ÔNG NÓI CH… NÓ CŨNG CHẲNG NGHE ĐƯỢC

Hắn là một họa sĩ, kém tôi 8 tuổi, và tất nhiên hắn gọi tôi là anh…dù hình như vợ hắn và tôi bằng tuổi nhau. Tôi cũng coi hắn như em và gọi hắn là chú. Tuy quen biết nhau nhưng thực lòng cũng chỉ biết sơ sơ. Biết tôi chơi tranh nên thỉnh thoảng hắn lảng vảng ghé thăm.
Hắn có tài vẽ thuộc loại kha khá, có tranh trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, và cũng đôi ba lần cũng được Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng giải thưởng.
Trước kia hắn theo học hội họa Khóa Kháng chiến ở Đại Từ, Thái Nguyên cùng với Lê Huy Hòa, Trần Lưu Hậu, Trọng Kiệm, Mai Long. Nói tới đây hẳn bạn đọc cũng đoán được hắn là ai rồi. Hắn chính là Lưu Công Nhân.
Hồi năm nào tôi nhớ không rõ nhưng chỉ biết lúc ấy hắn và vợ hắn đã sinh được một cậu con trai. Đầu năm học hắn có nhờ tôi mua một bộ sách giáo khoa cho đứa con theo học ở trường tiểu học (vì tôi ở trong ngành giáo dục nên việc tìm kiếm sách cũng dễ). Nhận được sách rồi mà mãi chưa thấy hắn trả tiền cho tôi. Chắc hắn quên tiệt mất hay hắn coi như vớ được của rơi nhỉ?!

LƯU CÔNG NHÂN – Đào Dã, Phú Thọ. Màu nước

Cũng có lần, hắn có mời tôi đến nhà chơi. Căn nhà một tầng trông như một sân khấu vừa mới diễn vở xong.
Lúc ấy, trên tường treo một bức tranh sơn dầu rộng bằng nửa chiếc chiếu con, vẽ hình chiếc xe “cuốc”, loại dùng cho các cua-rơ đi thi xe đạp. Tôi trông chẳng nghệ thuật một tí nào. Ngoài ra, còn có một bức tranh nhỏ cỡ bằng chiếc cặp da vẽ một chiếc lọ đề hai chữ “Đại Phong”. Tôi nghĩ bụng “thằng cha này lại cũng hóm nhỉ, học mót kiểu Trạng Quỳnh” cơ đấy. Hắn đem câu chuyện trên để vẽ đề tài cho bức tranh, cũng kể coi như là độc đáo.
Có lần, hắn khoe với tôi bán được bức tranh cho Bảo tàng Mỹ thuật được hai nghìn đồng, tính tương đương với giá 10 cân thịt heo và chưa được 10 đô-la theo giá chợ đen thời điểm 1985. Số tiền đó hắn hào phóng đưa cho vợ một nghìn bảy trăm đồng, còn ba trăm đồng hắn giữ khao bạn bè bia bọt.
Có lần, vào sáng ngày mồng 3 Tết, hắn lò dò đến nhà tôi, trên người mặc chiếc áo len cổ hình trái tim màu lông chuột, chiếc quần ka-ki màu cứt ngựa, chân đi đôi giày ba-ta đã mòn gót. Theo phép lịch sự tôi bày mứt kẹo, rót rượu ra mời hai bên nâng cốc cùng nhau chúc tụng ngày Xuân vui vẻ hoan hỉ lắm. Lúc ra về, hắn rỉ tai tôi bảo mượn nóng ba mươi đồng. Tôi nghe thật ngại quá vì biết tính anh chàng nhiều lần vay mà hình như hay quên, không mấy khi trả nợ. Tôi từ chối bảo “đào đâu ra tiền bây giờ”. Lúc ấy, thực ra nhà tôi tuy không dư dả nhiều nhưng trong tủ lúc nào cũng có bạc trăm.
Hắn nói: “Ông ky bo bỏ mẹ, giàu có thế, nhiều tiền cổ Nhật, Việt Nam, báo chí đều ca ngợi là người có điều kiện mà ông lại kêu là không có, ông nói thế ch… nó cũng chẳng nghe được”. Thế rồi hắn vùng vằng ra về. Tôi cố gọi hắn quay lại để xoa dịu nhưng hắn bước thẳng, không thèm quay lại… Ồ, cũng là người có khí chất đấy.
Vài tháng sau, tôi gặp hắn ở cửa hàng Cà phê Lâm, hắn gọi tôi và gọi thêm một cốc cà phê mời tôi uống. Tính hắn phổi bò, chuyện đâu bỏ đấy, chẳng thích giận ai, chẳng để bụng chuyện gì. Hắn hồ hởi báo cho tôi biết hắn sắp triển lãm tranh và mời tôi tới dự. Cuộc triển lãm thành công, cũng bán được dăm mười bức. Sau cuộc triển lãm, có tiền rồi, hắn dự định sẽ du ngoạn đó đây.
Được ít lâu sau, tôi nghe được tin buồn, hắn đã ra đi ở tuổi 77.
Bây giờ, hắn đã trở thành người thiên cổ từ bao giờ rồi, không biết ở dưới âm phủ hắn có nhớ đến “lão ky bo” đáng ghét ở trên trần gian này không?

Nguyễn Bá Đạm

Tin cùng chuyên mục

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Có thể bạn quan tâm

Nhà điêu khắc Nguyễn Hoàng Ánh – Người giữ nhịp cho nền điêu khắc miền Nam giai đoạn 1986 đến nay

  Lịch sử khai sinh và hình thành nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam nói chung từ thời kỳ nghệ thuật Đông Dương cho đến cuối những năm thập niên 80 của thế kỷ 20 đã sản sinh ra khá nhiều...

TRƯỜNG MỸ THUẬT VIỆT NAM KHÓA TÔ NGỌC VÂN (1955-1957)

I. TÓM LƯỢC Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam khai giảng tại Hà Nội ngày 15 tháng 11 năm 1945, theo Nghị định của Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục, ông Vũ Đình Hòe, ký ngày 8 tháng 10 năm 1945, do...

CHIẾC ĐỒNG HỒ CỦA BÙI XUÂN PHÁI

  Nhiều người đã bất ngờ và thú vị khi xem mặt sau của một bức họa vẽ trên giấy của họa sĩ Bùi Xuân Phái có dòng chữ do chính ông viết: “Tiến tới cần một xe đạp riêng và một đồng...

SẢN PHẨM ĐẸP MỘT THỜI CỦA CÔNG TY TRẦN HÀ

  Từ hồi còn trẻ, tôi đã nghe tiếng Công ty Mỹ nghệ Thành Lễ. Đồ mỹ nghệ của công ty này được xuất ngày càng nhiều, có cửa hàng sang trọng trên đường Tự do… Sau này, kiến thức sách...

Thông báo về triển lãm mỹ thuật khu vực VIII Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 26 năm 2021

 ...