Vĩnh Phúc) về bảo tàng một tác phẩm đẹp nhất của thế kỷ 16 thời Mạc (hiện nay là Bảo vật Quốc gia). Trần Thức còn tham gia nhiều cuộc đi triển lãm lưu động ở các thời điểm, địa điểm xa như Hà Giang, Quảng Nam và Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 1978, nhóm cổ đại tổ chức trưng bày chuyên đề tượng cổ – điêu khắc cổ Việt Nam, nhóm hiện đại sưu tầm tranh của các họa sĩ Sài Gòn xưa và đặc biệt đã chuyển bức bình phong 2 mặt của họa sĩ Nguyễn Gia Trí là “Thiếu nữ trong vườn” và “Phong cảnh” trên chất liệu sơn mài về Bảo tàng Mỹ thuật (hiện nay là Bảo vật Quốc gia).

Nhà Phê bình Mỹ thuật Trần Thức, nhà thơ Hoàng Cầm, nhà điêu khắc Lê Liên trong phòng tranh “Trần Thức” trước giờ khai mạc, 1993

 

Cuộc đi này anh Trần Thức đã tham gia cả hai chương trình triển lãm cổ vật và sưu tầm tranh hiện đại. Đó cũng là đợt đi dài ngày và quan trọng nhất trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của anh tại Sài Gòn năm 1978.

Những công trình nghiên cứu của anh đầy ắp sự kiện biến động xã hội song hành phong cách nghệ sĩ. Nhờ quảng giao với các nghệ sĩ gạo cội của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, anh hội tụ được tài năng phong cách của bốn tài năng Nghiêm – Liên – Sáng Phái. Cách tiếp cận bạn bè bình đẳng vui vẻ trong ngôn ngữ bình dân chất phác không điệu đà, làm dáng đã giúp anh có nhiều bạn, nhiều suy cảm về thời thế, nhân sinh.

Trong ký ức tôi luôn giữ hình ảnh những người bạn trong tổ nghiên cứu tư liệu Bảo tàng Mỹ thuật đã bên nhau gần nửa thế kỷ, vui buồn trong những chuyến đi công tác thời bao cấp chiến tranh bom đạn nhưng không vắng nụ cười hiền hậu của anh Từ Chi, Nguyễn Đỗ Hải, Thái Bá Vân và giờ đây họ đón bạn Trần Thức để đủ một cỗ café quen thuộc thủa nào của một thời Hà Nội…

Tháng 9 năm 2021
Nguyễn Hải Yến

 

 

Tin cùng chuyên mục

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Có thể bạn quan tâm

THƯƠNG NHỚ VIỆT NAM

Cuộc sống vốn đa dạng nhiều tầng, tiến trình hình thành cũng vậy. Trong cuộc sống, những sự kiện, những dấu ấn và tri thức nghệ thuật sơn ta mới được đặt trên cái xưa cũ. Theo thời gian,...

Triển lãm tranh “Dạo bước qua vùng đất của sơn mài”

Ngày 2/8/2023, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đã diễn ra khai mạc triển lãm tranh sơn mài với chủ đề “Dạo bước qua vùng đất của sơn mài”. Đến với triển lãm tranh sơn mài, tại Bảo tàng...

Gìn giữ để “màu dân tộc” luôn sáng bừng trên giấy điệp

Không chỉ còn trong các tư liệu, hình ảnh, những người yêu tranh Đông Hồ giờ đã có thể hòa mình vào không khí nhộn nhịp của phiên chợ tranh xưa tại khu vực trưng bày tái hiện không gian Chợ...

Hội thảo mỹ thuật Đông Nam Bộ lần thứ I năm 2023

BTNO – Sáng 6.12, tại Tây Ninh, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo mỹ thuật Đông Nam bộ lần thứ I năm 2023. Tham dự có Nghệ sĩ nhân dân Vương Duy Biên- Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội...

KOSTAKI VÀ BỘ SƯU TẬP VỀ TRÀO LƯU TIÊN PHONG NGA

  Khi nói về giới sưu tập nghệ thuật Nga, chúng ta không thể không nhắc tới Georgy Dionisovich Kostaki (1913-1990), một con người mà tầm nhìn về nghệ thuật và chính trị vượt trước thời đại...