Con trâu là đầu cơ nghiệp… nay đâu?

Năm 2004, tôi được mời sang Bordeaux tham gia một dự án Nghệ thuật. Một ngày cuối tuần đi dạo ven dòng sông Ga-Rôn cùng giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Dominik Lobera, tôi bắt gặp 17 cụm tượng thép lấp ló sau những hàng cây và bụi cỏ. Những cụm tượng đó hòa với thiên nhiên lúc ẩn lúc hiện rất hài hòa. Tôi hỏi thì được biết cụm tượng đó kể về 17 truyền thuyết của dòng sông Ga-Rôn, được một thị trưởng của Bordeaux cho dựng lên để tưởng nhớ…
Đó là truyền thuyết về những người đánh cá, những thủy quái trên dòng sông từ thời hồng hoang, những khủng long thời tiền sử, những người chinh phục dòng sông thời hiện đại, những con thuyền ra khơi phía cửa biển…Những truyền thuyết nhỏ nhoi nhưng gắn với đời sống cư dân hai bên dòng sông. Tôi thực sự ấn tượng với những cụm tượng thép hàn hiện đại nhưng lại kể những câu chuyện cổ xưa.
Dòng Ga-Rôn chảy qua Bordeaux hàng năm còn có lễ hội dòng sông kéo dài một tuần, bắn pháo hoa và nhiều những nghi lễ tôn vinh cho lịch sử và truuyền thuyết của dòng sông.

Bất chợt, tôi chạnh lòng nhớ về Hà Nội, nhớ về dòng sông Cái -sông Mẹ – mà có thời người ta còn gọi là Nhị Hà, hoặc giờ đây trên văn bản hành chính là sông Hồng.

Sông Mẹ là con sông đưa phù sa về hàng năm, góp phần kiến tạo nên châu thổ Bắc Bộ, nuôi sống hàng triệu dân cấy lúa từ nhiều ngàn năm nay. Với con trâu và cây lúa, châu thổ hình thành và lớn dần lên thành Việt Nam hôm nay.
Có nhiều truyền thuyết bên dòng sông mà tiền nhân đã dựng đền thờ và có những hội lễ hàng năm như Đền Chử Đồng Tử, đền Lý Ông Trọng và nhiều đền miếu khác có liên quan đến vùng đất lịch sử hai bên sông mà tôi chưa biết hết.

Tranh cổ động của họa sĩ Giang Tô – Trâu bò béo khỏe – sức kéo càng tăng

Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Trên tất cả tôi cảm thấy chúng ta còn thiếu mất điều căn bản nhất mà không ai nghĩ tới, bởi điều này bình dị quá, quen thuộc quá, đến nỗi không ai nghĩ nó là vĩ đại trên tất cả mọi vĩ đại. Đó là người nông phu, cây lúa nước và con trâu cày.
Một bạn hỏi tôi, ở góc độ nghệ thuật thì anh làm gì với cách nhìn của anh. Tôi trả lời mà không cần đắn đo: “Nếu tôi có quyền phát ngôn và ra lệnh thì trước tiên tôi sẽ cho làm cụm tượng có người nông dân cây lúa và con trâu dựng bên bờ sông Hồng, ngay cửa ngõ vào Thủ đô”.
Chính hôm nay các nhà chính trị, những người làm nghệ thuật còn nợ mảnh đất này bức tượng đáng được dựng trước nhất như đã nói ở trên.
Có người nông dân, có cây lúa nước và con trâu thì mới có đất nước này. Có nó mới có mảnh đất cho người anh hùng vùng vẫy lập nghiệp. Điều giản dị ấy mà có mấy ai nhớ, và mấy ai nghĩ đến để tôn trọng nó.

Cái bình thường chính là cái vĩ đại nhất.

Nhà văn Nguyễn Văn Bổng thuộc lớp đàn anh của thế hệ nhà văn hiện nay đã từng có tiểu thuyết mang tựa đề “Con trâu”. Tiểu thuyết từng được trích đoạn đưa vào sách giáo khoa những năm chiến tranh. Đọc nó mới biết con trâu thời kháng chiến được bảo vệ như thế nào. Như sinh mạng người!
Thành ngữ Việt thì nói “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Đời một con người có ba việc lớn phải làm mới thành được là: tậu trâu-cưới vợ – làm nhà; “con trâu là đầu cơ nghiệp”; không có trâu khó nên cơ nghiệp!

Hồi ấy, khi đi cày bố tôi không cho dùng roi hối trâu, ông bảo nó kéo cày mà chỉ được ăn cỏ, mình không cày mà ăn cơm với thịt. Trâu ăn giả làm thật, giúp mình làm ra miếng ăn, không được đánh nó. Nó như người, chỉ có điều không biết nói thôi.

Nửa thế kỉ trước, nhà bán con trâu tháu, bố tôi cầm bọc tiền rồi còn đứng nói chuyện với trâu, dặn dò nó như nói chuyện với con cái. Động tác chia ly cuối cùng là vuốt nhẹ má trâu rồi xoay người vỗ vào mông nó ba cái trước khi người mua dắt trâu đi.
Tôi còn nhớ cái thời kháng chiến, xã tôi có tên là xã Vinh Hòa, sau đổi là Hùng Cường, Bản ngoại…Con dấu ủy ban có hình chữ nhật đóng mực đen. Thời ấy, con trâu được kính trọng như người.

Tranh cổ động của họa sĩ Giang Tô – Trâu bò béo khỏe – sức kéo càng tăng

Đừng nói chuyện thịt trâu dễ dàng như hôm nay. Một ông trâu ra đi là đầy thủ tục. Người ta chỉ có thể được phép thịt trâu ngã nước chết, trâu chết rét hoặc bị thụt đầm lầy không lên được, trâu già yếu đi không vững, không còn khả năng làm việc. Một con trâu “ra đi” phải có người của Ủy ban xã khám nghiệm hiện trạng, lập biên bản kết luận và cho phép giết thịt vì hết khả năng làm việc và cấp giấy “sát sinh” có con dấu vuông mới hợp lệ. Còn phải nộp thuế má hẳn hoi!. Không có chuyện hối lộ đưa tiền để được giết thịt.

Thịt một con trâu mất bao nhiêu thủ tục. Còn người giết thịt cũng lặng lẽ xót thương. Khi phang dao và con trâu già hấp hối, người ta không dám nhìn vào mặt trâu…đi nhẹ nói khẽ trong lúc mổ thịt như đưa tiễn một sinh linh.

Hình ảnh con trâu trong tâm tưởng của tôi đến giờ vẫn thiêng liêng.

Hôm trước về quê có việc hiếu, tôi thấy trong mâm cơm có đĩa thịt màu nâu xào rau cần. Cậu lái xe bảo chắc thịt bò vì trâu thì phải đen hơn. Chú em tôi lắc đầu bảo thịt trâu đấy. Bây giờ ở đây ngày nào người ta cũng giết thịt trâu. Trâu nào cũng thịt, chẳng cứ trâu già. Bây giờ người ta hay thịt trâu tháu. Trâu tháu thịt mềm nhưng nhạt hơn thịt trâu già một tí. Người ăn thịt giờ nhiều. Thịt trâu giá lại đắt hơn bò, nên trâu chưa kịp già đã thịt. Hạ sát một con trâu bây giờ dễ như mổ gà giết lợn. Vị thế con trâu bây giờ không còn được như cách đây nửa thế kỉ nữa. Khi có máy cày tay thay sức trâu là người ta trở mặt ngay với trâu. Thời hiện đại, nhiều ngành nghề mới được mở ra, làm nông không phải việc duy nhất. Rồi ruộng đất ít đi , việc canh tác thu lại, vai trò sức kéo của trâu mờ nhạt dần. Bây giờ trâu sống nhàn hơn, nhưng tuổi thọ thì ngắn xuống còn một nửa. Cụ Huân già xóm cũ quê tôi tuổi đã gần một thế kỉ, hiện “vẫn sống lập lòe đầu xóm”, mỗi khi thấy một con trâu khỏe mạnh bị giết thịt, ông phều phào buồn bã bảo: “Con người là giống vô ơn bạc ác cậu ạ!”. Ông chỉ nói được đến đấy rồi chảy nước mắt. Dòng nước mắt khô hạn của người thợ cày mướn trong làng giờ như nước rỉ sắt, có một tí nâu đỏ mà như có máu trộn ở trong.

Hôm nay ở Tam Nông Phú Thọ không biết ai nghĩ ra thứ lễ hội cột trâu rồi cho trai tráng lấy vồ thay nhau đập cho đến chết để cầu phúc cầu may. Hội chọi trâu gì đó ở Bắc Ninh lại thấy có một phóng viên viết trên tờ báo nọ khen thịt trâu năm nay mềm ngọt. Những đám người hôm nay nhăn nhở làm cái việc hãm hại gia súc kia một thời cha ông họ đã ngắm đít trâu để sống vậy mà…Không biết sự bạc ác đến với họ tự bao giờ.
Làng tôi giờ hình như chỉ còn mỗi ông lão Huân, người thợ cày mướn già là còn biết khóc cho trâu!

Đỗ Đức

Tin cùng chuyên mục

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Có thể bạn quan tâm

MÀU THỜI GIAN, MÀU KÝ ỨC

  Màu thời gian luôn hiện hữu trên tác phẩm của người nghệ sĩ trôi chảy bốn mùa đồng vọng của xứ sở nhiệt đới Việt Nam. Từ cao nguyên nắng gió phương Nam đến vùng cao xứ lạnh phương...

TRIỂN LÃM MỸ THUẬT KHU VỰC VIII (ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG) LẦN THỨ 25 NĂM 2020

Triển lãm tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp và không khai mạc. Triển lãm trưng bày 406 tác phẩm của 278 tác giả. Trong đó 128 tác phẩm của 76 tác giả là hội viên Trung ương và 278 tác phẩm của 202 tác...

MỘNG BÍCH – CÂY ĐẠI THỤ CỦA LÀNG TRANH

  Họa sĩ Mộng Bích  (Nguyễn Thị Mộng Bích) sinh năm 1933, quê huyện Từ Liêm, Hà Nội. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (trung cấp  1956-1960, đại học 1965-1970) . Từ 1960, bà là...

Thông báo về triển lãm mỹ thuật khu vực I Hà Nội lần thứ 26 năm 2021

 ...

Tuyệt tác trên Cửu Đỉnh lên tranh khắc gỗ

TTH – Những hình ảnh về giang sơn Việt Nam được khắc trên bảo vật quốc gia Cửu Đỉnh đã quá quen thuộc với những ai từng đặt chân vào tham quan bên trong Hoàng cung Huế, nay qua sự tiếp biến...